Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Những ngày không thể quên


Ngày tưởng nhớ ông nội....
Từ khi bắt đầu biết nhớ những năm tháng tuổi thơ của mình thì tôi đã không thể quên ngày 25-12 hằng năm.
Ba tôi kể rằng ông nội mất trong chiến tranh, không ai nhớ ngày chính xác ngày mà ba tôi cũng không thể về chịu tang ông nội, lúc đó, ông chưa đến 40 tuổi. Ông nội tôi là thầy thuốc Bắc, hiền đức, tận tụy, ông theo đạo Tin Lành. Chính vì vậy, hằng năm, gia đình tôi chọn ngày 25-12 để họp mặt tưởng nhớ đến ông nội. Năm nào cũng vậy, khoảng 1 tuần trước đó, tôi đã thấy bà nội chuẩn bị nhiều thứ, bánh trái, dọn dẹp nhà cửa. Và nhất định phải có món xôi vò ăn với gà quay (mà phải là gà lôi), và còn cơm rượu, bánh bò, thứ nào bà nội cũng tự làm. Nhà thì thể nào cũng phải có một ngôi sao to treo giữa phòng khách và chị em tôi rất nôn nao đón Noel. Có năm còn được ba mua cho cây thông, chị em lúi húi làm hang đá, mặc dù nhà tôi không theo đạo, không đến nhà thờ nhưng với tôi, lễ nửa đêm ở nhà thờ là một điều gì đó rất diệu kỳ và những ngày Noel là những ngày tôi chờ đợi.

Đến ngày 25-12-1974, tôi lấy chồng

Tối ngày 23-12, tôi có bữa tiệc nhẹ mời bạn bè trong phong trào. 37 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ cái đèn ngôi sao màu vàng mà chị tôi đã chọn để thay cho cờ đỏ sao vàng. Rồi món quà là cặp gối thêu dòng chữ: "Tương lai tươi sáng" của chị Dung từ nhà tù Tân Hiệp gửi tặng, rồi bài thơ của anh .... Trong vòng tay yêu mến của bè bạn:
"Ngày mai, trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi..."

Tối ngày 24, xếp áo quần vào valise, nước mắt ngắn dài, buổi sáng hôm đó đã đốt hết mấy quyển nhật ký và 3 lá thư của... Ba tôi không cho tôi lạy xuất giá vì biết tôi sẽ...không chịu đựng nổi! Bà nội cũng không dám nói gì nhiều, thỉnh thoảng, nhắc: con nhớ đem theo cái này, cái nọ. Tuyệt nhiên bà không dặn: "về nhà chồng con phải..". Gần tối, dì ba của tôi đến, tôi ôm dì khóc ròng, hai dì cháu không nói được thêm câu nào. Khoảnh khắc ấy, cảm giác ấy, đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ, sao dì không phải là má của con??

Những ngày 25-12 sau 1975

Thỉnh thoảng tôi mới về dự lễ tưởng nhớ ông nội, không khí rộn ràng của những ngày Noel thơ dại không bao giờ còn nữa. Gia đình của tôi cũng mỗi người một phương...
Mỗi năm ,đến Noel, tôi chỉ còn nhớ và đếm: vậy là chúng tôi cưới nhau đã được...năm. Mặc dù nghèo, nhưng ngày cưới vẫn là ngày thiêng liêng vì chúng tôi đã chọn để gắn kết cuộc đời nên một món ăn ngon hơn bình thường một chút, một vòng dạo chơi vườn hoa với các con cũng đáng được gọi là kỷ niệm. Cứ vậy, chúng tôi vẫn "tổ chức" kỷ niệm ngày cưới hằng năm để nhắc nhớ cho mình, cho các con: hãy yêu thương nhau nhiều hơn. Khi đi đâu xa, chồng tôi vẫn gửi quà, gọi điện thoại cho tôi (dù những năm ấy, chỉ được gọi nhờ điện thoại của cơ quan!). Có khi ngày kỷ niệm không được tổ chức đúng vào ngày 25-12 nhưng chưa bao giờ chúng tôi bỏ quên!
Cho đến...một ngày, cách đây hơn 20 năm, tôi vô tình khám phá...một sự thật diễn ra đúng vào ngày 25-12. Điều ấy đã khiến tôi, từ đau khổ tưởng chừng không gượng dậy nổi đến chai sạn, lì lợm để nghĩ rằng: chẳng bao giờ còn có ngày kỷ niệm này nữa. Vết thương nếu không lành thì người bị thương sẽ chết, nếu nó lành thì (dù nhanh hay chậm) thì mình vẫn phải tiếp tục trả nợ đời. Đơn giản vậy thôi!
Cuộc sống chưa có phút giây nào ngừng lại và cứ thế, tôi tiếp tục...gồng mình! Nỗi đau rồi cũng qua đi, tôi sống và làm việc như điên nhưng vẫn vô cùng tỉnh táo. Và có lẽ chính vì tôi giỏi chịu đựng nên mọi sự thay đổi theo chiều hướng thuận lợi hơn. Tôi vẫn cứ lòng dặn lòng: hãy quên những điều không đáng nhớ! Và rồi...tôi đã quên để bắt người khác phải nhớ và biết đến lẽ phải.

Ngày 25-12-2007

Ba tôi bệnh ngặt nghèo, chắc chắn không qua khỏi nhưng dĩ nhiên, chúng tôi không cho ba biết. Gần đến ngày 25, ba dặn tôi: năm nay, tổ chức kỷ niệm cho ông nội ở nhà ba nghe con, con mời hết các cô chú, con cháu về đông đủ cho ba, vậy mới vui và đúng nguyện ước của ông nội. Và ngày hôm đó, ba tôi rất vui và tỉnh táo lạ thường, ăn uống cũng khá hơn mọi ngày. Chiều, ba đã nhắc tôi: con tắm cho ba, thay bộ pyjama mới để ba chuẩn bị đón cháu cố. Tôi làm đúng theo yêu cầu của ba mà nuốt nước mắt, tất cả chúng tôi đều biết đây là lần cuối cùng, ba có mặt trong lễ kỷ niệm của ông nội. Đầu năm 2008, ba tôi qua đời.

Ngày 25-12-2011
Sáng mai, cà nhà về BT, tổ chức kỷ niệm cho ông nội. Đủ mấy chị em của tôi và các cô chú. Tôi đã đặt bánh khúc củi ở Givral với dòng chữ "Thành kính tưởng nhớ", đúng theo truyền thống gia đình vì ngày xưa, ba tôi đã làm như vậy. Chúng tôi sẽ sum họp, thắp nhang cho ông nội. Tôi chỉ biết ông qua hình thờ nhưng ba tôi thường hay kể chuyện về ông nội bằng lòng biết ơn, sự nể phục. Ông không được đi học nhưng đã nuôi ba tôi và các chú ăn học trong hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ. Và với cả gia đình tôi, ông là tấm gương soi sáng cho nhiều thế hệ.

Ngày 25-12 cho riêng mình

Vậy là chúng tôi đã sống cùng nhau đúng 37 năm. Con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, cuộc sống đầy đủ từ tinh thần đến vật chất. Có lẽ, tôi cũng không mong ước gì hơn. Những khúc quanh rồi sẽ dẫn về lối thẳng, từ nơi tăm tối, sẽ tìm ra đường sáng.
Tôi muốn nói lời cám ơn tất cả những gì tôi đã nếm trải.


Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Trời trở lạnh cho...lòng mình...ấm!

Hai, ba ngày nay, SG hơi lạnh, đêm ngủ ngon, sáng sớm se lạnh, thấy thú vị hơn với những công việc quen thuộc hằng ngày...
Mọi công việc liên quan đến kỷ niệm 20 năm xem như kết thúc ngày hôm qua, với BTC và những thành viên có liên quan.

Không hiểu có ai "xót thương" mình không mà chỉ nghe toàn những lời khen. Kể cả phim mà với mình...là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Kịch bản cũng sửa, dựng phim cả chục lần, sửa đến nỗi thuộc từng chi tiết. Quỹ thời gian của tôi chỉ có vậy, tư liệu tôi phải tự tìm kiếm, tôi chưa có chút kinh nghiệm làm đạo diễn...Chắc tại bài ca của mình dài quá, thê lương quá nên đâu ai dám góp ý gì nữa! Nghĩa là lên thớt nhưng không có bị...chém! Thời gian đâu còn mà cứ điều chỉnh hoài. Phim đã rút ngắn theo yêu cầu, có phụ đề tiếng Anh theo yêu cầu, điều chỉnh các chi tiết theo yêu cầu....gần như là đã thực hiện 90% các yêu cầu trong thời gian kỷ lục!
 
Có nhân viên "bình luận" rất dễ thương như thế này: "Cô thấy hông, suốt thời gian phim được chiếu, ai cũng chăm chú theo dõi, vừa dứt phim là người ta vỗ tay liền, không có đợi nhắc, vậy là phim ngon rồi, tối nay, cô về ngủ ngon đi!". Suy nghĩ đơn giản thì mọi việc sẽ giản đơn. Cám ơn em.

Bản tin thì khỏi nói là được khen lắm lắm nhưng không ai có nỗi xúc động như tôi: bây giờ mình có tiền, có phương tiện hiện đại thì Bản tin đẹp là đúng rồi. Năm 2004, tôi cũng đã từng là P.TBT của Lotus Info với giấy đen, quay roneo (khá hơn Văn Khoa một chút!) nên tôi cứ bàng hoàng khi nhìn 20 trang Bản tin này, sản phẩm mà với không đầy 2 tháng, tôi không nghĩ là sẽ có được.

Tôi nhớ những lời động viên, khích lệ của các anh chị cùng phòng, nhớ những sự chịu đựng của các nhân viên khi tôi "thịnh nộ", nhớ những ngậm ngùi của chúng tôi khi mong muốn thì nhiều mà thực hiện chẳng được bao nhiêu. Nhớ những giờ phút "đứng tim" khi NXB báo nếu không có giấy phép thì...không in mà thời gian xin giấy phép ở Sở là...2 tuần!

Tôi nhớ những đêm mất ngủ, nhớ những lúc đầu óc như...đặc quánh, không còn chữ nghĩa gì nữa, nhớ những lúng túng khi thấy phim chưa hay mà không biết phải sửa như thế nào, nhớ những khi nghe báo: hết chỗ, bài này ngắn quá! (cô viết thêm ngay bây giờ giùm em!) hay là: hết đất rồi! (cô ơi, cắt bớt giùm em...) Những tình huống này quen thuộc vì đã gặp khi làm báo ở Văn Khoa và lúc làm Lotus Info.

Rồi những lúc sức khỏe như là cạn kiệt, mình có còn là mình nữa không? Làm sao bây giờ...?!

Tất cả qua rồi, mọi lời cám ơn...như thành vô nghĩa. Mình cũng phải tự cám ơn những nỗ lực của chính mình nữa...

Trời trở lạnh cho...lòng mình...ấm.
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Khi tôi biết...sảng khoái!

Không hiểu sao tối qua không ngủ được, những chuyện xưa và nay bỗng lũ lượt kéo về, đầy kín...và dĩ nhiên, có vui, có buồn.
Đến 24g, vẫn cứ...trắng mắt, đọc báo, mở TV, không có chút hứng thú, sao cái gì cũng vô duyên, nặng nề quá!
Thôi, đành tiếp tục nhắm mắt cho...lòng mở toang!
Chẳng biết đến khi nào...ngủ quên, 4g00 lại thức, thua rồi!
Cố gắng nằm lại giường chứ không mở laptop, đến 5g00, khó chịu quá, lại mở TV, thấy đang nói về bệnh thoái hóa khớp, bệnh của mình đây mà! Nghe những điều đã biết hết rồi, vấn đề là "bệnh trời đã cho" thì ráng mà"... "giữ lấy làm của"!

Rồi ngày mới cũng đến, ăn sáng, vào trường, chợt nhớ, phải duyệt maquette cuối cùng của Bản tin để chuyển nhà in.
Nhìn trên máy tính, từng trang báo lần lượt hiện ra, đẹp và đầu đủ hơn mong đợi. Sản phẩm đầu tay đây rồi! Lòng xôn xao, xúc động như khi cầm trên tay tờ báo Nữ sinh viên. Ai đã có "một thời làm báo" mới chia sẻ cảm xúc này.  Bao nhiêu thời gian và trí tuệ...không chịu trách nhiệm thiết kế nhưng người thiết kế hiểu được ý tưởng của Tổng biên tập nên giờ mới có sản phẩm này. Ôi, sao mà sung sướng! Tôi muốn ôm các em mà hét to lên: "Bản tin Hoa Sen số ra mắt đã quá!!!". Vậy là xong một nhiệm vụ. Các em còn nhận xét: "Bài của cô hơi bị nhiều, cô đổi tên tác giả đi cô!". Tên gì nhỉ!? Ngọc Trân, đây là bút hiệu một thời của tôi ở Văn Khoa, tôi chạnh lòng nhớ đến...và tim nhói đau!

Đến phim "Hành trình 20 năm", tôi xem lại lần nữa, điều chỉnh để chiều nay người ta giao phiên bản cuối cùng. Tổ Kỹ thuật sẽ chép USB làm quà tặng cho GV-NV và khách mời. Với khách mời thì còn phải phụ đề tiếng Anh nữa, tôi không dịch nhưng phải biết đưa phụ đề vào phút nào, giây nào của phim cho phù hợp...Chiều hôm qua, làm 3g mới xong công đoạn này! Thì cũng xem như xong thêm một công việc nữa đi. Thời lượng của phim 25p, mất 2 tháng để làm! "Đạo diễn" bất đắc dĩ này chưa mất chức! Lý do đơn giản là...cực quá nên chẳng ai thèm làm!

Còn  web "Nhật ký hành trình 20 năm" thì hơi "bèo" một chút, vẫn đang cập nhật...

Hôm nay, tôi sảng khoái, tôi cười, tôi vui bởi vì tôi đôi gánh trên vai đã bớt nặng oằn!
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Nhớ anh Tri Chính

Hôm nay, ngày mồng 10 tháng 11 là ngày giỗ của anh Tri Chính, người anh Văn Khoa năm xưa của tôi.

Tôi mến mộ anh Tri Chính từ khi còn là độc giả của báo Tuổi Hoa và không ngờ, có một ngày được gặp, làm việc cùng với anh và anh chính là Nguyễn Tri Chính.
Anh hiền lành, ít nói, hay cặm cụi làm việc. Anh có đôi mắt sâu với đôi chân mày rậm đến phát...sợ nếu nhìn lâu.

Khi tôi bị bắt ở Cảnh sát Quận 1, vì tôi làm báo chung với anh nên đêm đó, tôi và chị Quế đều rất hồi hộp. Nghe tiếng xích sắt khua, một phòng giam nào đó vừa được mở cửa là chúng tôi lại hé mắt nhìn xem có phải anh Chính vào không? Và cứ vậy, chúng tôi thức đến sáng, tiếp tục lo lắng vì rất có thể anh đang ở trong một phòng giam đâu đó.

Tôi còn nhớ, lúc nhà anh còn ở Hàng Xanh, thỉnh thoảng, tôi và người yêu có ghé chơi, anh hay cười cười nhắc tôi: "Nè, em đừng có ăn hiếp thằng...nha, tội nghiệp nó!". "Trời, bộ em dữ lắm hả? Em chỉ lanh thôi, em có ăn hiếp ai đâu?!". Anh chị và cả hai bác tiếp chúng tôi rất chân tình. Trong ngày cưới tôi, chị Mai, cô gái Đà Lạt "chính hiệu", với chiếc áo dài màu tím đã say sưa hát...

Sau 1975, thỉnh thoảng tôi có gặp lại anh trong những lần họp mặt, vẫn rất vui vẻ, thân tình và anh cũng có về chơi nhà tôi tại Mỹ Tho. Những lần đám cưới con anh, tôi đi dự đầy đủ, thầm khen anh chị đã khéo nuôi dạy các cháu.

Vẫn tưởng, dòng đời cứ trôi, mặc dù, cuộc đời anh, không phải là không có sóng gió. Anh cũng đã đôi lần chia sẻ với tôi.
Nào ngờ, anh phát bệnh, thời gian đầu, anh vẫn lạc quan vì anh đâu biết anh bệnh ngặt nghèo. Chị Mai đã báo với chúng tôi. Nhưng nhìn anh vui vẻ như thế, chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Những ngày cuối đời của anh rồi cũng phải đến. Chiều hôm ấy, chúng tôi hẹn nhau đến bệnh viện Chợ Rẫy, cái box... quen thuộc đây rồi! Anh không nói được, nhìn chúng tôi hết lượt (mỗi người vào thăm một chút) và...chảy nước mắt. Chúng tôi xót thương anh, chẳng biết làm gì, ngoài những cái nắm tay chặt hơn, những ánh mắt quay đi, che giấu. Anh bị phù khắp người, phải thở bằng máy, mắt vẫn nhìn mà không nói được. Có đau đớn nào hơn! Bạn bè vẫn đang ở quanh anh đây, anh Chính ơi!

Chúng tôi bàn bạc với chị Mai, dặn dò Tri Quang những việc cần làm để lo hậu sự cho anh. Ngày hôm sau, anh về nhà và ra đi mãi mãi. Lại thêm một bà mẹ già trong cảnh "tre khóc măng". Tôi rất sợ tình cảnh này, đặc biệt là sau khi má và dì của tôi mất, vậy mà, tôi cứ phải chứng kiến nhiều lần, ngay chính tại gia đình của những người bạn trong phong trào.

Hằng năm, ngày giỗ anh, bạn bè lại đến thắp cho anh nén hương, hỏi thăm mẹ đôi điều, và rồi, mỗi người lại mỗi nẻo.

Hôm nay, nhắc một chút kỷ niệm về anh, để bạn bè cùng nhớ thương anh, một người anh, một người bạn, đã một thời cùng chúng tôi san sẻ...

Ở cõi vĩnh hằng, anh hãy ngủ yên sau những năm tháng làm đẹp cuộc đời bằng những tác phẩm hay. Nơi ấy, không có đớn đau, bệnh tật, chỉ có hoa nở, chim hót, và những lòng thanh thản, không còn vướng víu bụi trần...

Mồng 10 tháng 11 năm Tân Mão
Đọc tiếp ...