Thứ Bảy, 20 tháng 10, 2012

Có hay không, một tuổi trẻ vĩnh viễn?

(Tặng BS Đỗ Hồng Ngọc và các bạn có ngày sinh trong tháng 9 và 10)

Khi tôi 40 tuổi, tôi bắt đầu có cảm giác sợ già, bởi vì số "4" nhiều hơn số "3", bởi vì, 30 tuổi em hãy còn xuân nhưng đến 40 thì...xuân có còn nữa không?! Nhiều đêm, tôi tự hỏi rồi băn khoăn, ray rứt, tóc đã có vài sợi bạc, nở nụ cười trước gương xem thử...đã có vài dấu chân chim khiến tôi hơi ngậm ngùi. Chẳng lẽ vĩnh viễn không còn nụ cười trên môi, trong mắt đã từng làm xao xuyến lòng ai....

Rồi 10 năm sau, tôi 50 tuổi, ngày tháng vùn vụt trôi qua, nhanh đến chóng mặt. Lúc này, gia đình tôi đã có thêm những thành viên mới: con dâu rồi cháu nội. Sức khỏe tôi cũng bắt đầu có nhiều vấn đề, "Gió heo may" đã về thật rồi! Nhưng nói là nói vậy thôi, tôi vẫn còn làm việc và công việc cứ cuốn tôi đi. Đôi lúc, cũng có băn khoăn về tuổi tác, khi nhận sổ hưu và...tiếp tục ký hợp đồng dài hạn để làm việc tiếp...Thỉnh thoảng. nghỉ vài ngày vì bệnh thì đó cũng là lẽ thường.
Khi tôi trên 50 thì các bạn tôi gần 60, trên 60. Gặp lại nhau, chủ đề chính là thuốc men, chứng bệnh này, cái tật kia...Tôi nhận được nhiều tư vấn, đôi ba lời khuyên, có khi áp dụng được cho mình nhưng tôi nghe chỉ để mà...nghe! Tôi vẫn lập luận: "Mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh" và mỗi người có một tình trạng sức khỏe khác nhau nên tôi không để tâm cho lắm.
Theo trào lưu và được bạn bè khuyến khích, tôi tạo blog và viết say sưa. Một số entries của tôi được bạn đọc chia sẻ, cũng ấm lòng. Nhưng thỉnh thoảng, đọc lại, sao mà buồn vậy? Mà phải đâu, cuộc đời tôi không có những niềm vui, không được tận hưởng những hạnh phúc lớn lao? Vậy mà tôi đã thảng thốt:
            Khi ánh nắng xô vào khe cửa
            Em giật mình tỉnh giấc
            Bình minh rồi, ngày mới đã sang
            Nhớ gì thế em, đừng khóc!
            Bởi trong em đã có, mỗi ngày
            Bóng của một hoàng hôn!
"Bóng hoàng hôn" ấy có khi thấp thoáng, lúc thì che phủ tôi. Cứ như vậy, tôi dằn vặt triền miên trong những suy tư về thân phận, về "những nỗi buồn chẳng thể gọi tên"! Tôi đã tự nhắc nhở: "điểm phấn tô son lại" để "ngạo với nhân gian một nụ cười" bằng cách: "mỗi ngày chọn một niềm vui". Hằng ngày, mở blog, tôi vẫn thấy câu này nhưng rồi, cũng chính tôi lại than thở:
"Có người hỏi: vì sao tôi đã điểm phấn tô son mà vẫn chưa ngạo với nhân gian một nụ cười?! Quả đúng như vậy, ngày nào trước khi ra đường mà không trang điểm để làm đẹp cho chính mình, để thấy mình trẻ hơn tuổi với một nhan sắc đã từng...và bây giờ thì thôi, chẳng chờ mong, nuối tiếc".

Tôi cố gắng: "Hãy quên những điều không đáng nhớ" nhưng dường như đó chưa phải là lối thoát cho tôi vì khi tôi dặn mình "đừng nhớ" chính là khi tôi "không thể quên". Thật trớ trêu làm sao.
Thỉnh thoảng, có những đêm dài thao thức, tôi không biết làm sao cho qua được một đêm dằng dặc, mông lung:
              Đêm vẫn mong mênh
              Dài trắng mắt
              Trắng những cuộc tình
              Trắng cả những niềm tin...
Cứ quẩn quanh như thế, với những vui buồn bất chợt, những điều muốn quên nhưng vẫn nhớ, muốn bứt phá những vẫn tiếp tục bị ràng buộc. Có những ngày thấy trong lòng "thê lương, ảm đạm" quá thì tôi đã tưởng tượng mình đang đứng dưới cơn mưa to:
              Hãy đứng giữa trời mưa
              Cho gió làm roi
              Quất mặt, quất đầu
              Cho mưa làm kim
              Chích vào thịt da
              Để lòng tĩnh lặng
              Bước qua trăm ngàn nỗi đau
Mơ hồ, tôi cảm nhận mình chưa thật sự bước qua trăm ngàn nỗi đau. Tôi vẫn "tự tại" nhưng chưa "an nhiên", một ngày, đứng trước biển cả mênh mông, tôi đau xót:
              Buổi sáng bình minh
              Hoàng hôn tắt nắng
              Biển chẳng đổi thay màu
              Có con dã tràng
              Xe hạt cát li ti
              Sóng biển vô tình
              Cuốn trôi xa mãi
              Như em mỗi ngày
              Gom góp niềm vui
              Cất giấu nỗi buồn
              Giòng đời đưa đẩy
              Nỗi buồn ở lại
              Niềm vui ra đi...
Tôi vẩn luôn gom góp niềm vui, cất giấu nỗi buồn nhưng không hiểu sao, niềm vui thì lặng lẽ ra đi mà nỗi buồn thì cứ lì lợm ở lại.

Cho đến một ngày...tôi dự buổi trò chuyện: "Thiền và sinh viên" của BS Đỗ Hồng Ngọc. Thú thật, từ trước đến nay, tôi chưa tìm hiểu về "thiền" vì vẫn nghĩ, đâu đó, có màu sắc tôn giáo mà tôi thì, hơn nửa đời người, vẫn chưa có tín ngưỡng! Hơn nữa, muốn thiền thì tâm phải "tịnh", lòng phải "yên" mà tôi đã bao giờ có được sự tĩnh tâm này? Nhưng khi sức khỏe ngày càng "lên tiếng", những tiếng thật rõ ràng thì tôi nghĩ: sao không tự tìm giải pháp ngoài bác sĩ, thuốc men? Tôi đã từng thở than, bi lụy, nhưng tôi đã nghe BS chia sẻ định nghĩa về sức khỏe của tổ chức y tế thế giới: "Sức khỏe được hiểu là một tình trạng sảng khoái về: thể chất, tâm thần và xã hội". Còn bệnh tật thì ai mà không có, tôi cũng vậy thôi.
Khi nghe BS giới thiệu phương pháp "thở bụng", tôi chưa tin vào sự diệu kỳ của nó nhưng cũng kiên trì luyện tập, tại sao nhiều người làm được mà mình lại bó tay? Phải "quán niệm" hơi thở của mình vì hơi thở quí giá biết bao. Kiếp người bắt đầu và kết thúc bằng hơi thở.
Tôi còn tự học thêm những động tác nhẹ nhàng, phù hợp với đôi chân giãn tĩnh mạch của mình. Mỗi sáng, tôi xoa các huyệt trên mặt. Sau một thời gian, nghiêm túc nhìn lại, sức khỏe của tôi không quá tệ so với nhiều người cùng tuổi khác. Và chọn công việc, chính là lựa chọn đúng đắn của tôi. Tôi đã bình tâm để:
....."biết dửng dưng với điều không đáng nhớ, bàng quan với những điều không thể thay đổi, có thể chấp nhận thực tại như nó vốn có. tự tin vì vẫn còn cống hiến được cho đời, là nơi con cháu tìm về. Và cứ vậy, tìm niềm vui mỗi ngày để an nhiên mà sống".

Khi tôi 59 tuổi, nhân sinh nhật lần 60 của vài người bạn, tôi đã viết bài thơ: "Em vẫn trẻ"  với sự thanh thản của một người đã bỏ bớt những căng thẳng, những điều chưa hài lòng trong cuộc sống.

Giờ đây, đến sinh nhật lần thứ 60, tôi ngẫm nghĩ về một chủ đề mà tôi đã nghe BS Đỗ Hồng Ngọc giới thiệu: "Một tuổi trẻ vĩnh viễn", tôi lại vỡ ra nhiều điều thú vị. Trước đây, hình như tôi hay xét nét mọi người và với chính mình nữa. Vậy thì làm sao có thể "từ bi với chính mình" được? Tôi có nhiều suy nghĩ tiêu cực cho nên cuộc đời màu xám nhiều hơn màu hồng, để được gì? Không được gì cả! Trong khi tôi đang có: tình yêu (từ gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò), một gia đình vui vẻ, tại sao tôi không  thương người, thương mình bằng cách từ bi hỉ xả? Cuộc đời vô thường thì "sinh, lão, bệnh, tử" là điều phải chấp nhận. Đáng lý tôi phải: "Cám ơn cuộc đời", thay vì ủ rũ vì mới "bình minh" mà đã thấy bóng "hoàng hôn".

Ai cũng ao ước một "tuổi trẻ" (không phải là trẻ mãi không già) nhưng có lẽ vì chúng ta chưa biết sống một cách hồn nhiên, còn "tham, sân, si" nhiều quá và chưa thấy được "bình minh" .

Cám ơn cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã để lại cho đời lời hát: "Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh".

Cám ơn BS Đỗ Hồng Ngọc đẽ nói về "Một tuổi trẻ vĩnh viễn" đế cho một người, khi bước vào tuổi 60 như tôi, có dịp nhìn lại những chặng đường đã qua của mình, hạnh phúc khi nhận ra mình đang "hồn nhiên" và hy vọng sẽ có "bình minh" mỗi ngày với những tia nắng tươi vui, ấm áp.
       
   



Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012

Những ngày tháng 9

Ngày 6-9

Có sinh nhật của con dâu. Tên con là Thảo và con cũng luôn thảo hiền với mọi người. Mẹ vẫn nghĩ con là con gái ngay từ khi con bắt đầu về với mẹ.
Trong hơn 10 năm qua, hai mẹ con đã san sẻ biết bao buồn vui, mỗi khi có chuyện gì rối rắm, mẹ đều nói với con và luôn nhận từ con những an ủi, động viên chí tình, chí nghĩa.

Và con đã gởi một tin nhắn cho mẹ, khi đọc một ehtry trên blog của mẹ ở Yahoo cách đây vài năm:

" Đọc blog mẹ viết, con thổn thức nãy giờ. Cám ơn mẹ đã thương con. Lâu lâu mẹ cứ làm con rơi nước mắt. Mẹ khiến con hiểu rằng: Dẫu có thế nào thì mẹ và con luôn là sức mạnh. Vì vậy, thương con, mẹ nhớ: "Hãy yêu ngày tới dù quá mệt mỏi kiếp người, còn cuộc đời, ta cứ vui". Cho con nhắn lời cám ơn các dì, những người bạn tuyệt vời của mẹ."

Mẹ vẫn lưu giữ tin nhắn này trong điện thoại. Mãi mãi, hai mẹ con mình sẽ có nhau trong cuộc đời, con nhé, cho dù có thêm bao nhiêu tuổi nữa!

Ngày 9-9

Có sinh nhật của con trai Toàn Thắng, mẹ vẫn còn nợ một câu chuyện kể dở dang...vì quá xúc động nên kể chưa xong mà đã khóc! Khi con khoảng 4-5 tuổi, con bị nổi ghẻ liên tục, khắp người. Có lẽ do ăn uống thiếu thốn và mẹ cũng không có nhiều kinh nghiệm nuôi con. Mẹ cũng đưa con đi BS, rồi BV ở Mỹ Tho, hết thuốc bôi (xanh lè hết cả người) rồi đến thuốc uống, mà có thứ gì ngoài Tetra. và Ampi. Mẹ đi dạy về nhà, cứ nhìn thấy con là chỉ biết khóc. Ba hái hết lá nọ đến lá kia nấu nước cho con tắm nhưng hết đợt này lại sang đợt kia, không dứt hẳn được.

Lúc đó, thỉnh thoảng, đi công tác, tiện đường thì bác Kiệt ghé thăm gia đình mình. Thấy con như vậy, bác hứa sẽ đưa con đến một ông thầy chuyên trị bệnh bằng nhân điện. Mẹ thật sự không hiểu gì về phương pháp mới mẻ này nhưng "cũng liều nhắm mắt đưa chân". Bác căn dặn: "Em lo tiền mua vé xe lên Sài Gòn thôi, ngoài ra, không tốn tiền gì khác đâu!" và bác chắc chắn rằng con sẽ hết. Như người chết đuối giữa dòng, mẹ nhớ là đã đếm từng ngày chờ đến lúc đưa con đi Sài Gòn. Hai mẹ con mình đi xe đò lên đến bến xe Chợ Lớn thì đã thấy bác Kiệt đứng chờ. Suốt đời, mẹ không bao giờ quên hình ảnh đó. Trên chiếc xe "cà tàng", bác đã đưa mẹ con mình đến nơi trị bệnh. Suốt đoạn đường, bác cứ an ủi, động viên mẹ. Con được trị bệnh nhưng mẹ không tốn tiền khám cũng như tiền thuốc. Với mẹ, lúc đó, điều này rất quý, vì mẹ quá nghèo, ba mẹ chỉ sống bằng đồng lương công chức mà các con thì đau ốm liên miên, mẹ cũng không khỏe khoắn gì.. Con dần dần bớt rồi hết hẳn.

Ngày 9-9 năm nay, nhân dịp bác Kiệt và các cô chú đến chúc mừng sinh nhật con thì mẹ đã vừa khóc, vừa kể đứt quãng câu chuyện này:.."Mấy chục năm nay mẹ chưa hề kể chuyện này cho con nghe. Con khôn lớn, trưởng thành được như bây giờ, không phải chỉ có công sức của ba mẹ mà còn có tình thương của các bác, các cô chú nữa". Mẹ khóc và con cũng khóc. Hãy sống sao cho tử tế, con trai à. Mẹ hoàn toàn đồng ý với con: "Có khi tre chưa già mà măng đã phải mọc...".

Ngày 24-9:

Tôi tròn 60 tuổi sau 60 năm chống chọi với cuộc đời.
Đã có lúc, bạn bè lạc mất nhau, "mạnh ai nấy sống"...tưởng chừng mình có một thời "vụng dại", cuộc sống vốn trần trụi, phải chăng lý tưởng là điều vô hình?!
Đã có lúc tôi chơi vơi, mất niềm tin, tưởng chừng hạnh phúc xa lắc, ngoài tầm tay của tôi nhưng rồi, thương con, thương chính mình, tôi mở lòng để giờ đây:

                              Tình yêu của tôi
                               Một thời đi lang thang đâu đó
                               Nay lại về, đầy ắp tinh mơ
                              Tôi ngước nhìn trời xanh bao la
                              Cám ơn cuộc đời
                              Cám ơn anh..
..

Đến 60 tuổi, tôi biết: hạnh phúc không ở đâu xa. Khi nào "tâm" có "an" thì "thân" sẽ "tịnh" và cuộc sống sẽ an nhiên. Đó là hạnh phúc.

Hôm nay, tôi nhận được nhiều lời chúc dễ thương của bạn bè, đồng nghiệp, gia đình.
Tôi hoàn thành bài viết: "Có hay không, một tuổi trẻ vĩnh viễn?" như một "tuyên ngôn" cho chính mình. Sau những trăn trở, buồn phiền, đau đáu về những điều mất/còn, tôi "ngộ" ra rằng: "Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh"!

Cám ơn 60 năm cuộc đời.
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012

Sinh nhật em

Với anh,
Ngày nào cũng là sinh nhật em
Mỗi ngày anh thắp lên một ngọn nến
Thay muôn lời yêu thương
Nến cứ mỗi ngày nhiều thêm
Anh chẳng bao giờ đếm
Như tình yêu anh tặng em
Chưa lúc nào vơi cạn

Với anh,
Em mãi là người tình
Anh chẳng thể trói đời em
Bằng đôi nhẫn cưới vô tri
Ngày qua đi, tháng cũng qua đi
Anh không nhớ nổi
Những ngọn nến sáng lên rồi tàn lụi

Với anh,
Ngày nào cũng là sinh nhật em
Nến rực sáng, là tình yêu cao ngất
Nến lụi tàn là trái tim câm nín
Dẫu có thế nào, anh vẫn yêu em...

2010

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 15 tháng 9, 2012

Chúng con có lỗi (3)

 Sáng ngày 9-9-2012

Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình về Mỹ Tho để thăm ba má của anh Phi (một thành viên của nhóm "Văn Khoa trẻ" và cũng là đức lang quân của CM).
Tại điểm tập trung, nghe tin chị Cẩm Tâm đã qua đời, chúng tôi xót xa, chị đã thoát khỏi những đau đớn của bệnh tật nhưng thương chị đã vội đi xa ở cái tuổi mà chúng tôi vẫn còn muốn được gọi là "người trẻ".
Chúng tôi lên xe, đây là chuyến xe của "nhà tài trợ" Trần Quốc Hùng, và hôm nay, có thêm nhiều thành viên mới, anh Bách (chồng của chị Hồng Diệp, ông anh rể rất dễ mến của chúng tôi). Đi với chúng tôi, anh sẽ "trẻ" dài dài...Anh Hùng hôm nay, "bỗng dưng" ra vẻ nghiêm nghị, hào hoa...

Trên xe, vẫn là những câu chuyện nối tiếp râm ran, quên cả đường dài, có những "chứng tích chiến tranh" bây giờ mới tiết lộ: Giấy thăm nuôi "quân phạm" Trần Quốc Hùng mà Xuân Hương còn giữ lại. Ngẫu hứng, anh Hùng kể về cô gái đã tận tình theo chân anh khi anh bị bắt, đến nỗi bị công an dọa: "Muốn vô theo không?!". Và cũng chính cô gái ấy đã thăm nuôi anh trong nhiều tháng liền. Chính là nàng Xuân Hương xinh đẹp của chúng tôi.

Và còn nữa, thiệp cưới của anh chị Kiệt-Tuyến cũng được Xuân Hương giữ lại cẩn thận, anh chị có "chuộc" không? Chị đã cười tươi đến như thế này:


Hai "chủ nhân" của những chứng tích không đơn giản mà nhận lại được những chứng tích. Chúng tôi sẽ được một chuyến đi chơi Bình Châu vào tháng 3 năm sau, kỷ niệm 37 năm ngày cưới của anh chị. Và "quân phạm" Trần Quốc Hùng, khi đã có cái để "khoe" với vợ con thì cũng nghiễm nhiên trở thành nhà tài trợ 50% cho chuyến đi này. Hoan hô Xuân Hương, chị Liễu cũng hứa về tiếp tục soạn tủ xem may ra, có tìm được...thứ gì nữa không?

Chúng tôi ghé Trung Lương để uống cà
và đón một chàng rể Văn Khoa, đồng thời cũng là một nhà thơ quen thuộc của phong trào. Anh chàng này khi nghe khoe chuyện nọ, chuyện kia thì tếu táo: "Tới tuổi này rồi, có cái gì lòi ra thì để cho nó lòi luôn, giấu giếm làm chi nữa...". Cả nhóm cười vang, qủa thật, chúng tôi còn...trẻ lắm!

Đường vào quê chồng tôi rợp bóng
, mọi người bắt đầu thấy thích không khí yên bình. Nơi đây, tại căn nhà (trước đây là nhà lá), một số anh chị đã về chơi năm 1973, nghe súng nổ ì đùng. Anh Trần Xuân Tiến đã bế một em bé gái bị thương từ bên kia sống, biết bao kỷ niệm. Ngày tôi có chồng, chị Diệp đã đưa tôi về tận nơi này...

Và đây là ba má, căn nhà đã được các con cùng nhau xây cất lại, có bóng dáng 2 liệt sĩ, nỗi đau một đời chôn chặt của ba má.



Đặc biệt, trong gian nhà ấm cúng này, chúng tôi đã cất tiếng hát theo lời yêu cầu của ba má: Tin tưởng ca, Bà mẹ Bàn Cờ...Ba má chăm chú nghe, khi tôi hỏi: "Vì sao lần nào ba má cũng thích nghe tụi con hát bài Người mẹ Bàn Cờ?" thì ba trả lời chậm rãi, chắc chắn: "Trong bài hát này, người nào cũng đánh giặc, bài hát rất hay, các con phải giữ gìn, đừng để nó phai mờ thì uổng lắm!". Lời tâm huyết của ba, chúng con sẽ nhớ mãi...




Chúng tôi được ba má cho uống nước dừa dứa, ăn bánh tráng nướng và trong suốt cuộc chuyện trò này, tôi đã nhiều lần cố kìm nén cho nước mắt chảy ngược khi nghĩ đến một ngày...chắc là không xa lắm, ba sẽ mãi mãi đi xa. Ba đã 88 tuổi rồi, lại đang mang trong người chứng bệnh nghèo mà ba không hay biết...Năm sau, các con về đông đủ nhưng biết có còn gặp ba? Và nụ cười hồn hậu của người mẹ đã hai lần khóc con sẽ còn ở cùng chúng tôi đến bao lâu nữa...



Trước khi tạm biệt ba má, cũng theo yêu cầu, chúng tôi hát bài: "Dậy mà đi", thương biết mấy những mái đầu bạc đã bao lần cùng các con "dậy mà đi" để bây giờ, vẫn tiếp tục trông ngóng các con mỗi cuối tuần

Kết thúc hành trình báo hiếu

Hành trình thăm các ba, các má xem như kết thúc. Nói rằng việc làm này có ý nghĩa, đây là chuyến đi đáng nhớ trong mùa Vu Lan năm nay thì cũng đúng. Nhưng sao tôi vẫn cứ vương vất một nỗi buồn: có những chuyện nhỏ trong tầm tay mà sao từ lâu rồi chúng tôi không nhớ? Nếu anh Kiệt không đề xuất ý kiến, anh Hùng không sẵn sàng làm nhà tài trợ và các bạn không vui vẻ tham gia thì liệu chúng tôi còn chờ đến bao lâu nữa? Cuộc đời hạn hữu, các ba, các má đã cho chúng tôi vóc dáng, hình hài để chúng tôi biết yêu-ghét, biết điều đúng-sai, vậy mà trong từng ấy năm, khi ba má vẫn tận tụy dõi theo từng bước đi của các con thì chúng tôi lại quá vô tình...

Thành tâm, chúng con xin thắp nén nhang cho các ba má đã không còn trên đời cùng chúng con...




Đọc tiếp ...

Chúng con có lỗi (2)


Rời nhà chị Diệp, chúng tôi băng qua đường, đón xe đi ngược về Sài Gòn. Không ai bảo ai, nắm tay nhau, líu ríu theo...anh Kiệt. Một phút chạnh lòng, rưng rưng nghĩ:...mình vẫn còn nhỏ xíu và "cánh chim đầu đàn" mấy chục năm về trước vẫn còn soãi cánh cùng chúng tôi.

Chúng tôi đến nhà Kim Diệp, chiếc lá vàng dễ thương của nhóm chúng tôi, hiện nay, em đang là người trẻ nhất với bà mẹ già 86 tuổi. Đây là lần đầu, chúng tôi đến thăm bác:

Bác thật hiền hòa, đi lại khó khăn, bác ngồi đó, nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi làm rượu chuối, rượu dâu để trị bệnh. Rồi bác cũng muốn chúng tôi ở lại chơi lâu hơn, "lâu quá  mới gặp mà!":

Từ giã bác, tôi và Xuân Hương xót xa khi nghe bác căn dặn: "Khi nào tui ra đi thì nhớ tới với tui". Quả thật, chúng con có lỗi với các ba má. Giọng nói, ánh mắt của người mẹ già ấy ám ảnh tôi suốt đoạn đường đến nhà chị Thúy Liễuđường đến nhà chị Thúy Liễu.

Ba của chị Liễu là một quan chức (theo tôi, đây là cách nói thân thiện nhất). Chúng tôi đã có đến thăm bác vài lần và giờ đây, bác đã 96 tuổi, người cha tóc bạc, da mồi, đang tâm tình những chuyện "thời đánh Tây" với chúng tôi:



Tôi chợt nhớ đến căn nhà của bác ở Cư xá sĩ quan Bắc Hải, nơi tôi đã "đi lại lắm lần" để gặp chị Liễu. Chắc bác không biết tôi đến để nói gì với chị Liễu nhưng bác vẫn luôn vui vẻ tiếp tôi...Tôi nghĩ rằng bác cũng đã làm gì đó cho con gái, cho chúng tôi nhưng giờ đây, âm thầm trong ngôi nhà của chính mình, bác cô đơn, càng cô đơn hơn từ khi bác gái qua đời vì không có người để tâm sự. Lặng lẽ vị cha già...


Đã hơn 12 g trưa, cái bụng chuẩn biểu tình, còn hành trình buổi chiều, chúng tôi về lại quận 1 nên ghé quan chay Định Ý ăn cơm. Những câu chuyện lại tiếp nối nhau rôm rả, như mấy chục năm nay vẫn thế...Chúng tôi chưa bao giờ già. Bữa cơm chay lạ miệng nên ai ăn cũng ngon, chừa bụng để đến nhà Minh An.

Và căn nhà số 25, đường Lương Hữu Khánh đây rồi. Tôi cũng thường đến đây lắm, đã từng gặp cả hai bác nhưng chỉ kịp chào và nói câu quen thuộc: "Con xin phép gặp Minh An" rồi rón rén đi lên lầu, bàn chuyện "quốc sự". Nhưng mãi sau này, tôi vẫn nhớ cái dáng gầy gò của bác với cái áo túi màu trắng.
Và đây, hình ảnh của má:



Nuôi 8 người con khôn lớn và giờ đây dành trọn tình yêu thương cho cô con gái "không chịu xa má".



Cô em gái giỏi giang đã đãi chùng tôi những chén chè hạt sen vừa ngọt, vừa bùi, anh Trần Quốc Hùng chăm chỉ ăn một lượt 2 chén:




Thăm má lần này, chúng con rất vui, thấy má khỏe mạnh, không gầy gò như xưa, trong nụ cười hiền hòa của má có sự nguyện của người mẹ đã cả đời tận tụy nuôi con khôn lớn, thành đạt. Bằng tất cả yêu thương và cảm phục, chúng con xin được chia sẻ với má niềm tự hào này




Từ Lương Hữu Khánh, chúng tôi ngược ra Bùi Viện để thăm má của anh Trần Văn Ánh, bà mẹ là vợ liệt sĩ, cũng đã từng vào tù ra khám để bây giờ...mẹ thuộc lòng mọi chính sách, chế độ của người tù đày...Vui vẻ chia sẻ với chúng tôi, những người "đương thời" nhưng lại không thông suốt như bác


Đây cũng là lần đầu chúng con đến thăm má, xin cho chúng con được một lần ở trong vòng tay ấm áp của má, như chưa bao giờ chúng con xa má:



Chúng tôi đến nhà anh Tri Chính, người mẹ trong những năm tháng xế chiều mà phải khóc con. Mừng vì bác vẫn còn khỏe mạnh để mắng yêu anh Hùng: "Thằng quỷ, sao lâu rồi mày không ghé?". Muôn vàn lời xin lỗi, các ba má cũng không tha thứ được cho chúng con. Chúng tôi bận trăm công ngàn việc, chỉ có các ba má, tuổi già thư thả nên trông ngóng mỏi mòn:




Nước mắt mẹ không còn để khóc con, ở người mẹ ấy, tôi như đọc thấy những xót xa trong nụ cười và ánh mắt hiền hòa. Các con đây rồi mà con của mẹ mãi mãi đi xa...Tôi ôm bác để từ giã thì bác hôn tôi và nói tha thiết: "Thương lắm, như là con gái của bác vậy!". Rất tiếc, khoảnh khắc vàng đó đã không được ghi lại vì các bạn đã ra khỏi nhà, tôi là người sau cùng. Con gái có phút giây nào nhớ đến mẹ không...Mẹ già như chuối chín cây....



Và địa chỉ cuối cùng là nhà chị Hoàng Hương, một thành viên của Hội quán Văn Khoa, với những đóng góp ít người biết đến. Chị diễm phúc có cha già 99 tuổi, bác vẫn tỉnh táo nhưng lãng tai nên chị Hương đã chuẩn bị sẵn giấy bút để chúng tôi bút đàm cùng bác. Khi tôi đưa , chuẩn bị chụp hình thì bác gài lại nút áo cho lịch sự, thương ơi là thương.


Anh Kiệt trò chuyện với bác:


Chúng tôi không sao quên được từ "normal" của bác khi được hỏi thăm sức khỏe. Cầu mong bác còn minh mẫn đế chúng con được chúc mừng bác 100 tuổi.


Nhà chị Hoàng Hương có giỗ nên chúng tôi được đãi cơm nếp ăn với chả lụa, lại còn có bánh ít mang về.
Tắt nắng rồi, chuyến hành trình của ngày 8-9 kết thúc. Chúng tôi ra về, mỗi người sẽ có tâm tư khác nhau nhưng chắc chắn, lấp lánh đâu đó là niềm vui của chúng tôi, tấm lòng của những đứa con muốn được nói lời  xin lỗi vì sự muộn màng...

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2012

Chúng con có lỗi (1)

Chúng tôi quen nhau trên dưới 40 năm, biết bao chặng đường đã đi qua, biết bao vui buồn đã nếm trải, ai cũng có mái ấm gia đình riêng. Hiểu rõ hoàn cảnh của từng người, thật lòng, chúng tôi chưa hiểu hết. Hầu như chúng tôi không đến thăm các ba má khi ba má còn khỏe mạnh mà thông thường, chỉ đến sẻ chia nỗi buồn khi các ba má đã đi xa.

...Có một buổi sáng...

Tại Khúc Ban chiều, sau khi để cho các em ăn sáng, đùa vui thỏa thích, anh nhạc sĩ (Cánh chim..chưa mỏi của chúng tôi) Nguyễn Tuấn Kiệt, thủ trưởng năm xưa, có một đề nghị khiến chúng tôi bất ngờ: nhân mùa Vu Lan báo hiếu, năm nay, sẽ tổ chức đi thăm các ba má. Ban tổ chức sẽ gồm những thành viên (tạm gọi là rảnh rang) vì đã không còn ba má. Đó là: anh chị Kiệt-Tuyến, Xuân Hương, Thanh Quế và Trân Thúy. Kế hoạch được "thiết lập" ngay, Thúy và Hương làm thư ký cho Trưởng ban: danh sách các ba má, địa chỉ và tạm tính lộ trình, trong chuyến hành trình mà chúng tôi dự kiến sẽ kéo dài trong 2 ngày. Chi tiết sẽ bàn khi họp mặt tại nha mới của anh chị Kiệt-Tuyến, vì những việc như thế này, không thể thiếu "Tổng thư ký" Minh An mà sáng hôm đó, em đang ở Đà Lạt. Mọi chi phí, có anh K lo, những bạn khác, sẽ đóng góp tùy tâm, không cần tìm nhà tài trợ nữa.
Từ Khúc Ban Chiều trở về nhà, lòng tôi cứ lâng lâng, ba má tôi đều đã đi xa, biết bao năm trôi qua, các ba má cứ lặng lẽ đi bên cạnh cuộc đời của chúng tôi. Có người vì thương con mà cấm đoán thì chúng tôi không dám nói thật những việc "tày trời" mình đã làm, người thì đã âm thầm nâng đỡ cho chúng tôi đi suốt chặng đường dài đầy hiểm nguy, gian khó. Vậy mà, chúng tôi hầu như chưa một lần đến hỏi thăm sức khỏe, ôm hôn ba má để cám ơn....Ý tưởng của anh K quá hay, thà muộn còn hơn không? Mai ngày...biết ai còn, ai mất? Tôi cầu mong ý tưởng này thành hiện thực.

...Và ngày 8-9-2012, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình...

Sáng sớm, tôi thức dậy, lòng rộn ràng, dù không khỏe nhưng vẫn thấy lòng phơi phới. Đúng giờ hẹn, tôi và Hải được anh K đón để đến một điểm tập kết thứ hai, đi cùng anh Quốc Hùng, chị Quế và Xuân Hương đến nhà chị Ngô Dung. Chị là một trong những bạn bè ít ỏi, may mắn, còn cả hai đấng sinh thành. Ông thì trên 90 và bà đã trên 80, vẫn tiếp tục là...cặp đôi hoàn hảo. Ngày xưa bác gái có gánh đậu hủ, bánh lọt trên đường ra chợ Đa Kao, tôi ăn đến...ghiền, lần nào đi chợ cũng ghé bác để nói chuyện "thời sự
", hỏi thăm tin tức của chị Dung và những anh chị đang trong tù. Bao nhiêu năm, bác đã làm giao liên cho chúng tôi, mang  cả cặp áo gối mà chị Dung, từ nhà lao Tân Hiệp đã thêu tặng tôi nhân ngày cưới của tôi. Người mẹ ấy, giờ tai nghe không rõ nhưng vẫn tươi cười góp chuyện bằng ánh mắt yêu thương. Hôm nay, chúng con về thăm ba má, mong rằng ba má tiếp tục sống vui, sống khỏe như bức hình mừng thọ này:



Tạm biệt ba má, chúng con xin tiếp tục cuộc hành trình...còn dài, năm sau và nhiều năm sau nữa, vẫn muốn cùng ba má sum vầy:


Nắng đã bắt đầu cao, chúng tôi lên nhà chị Hồng Diệp ở Thủ Đức, chị Diệp còn mẹ già 85 tuổi, cả một đời tần tảo nuôi con, nay tóc má đã bạc, lưng đã còng, còn đâu sự nhanh nhạy, luôn tay, luôn chân: "Bác ơi, cho con nải chuối chà nhen bác, chợ này, chỉ có bác bán mà con thích chuối này lắm". Những lần tôi gặp bác, mượn cớ mua chuối nhưng thường là để hỏi thăm chuyện nọ, chuyện kia, gởi đồ thăm nuôi chị Diệp. Và cứ đến thì phải nói như vậy, phòng khi có công an theo dõi. Vì những kỷ niệm ấy, bác nhận ra tôi ngay, còn tôi, không bao giờ quên người mẹ chịu thương, chịu khó ấy:


Mừng cho "vú" (tiếng gọi thân thương mà chị Diệp đã dành cho má) đã được ở trong căn nhà khang trang, đầy sắc hoa tươi thắm:

Thương biết mấy lời má trách: "Sao lâu lắm mới đến mà ở chơi ít quá vậy con?". Chúng tôi cũng tự trách mình...nhưng biết làm sao, má ơi!
Sắc tím thủy chung của bông hoa này nhắc chúng con luôn nhớ về má, một trong những người mẹ lặng lẽ của phong trào:



Hôm nay, con trai, con gái về đông đủ, vui một chút với má rồi chúng con lại đi...




Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Vĩnh viễn xa

Vậy là Ngọc mất đã hơn 49 ngày...
Những chậu hoa be bé, xinh xinh bằng đất sét mà em đã tặng tôi vẫn cứ rực rỡ trên bàn làm việc của tôi mỗi ngày. Tôi rất muốn tin, Ngọc đi xa đâu đó, rồi em sẽ về, nhất định là như vậy.
Nhưng trong ngần ấy thời gian làm việc với Ngọc, tôi biết rất rõ em đã từ chối tất cả những chuyến đi chơi xa, hạn chế việc dự tiệc tùng, đám cưới chỉ vì em phải về ăn cơm với mẹ, chăm sóc cho mẹ, vì mẹ luôn ở nhà có một mình.

Một buổi sáng thứ bảy...

Tôi đang trên đường đi Vũng Tàu cùng với gia đình thì Phi Ánh gọi điện thoại: "Cô ơi, anh Ngọc bị tai biến, hôn mê, đang cấp cứu ở BV Nhân dân Gia Định". Tôi có nghe lầm không? Tối thứ sáu em còn chào tôi ở trường. Tôi cấp tốc viết mail thông tin với toàn trường và kêu gọi hỗ trợ Ngọc. Viết vội vã như thế nhưng cũng rất may mắn là Thư kêu gọi này đã tác động lớn đến đội ngũ và chính sự hỗ trợ quý báu của những người đồng nghiệp thân thương đã giúp Ngọc kéo dài sự sống trong một thời gian khá dài.


Thứ hai và những ngày sau đó ở BV Nhân dân Gia Định:

Khi tôi đến thăm, Ngọc nằm co ro, ôm đầu, nhưng tỉnh táo: "Em nhức đầu lắm cô à..". Em cho biết, lúc gặp tôi hôm thứ sáu, em đã nhức đầu, em thường xuyên bị như vậy và: "Em tưởng tại nhà em chật, mẹ em ngủ ở trên lầu, còn em nằm trên ghế bố ở dưới đất, ót bị cấn nên mới nhức, em cứ uống Panadol là hết. Tối đó, em cũng uống rồi đi ngủ, sau đó, em đi... luôn!". Ngọc còn tếu táo như vậy. Tôi biết em đang bệnh rất nặng (liên quan đến mạch máu não) nhưng thấy em tỉnh táo nên tôi tạm yên tâm. Chúng tôi bắt đầu xếp lịch chăm sóc Ngọc, nhiệm vụ này của Huệ, rồi sau đó, là Tuyết Hồng. Cũng không giản đơn khi phải thường xuyên túc trực 2 người (đêm-ngày) và không thể tránh tình trạng, lúc thì quá đông, lúc khác, lại...không có ai. Cũng nhờ các tình nguyện viên và thân hữu luôn sẵn sàng "ứng chiến", bất kể đêm ngày nên phòng của Ngọc luôn nhộn nhịp, chắc Ngọc cũng ấm lòng. Em đâu biết, có những thời khắc chúng tôi "rối" lên vì không biết phải sắp xếp thế nào.Vậy mà, trong 3 tuần liền, Ngọc đã được chăm sóc chu đáo, có bạn đã lấy phép năm để nghỉ, có bạn hết sức thu vén gia đình thì mới đến với Ngọc được. Tôi vô cùng cảm kích, tôi đã làm việc ở nhiều nơi, lần đầu tiên, tại Hoa Sen, tôi hiểu thế nào là nghĩa tình.
Hải (Khoa ĐTCN) rất lo lắng vì tình trạng sức khỏe của Ngọc vì cùng với gia đình, Hải đã được các BS trao đổi cụ thể về bệnh trạng, hướng điều trị...Chúng tôi đứng trước thách thức: phẫu thuật hay chỉ điều trị ngoại khoa, khi nào ổn thì xuất viện và không cần biết điều gì sẽ xảy ra sau đó? Nhiều phương pháp điều trị của BS trong nước, nước ngoài từ nhiều bệnh viện liên tục được bàn bạc. Không phải là người trong nghề, chúng tôi cứ như là bị "dội" thông tin. Nhiều lần bộ ba: Thủy (BHG), Thúy (CĐ), Hải (Khoa) đã phải họp khẩn cấp, chúng tôi phải tự tìm hiểu về bệnh trạng của Ngọc, về các BS sẽ điều trị cho Ngọc. Và khó khăn lắm chúng tôi mới chấp nhận quyết định đặt stent cho Ngọc, tốn kém và cũng không BS nào dám cam kết sự an toàn tuyệt đối . Ngọc sẽ phải chuyển viện. Tôi được phân công trao đổi với Ngọc về việc này. Mãi đến bây giờ, bên tai tôi, vẫn văng vẳng lời từ chối thẳng thừng của Ngọc: "Em muốn được điều trị ngoại khoa, bữa nay em cũng đỡ nhiều rồi, từ từ em sẽ hết, mổ xẻ mà làm gì cô!". Tôi và vài bạn khác cùng với gia đình tiếp tục thuyết phục. Lúc ấy, chúng tôi chỉ muốn điều trị cho Ngọc nhanh chừng nào tốt chừng ấy vì các BS hối thúc mỗi ngày. Chúng tôi không dám nói với Ngọc những điều bi đát sẽ xảy ra nếu ngừng việc điều trị tại đây để cho Ngọc xuất viện.

Tại BV Đại học Y Dược...

Tôi đón em từ cổng, Ngọc có vẻ mệt và đau do di chuyển. Mặc dù đã được các cựu sinh viên giúp đỡ nhưng thủ tục nhiêu khê, không có giường nằm, vẫn phải chờ đợi đến chiều tối. Mặc dù vậy, sau khi gặp BS sẽ đặt stent cho Ngọc, được giải thích cặn kẽ, chúng tôi hy vọng, mọi việc rồi sẽ suôn sẻ. Tưởng rằng, đầu tuần sau, Ngọc sẽ được đặt stent và em sẽ xuất viện vài tuần sau đó.
Nào ngờ, mọi dự định thay đổi vào giờ chót: các BS quyết định mở hộp sọ...Chúng tôi bàng hoàng nhưng vẫn nghĩ đây là giải pháp tốt nhất cho Ngọc mà những người "ngoài chuyên môn" như chúng tôi thì làm sao can thiệp được? Tôi hoang mang lắm nhưng lại vô cùng phấn khởi khi nhận được tin tốt lành của các bạn báo từ phòng hậu phẫu. Các BS cũng tự hào về "thành công" này.

Vậy mà, những ngày sau đó, chúng tôi vô cùng lo âu vì thời gian nằm tại phòng hồi sức của Ngọc kéo dài một cách bất thường, diễn biến bệnh thì ngày càng phức tạp. Hai lần tôi đưa em ra khỏi phòng hồi sức thì cũng hai lần em trở lại phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Tình trạng như vậy cứ kéo dài hết ngày nọ đến ngày kia. Tôi vẫn nhớ như in giọng Hòa hốt hoảng báo tin: "Cô ơi, anh Ngọc ngưng thở rồi!". Cả trường xôn xao. Tôi vào BV, thấy người ta vừa đẩy em đi, vừa bóp bong bóng, mắt em nhắm nghiền, mặt không còn chút thần sắc. Tôi khóc đến nỗi những người xung quanh phải an ủi. Khi BGH và một số đồng nghiệp khác có mắt thì em đã được hồi sức. Buổi tối, tôi vào thăm, em đòi viết và khó khăn lắm, tôi mới đọc được dòng chữ: "Xong phim hả cô?". Tôi thấy rõ sự thất vọng trong mắt em, tôi biết làm gì ngoài việc tiếp tục động viên trong khi bản thân tôi, không dám tin và không chấp nhận sự thật.
Cứ vậy, Ngọc chết đi, sống lại nhiều lần và khoảng 3 tuần cuối, nói thật là tôi không có can đảm vào thăm Ngọc nữa vì tôi sợ ánh mắt em. Điều chúng tôi quyết định theo chỉ định của BS là đúng hay sai? Nhiều đêm, tôi thao thức, tự dằn vặt mình, rồi chia sẻ với Hồng, Hải, Hòa...mà lòng vẫn không thôi ray rứt.

Những ngày cuối đời...

Tại BV Chợ Rẫy, BS đã khẳng định với tôi: Ngọc không thể hồi phục vì em đã chết lâm sàng đến lần thứ năm rồi. Tôi hiểu điều đó nhưng vẫn không dám tin. Tôi nắm bàn tay buông thõng của em,Ngọc ơi, sao em không nắm chặt tay cô như mọi khi? Mắt em đã không còn mở được nữa rồi. Em không nhớ chị Hải đã nói với em: Phim còn nhiều tập, làm sao mà xong được hả em? Bạn bè đang ở quanh em, nhìn mọi người đi em, rồi nhếch miệng cười cho mọi người vui. "Em biết cô không Ngọc?". Tôi lặng người khi thấy giọt nước bé xíu từ khóe mắt em.
Tôi rời BV, trời mưa rả rích, xem như đó là lần sau cùng tôi còn được gặp em.

Vĩnh viễn không còn...

Những ngày tôi, Vy, Tuyết Hồng liên tục gọi cho nhau: Hồng ơi, hôm nay đã chi cho anh Ngọc bao nhiêu rồi em, khi nào thì phải thanh toán viện phí tiếp? Vy ơi, vận động thêm được bao nhiêu rồi em? Làm sao bây giờ cô, sắp hết tiền rồi...Cứ mỗi lần nghe tiếng Hồng ở đầu dây bên kia là tôi đã rối rít: sao em, hết tiền đóng viện phí hả...để cô hỏi Vy...Tôi có riêng 1 folder dành cho Ngọc, trong đó, tôi lưu lại từ Thư kêu gọi cho đến các báo cáo tiền hỗ trợ từ các Khoa, Phòng, cựu GV-NV được Vy (kế toán CĐ) tổng hợp, được Hồng (thủ quỹ) báo cáo các khoản chi, các Thư cám ơn và folder đã được khép lại với điếu văn tôi viết khi làm lễ truy điệu cho Ngọc.
Thủy, Thúy, Hải sẽ chẳng bao giờ còn phải họp khẩn cấp để bàn bạc và quyết định những vấn đề mà cả ba chúng tôi đêu chỉ mới nghe lần đầu tiên. Tôi cũng chẳng bao giờ còn phải nhắc lại với Hải câu: "Em gặp BS chưa? BS có nói gì không em? Hay là mình nhờ sinh viên xin giùm cái hẹn...". Cũng sẽ không còn lần nào, Thủy đi công tác có 1 tuần mà tôi đã băn khoăn: "Em đi lâu quá, rủi ở nhà, Ngọc có chuyện gì, chị biết tính làm sao?". Thủy đã an ủi tôi: "Không sao đâu chị, em tin anh Ngọc không chết đâu!" và tôi cũng hy vọng...
Mỗi buổi sáng, từ sảnh bước vào, tôi sẽ không còn dừng lại ở Trung tâm Đào tạo để nghe các em báo cáo: hôm nay anh Ngọc cười nè cô..., anh Ngọc viết cả trang giấy..., anh Ngọc cấp cứu nữa rồi...
Hoàng Anh, Hà Ni, Hòa, Hồng. Phi Ánh sẽ không còn nhận tin nhắn của tôi hỏi thăm Ngọc, không cần nhớ giờ giấc...

Khi tôi còn là Trưởng Khoa QLDV, tôi có thói quen gửi Thư cuối năm cho toàn thể GV-NV của Khoa và vô cùng cảm động khi Ngọc là người duy nhất trả lời tôi. Em chỉ viết đơn giản mà tôi còn nhớ mãi, bởi vì, với tôi, như vậy đã là chia sẻ: "Thưa cô, bây giờ là Giao thừa". Thói quen ấy của tôi kết thúc rồi.
Cũng chẳng khi nào tôi còn được gặp em trong nhà xe để nghe em nhẹ nhàng: "Cô để em dắt xe cho..". Sẽ không còn những cái bánh choux creme (em biết tôi rất thích bánh này) mà em thường mua cho tôi khi tôi có lớp dạy tối.

Ở Ngọc, tôi đã được em chia sẻ những điều tưởng chừng đơn giản như những lẽ thường tình nhưng lại vô cùng quý giá. Khi tôi giận sinh viên vì các em vô lễ thì Ngọc bình thản: "Cô giận tụi nó làm chi cho mệt. Em thì em cứ dạy, học là chuyện của sinh viên". Vậy mà Ngọc luôn có FB rất cao từ sinh viên. Những ưu ái mà sinh viên cũ-mới đã dành cho Ngọc trong suốt thời gian Ngọc nằm viện và trong tang lễ của em khiến tôi thêm tin tưởng "nghĩa thầy-trò".
Làm việc trong cùng một Khoa, Ngọc hay nhắc tôi: cô uống đường dành cho người tiểu đường nha cô, như vậy, chắc ăn hơn, cô lớn tuổi rồi. Tôi tưởng em quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, không phải cho mình mà cho người khác nữa. Tôi không ngờ em đã đồng hành cùng Panadol trong một thời gian dài mà vì mải mê công việc, bận bịu mưu sinh, đã không kiểm tra, kiểm soát, đến khi ngã bệnh thì vô phương cứu chữa.

Tất cả giờ đã vĩnh viễn xa. Lần đầu và cũng là lần cuối tôi viết về em, nhân sinh nhật lần thứ 45 của em.
Người bạn nhỏ, người đồng nghiệp thân thương của gia đình Hoa Sen, người "sẵn sàng chia sẻ với người khác nhưng lại âm thầm chịu đựng những nghiệt ngã đời thường của chính bản thân", ngủ yên em nhé, không nhức đầu, không vướng víu vì máy thở, ống ăn...và giấc ngủ sẽ bình thản như em vẫn bình thản đi trong cuộc đời.

Chỗ ngồi cạnh tài xế sẽ mãi mãi vắng em trong những chuyến đi từ Cao Thắng lên Quang Trung và các bạn hay trễ giờ, không còn ai gọi điện thoại nhắc các bạn nữa đâu!

Tôi chỉ muốn nhắc lại lời tôi nói với em tại Bình Hưng Hòa trước khi tôi chào vĩnh biệt em:
                                            "Ngọc ơi, cô xin lỗi em..."
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Ngàn lần cám ơn

Ngơ ngác trong sân trường đại học

Năm 1970 tôi vào học Đại học Văn khoa (hiện nay là Đại học Khoa học xã hội&Nhân văn) như một người “sa cơ lỡ vận”. Tôi học Tú tài ban C (ban văn chương) nhưng lại muốn trúng tuyển vào Đại học Y, ước mơ thật…phi thực tế. Lý do tôi chọn trường Y là vì tôi ốm yếu, hay bệnh tật nên thường gặp bác sĩ để chữa bệnh, vì thế, tôi yêu chiếc áo blouse trắng và mơ đến một ngày tôi cũng được khoác chiếc áo này để mà chữa bệnh cho mọi người và cho... tôi nữa. Dĩ nhiên ước mơ không thể thành hiện thực với một học sinh chỉ giỏi ngoại ngữ, văn chương mà dốt Toán! Tôi rớt trường Y như một thất bại đầu tiên trong đời học sinh của tôi. Với ước mơ không có cơ sở để trở thành hiện thực như vậy mà tôi cũng nằm lì trong phòng  và…khóc cả một ngày khi biết kết quả thi! Sau này, nhớ lại, tôi tự cười cho bản thân! Thế là, sau đó, tôi đành ghi danh học đại học Văn Khoa, ban Văn chương, nơi chốn “dung thân” cho những học trò ban C như tôi.

Tôi bắt đầu những năm tháng sinh viên tại ngôi trường cổ xưa này và lạ lẫm với bao nhiêu thứ. Trường học theo học chế chứng chỉ (nay là tín chỉ), tôi không khó khăn lắm với việc học vì tôi vẫn rất mê văn chương, thích thú vì không phải học Toán, Lý, Hóa. Tôi học dự bị “Văn chương Việt Nam” và phải học một chứng chỉ bắt buộc là Văn chương Việt Hán. Tôi hơi “đuối” vì chữ Hán khó viết quá mà năm đầu, tôi không thể không học chứng chỉ này. Điều quan trọng là tôi cảm thấy rất bơ vơ, giảng đường sao mà rộng lớn, cứ đến học rồi về, hầu như tôi không quen biết ai. Tôi cảm thấy thời gian còn trống nhiều nên ghi danh học thêm tại trường Luật, bắt đầu làm quen với các bộ luật từ thời Hồng Đức. Giảng đường vẫn rộng lớn, mênh mông và tôi vẫn cứ…ngơ ngác như ở Văn Khoa!

Bắt đầu hiểu điều đúng-sai

Cuộc đời sinh viên của tôi có lẽ sẽ tiếp tục lặng thầm và tôi vẫn cứ tiếp tục “ngơ ngác” như thế, nếu không có một ngày, tôi đến xem triển lãm với những hình ảnh về tội ác của Mỹ được trưng bày tại Đại học Văn Khoa. Trước đó, tôi chưa từng hình dung có những cảnh tượng man rợ như vậy, tôi chưa biết những địa danh xa lạ: Mỹ Lai, Sơn Mỹ, tôi cũng chưa hề hình dung thân phận của những người Việt Nam trong giai đoạn mà cuộc chiến tranh đã phải đến lúc kết thúc. Sau khi xem triển lãm, được tiếp xúc với các anh chị trong phong trào đấu tranh của sinh viên- học sinh Sài Gòn-Gia Định, tôi băn khoăn trong nhiều ngày. Tôi là ai vậy? Công chúa ngủ trong rừng đợi một Hoàng tử đến đánh thức? Hay tôi chỉ là con mọt sách và vẫn bước đi trong cuộc đời mà không cần tìm hiểu bất cứ một điều gì ngoài sách vở? Thời gian sau đó, hiểu nỗi nhục mất nước, hiểu rằng mình không thể chỉ biết học, tôi tham gia phong trào. Với những lần “Hát cho dân tôi nghe” trong những đêm không ngủ,  những cuộc biểu tình, tuyệt thực đòi quyền tự trị đại học… tôi dần vỡ ra nhiều điều, thấm thía nhất vẫn là giá trị sống làm người. Tôi không còn “ngơ ngác” nữa, tôi cùng bè bạn tham gia nhiều hoạt động và bắt đầu thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nhiều bạn bè phải vào tù, tôi nhận ra: cái gì là chân lý thì để có được nó, người ta phải trả một giá quá đắt, có khi phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, cả tình yêu đôi lứa và cả sự tự do nữa.

Bước vào đời

Nhận Chứng chỉ tốt nghiệp Cử nhân từ Đại học Văn Khoa, tôi khởi nghiệp bằng việc dạy học tại một huyện nhỏ, cách thành phố không xa lắm. Tôi chỉ mới 22 tuổi, chưa hề qua trường lớp sư phạm và cũng không dạy cho học sinh những gì mà tôi đã được học. Sau đó, tôi lại tiếp tục dạy học ở một tỉnh khác. Từ những thành công của việc giảng dạy, tôi chuyển sang vị trí của người quản lý. Những kiến thức có được từ trường đại học lại càng lùi xa. Tôi không còn nhớ mình đã được học những gì. Chỉ biết rằng: muốn ‘làm” được thì phải tiếp tục “học”, học từ cuộc sống, từ người xung quanh với nền tảng kiến thức đã có. Tôi có cảm giác mình luôn là người thiếu thốn, nghèo nàn, bởi còn chưa hiểu nhiều điều, chưa có những trải nghiệm cần thiết. Vì vậy, ở mỗi vị trí công việc, tôi vẫn kiên trì học hỏi. và trên từng chặng đường đã đi qua, tôi thấy mình đã làm được nhiều việc dù những việc ấy, không có trong dự định của tôi. Liên tục thay đổi công việc nên tôi có nhiều điều kiện để thử thách, để làm quen với cái mới, để kiến thức ngày thêm phong phú và với tôi, vì cuộc sống “muôn màu, muôn vẻ” nên không có gì là dư thừa.

Hiện nay, được xếp vào những thầy cô đã “có tuổi”, đã có nhiều trải nghiệm quý báu, tôi muốn nói: xin ngàn lần cám ơn ngôi trường Văn Khoa yêu dấu, nơi tôi “miễn cưỡng” phải dừng lại nhưng chính tại đây, tôi đã thật sự trưởng thành. Xin tri ân những thầy cô đã giúp tôi hiểu được những giá trị trị sống, hiểu được sự cần thiết của kiến thức để từ những gì đã “biết” biến thành những điều “làm được”. Tôi cũng đã được học để biết làm người tử tế, biết quan tâm, chia sẻ với người khác. Sự “tử tế” đối với tôi còn có nghĩa là làm việc gì cũng phải có cái “tâm”, có trách nhiệm với việc làm, suy nghĩ của mình. Chính cái “tâm” ấy đã giúp tôi vượt qua nhiều gian nan, thử thách để đến bây giờ, vẫn say mê làm việc và sống hòa đồng cùng mọi người, không ân hận vì đã “sống hoài, sống phí”.

Đây là bài viết cho Bản tin Hoa Sen trong chuyên mục: "Một thời để nhớ", tìm mãi không được hình của Đại học Văn Khoa năm xưa nên,,,chưa xin phép chị Quế mà đã sử dụng hình chị chụp trong một chiều mưa những bậc thang quen thuộc của một thời. Trên những nấc thang ấy đã in dấu những bước ngập ngừng, xao xuyến...và giờ đây, vững chãi với đời.

3-8-2012



 

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Gặp gỡ BS Đỗ Hồng Ngọc, tác giả: "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng"

Được Thanh Thúy (Hội quán các bà mẹ) mời tham dự buổi giao lưu, giới thiệu "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" của BS Đỗ Hồng Ngọc, tôi vui nhưng cũng có chút lo âu vì chưa tham dự sinh hoạt với Hội quán lần nào, anh Ngọc thì thân quen rồi. Nhưng liệu với vai trò là 'khách mời", tôi sẽ làm gì đây?

Sáng thứ bảy (18-8-2012) tôi đến địa chỉ trong Thư mời với một chút hồi hộp...Đây là nhà của GS Trần Văn Khê, cũng là lần đầu tôi được tiếp xúc với GS dù tôi vẫn biết ông là bạn của ba tôi.
Tôi không khó khăn để tìm ngôi biệt thự này, và bước vào cổng, tôi đã bị thu hút ngay với gian hàng sách:


Tôi đang mải mê chọn sách thì Thúy goi ĐT, và dĩ nhiên tôi được em mời vào trong.
Mọi người bắt đầu đến, hội trường được trang trí trang nhà, phù hợp với phòng khách nhà GS.


Anh Ngọc bắt đầu buổi chuyện trò nhẹ nhàng, tự nhiên như bản tính của anh. Và cứ thế, người dự nghe anh tâm tình về lý do anh viết quyển: "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng", mà mỗi câu chuyện kể của anh dường như ẩn chứa biết bao điều.

Là BS Trưởng Khoa Cấp cứu của BV Nhi đồng, nơi đây, anh đã từng thấy những nụ cười vô tư của trẻ, những thân thể nhỏ bé mà tím tái vì khó thở, và đau xót nhất là những cái chết bất ngờ, ngoài dự liệu của BS, còn với người thân là những mất mát không thể bù đắp. Thử hỏi, một BS trẻ, một trái tim nhân hậu như anh Ngọc làm sao không xót xa? Từ đó, anh nghĩ tại sao không hướng dẫn các bà mẹ cách nuôi con để con có thể khỏe mạnh, vượt qua những bệnh tật thông thường mà hầu như đứa trẻ nào cũng mắc phải?

Lúc ấy,BS Ngọc cũng đang là cha của 3 đứa trẻ thì ít nhiều, ngoài những kiến thức y học, anh còn có kinh nghiệm làm cha, thì tại sao không chia sẻ với các ông bố, bà mẹ, những người "đồng cảnh ngộ" với anh?

Hơn nữa, anh là người hiểu rất rõ sự khác biệt giữa kiến thức nhi khoa và kiến thức dưỡng nhi. BS Nhi khoa sẽ có đủ kiến thức nhi khoa để trị bệnh cho trẻ nhưng nuôi dưỡng trẻ để trẻ được khỏe mạnh thì không phải ai cũng am hiểu.


Sau phần giới thiệu "hoàn cảnh ra đời" của quyển sách, anh Ngọc tiếp tục cho người nghe biết về những lần tái bản của tác phẩm này, đến 18 lần với nhiều hình thức (sách, Phụ lục của báo Khoa học phổ thông), với nhiều tựa sách hơi khác nhau (mà mỗi sự thay đổi đều được gắn với một câu chuyện lý thú). Cứ vậy, quyển sách được lưu giữ và quảng bá từ 1974 cho đến nay


Nội dung tiếp theo của buổi chuyện trò là phần giao lưu với các khách mời, những độc giả "trung thành" với "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" và những độc giả đã từng mến mộ nhà văn, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc.

GS Trần Văn Khê, không chỉ nói về quyển sách mà nói về tác giả. Chúng tôi được nghe GS kể những chuyện về anh Ngọc, hiểu thêm nữa về sự dí dỏm, duyên dáng nhưng không kém phần sâu sắc của anh. Anh sống cùng mọi người, không phân biệt tuổi tác và GS nhấn mạnh nhiều lần về sự vui mừng khi quen biết rồi trở thành thân thiết với anh.


Cả hội trường thật sựđược thuyết phục với phần trình bày của chị Hoàng Anh, người mẹ trẻ đã đạt giải nhất trong Hội thi bà mẹ nuôi con khỏe được Sở Y Tế TP.HCM tổ chức 1987. Hội đồng Giám khảo thật sự ngạc nhiên vì chị đã vượt qua kỳ thi với nhiều kiến thức nuôi con mà một bà mẹ 26 tuổi như chi khó có được. Chị Hoàng Anh bộc bạch: chị là "fan" của BS Đỗ Hồng Ngọc từ khi còn học phổ thông ở Huế và khi lập gia đình, "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" của BS chính là người bạn đồng hành cùng chị trong những tháng ngày nuôi con vất vả. Nội dung mà chị đã "nghiền ngẫm" đã giúp chị có những câu trả lời chính xác. Cậu bé 10 tháng tuổi năm xưa đi thi cùng mẹ, nay đã trở thành BS và cũng có mặt trong buổi giao lưu này.


Rất vui, khán giả còn được thưởng thức những câu hát ru với giọng Huế ngọt ngào của chị, những câu hát đã đưa các con vào giấc ngủ êm đềm và nay, hai con trai thành đạt..

Và...tôi, cũng là một trong những khách mời, tôi không tiếp tục giới thiệu quyển sách này mà nói về BS Đỗ Hồng Ngọc, ảnh hưởng của anh đối với tôi khi tôi nuôi con trong lúc nghèo khó và sau này, nuôi cháu ngoại với một vài bất đồng giữa bà ngoại (nuôi trẻ theo kinh nghiệm) và mẹ (nuôi trẻ theo khoa học hiện đại). Trò chuyện với anh Ngọc, tôi luôn cảm thấy yên tâm vì anh là một BS biết lắng nghe, không phải chỉ để "trị" bệnh cho trẻ bớt "đau" mà còn chia sẻ nỗi "khổ" của những người thân. Nỗi khổ ấy sẽ vơi đi nếu được ai đó nghe và thấu hiểu.



Cũng là một bà mẹ trẻ (sinh con đầu lòng khi 25 tuổi), chị Kim Chi đến từ Lâm Đồng đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe chị tâm sự: "Tôi sinh cháu thiếu tháng và cháu chỉ nặng 1k8, rời khỏi mẹ, cháu chỉ là một sinh linh nhỏ bé, đen thui, phòng sanh vắng lặng, tôi chờ đợi tiếng cháu khóc, cuối cùng, tôi cũng được nghe tiếng khóc ấy...Rồi những ngày gian khổ tiếp theo, không có phòng dưỡng nhi, cháu không được nằm lồng kinh và tôi nuôi cháu lớn với 2 chai nước sôi ấp hai bên..". Nhắc lại những kỷ niệm ấy, người mẹ mà nay đã là bà ngoại, mắt vẫn có nước, những giọt nước mắt, mấy chục năm rồi vẫn chưa chảy thành dòng....


Thời gian không còn nhiều, các bạn trẻ (nam và nữ) vẫn còn muốn chia sẻ, nêu thắc mắc, tựu trung, tôi nhận thấy các bạn đều quan tâm đến vấn đề mà anh Ngọc đã nêu ngay trong "Lời ngỏ" của quyển sách ngay từ lần đầu xuất bản: "Nuôi trẻ là một bản năng, một nghệ thuật hay một khoa học?". Nghe càng nhiều ý kiến của nhiều thế hệ, thì các bà mẹ càng thấm thía rằng: không thể bỏ qua yếu tố nào trong 3 yếu tố trên.

Các bạn chờ đợi những quyển sách khác của BS Đỗ Hồng Ngọc: viết cho các bà mẹ trẻ, các bà mẹ tuổi trung niên, các ông bố...

Hội quán các bà mẹ cũng đang chờ....
Thanh Thúy, thay mặt Ban tổ chức tổng kết và nói lời chia tay:


Chúng tôi chụp hình lưu niệm.  Buổi giao lưu đã kết thúc nhưng có lẽ chúng tôi tiếp tục suy nghĩ về những bà mẹ ở mọi lứa tuổi...Tất cả đều bao la tình mẹ với mong muốn nuôi con khỏe mạnh, dù cho thế giới có văn minh, hiện đại đến thế nào thì làm mẹ vẫn là một thiên chức. Khi thực hiện thiên chức ấy, chúng ta trân trọng những tấm lòng, những trái tim đã cùng chung nhịp đập yêu thương, lo lắng, sẻ chia...và BS Đỗ Hồng Ngọc là một trong những người ấy.




Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Sinh nhật con gái

Hôm nay là sinh nhật lần thứ 35 của con.
Mẹ đọc lại tất cả những entries đã viết cho con trong tag "Tôi và con gái" và vẫn đắm mình trong cảm xúc, như vẫn còn mới nguyên:

Tiếp tục lo âu: khi trong con, đã có một mầm sống với bao khó khăn, thử thách mà những bất trắc đó, cả hai mẹ con ta đều chưa bao giờ ngờ...và mẹ đã phải cầu cứu đến ông bà ngoại, tin vào những điều linh thiêng, xem đó như chiếc phao cuối cùng

Đã có sự  sống: Bác sĩ khẳng định thai nhi phát triển bình thường, cuộc hành trình đi tìm sự sống xem như kết thúc nhưng quãng thời gian 8 tháng còn lại không phải là ngắn với con cũng như với mẹ.

Con cũng sẽ làm mẹ: cả gia đình cùng dự sinh nhật con được tổ chức tại Long Hải, con đã ra dáng một bà bầu. Và đến thời điểm đó thì mẹ đã có quyền tin: rồi con cũng sẽ làm mẹ.

Con vượt cạn: ôi, sao mà thương cho lần vượt cạn lần đầu của con với những điều không thuận lợi mà mẹ vẫn còn bị ám ảnh cho đến bây giờ. Mẹ vẫn từng lúc ở bên con để chia sẻ nhưng dĩ nhiên, khicon phải vượt cạn để đón đứa con bé bỏng, thiếu tháng thì con chỉ có một mình...

Con bắt đầu biết làm mẹ: tình mẫu tử quả là thiêng liêng, kỳ diệu, con đã biết điều ấy để mà chịu khó, chịu khổ như bao nhiêu bà mẹ khác.

Con gái của con gần 2 tuổi: mẹ viết tiếp entrie này cho con khi Miki giờ sắp tròn 2 tuổi, bi bô suốt ngày, biết đủ mọi thứ chuyện, nổi bật nhất là tài nhõng nhẽo, đặc biệt với mẹ và bà ngoại. Suốt ngày, Miki kêu: "Mẹ ui", rồi "Bà ui"... thương ơi là thương, sao mà không cưng, không chìu cho được?

Phải công nhận là con làm mẹ cũng giỏi: biết chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho Miki. Mặc dù con chưa hề chịu cực với ba mẹ ngày nào nhưng với Miki, con đã làm tất cả, có những việc mẹ không ngờ là con làm được vậy mà con cũng đã hoàn thành xuất sắc.

Thêm một tuổi, mong rằng con tiếp tục xuất sắc hơn nữa trong thiên chức làm mẹ và đủ bản lĩnh, tự tin để rời xa mẹ, xây dựng một gia đình của riêng con.
Tất cả còn đang ở phía trước, con gái ạ.
Quyển sách hồng của ba mẹ sẽ mang những trang sách quý vào đời....
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Hương Ngọc Lan

Khi vào Đại Học Văn Khoa, tôi học chứng chỉ Văn chương Việt hán (theo sở thích từ khi còn rất nhỏ) và tôi vô cùng khổ sở với việc học chữ Hán. Những bộ..., những nét...ôi, sao mà khó nhớ! Vốn rất siêng năng, tôi cứ mày mò tập từng nét, viết đầy hết các trang giấy, lật ngược, lật xuôi đủ các chiều và dần dần rồi cũng quen.

Ngoài giờ học trên lớp, tôi rất chăm chỉ đến Thư viện trường, chọn một góc quen thuộc và lại..vẽ, vẽ hay viết nhỉ!? Chỉ biết rằng tôi đến Thư viện mỗi ngày và ngồi vào đúng chỗ... "của mình". Cho đến một ngày, ôm cặp sách bước vào, thẳng tiến, nhưng có ai đã ngồi chỗ đó rồi! Một ánh mắt ngước nhìn, một nụ cười thân thiện: "Em vẫn ngồi chỗ này phải không? Anh biết rồi, em ngồi xuống đi, anh đến giờ học!". Lạ thật, đã biết người ta hay ngồi sao còn "giành"? Hình như tôi có lí nhí "cám ơn", lòng nhẹ nhàng vì không mất góc khuất thân yêu.

Ngày hôm sau và nhiều ngày sau nữa, tôi vẫn thấy người ấy ngồi loanh quanh đâu đó và hình như đã quan sát tôi rất kỹ. tôi chẳng bận lòng bởi, với tôi, lúc ấy, những con chữ rắc rối kia quan trọng hơn. dần dần, tôi quen với việc viết chữ Hán và đã chép được cả bài thơ. Quả thật, đọc và nhớ chữ Hán dễ hơn viết nhiều. "Em viết đẹp rồi đó, anh bày cho nè, em phải cầm cây viết như vầy...".

Kể ra, người ta cũng hay hơn mình, tôi muốn hỏi: Anh học năm thứ mấy, chứng chỉ gì, nhưng rồi... cứ lặng yên, nhìn người ta "múa" chữ Hán, trong khi tôi chậm chạp, mày mò từng nét. "Em, sửa cây viết lại, cầm thẳng đứng như em, khó viết lắm!". Tôi lì lợm: "Cầm quen rồi, sửa lại làm sao mà viết?". Anh vẫn nhẹ nhàng: "Đừng bướng em, nhìn tay anh nè". Lớn lối quá nhỉ, tôi đã bực, định không nhìn, nhưng hợi...tiếc, vì quả thật, người ta viết đẹp hơn mình!

Cũng không biết từ tháng, năm nào, 10 lượt tôi vào thư viện là đến 8 lượt tôi gặp người ấy. Có khi là ngồi cạnh bên nhưng bài của ai nấy học, có khi là ngồi góa khác mà vẫn "điều khiển từ xa."

Cho đến một ngày, tôi bỗng nghe có mùi hương là lạ, nhẹ nhàng khi người ấy ngồi xuống cạnh tôi. Một đóa Ngọc Lan còn tươi nguyên được lấy ra rừ túi áo: "Tặng em, mỗi ngày anh sẽ hái cho em khi anh thức dậy, chỗ anh ở trọ, cócây Ngọc Lan nhiều hoa lắm."


Rồi như thói quen, ngày nào tôi và anh cũng gặp nhau và ngày nào tôi cũng có một bông rồi hai bông Ngọc Lan. Trong tập sách của tôi, lúc nào cũng có hương Ngọc Lan. Những bông hoa khô, tôi để trong một cái túi, treo ở bàn học. Có lần anh đột ngột hỏi: "Em có để dành hoa khô không? Nhiều chưa em?". Những câu chuyện giữa anh và tôi không đầu, không cuối, tôi không biết gọi đó là tình anh em hay tình yêu? Nếu vài ngày không gặp, tôi thì nhớ hương Ngọc Lan vì hoa đã khô mà chưa có hoa mới nên tập sách không thơm tho, còn anh...anh đến tận lớp tìm tôi để chỉ nghe tôi hỏi: "Hoa Ngọc Lan của em đâu?". Và có lẽ, hoa...quý hơn người!

Năm ấy, anh đang học "Văn chương Anh" là một trong những chứng chỉ "khó nuốt" của Đại học Văn Khoa thời đó. Anh không vượt qua nổi kỳ thi, lệnh động viên đang chờ. Anh buồn buồn nói với tôi: "Từ khi vào học, anh chưa rớt chứng chỉ nào hết!". Tôi còn quá ngây thơ để nghĩ rằng, có tôi, có những bông hoa hái vào sáng sớm, nhẹ nhàng để khi trao tặng, hoa còn tươi nguyên, có những bài thơ chữ Hán đã chăm chút cho tôi và còn...nhiều...nhiều nữa nên kết quả học mới như thế này...

Lần cuối, gặp nhau trong Thư viện, anh đã tặng cho tôi cả một cành Ngọc Lan chứ không phải chỉ một bông. Tôi còn nhớ rõ: cành có lá, có hai hoa và một nụ chưa kịp nở. Vì là một cành hoa nên không thể để trong túi áo được và tôi cũng đã không hỏi anh làm sao để giữ gìn và trao tặng tôi một cành hoa xinh tươi đến như thế này? Anh hỏi: "Em có biết vì sao hôm nay, anh hái cho em hai bông hoa nở đẹp và nụ hoa bé xíu không?". "Em không biết nhưng em thích vì nó rất đẹp, rất dễ thương". "Em thích thật không?". Ánh nhìn bỗng tha thiết hơn, tôi không thể hiện một chút cảm thông nào mà lại vô tư, nói sang chuyện khác....


Rồi anh nhập ngũ, tôi vẫn vào Thư viện học nhưng vĩnh viễn không còn có hương Ngọc Lan vây quanh. Những đóa hoa héo khô, thành màu nâu rồi đen sẫm, vẫn ngủ yên trong cái túi trên bàn học của tôi, nhánh hoa được tôi ép vào nhật ký. tôi có chút hụt hẫng và hương Ngọc Lan thỉnh thoảng về trong mơ nhưng tôi vẫn chăm chỉ học và học...như con mọt sách.

Sau thời gian huấn luyện ở Thủ Đức, anh có về tìm tôi để giải thích về hai bông hoa và một nụ hoa bé xíu. Cuộc sống của anh giờ bấp bênh, anh không muốn ràng buộc em. Anh cũng không còn ở trọ chỗ nhà có cây Ngọc Lan nữa nên hôm nay, không có hoa tặng em. Đó là tình yêu đầu đời của tôi hay là thứ tình cảm gì, tôi thật sự không hiểu. Chỉ biết rằng, chúng tôi sẽ không thể gặp nhau ở cuối con đường hay một điểm hẹn nào đó. Nhiều lần, anh có đến nhà tìm tôi khi về phép, nhưng tôi đã cẩn thận dặn chị giúp việc nói là tôi đi học. Đứng trên dãy lần Văn Khoa, nhìn xuống sân chiều thứ bảy, thấy chiếc xe Honda đỏ của anh là tôi đi lối khác hoặc ở lì trong lớp cho đến gần tối.

Năm 1972, đúng ngày sinh nhật của tôi thì người ấy lại xuất hiện, không đến nhà tôi một mình mà đi cùng cô em gái, trên tay,cầm món quà nhỏ. Tôi đoán là sách vì anh rất hay tặng sách cho tôi. Quá nghiệt ngã, khi ngay hôm ấy, ngày sinh nhật lần thứ 20 của tôi cũng chính là ngày đưa tang má của tôi. Thấy gia đình như vậy, anh và em gái không chúc mừng sinh nhật cũng không gửi quà. Hương Ngọc lan nhạt nhòa theo năm tháng nhưng vẫn còn trong ký ức của tôi....

Đến năm 1977, khi tôi đang chơi trong sân nhà cùng con gái thì...có bóng ai bước ngang qua đường, bỗng dừng lại...dày dạn, tiều tụy hơn, điều không thay đổi là ánh nhìn: "Phải em không?". Tôi xúc động, bàng hoàng đến nghẹn lời, chưa trả lời anh thì, đúng lúc đó, con tôi quấy khóc, tôi bế con lên, vội vã như kẻ trốn chạy: "Anh nhìn nếu đúng là em thì..là...em!". Hỏi thăm thêm vài câu xã giao nữa rồi anh đi, tôi chưa gặp lại lần nào nữa. Tôi nghĩ, có thể anh không còn ở Việt Nam và ngược xuôi nơi đâu, còn sống hay đã chết, tôi không biết.

Mãi cho đến bây giờ, trong sân nhà tôi, trồng nhiều loại cây và tất cả đều có hoa đẹp, riêng cây Ngọc Lan...vẫn chỉ có lá! Hương Ngọc Lan nhà ai, hương Ngọc Lan tình cờ thoảng qua, chưa bao giờ làm tôi đủ sức ngất ngây như những đóa Ngọc Lan của ngày nào.

16-4-2011

Đọc tiếp ...