Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Ngàn lần cám ơn

Ngơ ngác trong sân trường đại học

Năm 1970 tôi vào học Đại học Văn khoa (hiện nay là Đại học Khoa học xã hội&Nhân văn) như một người “sa cơ lỡ vận”. Tôi học Tú tài ban C (ban văn chương) nhưng lại muốn trúng tuyển vào Đại học Y, ước mơ thật…phi thực tế. Lý do tôi chọn trường Y là vì tôi ốm yếu, hay bệnh tật nên thường gặp bác sĩ để chữa bệnh, vì thế, tôi yêu chiếc áo blouse trắng và mơ đến một ngày tôi cũng được khoác chiếc áo này để mà chữa bệnh cho mọi người và cho... tôi nữa. Dĩ nhiên ước mơ không thể thành hiện thực với một học sinh chỉ giỏi ngoại ngữ, văn chương mà dốt Toán! Tôi rớt trường Y như một thất bại đầu tiên trong đời học sinh của tôi. Với ước mơ không có cơ sở để trở thành hiện thực như vậy mà tôi cũng nằm lì trong phòng  và…khóc cả một ngày khi biết kết quả thi! Sau này, nhớ lại, tôi tự cười cho bản thân! Thế là, sau đó, tôi đành ghi danh học đại học Văn Khoa, ban Văn chương, nơi chốn “dung thân” cho những học trò ban C như tôi.

Tôi bắt đầu những năm tháng sinh viên tại ngôi trường cổ xưa này và lạ lẫm với bao nhiêu thứ. Trường học theo học chế chứng chỉ (nay là tín chỉ), tôi không khó khăn lắm với việc học vì tôi vẫn rất mê văn chương, thích thú vì không phải học Toán, Lý, Hóa. Tôi học dự bị “Văn chương Việt Nam” và phải học một chứng chỉ bắt buộc là Văn chương Việt Hán. Tôi hơi “đuối” vì chữ Hán khó viết quá mà năm đầu, tôi không thể không học chứng chỉ này. Điều quan trọng là tôi cảm thấy rất bơ vơ, giảng đường sao mà rộng lớn, cứ đến học rồi về, hầu như tôi không quen biết ai. Tôi cảm thấy thời gian còn trống nhiều nên ghi danh học thêm tại trường Luật, bắt đầu làm quen với các bộ luật từ thời Hồng Đức. Giảng đường vẫn rộng lớn, mênh mông và tôi vẫn cứ…ngơ ngác như ở Văn Khoa!

Bắt đầu hiểu điều đúng-sai

Cuộc đời sinh viên của tôi có lẽ sẽ tiếp tục lặng thầm và tôi vẫn cứ tiếp tục “ngơ ngác” như thế, nếu không có một ngày, tôi đến xem triển lãm với những hình ảnh về tội ác của Mỹ được trưng bày tại Đại học Văn Khoa. Trước đó, tôi chưa từng hình dung có những cảnh tượng man rợ như vậy, tôi chưa biết những địa danh xa lạ: Mỹ Lai, Sơn Mỹ, tôi cũng chưa hề hình dung thân phận của những người Việt Nam trong giai đoạn mà cuộc chiến tranh đã phải đến lúc kết thúc. Sau khi xem triển lãm, được tiếp xúc với các anh chị trong phong trào đấu tranh của sinh viên- học sinh Sài Gòn-Gia Định, tôi băn khoăn trong nhiều ngày. Tôi là ai vậy? Công chúa ngủ trong rừng đợi một Hoàng tử đến đánh thức? Hay tôi chỉ là con mọt sách và vẫn bước đi trong cuộc đời mà không cần tìm hiểu bất cứ một điều gì ngoài sách vở? Thời gian sau đó, hiểu nỗi nhục mất nước, hiểu rằng mình không thể chỉ biết học, tôi tham gia phong trào. Với những lần “Hát cho dân tôi nghe” trong những đêm không ngủ,  những cuộc biểu tình, tuyệt thực đòi quyền tự trị đại học… tôi dần vỡ ra nhiều điều, thấm thía nhất vẫn là giá trị sống làm người. Tôi không còn “ngơ ngác” nữa, tôi cùng bè bạn tham gia nhiều hoạt động và bắt đầu thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nhiều bạn bè phải vào tù, tôi nhận ra: cái gì là chân lý thì để có được nó, người ta phải trả một giá quá đắt, có khi phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, cả tình yêu đôi lứa và cả sự tự do nữa.

Bước vào đời

Nhận Chứng chỉ tốt nghiệp Cử nhân từ Đại học Văn Khoa, tôi khởi nghiệp bằng việc dạy học tại một huyện nhỏ, cách thành phố không xa lắm. Tôi chỉ mới 22 tuổi, chưa hề qua trường lớp sư phạm và cũng không dạy cho học sinh những gì mà tôi đã được học. Sau đó, tôi lại tiếp tục dạy học ở một tỉnh khác. Từ những thành công của việc giảng dạy, tôi chuyển sang vị trí của người quản lý. Những kiến thức có được từ trường đại học lại càng lùi xa. Tôi không còn nhớ mình đã được học những gì. Chỉ biết rằng: muốn ‘làm” được thì phải tiếp tục “học”, học từ cuộc sống, từ người xung quanh với nền tảng kiến thức đã có. Tôi có cảm giác mình luôn là người thiếu thốn, nghèo nàn, bởi còn chưa hiểu nhiều điều, chưa có những trải nghiệm cần thiết. Vì vậy, ở mỗi vị trí công việc, tôi vẫn kiên trì học hỏi. và trên từng chặng đường đã đi qua, tôi thấy mình đã làm được nhiều việc dù những việc ấy, không có trong dự định của tôi. Liên tục thay đổi công việc nên tôi có nhiều điều kiện để thử thách, để làm quen với cái mới, để kiến thức ngày thêm phong phú và với tôi, vì cuộc sống “muôn màu, muôn vẻ” nên không có gì là dư thừa.

Hiện nay, được xếp vào những thầy cô đã “có tuổi”, đã có nhiều trải nghiệm quý báu, tôi muốn nói: xin ngàn lần cám ơn ngôi trường Văn Khoa yêu dấu, nơi tôi “miễn cưỡng” phải dừng lại nhưng chính tại đây, tôi đã thật sự trưởng thành. Xin tri ân những thầy cô đã giúp tôi hiểu được những giá trị trị sống, hiểu được sự cần thiết của kiến thức để từ những gì đã “biết” biến thành những điều “làm được”. Tôi cũng đã được học để biết làm người tử tế, biết quan tâm, chia sẻ với người khác. Sự “tử tế” đối với tôi còn có nghĩa là làm việc gì cũng phải có cái “tâm”, có trách nhiệm với việc làm, suy nghĩ của mình. Chính cái “tâm” ấy đã giúp tôi vượt qua nhiều gian nan, thử thách để đến bây giờ, vẫn say mê làm việc và sống hòa đồng cùng mọi người, không ân hận vì đã “sống hoài, sống phí”.

Đây là bài viết cho Bản tin Hoa Sen trong chuyên mục: "Một thời để nhớ", tìm mãi không được hình của Đại học Văn Khoa năm xưa nên,,,chưa xin phép chị Quế mà đã sử dụng hình chị chụp trong một chiều mưa những bậc thang quen thuộc của một thời. Trên những nấc thang ấy đã in dấu những bước ngập ngừng, xao xuyến...và giờ đây, vững chãi với đời.

3-8-2012



 

Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Gặp gỡ BS Đỗ Hồng Ngọc, tác giả: "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng"

Được Thanh Thúy (Hội quán các bà mẹ) mời tham dự buổi giao lưu, giới thiệu "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" của BS Đỗ Hồng Ngọc, tôi vui nhưng cũng có chút lo âu vì chưa tham dự sinh hoạt với Hội quán lần nào, anh Ngọc thì thân quen rồi. Nhưng liệu với vai trò là 'khách mời", tôi sẽ làm gì đây?

Sáng thứ bảy (18-8-2012) tôi đến địa chỉ trong Thư mời với một chút hồi hộp...Đây là nhà của GS Trần Văn Khê, cũng là lần đầu tôi được tiếp xúc với GS dù tôi vẫn biết ông là bạn của ba tôi.
Tôi không khó khăn để tìm ngôi biệt thự này, và bước vào cổng, tôi đã bị thu hút ngay với gian hàng sách:


Tôi đang mải mê chọn sách thì Thúy goi ĐT, và dĩ nhiên tôi được em mời vào trong.
Mọi người bắt đầu đến, hội trường được trang trí trang nhà, phù hợp với phòng khách nhà GS.


Anh Ngọc bắt đầu buổi chuyện trò nhẹ nhàng, tự nhiên như bản tính của anh. Và cứ thế, người dự nghe anh tâm tình về lý do anh viết quyển: "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng", mà mỗi câu chuyện kể của anh dường như ẩn chứa biết bao điều.

Là BS Trưởng Khoa Cấp cứu của BV Nhi đồng, nơi đây, anh đã từng thấy những nụ cười vô tư của trẻ, những thân thể nhỏ bé mà tím tái vì khó thở, và đau xót nhất là những cái chết bất ngờ, ngoài dự liệu của BS, còn với người thân là những mất mát không thể bù đắp. Thử hỏi, một BS trẻ, một trái tim nhân hậu như anh Ngọc làm sao không xót xa? Từ đó, anh nghĩ tại sao không hướng dẫn các bà mẹ cách nuôi con để con có thể khỏe mạnh, vượt qua những bệnh tật thông thường mà hầu như đứa trẻ nào cũng mắc phải?

Lúc ấy,BS Ngọc cũng đang là cha của 3 đứa trẻ thì ít nhiều, ngoài những kiến thức y học, anh còn có kinh nghiệm làm cha, thì tại sao không chia sẻ với các ông bố, bà mẹ, những người "đồng cảnh ngộ" với anh?

Hơn nữa, anh là người hiểu rất rõ sự khác biệt giữa kiến thức nhi khoa và kiến thức dưỡng nhi. BS Nhi khoa sẽ có đủ kiến thức nhi khoa để trị bệnh cho trẻ nhưng nuôi dưỡng trẻ để trẻ được khỏe mạnh thì không phải ai cũng am hiểu.


Sau phần giới thiệu "hoàn cảnh ra đời" của quyển sách, anh Ngọc tiếp tục cho người nghe biết về những lần tái bản của tác phẩm này, đến 18 lần với nhiều hình thức (sách, Phụ lục của báo Khoa học phổ thông), với nhiều tựa sách hơi khác nhau (mà mỗi sự thay đổi đều được gắn với một câu chuyện lý thú). Cứ vậy, quyển sách được lưu giữ và quảng bá từ 1974 cho đến nay


Nội dung tiếp theo của buổi chuyện trò là phần giao lưu với các khách mời, những độc giả "trung thành" với "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" và những độc giả đã từng mến mộ nhà văn, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc.

GS Trần Văn Khê, không chỉ nói về quyển sách mà nói về tác giả. Chúng tôi được nghe GS kể những chuyện về anh Ngọc, hiểu thêm nữa về sự dí dỏm, duyên dáng nhưng không kém phần sâu sắc của anh. Anh sống cùng mọi người, không phân biệt tuổi tác và GS nhấn mạnh nhiều lần về sự vui mừng khi quen biết rồi trở thành thân thiết với anh.


Cả hội trường thật sựđược thuyết phục với phần trình bày của chị Hoàng Anh, người mẹ trẻ đã đạt giải nhất trong Hội thi bà mẹ nuôi con khỏe được Sở Y Tế TP.HCM tổ chức 1987. Hội đồng Giám khảo thật sự ngạc nhiên vì chị đã vượt qua kỳ thi với nhiều kiến thức nuôi con mà một bà mẹ 26 tuổi như chi khó có được. Chị Hoàng Anh bộc bạch: chị là "fan" của BS Đỗ Hồng Ngọc từ khi còn học phổ thông ở Huế và khi lập gia đình, "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" của BS chính là người bạn đồng hành cùng chị trong những tháng ngày nuôi con vất vả. Nội dung mà chị đã "nghiền ngẫm" đã giúp chị có những câu trả lời chính xác. Cậu bé 10 tháng tuổi năm xưa đi thi cùng mẹ, nay đã trở thành BS và cũng có mặt trong buổi giao lưu này.


Rất vui, khán giả còn được thưởng thức những câu hát ru với giọng Huế ngọt ngào của chị, những câu hát đã đưa các con vào giấc ngủ êm đềm và nay, hai con trai thành đạt..

Và...tôi, cũng là một trong những khách mời, tôi không tiếp tục giới thiệu quyển sách này mà nói về BS Đỗ Hồng Ngọc, ảnh hưởng của anh đối với tôi khi tôi nuôi con trong lúc nghèo khó và sau này, nuôi cháu ngoại với một vài bất đồng giữa bà ngoại (nuôi trẻ theo kinh nghiệm) và mẹ (nuôi trẻ theo khoa học hiện đại). Trò chuyện với anh Ngọc, tôi luôn cảm thấy yên tâm vì anh là một BS biết lắng nghe, không phải chỉ để "trị" bệnh cho trẻ bớt "đau" mà còn chia sẻ nỗi "khổ" của những người thân. Nỗi khổ ấy sẽ vơi đi nếu được ai đó nghe và thấu hiểu.



Cũng là một bà mẹ trẻ (sinh con đầu lòng khi 25 tuổi), chị Kim Chi đến từ Lâm Đồng đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe chị tâm sự: "Tôi sinh cháu thiếu tháng và cháu chỉ nặng 1k8, rời khỏi mẹ, cháu chỉ là một sinh linh nhỏ bé, đen thui, phòng sanh vắng lặng, tôi chờ đợi tiếng cháu khóc, cuối cùng, tôi cũng được nghe tiếng khóc ấy...Rồi những ngày gian khổ tiếp theo, không có phòng dưỡng nhi, cháu không được nằm lồng kinh và tôi nuôi cháu lớn với 2 chai nước sôi ấp hai bên..". Nhắc lại những kỷ niệm ấy, người mẹ mà nay đã là bà ngoại, mắt vẫn có nước, những giọt nước mắt, mấy chục năm rồi vẫn chưa chảy thành dòng....


Thời gian không còn nhiều, các bạn trẻ (nam và nữ) vẫn còn muốn chia sẻ, nêu thắc mắc, tựu trung, tôi nhận thấy các bạn đều quan tâm đến vấn đề mà anh Ngọc đã nêu ngay trong "Lời ngỏ" của quyển sách ngay từ lần đầu xuất bản: "Nuôi trẻ là một bản năng, một nghệ thuật hay một khoa học?". Nghe càng nhiều ý kiến của nhiều thế hệ, thì các bà mẹ càng thấm thía rằng: không thể bỏ qua yếu tố nào trong 3 yếu tố trên.

Các bạn chờ đợi những quyển sách khác của BS Đỗ Hồng Ngọc: viết cho các bà mẹ trẻ, các bà mẹ tuổi trung niên, các ông bố...

Hội quán các bà mẹ cũng đang chờ....
Thanh Thúy, thay mặt Ban tổ chức tổng kết và nói lời chia tay:


Chúng tôi chụp hình lưu niệm.  Buổi giao lưu đã kết thúc nhưng có lẽ chúng tôi tiếp tục suy nghĩ về những bà mẹ ở mọi lứa tuổi...Tất cả đều bao la tình mẹ với mong muốn nuôi con khỏe mạnh, dù cho thế giới có văn minh, hiện đại đến thế nào thì làm mẹ vẫn là một thiên chức. Khi thực hiện thiên chức ấy, chúng ta trân trọng những tấm lòng, những trái tim đã cùng chung nhịp đập yêu thương, lo lắng, sẻ chia...và BS Đỗ Hồng Ngọc là một trong những người ấy.




Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 14 tháng 8, 2012

Sinh nhật con gái

Hôm nay là sinh nhật lần thứ 35 của con.
Mẹ đọc lại tất cả những entries đã viết cho con trong tag "Tôi và con gái" và vẫn đắm mình trong cảm xúc, như vẫn còn mới nguyên:

Tiếp tục lo âu: khi trong con, đã có một mầm sống với bao khó khăn, thử thách mà những bất trắc đó, cả hai mẹ con ta đều chưa bao giờ ngờ...và mẹ đã phải cầu cứu đến ông bà ngoại, tin vào những điều linh thiêng, xem đó như chiếc phao cuối cùng

Đã có sự  sống: Bác sĩ khẳng định thai nhi phát triển bình thường, cuộc hành trình đi tìm sự sống xem như kết thúc nhưng quãng thời gian 8 tháng còn lại không phải là ngắn với con cũng như với mẹ.

Con cũng sẽ làm mẹ: cả gia đình cùng dự sinh nhật con được tổ chức tại Long Hải, con đã ra dáng một bà bầu. Và đến thời điểm đó thì mẹ đã có quyền tin: rồi con cũng sẽ làm mẹ.

Con vượt cạn: ôi, sao mà thương cho lần vượt cạn lần đầu của con với những điều không thuận lợi mà mẹ vẫn còn bị ám ảnh cho đến bây giờ. Mẹ vẫn từng lúc ở bên con để chia sẻ nhưng dĩ nhiên, khicon phải vượt cạn để đón đứa con bé bỏng, thiếu tháng thì con chỉ có một mình...

Con bắt đầu biết làm mẹ: tình mẫu tử quả là thiêng liêng, kỳ diệu, con đã biết điều ấy để mà chịu khó, chịu khổ như bao nhiêu bà mẹ khác.

Con gái của con gần 2 tuổi: mẹ viết tiếp entrie này cho con khi Miki giờ sắp tròn 2 tuổi, bi bô suốt ngày, biết đủ mọi thứ chuyện, nổi bật nhất là tài nhõng nhẽo, đặc biệt với mẹ và bà ngoại. Suốt ngày, Miki kêu: "Mẹ ui", rồi "Bà ui"... thương ơi là thương, sao mà không cưng, không chìu cho được?

Phải công nhận là con làm mẹ cũng giỏi: biết chăm chút từng bữa ăn, giấc ngủ cho Miki. Mặc dù con chưa hề chịu cực với ba mẹ ngày nào nhưng với Miki, con đã làm tất cả, có những việc mẹ không ngờ là con làm được vậy mà con cũng đã hoàn thành xuất sắc.

Thêm một tuổi, mong rằng con tiếp tục xuất sắc hơn nữa trong thiên chức làm mẹ và đủ bản lĩnh, tự tin để rời xa mẹ, xây dựng một gia đình của riêng con.
Tất cả còn đang ở phía trước, con gái ạ.
Quyển sách hồng của ba mẹ sẽ mang những trang sách quý vào đời....
Đọc tiếp ...