Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Vẫn còn đó, những tấm lòng

Hôm nay là ngày 20-11, ngày mà những năm còn dạy trường PT thì tôi có hoa đầy giỏ xe, nhà tấp nập phụ huynh, có những tâm tình khiến tôi phải xao lòng vì học trò chia sẻ tình thương dành cho cô với cha mẹ, rồi cha mẹ cũng "thần tượng" cô như học trò...nhưng cũng có những món quà "hàng hiệu" mà tôi vẫn muốn trả lại ngay sau khi nhận bởi phụ huynh tặng nhiều đến nỗi nhầm lẫn tên GV!
Rồi những ngày 20-11 ấy cũng trôi qua, tôi về một môi trường mới, không có ngày 20-11 nhưng không phải là không có những tấm lòng của học trò.
Các em tốt nghiệp cách đây 5-7 năm, hằng năm vẫn tặng hoa cho cô, loại hoa mà cô thích, có em tự mua hoa về cắm, nâng niu làm quà cho cô. Có em dùng tháng lương đầu tiên để mang đến cho cô chút kỷ niệm...Và còn nhiều, nhiều nữa...tôi đã từng chia sẻ với những số phận không may mắn mà học Đại học là một áp lực quá lớn với các em. Nhưng rồi tất cả đều thành đạt, có em, nay trở thành đồng nghiệp, vẫn yêu thương chúc mừng cô, những tấm lòng ấy, khiến tôi nhớ về những người thầy xa lắc của mình.
Một thầy Mã Tắc (tên thầy hơi lạ, dường như thầy gốc người Hoa) mà trang phục luôn là bộ kaki màu trắng. Thầy ân cần cầm tay tôi chỉ dẫn những nét bút đầu tiên và luôn nhẹ nhàng nhắc nhở: "Chữ viết là người", viết chữ h, chữ g, các con phải nhớ các "ngã tư" để uốn cho tròn, cho ngay ngắn, trò nào viết không thắng, thầy dùng thước khẽ lên bàn tay. Tôi chưa bị phạt lần nào nhưng chắc là đau lắm. Hồi đó, tôi không thấy ai lên án thầy, chúng tôi cũng răm rắp nghe theo, không đi học thêm mà chữ viết ai cũng đẹp. Tôi cũng có những ấn tượng đẹp về cô giáo lớp ba của tôi, hiền từ mà nghiêm khắc, ngay khi học với cô, tôi đã mơ ước: sau này cũng làm cô giáo như cô.
Rồi những năm học Trưng Vương, tôi mê cô Diệp dạy Văn, mê đến nỗi hằng ngày phải đi ngang qua nhà để...chẳng bao giờ được thấy cô!
Ở Đại học Văn Khoa, tôi có nhiều thầy cô, để lại ấn tượng thì ít mà tôi dè dặt thì nhiều hơn, vì tôi ở trong "thành phần bất hảo" mà lại hay theo thầy cô để xin bài quay cours phục vụ cho sinh viên. Tôi có ấn tượng sâu đậm với thầy Lý Chánh Trung vì thầy thuộc "phe ta" nên mọi giao dịch với thầy rất dễ dàng.
Sau 1975, tôi gặp lại thầy trong bệnh viện, thật là dở khóc, dở cười. Mừng vì thầy trò được gặp lại nhưng hoàn cảnh thầy và trò đều nghiệt ngã. Thầy đang nuôi con trai bị khối u trong não, còn tôi thì nuôi ba tôi bị nhồi máu cơ tim, cấp cứu nhiều lần. Tôi thấy thầy và cô đều tiều tụy, đau đớn lắm vì bệnh tình của anh rất nặng. Sau đó, anh qua đời. Thầy lại chịu đựng một tai họa khác là thêm một người con trai, bị tai nạn, nằm một chỗ. Tôi mang trọng tội là chưa một lần đến thăm thầy, thông qua một người cháu (gọi thầy bằng chú ruột), đã có thời gian làm việc chung với tôi, tôi biết một vài thông tin của thầy. Lễ mừng thọ cho thầy, tôi không hay nên cũng không có một lời chúc mừng.
Thầy Bửu Lịch, người đã hướng dẫn luận văn Cao học cho tôi với đề tài khá nhạy cảm: "Đời sống của sinh viên Saigon". Tôi nhớ thầy băn khoăn lắm, hẹn đến cả tuần mới trả lời cho tôi. Tôi không biết thầy có hiểu "thành phần" bị cho là "bất hảo" của tôi không, chỉ biết vì tôi đạt điểm khá cao nên mới được thầy đồng ý làm GS hướng dẫn. Có lẽ thầy cũng không biết tôi chọn đề tài này là để có thể tiếp cận sinh viên một cách danh chính ngôn thuận và vận động các bạn tham gia phong trào sinh viên. Dẫu sao, thầy cũng đã tận tụy hướng dẫn tôi cách tìm hiểu thông tin, lập phiếu điều tra để thực hiện nghiên cứu. Tôi biết ơn thầy và sau này, tôi đã sử dụng những kiến thức ấy để hướng dẫn sinh viên.
Những người thầy đã đi qua trong cuộc đời tôi, không cần có ngày 20-11, tôi cũng luôn nhớ và ghi ơn. Tôi không thích nhận những tin nhắn, email chúc mừng bằng tiếng Anh, tôi không thích gọi ngày 20-11 là teachers'day., bởi vì với tôi, tình nghĩa thầy trò là điều thiêng liêng, không phải là một văn hóa phải du nhập từ nước ngoài mới có.
Tôi đi dạy học đã gần 40 năm, vẫn thấy mình hạnh phúc khi chọn nghề giáo, dù "vinh, nhục" tôi cũng đã từng. Và trong hạnh phúc này, luôn có bóng dáng những người thầy, người cô mà tôi hằng yêu kính.
Đọc tiếp ...