Thứ Ba, 14 tháng 2, 2012

Những bó hoa "tình nhân"

Mỗi ngày tôi nhiều lượt đi qua đường Nguyễn Văn Cừ nên có dịp thấy con đường này (đoạn đường trường ĐH Khoa học tự nhiên) rộn ràng hoa và quà trong những ngày lễ.
Chiều 13-2 và sáng 14-2 đã bắt đầu có những chàng trai, cô gái thanh xuân (tôi đoán là sinh viên) bày hoa ra lề đường, đủ loại (hoa tươi, hoa khô, hoa vải, hoa giấy) và có cả thú nhồi bông nữa...
19g ngày 14-2, trên đường về nhà, tội hơi giật mình vì xe kẹt từ rạp Thăng Long (Cao Thắng) đến Nguyễn Thị Minh Khai, dài đến Nguyễn Văn Cừ...bởi dòng người...Valentine! Với tay nghề chạy xe ở trình độ thấp của mình, tôi không thể mang máy theo để chụp hình, ghi nhận khoảnh khắc này.
Có một em gái nài nỉ: "Anh mua giùm em đi, em bán tới nửa đêm luôn đó, nếu không, em lỗ vốn!!!", vậy mà người...không định mua hay chưa muốn mua vẫn đi thẳng! Trong những cô gái, chàng trai ấy lại có cả "đôi tình già" với hai mái đầu bạc cũng bán hoa. Tôi tò mò nhìn ngắm kỹ một chút thì thấy còn 3 bó (hình như không phải hoa tươi), lạy trời, nếu chỉ có 3 bó (không còn cất ở chỗ nào khác) thì có thể về trước 22g! "Đôi ta yêu nhau, có...3 bó hoa làm chứng!".
Trước đây, ở VN không có ngày Valnetine nhưng chúng tôi vẫn có những tình yêu đôi lứa tuyệt vời, vẫn có những ân nghĩa vợ chồng sâu nặng. Giờ đây, các bạn trẻ vui với ngày Lễ tình nhân cũng không có gì đáng trách nhưng "đường hoa Nguyễn Văn Cừ" tối nay với những cảnh đời trái ngang khiến tôi chạnh lòng.
Với tôi, khi mới biết ngày 14-2, tôi đã viết những dòng thơ:
        Ngày Lễ tình nhân
        Cùng những môi hôn
        Cùng lời hẹn ước
        Tôi ngẫm lại mình
        Những mối tình qua
        Xót xa, hụt hẫng...
        Đã có bao giờ
        Sao tôi sợ mất?!
Vậy mà, những năm sau đó, đến ngày 14-2, cũng có chút đợi chờ, lòng cũng xao xuyến. Năm tôi đi Trung Quốc, về đến VN, 2g sáng ngày 14-2, mở điện thoại thì nhận ngay tin nhắn đã được gửi trước đó, vì muốn khi đến VN là tôi nhận được ngay.
"Sống trong đời sống cần có tấm lòng..." cho dẫu là ngày tháng nào trong năm, khoảnh khắc nào trong cuộc đời, tôi vẫn luôn đón nhận những tấm lòng bằng nhịp đập của chính trái tim mình.
Sáng sớm nay, tôi đọc "Dâu Tây nghĩ về Valentine Việt Nam" trên VnExpress, tôi thích bài viết này.
Hôm nay, đã qua rồi ngày Valentine!
 
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Còn nợ ba

Ngày mai, 11 tháng giêng là giỗ lần thứ tư của ba.

Những ngày cuối đời của ba vẫn còn nguyên trong trí nhớ và tôi cũng mới chiêm bao thấy ba tối hôm kia. Cứ gần ngày giỗ của bà nội, ba má, tôi đều nằm mơ như vậy, vui vì được gặp người thân yêu nhưng rồi cũng ngậm ngìu, xót xa.

Sáng nay, Tú Vân, gọi điện nhờ thắp cho ba nén nhang. 3 năm rồi, em vẫn nhớ ngày giỗ ba dù chẳng họ hàng thân thích gì. Em là người giúp việc tôi đã thuê ngay trong bệnh viện với đầy may rủi bởi vì tôi chưa hề biết Vân. Vậy mà em đã cùng tôi chăm sóc ba hơn 1 tháng trời, cho đến ngày ba nhắm mắt. Đắng, cay, em sẻ chia với tôi hơn cả người ruột thịt. Vân nói thương tôi vì thấy tôi tận tụy chăm sóc ba, buổi sáng, em đi nhận cháo từ thiện rồi hai chị em cùng ăn qua quýt cho xong. Em ái ngại, nhưng với tôi, hễ em ăn được thì tôi cũng ăn được. Mấy ngày Tết, giữ đúng lời hứa, em không về quê ăn Tết để kề cận bên một bệnh nhân đã hôn mê sâu mà bệnh viện cho xuất viện chiều 23 Tết vì đã bó tay!
Ban đêm em thức, ban ngày là ca trực của tôi, Vân thích xem phim nên hai chị em thường xem phim và trò chuyện để giết thời gian. Những ngày...không có Tết rồi cũng qua, ba tôi vẫn tiếp tục mệt nhọc, đau đớn...

Đến sáng mồng 9, tôi vẫn nhớ như in giọng Vân vui mừng khi tôi vừa đến: "ông tỉnh rồi, mới nói chuyện với chị hai đó". Tôi không thể tin nhưng cũng bước vội vào nhà, quả thật, ba tôi đã mở mắt, kêu đúng tên tôi. Nước mắt tôi trào ra, tim thắt lại, bây giờ thì tôi hiểu thế nào là "hồi dương". Tôi gọi em trai mua vé máy bay về gấp, rồi cho ba nói chuyện với em, em hẹn: "ba ráng chờ con nha ba", tận phương trờ xa xôi, em tôi vẫn nghe ba "ừ". Ngày đó, Vân ca "Dạ cổ hoài lang" cho ba tôi nghe, ba nghe chăm chú, còn nhịp tay, tỏ vè rất thích. Tôi hỏi: "Vân ca hay quá, ba cho mấy điểm?". Chúng tôi rất ngạc nhiên khi ba trả lời rành mạch: "9 điểm thôi, hồi nãy có rớt một nhịp!". Vân chịu thua luôn!

Đến trưa mồng 10, khi mọi người đến gần đông đủ, ba nắm tay từng người rồi tiếp tục nhắm mắt, xế chiều, con trai tôi đến, không còn được nghe ông ngoại nói mà ông chỉ nắm tay không buông. Đêm đó, chị tôi, con trai, tôi và Vân cùng thức. Mãi đến 3g sáng, ba tôi còn rên và đột nhiên nói với hai chị em tôi: "Đau quá, ba chịu không nổi con ơi!". Chúng tôi đau đớn nhưng không biết cách nào giải thoát cho ba, tôi thầm van vái má rước ba cho ba được thanh thản. Ba nằm với tư thế thẳng, có vẻ thanh thản hơn mọi ngày nhưng tôi biết ba vẫn đang đau đớn lắm.

Gần 10g mồng 11, chị tôi vừa ra khỏi nhà, đi đổi vé may bay, dời ngày bảo vệ Luận văn TS thì ba thở hắt ra rồi bỏ chúng tôi vĩnh viễn. Cũng như má, trong 3 người con, chỉ có tôi, 2 lần chứng kiến trọn vẹn giờ phút ba má ra đi. Điếu văn tôi đã viết cách đó mấy ngày nên lúc đó, tôi bình tĩnh để sắp xếp mọi việc và Vân cũng giúp tôi rất nhiều. Em ở lại suốt đám tang, đưa ba tôi về quê xong, em mới nghỉ hẳn.

4 năm rồi, tôi vẫn còn nợ ba. Ba mong muốn được có một hồi ký vì cuộc đời của ba, quả thật, rất đáng được ghi lại. Tôi cũng đã nhờ người có chuyên môn thực hiện hồi ký, tiếp xúc, tìm tư liệu, phỏng vấn, ghi âm...Công việc kết thúc mấy tháng sau thì ba bệnh nặng. Mãi đến khi nằm trong BV, ba vẫn nhắc tôi về hồi ký. Bản thân, tôi chưa tự tin để viết về ba vì nhiều lý do. Tôi cứ hẹn và...hẹn, có một lần ba nói: "không sao, con nhiều công việc, thì cứ từ từ làm, khi nào ba 100 tuổi rồi xuất bản cũng được".
Ba lạc quan đến như vậy mà sao...vẫn không thoát được qui luật của trời đất?!

Hồi ký ấy, chẳng biết khi nào chị em tôi mới thực hiện? Hằng đêm, thắp nhang cho ba, tôi vẫn nhớ...

Ba ơi, con còn nợ ba....Con xin tạ tội.
 
Đọc tiếp ...