Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Tôi đã gồng người lên...



Photobucket

Hôm nay, là ngày cuối cùng tuổi của tôi còn được bắt đầu bằng số 5...
Trong từng ấy năm có mặt trong cuộc đời, đã biết bao lần tôi phải gồng mình lên...

Khi má tôi mất, 1 ngày trước khi tôi tròn 20 tuổi, một gia đình đang hạnh phúc bỗng vỡ tan, hình như tôi chưa thật sự trưởng thành mà vẫn phải gồng mình lên, chịu đựng nỗi đau, không chỉ là sự bất hạnh của đứa con mồ côi mẹ mà còn là biết bao điều khác nữa, trong đó, có cả những nỗi đau không thể gọi tên và dĩ nhiên cũng không thể diễn tả thành lời.

Rồi tôi có chồng, bỏ SG, mang thai khi tôi còn quá trẻ, tôi gồng mình lên để chịu đựng cơn đau chuyển dạ, tập trung hơi sức để được nghe tiếng khóc của con. Lúc ấy, bên tai, văng vẳng tiếng ba: "Con lớn rồi, con ưng ai thì ba gả cho người đó, nhưng con lấy chồng xa thì ba không có phụ con được...".

Trong suốt chặng đường nuôi hai con, không thể đếm hết những lần tôi gồng mình chịu đựng cái nghèo, cái cực mà cô gái SG chưa từng nếm trải và đúng là...không có ba để "lo phụ". Ba ơi, giờ con mới từ từ thấu hiểu.

Tôi gồng mình ngồi sàng, sẩy rồi nấu cám nuôi heo, đến nỗi, học trò, đến nhà, đứng ngoài cửa nhìn vào, phân vân: "Không biết phải cô mình hông?". Ông ngoại ghé thăm, bất ngờ, thấy tôi, ốm yếu ngồi với đống cám khổng lồ, ông ngoại khóc, tôi gồng mình lên và cười với ngoại: "Đâu có mệt, con làm chút xíu xong liền, trong khu nhà tập thể này, con là sướng nhất đó ngoại!". Ông ngoại đâu biết tôi đã gồng mình khi phải cầm trên tay con heo con (lần đầu nuôi heo đẻ), không biết phải làm sao, vừa ghê, gớm, lại cũng sợ, rủi nó chết thì tiền đâu mà trả nợ?

Tôi gồng mình để thức đến 2-3g sáng đan len cho tổ hợp, kiếm tiền nuôi con khi chồng đi học xa. Tôi gồng mình bưng bê từng ly cafe ( khi tôi "may mắn" được ở một căn nhà ngay trong chợ Mỹ Tho) mong sao con được uống sữa, uống nước chanh vì tôi phải làm để bán cho mấy chị bạn hàng ngoài chợ và tôi thì có thêm chút tiền để xoay sở. Tôi gồng mình khi nghe người ta xì xầm: "Cô giáo làm vậy, tội nghiệp quá, không dám mua!".

Tôi gồng mình dọn dẹp phân gà (bây giờ nhớ lại, vẫn còn ghê!), gồng mình chở từng giỏ trứng gà công nghiệp đi bán bằng chiếc xe PC (đã thành đồ cổ!) khi con trai bắt đầu học ĐH. 5 g sáng đã lục tục thức dậy cho gà ăn, lượm trứng rồi cũng áo dài "tha thướt" đến trường. 12g, từ trường hộc tốc về nhà, cơm nước, cho gà ăn, uống, lượm trứng, chưa kịp xong thì học trò đã gọi í ới để học thêm!

Tôi gồng mình để mỗi tuần 1 lần lên SG dạy, từ bến xe đi vào trường bằng xe đạp, thời điểm đó, cộng tất cả số giờ dạy của tôi hằng tuần (ở trường tại MT, trường ở SG, dạy ở nhà mình, nhà của học trò), hơn 40 tiết! Gồng mình để đi-về MT-SG/SG-MT như con thoi với ước nguyện các con chỉ tập trung học mà không cần làm thêm bất cứ việc gì. Gồng mình "siêu" đến nỗi hình như trong những năm tháng đó, tôi không có bệnh!

Tôi gồng mình để dứt khoát về lại SG sau đúng 25 năm từ bỏ quê hương, và lại tiếp tục gồng mình để đi học, để thay đổi môi trường làm việc, từ trường PT về trường ĐH, tôi gồng mình, trải qua biết bao cay đắng để được như ngày hôm nay. Gồng mình để nghe phiền trách về những điều mình chưa làm được, gồng mình để học vì mỗi ngày trôi qua, lại thấy sao mình lạc hậu, thiếu sót từ kiến thức đến kinh nghiệm...

Tôi cũng đã gồng mình để nuốt những giọt nước mắt, bắt nó phải chảy ngược vào lòng, đến nỗi tim như có ai bóp thắt, nhiều lần muốn ngừng thở, các đầu ngón tay bắt đầu tê (dấu hiệu của chứng hạ calci). Tôi gồng mình lên, chịu đựng những nỗi đau đời trong những đêm thức trắng mà tôi vẫn thường gọi là "trắng mắt, trắng lòng, trắng cả những niềm tin...". Gồng mình để không khóc cho đêm từng đêm lặng lẽ trôi qua và tự nhủ lòng: "không thể chỉ sống cho riêng mình!"

Tôi gồng mình khi mấy chục năm qua, tuy biết mà vẫn phải chấp nhận sự thật như nó vốn có, gồng mình để quen mà chấp nhận, không thắc mắc, không buồn phiền. Rộng lượng hơn để suy nghĩ rằng: "Trong cuộc chiến-tạm gọi như vậy-có khi người gây chiến còn khổ hơn người gánh nhận hậu quả không do mình gây ra...".

Tôi gồng mình để phủ nhận những tình cảm mà có người đã dành cho tôi bởi vì, nếu có một tình yêu khác, liệu tôi có phải gồng mình nữa không? Tất cả còn đang ở phía trước, tôi cũng không còn thời gian để bắt đầu những bước đầu tiên.

Tôi gồng mình để lần lượt, đảm đương những nhiệm vụ càng lúc càng khó khăn hơn nhưng vẫn thành công (ít ra là trong cái nhìn, có khi hơi chủ quan của tôi). Tôi gồng mình, chịu đựng những xúc phạm mà có khi, với người khác, là lẽ thường tình!

Và giờ đây, khi bước sang cái tuổi lục tuần, "ngẫm lại mình", hình như tôi đã có tất cả: nhà cửa, địa vị xã hội, con cháu đông đủ, hiếu thảo, bạn bè yêu quý...vậy tôi không cần phải gồng mình nữa!

Hãy thả lỏng người, bởi vì...tôi đã: "có đủ": Đủ mặt trời để soi sáng tâm trí. Đủ cơn mưa để mặt trời vẫn rực rỡ. Đủ niềm vui để tâm hồn không cằn cỗi. đủ nỗi đau để cảm nhận được ý nghĩa của hạnh phúc. Đủ nỗ lực để đạt được mong muốn. Đủ mất mát để tận hưởng tất cả sự tiến triển. Đủ những lời chào nhau trước khi phải nói lời tạm biệt cuối cùng". (Trích Sống đẹp, báo Phụ Nữ)

Sinh nhật lần thứ 59
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Sinh nhật con trai

Dưới đây là entry đã viết cho con trai sinh nhật của con năm 2009.

Hôm nay, đọc lại, vẫn còn nguyên cảm xúc. Con sinh ngày 9-9, mẹ ngớ ngẩn, hôm nay là 10-9, vậy mà sáng nay còn cãi với ba: hôm nay mới là ngày 9-9! Thật ra, tối qua mẹ không online, bực mình vì Mul. "làm khó" mẹ, không commnet được cho ai nên online làm gì!?

Ba nói đã gọi ĐT cho con, năm nay, không hiểu sao, con có vẻ không vui lắm. Công việc thì không có gì khó khăn, vất vả thì con vẫn vất vả như trước nay, (vì con giống mẹ!), nhưng không hiểu sao con ít nói cười hơn. Kiểu như "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn!". Mẹ đã thấy và nghe vợ con nói nhưng không dám hỏi gì hết vì con không bao giờ muốn mẹ phải lo lắng nên chưa bao giờ con nói về những khó khăn, băn khoăn, lo nghĩ của con cho mẹ nghe. Vì vậy, mẹ đành im lặng mà đêm nào cũng âu lo nghĩ về con.

Con trai à, con vẫn luôn là niềm tin yêu của ba mẹ, và đặc biệt là của mẹ.

Rồi con sẽ đọc những entries mẹ đã viết cho con để hiểu rằng, với mẹ, con quan trọng như thế nào thì với gia đình nhỏ của con, mẹ nghĩ, con càng quan trọng hơn nữa.

Con thêm tuổi mới, mẹ mong con luôn vững tay chèo, cho dù biển không phải lúc nào cũng thuận lợi cho người ra khơi!


Đối với một người mẹ, sự ra đời của con cái luôn là hạnh phúc vô giá và đó là những năm tháng không thể nào quên.

Ngày này, cách đây 34 năm, gần 9g sáng, một người phụ nữ 23 tuổi đã vượt cạn lần đầu để trở thành bà mẹ trẻ trong những ngày "vui, buồn, sướng, khổ" của năm 1975. Tên của con đánh dấu một cột mốc lịch sử, không phải chỉ của dân tộc mà còn của ba mẹ nữa. Lúc con bắt đầu quẫy đạp trong bụng mẹ, mẹ đã cùng với con đi vào dinh Thống Nhất để dự metting. Mẹ phấn khởi lắm, không chút e dè, sợ sệt. Bây giờ, nhớ lại mới giật mình, bụng đi trước, người thì như dòng thác, chen lấn, hò hét..

Khi mẹ sinh con xong, mẹ đọc được dòng chữ ba ghi nắn nót trong quyển sổ tay:"Hôm nay, NTT có mặt trên đời" và lúc đó, mẹ đã khóc.

Từng ấy năm trôi qua, con vẫn là niềm tự hào của ba mẹ, của cả gia đình nội/ngoại. Và gia đình nhỏ của con cũng luôn mang lại cho mọi người nhiều tiếng cười, niềm vui. Và mẹ đã có thêm hai "cục cưng, cục thương", lúc nào mẹ cũng nghĩ về gia đình của con với sự bình yên và mẹ luôn tin tưởng ở mọi quyết định, suy tính của con. Khi em có chồng, con cũng đã làm tròn trách nhiệm "anh hai", hơn cả những gì ba mẹ chờ đợi.

Hôm nay, con thêm một tuổi, mẹ ao ước con ngày càng thành đạt, luôn quan tâm và yêu quý mọi người, điều quan trọng là, tránh được những sai lầm có thể, đừng làm tổn thương vợ con, đừng làm cho người phụ nữ nào phải  gánh chịu như mẹ. Bởi vì, con biết không, nước mắt chảy ra là những giọt nước mắt có thể được chia sẻ, còn nước mắt nuốt vào trong là những ngậm ngùi không thể sẻ chia, là điều khủng khiếp của một đời người!

Mẹ luôn nghĩ về con bằng tất cả niềm tin và tự hào.

09-09-2009

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Trung Thu

Trung Thu gợi nhớ cho tôi biết bao kỷ niệm.
Khi tôi còn nhỏ, Trung Thu là thời điểm tôi rất thích.
Một trong những thú vui của tôi không phải là được rước đèn mà là được chơi đền cầy. Vì bình thường, không có đèn cầy để chơi.
Tôi hay nài nỉ chú của tôi mua cho đèn đủ màu sắc, tôi tỉ mỉ dùng móng tay để khắc trên thân đèn cầy những hoa văn khác nhau. Tôi có thể mất nhiều giờ đồng hồ để làm công việc này và dĩ nhiên ba má tôi không bao giờ thích những trò này của tôi, với ba má, chỉ có học và...học!
Tôi làm xong, sắp xếp trong hộp thuốc lá của ba rồi đem vào lớp khoe, các bạn khen, thể nào tôi cũng tặng rồi về nhà...làm tiếp cho đến hết mùa Trung Thu, khi không còn đèn cầy để mà khắc.
Món quà trẻ con ấy, tưởng đâu chỉ còn trong ký ức của tôi, không ngờ, hôm nọ, gặp Phương Hà, ở Úc về, cô bạn từ năm Đệ Thất (lớp 6) Trưng Vương vẫn nhớ và nhắc...
Tôi không thích (nói chính xác là...không biết) ăn bánh Trung Thu, nhất là bánh nhân thập cẩm (vốn là món khoái khẩu của ba tôi) mà chỉ thích được ba mua cho bánh con heo. Hồi tôi còn nhỏ lắm thì là một con heo, sau này, người ta làm cả bầy heo mà con nào cũng ủn ỉn, rất dễ thương nên tôi cứ mỗi ngày, mỗi ngắm nhìn chứ...không muốn ăn. Chìu tôi, năm nào ba cũng mua và vẫn thường "khuyên": bánh con heo là bánh dở nhất, con ăn bánh khác đi, hay là ăn bánh dẻo, ba mua cho...Ba thuyết phục hoài, tôi vẫn không thay đổi nên ba không nói nữa.
Khi tôi có chồng, không ai mua cho bánh con heo nữa, Trung Thu nhắc nhớ tôi những kỷ niệm ấu thơ mà trong những năm tháng ấy, ba và bà nội là những người chìu tôi nhất. Chìu đến mức, tôi có một thói quen rất xấu là hay...ăn từng muỗng, uống cũng từng muỗng. Vì vậy, một ly nước chanh, tôi uống rất lâu, cả nhà phải chờ khi đi ăn chung nên tôi hay bị má rầy. Ba thì không, ba hay nói: "Kệ nó, nó thích uống vậy mà. Con uống đi, ba chờ".
Sau này, tôi có kể chuyện cho một người nghe, nhân khi cùng đi uống nước, người ấy đã nhắc: "Sao em không uống từng muỗng?". "Thôi, mất công anh, chỉ có ba em chờ em chứ ai mà chờ?!" "Em uống đi, anh chờ!". Nói là nói vậy chứ trong cuộc đời, tôi và người ấy đã chẳng thể chờ được nhau!
Khi rước đèn, tôi thích đèn con cá mà không hiểu sao, tôi hay làm lồng đèn cháy mà cháy một góc nhỏ thôi, tôi cũng khóc và không chịu chơi lồng đèn bị rách bao giờ! Mỗi mùa Trung Thu tôi có đến mấy cái lồng đèn! Và ba tôi còn làm cho tôi đèn trống quân to nữa!
Đến khi các con tôi biết chơi đèn Trung Thu thì tôi quá nghèo, chờ cơ quan của chồng, trường của tôi mua tặng cái lồng đèn giây xếp. Tôi nhớ, Trung Thu năm nào ba tôi cũng gởi cho cháu nội lồng đèn bằng giấy kiếng, có khi chị tôi mua cho cháu. Lồng đèn giấy kiếng, lúc đó là "xa xí phẩm".
Vào ngày 16-8, má tôi vĩnh viễn đi xa, Trung Thu gợi cho tôi những kỷ niệm đau buồn. Năm nào, dọn bánh Trung Thu cúng ba má, tôi cũng chạnh lòng. Ba má đã cho tôi hưởng đầy đủ hương vị của nhiều mùa Trung Thu, vậy mà, đến khi tôi có thể lo cho ba má được thì tôi chỉ còn được thấy ba má qua khói hương thương nhớ thôi.
Giờ các cháu nội ngoại đầy đủ hơn lúc các con tôi còn nhỏ thì hình như các cháu không còn biết thưởng thức Trung Thu như tôi trước đây.
Không đứa nào đòi bánh con heo, không còn thấy ai khắc trên những cây đèn cầy đủ màu...
Đêm nay, MT tĩnh lặng, hồi còn sống ở đây, tôi rất sợ những tiếng chó "sủa ma", bởi vì, khi mất ngủ, những âm thanh đó, dội vào tai tôi, buốt nhức cho tôi chứ không phải cho những con chó sủa "ma". Người ta nói vậy, bởi vì...không có ai nó cũng sủa.
Sự tĩnh lặng khuya khoắt, xôn xao lòng tôi nỗi nhớ về những mùa Trung Thu....
Đọc tiếp ...