Thứ Ba, 10 tháng 7, 2012

Hương Ngọc Lan

Khi vào Đại Học Văn Khoa, tôi học chứng chỉ Văn chương Việt hán (theo sở thích từ khi còn rất nhỏ) và tôi vô cùng khổ sở với việc học chữ Hán. Những bộ..., những nét...ôi, sao mà khó nhớ! Vốn rất siêng năng, tôi cứ mày mò tập từng nét, viết đầy hết các trang giấy, lật ngược, lật xuôi đủ các chiều và dần dần rồi cũng quen.

Ngoài giờ học trên lớp, tôi rất chăm chỉ đến Thư viện trường, chọn một góc quen thuộc và lại..vẽ, vẽ hay viết nhỉ!? Chỉ biết rằng tôi đến Thư viện mỗi ngày và ngồi vào đúng chỗ... "của mình". Cho đến một ngày, ôm cặp sách bước vào, thẳng tiến, nhưng có ai đã ngồi chỗ đó rồi! Một ánh mắt ngước nhìn, một nụ cười thân thiện: "Em vẫn ngồi chỗ này phải không? Anh biết rồi, em ngồi xuống đi, anh đến giờ học!". Lạ thật, đã biết người ta hay ngồi sao còn "giành"? Hình như tôi có lí nhí "cám ơn", lòng nhẹ nhàng vì không mất góc khuất thân yêu.

Ngày hôm sau và nhiều ngày sau nữa, tôi vẫn thấy người ấy ngồi loanh quanh đâu đó và hình như đã quan sát tôi rất kỹ. tôi chẳng bận lòng bởi, với tôi, lúc ấy, những con chữ rắc rối kia quan trọng hơn. dần dần, tôi quen với việc viết chữ Hán và đã chép được cả bài thơ. Quả thật, đọc và nhớ chữ Hán dễ hơn viết nhiều. "Em viết đẹp rồi đó, anh bày cho nè, em phải cầm cây viết như vầy...".

Kể ra, người ta cũng hay hơn mình, tôi muốn hỏi: Anh học năm thứ mấy, chứng chỉ gì, nhưng rồi... cứ lặng yên, nhìn người ta "múa" chữ Hán, trong khi tôi chậm chạp, mày mò từng nét. "Em, sửa cây viết lại, cầm thẳng đứng như em, khó viết lắm!". Tôi lì lợm: "Cầm quen rồi, sửa lại làm sao mà viết?". Anh vẫn nhẹ nhàng: "Đừng bướng em, nhìn tay anh nè". Lớn lối quá nhỉ, tôi đã bực, định không nhìn, nhưng hợi...tiếc, vì quả thật, người ta viết đẹp hơn mình!

Cũng không biết từ tháng, năm nào, 10 lượt tôi vào thư viện là đến 8 lượt tôi gặp người ấy. Có khi là ngồi cạnh bên nhưng bài của ai nấy học, có khi là ngồi góa khác mà vẫn "điều khiển từ xa."

Cho đến một ngày, tôi bỗng nghe có mùi hương là lạ, nhẹ nhàng khi người ấy ngồi xuống cạnh tôi. Một đóa Ngọc Lan còn tươi nguyên được lấy ra rừ túi áo: "Tặng em, mỗi ngày anh sẽ hái cho em khi anh thức dậy, chỗ anh ở trọ, cócây Ngọc Lan nhiều hoa lắm."


Rồi như thói quen, ngày nào tôi và anh cũng gặp nhau và ngày nào tôi cũng có một bông rồi hai bông Ngọc Lan. Trong tập sách của tôi, lúc nào cũng có hương Ngọc Lan. Những bông hoa khô, tôi để trong một cái túi, treo ở bàn học. Có lần anh đột ngột hỏi: "Em có để dành hoa khô không? Nhiều chưa em?". Những câu chuyện giữa anh và tôi không đầu, không cuối, tôi không biết gọi đó là tình anh em hay tình yêu? Nếu vài ngày không gặp, tôi thì nhớ hương Ngọc Lan vì hoa đã khô mà chưa có hoa mới nên tập sách không thơm tho, còn anh...anh đến tận lớp tìm tôi để chỉ nghe tôi hỏi: "Hoa Ngọc Lan của em đâu?". Và có lẽ, hoa...quý hơn người!

Năm ấy, anh đang học "Văn chương Anh" là một trong những chứng chỉ "khó nuốt" của Đại học Văn Khoa thời đó. Anh không vượt qua nổi kỳ thi, lệnh động viên đang chờ. Anh buồn buồn nói với tôi: "Từ khi vào học, anh chưa rớt chứng chỉ nào hết!". Tôi còn quá ngây thơ để nghĩ rằng, có tôi, có những bông hoa hái vào sáng sớm, nhẹ nhàng để khi trao tặng, hoa còn tươi nguyên, có những bài thơ chữ Hán đã chăm chút cho tôi và còn...nhiều...nhiều nữa nên kết quả học mới như thế này...

Lần cuối, gặp nhau trong Thư viện, anh đã tặng cho tôi cả một cành Ngọc Lan chứ không phải chỉ một bông. Tôi còn nhớ rõ: cành có lá, có hai hoa và một nụ chưa kịp nở. Vì là một cành hoa nên không thể để trong túi áo được và tôi cũng đã không hỏi anh làm sao để giữ gìn và trao tặng tôi một cành hoa xinh tươi đến như thế này? Anh hỏi: "Em có biết vì sao hôm nay, anh hái cho em hai bông hoa nở đẹp và nụ hoa bé xíu không?". "Em không biết nhưng em thích vì nó rất đẹp, rất dễ thương". "Em thích thật không?". Ánh nhìn bỗng tha thiết hơn, tôi không thể hiện một chút cảm thông nào mà lại vô tư, nói sang chuyện khác....


Rồi anh nhập ngũ, tôi vẫn vào Thư viện học nhưng vĩnh viễn không còn có hương Ngọc Lan vây quanh. Những đóa hoa héo khô, thành màu nâu rồi đen sẫm, vẫn ngủ yên trong cái túi trên bàn học của tôi, nhánh hoa được tôi ép vào nhật ký. tôi có chút hụt hẫng và hương Ngọc Lan thỉnh thoảng về trong mơ nhưng tôi vẫn chăm chỉ học và học...như con mọt sách.

Sau thời gian huấn luyện ở Thủ Đức, anh có về tìm tôi để giải thích về hai bông hoa và một nụ hoa bé xíu. Cuộc sống của anh giờ bấp bênh, anh không muốn ràng buộc em. Anh cũng không còn ở trọ chỗ nhà có cây Ngọc Lan nữa nên hôm nay, không có hoa tặng em. Đó là tình yêu đầu đời của tôi hay là thứ tình cảm gì, tôi thật sự không hiểu. Chỉ biết rằng, chúng tôi sẽ không thể gặp nhau ở cuối con đường hay một điểm hẹn nào đó. Nhiều lần, anh có đến nhà tìm tôi khi về phép, nhưng tôi đã cẩn thận dặn chị giúp việc nói là tôi đi học. Đứng trên dãy lần Văn Khoa, nhìn xuống sân chiều thứ bảy, thấy chiếc xe Honda đỏ của anh là tôi đi lối khác hoặc ở lì trong lớp cho đến gần tối.

Năm 1972, đúng ngày sinh nhật của tôi thì người ấy lại xuất hiện, không đến nhà tôi một mình mà đi cùng cô em gái, trên tay,cầm món quà nhỏ. Tôi đoán là sách vì anh rất hay tặng sách cho tôi. Quá nghiệt ngã, khi ngay hôm ấy, ngày sinh nhật lần thứ 20 của tôi cũng chính là ngày đưa tang má của tôi. Thấy gia đình như vậy, anh và em gái không chúc mừng sinh nhật cũng không gửi quà. Hương Ngọc lan nhạt nhòa theo năm tháng nhưng vẫn còn trong ký ức của tôi....

Đến năm 1977, khi tôi đang chơi trong sân nhà cùng con gái thì...có bóng ai bước ngang qua đường, bỗng dừng lại...dày dạn, tiều tụy hơn, điều không thay đổi là ánh nhìn: "Phải em không?". Tôi xúc động, bàng hoàng đến nghẹn lời, chưa trả lời anh thì, đúng lúc đó, con tôi quấy khóc, tôi bế con lên, vội vã như kẻ trốn chạy: "Anh nhìn nếu đúng là em thì..là...em!". Hỏi thăm thêm vài câu xã giao nữa rồi anh đi, tôi chưa gặp lại lần nào nữa. Tôi nghĩ, có thể anh không còn ở Việt Nam và ngược xuôi nơi đâu, còn sống hay đã chết, tôi không biết.

Mãi cho đến bây giờ, trong sân nhà tôi, trồng nhiều loại cây và tất cả đều có hoa đẹp, riêng cây Ngọc Lan...vẫn chỉ có lá! Hương Ngọc Lan nhà ai, hương Ngọc Lan tình cờ thoảng qua, chưa bao giờ làm tôi đủ sức ngất ngây như những đóa Ngọc Lan của ngày nào.

16-4-2011

Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Những ngôi trường (3)

Trường Nguyễn Đình Chiểu
 
Năm 1990, từ Lê Ngọc Hân, tôi chuyển về làm Hiệu phó trường Năng Khiếu của Mỹ Tho. Lúc đó, vì trường chỉ có một số lớp cấp 3 nên nói là "trường" nhưng thật ra, chúng tôi ở "ké" với trường Nguyễn Đình Chiểu và chỉ được sử dụng dãy "lầu dơi". Ai đã từng học ở Nguyễn Đình Chiểu thì sẽ quen thuộc với tên gọi này. Đây là những lớp học ít được sử dụng, hơi ẩm thấp, tối và có nhiều dơi trú ngụ! Học sinh là những học sinh giỏi được tuyển từ trường Nguyễn Đình Chiểu. Tôi bỗng dưng trở thành người "có lỗi" vì đã "cướp" những học sinh giỏi khiến cho thầy cô không còn hứng thú để dạy! Đó là lời "phán xét" của một người bạn thân mà tôi đã hết sức ngỡ ngàng khi nghe được! Cứ vậy, bạn bè trước đây, bỗng dưng thành người xa lạ vì sự "tranh hơn thua" không đáng có! Trong Ban Giám hiệu Thầy Hữu Thông và anh Cường. Cũng lại là những năm tháng không thể nào quên. Được làm việc với một lãnh đạo giỏi trong chuyên môn và trong quản lý, những cộng sự cũng lại là những giáo viên được chọn lọc để dạy học sinh giỏi, tôi trưởng thành hơn.
Công việc quản lý gọn hơn ở Lê Ngọc Hân, tôi học hỏi được cách làm việc khoa học, nề nếp của thầy Thông và nghĩ rằng, nếu cuộc đời cứ êm xuôi như thế này, cũng là quá tốt cho tôi.

Nhưng trường Năng khiếu ấy chỉ tồn tại đúng một năm học. Như cái vòng lẩn quẩn vốn có của ngành giáo dục...tách ra rồi lại nhập vào! Trường sáp nhập với trường Nguyễn Đình Chiểu, các lớp cấp 2 từ Lê Ngọc Hân cũng chuyển về đây. Ban Giám hiệu của trường Nguyễn Đình Chiểu đã có sẵn nên chỉ có thầy Thông được bố trí làm Hiệu phó, tôi và Cường kết thúc nhiệm vụ! Dĩ nhiên tôi rất buồn, không phải vì "mất chức" mà đau vì một cách xử sự không hợp lý.

Nhưng có lẽ ông trời đã sắp bày cho tôi thôi làm lãnh đạo, có điều kiên bôn ba làm những chuyện khác để nuôi con. Lúc đó, con trai học lớp 11, con gái học lớp 9. Từ lãnh đạo của một trường lớn, rồi về một trường Năng khiếu nhỏ hơn rồi...dạy lớp mà không hề thấy mình có khuyết điểm gì. Người ta tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm và người nhận được sự tín nhiệm cao thì là rời bỏ...cuộc chơi để trở về dạy lớp như một giáo viên bình thường, sau hơn 13 năm làm lãnh đạo tại các trường nổi tiếng!

Tôi hiểu việc làm nào cũng có lý do nhưng tôi không thỏa và chính vì vậy, thay vì dạy cấp 3 thì tôi yêu cầu được dạy lớp 6 và năm đó, trường có 10 lớp 6 thì tôi xin làm chủ nhiệm lớp 6/10 là lớp mà học sinh có điểm thi tuyển vào thấp nhất. Tôi nghĩ: thôi thì, hãy đi lại những bước đầu tiên, xem như mình chưa biết dạy đi! Lớp của tôi ở cuối dãy lầu, thật ra, học trò rất ngoan và yêu quý cô chủ nhiệm. Lớp thường được tuyên dương mỗi sáng thứ hai và xem như tôi nghiễm nhiên trở thành một giáo viên chủ nhiệm giỏi. Không ai biết rằng, tôi đã ngậm ngùi, biết bao lần, để nước mắt chảy ngược, khi cũng tại sân cờ này, tại vị trí này, tôi là người điều khiển lễ chào cờ, hằng tuần, "giáo huấn" học sinh, chỉ đạo cho giáo viên mà giờ đây, tôi lại...

Làm sao không hụt hẫng, nhưng tính tôi dễ thích nghi và hòa nhập nên cuối cùng, tôi vẫn là một thành viên tích cực của tổ Văn, xung phong trong các hoạt động, kể cả thi hát Karaoke! Dần dần tôi được "lên lớp" 7, 8, 9 và tôi cũng có dạy lớp 10. Cũng trong thời gian này, tôi dạy thêm rất nhiều, ở nhà tôi rồi đến nhà học sinh và "leo" cả lên Saigon dạy trường Hoa Sen, lúc đó, chỉ là Trung tâm tin học và quản lý. Tôi cực nhưng tinh thần khá thoải mái, vì đi dạy có hứng thú và niềm vui riêng, không phải lo âu những vấn đề của người quản lý. Vì kết quả những tiết dạy của tôi thể hiện rõ ràng qua kết quả học tập của học sinh, chứ không phải muốn có thành tích của trường thì phải  ưu tư, dằn vặt vì không có một đội ngũ nào hoàn toàn "thuần khiết". Tôi ít lo âu vì kiếm được chút tiền để lo cho con.

Tôi thầm cám ơn ngành Giáo dục Tiền Giang đã giúp tôi được phát huy niềm đam mê, sở trường của tôi là năng khiếu giảng dạy. Hơn thế nữa, đời tôi thêm giàu có vì đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh.

Tổ Văn rất vui, lại còn kết hợp thêm với các bạn tổ Toán để mà "quậy" tới bến! Hầu như bạn nào cũng dạy thêm nhưng chúng tôi vẫn sắp xếp để đi hát Karaoke (lúc ấy, phong trào này rất thịnh hành) và tụ tập, ăn uống ở nhà bạn nào đó.
Dần dần, tôi thật sự quên thời gian dài đã làm lãnh đạo, tôi chẳng còn mặc cảm, hụt hẫng hay băn khoăn gì nữa. Giờ đây, tôi chỉ là một giáo viên Văn và tôi rất mê dạy., thật lòng yêu quý học trò mà mỗi biến chuyển của các em cũng đều khiến tôi tâm tư. Và nhớ lại, tôi tự hào "mình quả thật là một cô giáo biết yêu thương học trò". Những điều đó, tôi sẽ không quên viết lại trong hồi ký của mình.

Khi các con bắt đầu học đại học, tôi được trường Hoa Sen chính thức mời về làm việc. Cũng phải gần 2 năm đắn đo, tôi mới quyết định rời Mỹ Tho. Đối với tôi, quyết định này không dễ dàng chút nào. Tôi biết mình phải dấn thân để bắt đầu một chặng đường cam go mà tôi sẽ đi lại những bước đầu tiên. Ở cái tuổi xấp xỉ 50, tôi không còn trẻ trung nữa, bước đi sẽ chập chững hay vững vàng? Tôi không thể biết trước được. Ngẫm nghĩ và bình tĩnh thì tôi thấy, tôi đã cống hiến cho ngành giáo dục Mỹ Tho gần 25 năm, nhưng tôi đã được những ưu đãi gì? Hoàn toàn không có, uy tín mà tôi có được là do tôi tự tạo ra, không lẽ tôi dừng lại ở đây? Tôi hoàn toàn không nghĩ sẽ tiếp tục làm lãnh đạo nhưng quả thật, tôi thấy mình yếu kém về kiến thức, mà muốn đi học, không có con đường nào khác, phải "tiến về Saigon" thôi.

Tôi đã ở Nguyễn Đình Chiểu 10 năm, khoảng thời gian khá dài trong cuộc đời dạy học của tôi. Khi được chuyển về trường này, tôi rất hiểu trường có một bề dày lịch sử. Nơi đây, ba của tôi đã từng là học sinh đạt hạng nhất khi thi tuyển vào và là học sinh giỏi được Hiệu trưởng mến thương. Ba thường kể cho tôi nghe những kỷ niệm của ông khi học ở đây, kể không sót một chi tiết nhỏ.
Tôi chỉ là hạt cát trong sa mạc, cũng chẳng làm nên công trạng gì để góp phần cho thành tích vốn đã nổi bật của trường Nguyễn Đình Chiểu! Kể ra thì tôi cũng có chút kỷ niệm và có thể xem đó là "thành tích", vì tôi có học sinh giỏi đạt giải cấp quốc gia nên đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng.Tôi còn nhớ đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Tiền Giang: "Lan Khuê là viên ngọc mà các giáo viên đã dạy em những năm trước mài dũa, tôi chỉ làm cho viên ngọc đó sáng hơn thôi".

Bỏ lại tất cả, tôi lại tiếp tục rời thêm một ngôi trường nổi tiếng. Phải chăng:

"Đời tôi là những chuyến đi
Đời tôi là những chia ly u buồn!"

(Câu thơ của ai, tôi không nhớ tên tác giả).

Thỉnh thoảng, tôi vẫn về trường vào ngày 17-3 để dự lễ kỷ niệm và...tôi vẫn có cảm giác mình là người xa lạ trong đám đông quen thuộc!

Kỷ niệm 120 năm ngày thành lập trường, ngậm ngùi, tôi viết... Bài thơ này đã được đăng trong Tập san của trường:

Sao em bỏ trường

Sao em bỏ trường mà đi
Hàng cây thôi chờ đợi
Nắng chẳng còn lung linh
Mai này anh đến lớp
Chợt nhớ dáng mai gầy
Nghiêng vai bờ tóc rối
Nụ cười ai rất nhẹ
Xé lòng anh nỗi đau
Vô tình viên phấn vụn
Vỡ thành lời yêu thương
Em đi, không từ giã
Đường gần bỗng hóa xa
Ngậm ngùi, anh khẽ hát:
"Đưa người, ta không đưa sang sông
Mà sao có sóng ở trong lòng"....

5/7/2012

Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 5 tháng 7, 2012

Những ngôi trường (2)

Trường Lê Ngọc Hân


Từ khi về làm Hiệu phó trường Lê Ngọc Hân (trước đây có tên là trường Phường 7B để phân biệt với trường Phường 7A là trường tiểu học), thật lòng mà nói, tôi chưa được biết, trường thành lập năm nào. Nhận quyết định phân công của Phòng giáo dục, bước vào sân trường, tôi thoáng xúc động chỉ vì nơi đây, dì tôi đã dạy nhiều năm và dì đã qua đời...Lúc ấy, tôi lo lắng nhiều vì trường nổi tiếng quá, tôi không dám tự tin vào năng lực của mình. Nhưng rồi năm tháng cũng qua đi.

Tôi đã làm việc tại Lê Ngọc Hân từ năm 1984 đến năm 1987 cùng với anh Bổn, cô Hai Đặng và Kim Phi. Ban Giám hiệu "hùng hậu" như vậy nhưng không hiểu vì sao chúng tôi vẫn tất bật suốt ngày. Trừ cô Hai, tất cả chúng tôi đều đi xe đạp và anh Bổn luôn là người có mặt sớm nhất.

Khi tôi viết những dòng này, hiện lên trước mắt tôi khoảng sân rợp bóng mát với cây lim bông vàng có mùi ngai ngái. Phòng Hiệu trưởng, cái bục, cột cờ với những buổi sinh hoạt sáng thứ hai, rộn ràng cả con đường Ngô Quyền, những buổi thể dục giữa giờ của học sinh toàn trường, trong tiếng nhạc quen thuộc, học sinh luôn hối hả để còn chạy xuống cantin!

Chỗ này tôi hay dựng xe đạp, cạnh bên xe của tôi là chiếc xe màu xanh, thấp, nhỏ của Kim Phi. vào phòng giáo viên thì có bàn của thầy Phụng, cả một đời thầy tận tụy, cứ đến lúc xếp thời khóa biểu, tổ chức các kỳ thi là thầy lại vất vả. Tôi quên sao được cái dáng gầy gò của thầy. Tôi và Kim Phi ngồi cùng một dãy, tôi nhớ thầy Phụng có nói: "Cô đừng ngồi cái bàn này, ai ngồi cũng đi hết!". Tôi nhất định không đổi bàn khác vì tôi biết chắc chắn, sớm hay muộn, tôi cũng sẽ rời Lê Ngọc Hân. "Số phận" của tôi là như vậy, đây đâu phải là lần đầu tôi chuyển nhiệm sở. Từ cửa sổ ngay bàn làm việc của tôi nhìn ra là là phía sau của Sở Giáo dục. Thỉnh thoảng, tôi vẫn đứng ở của sổ này, nhìn bâng quơ, suy tính cho công việc, ngẫm nghĩ về cuộc đời mình. Giờ Sở đã được xây lại, khang trang, không còn nữa, khung cửa quen thuộc của tôi!

Cạnh bên là Thư viện, thỉnh thoảng, để thư giãn, tôi đến đây để đọc sách báo và cũng để...trêu chọc anh Hạn, thầy Đơn. Anh Hạn hay "nhăn" nhưng thật ra, rất dễ tính. Thầy Đơn với chất giọng Huế, nói năng chậm rãi, từ tốn. Ai cũng cũng vui và hết lòng vì công việc, mặc dù, lúc đó, chúng tôi rất nghèo và chỉ sống bằng đồng lương.

Ngày nào tôi cũng đi dọc các dãy lầu, đôi khi, dừng lại một chút, lớp này sao mà ồn, giáo viên đã đến hay chưa, hết giờ chơi rồi sao học sinh chưa vào lớp...Công việc cứ thế, hết ngày này sang ngày khác...Cũng có khi tôi cười..."hết cỡ", nhưng dĩ nhiên cũng không thể tránh khỏi những lúc lòng xót đắng, ngậm ngùi. Tôi vẫn còn nhớ những lo lắng, hồi hộp mỗi lần có đội tuyển dự thi cấp Thành, cấp Tỉnh, vì Lê Ngọc Hân có các lớp năng khiếu. Không sao quên được những lần chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp PTCS, kiểm tra học bạ, lên bảng điểm, thật là căng thẳng. Ký Học bạ đến... mỏi cả tay, chính vì vậy, tôi đã phải "sáng tac" ra một chữ ký thậtngắn, thật gọn nhưng cũng hơi...khó bắt chước. Sau này, nhiều người thắc mắc, vì sao chữ ký của tôi "lạ" như vậy, không ai biết nó được ra đời từ trường Lê Ngọc Hân, thời điểm mà cứ đến hè, thầy Phụng và anh Huệ phải xếp sẵn từng chồng Học bạ cho tôi ký tên.

Nhớ lắm những lần "tào lao" cùng các bạn sau khi họp tổ, tôi cứ hay nhắc các bạn độc thân phải nhanh chóng có chồng cho...vui. Phòng y tế của Vân là "tổng hành dinh", chúng tôi thường tụ tập ở đây, chị Nị sẽ phụ trách việc mua kem cho chúng tôi thưởng thức. Cách đây gần 4 năm, khi dự đám cưới con gái tôi, Phương (Thể dục) đã nhắc: "Chị đi rồi, không ai mua kem cho tụi em ăn!". Tôi rất hay "rầy la" các em, may mà các em không ghét tôi. Trạch (Sử), Hoa (Địa), Kim Hương (Toán), Hoa (Chính trị), Loan (Văn), Phương Tâm (Sinh). Loan (Nga văn), Cẩm Hồng (thư ký Hội đồng)...và còn nhiều, nhiều lắm, các em đã cùng tôi, một thời gắn bó. Cũng có em đã chọn một hướng đi khác, tình cờ gặp lại Tuyết Lan, nhìn em trong áo nâu sòng, vẫn cặp mắt buồn rượi rười đó, thôi thì, em sẽ hạnh phúc với sự chọn lựa của mình.

Có một lần, tôi là Chủ tịch Hội đồng thi tốt nghiệp PTCS,, thành Kim Phi là P.Chủ tịch. Là một trong những Hội đồng có số thí sinh nhiều nhất của Tỉnh, khi họp, tôi đã yêu cầu giám thị phải nhắc nhở thí sinh cách ghi tờ giấy thi vì bất cứ sai sót nào, cũng sẽ bị lộ Hội đồng thi. Tôi triển khai rất kỹ nên tin rằng mọi việc sẽ suôn sẻ. Không ngờ, chỉ 5 phút sau, một số giám thị hành lang, tất tả chạy về Phòng Hội đồng báo với tôi, nhiều phòng thi đã hướng dẫn sai, phải thay toàn bộ giấy thì. Tôi rụng rời rồi ngất xỉu! Thế là, trong lúc Vân đưa tôi đi cấp cứu thì Thành và Phi tiếp tục công việc. Chiều hôm đó, sức khỏe ổn định, tôi xuất viện, nhớ Thành năn nỉ mà thương: "Ngày mai chị ráng vô tổng kết giùm em, từ hồi đó tới giờ, em chưa làm việc này!". Cũng trong kỳ thi đó, 3 chúng tôi lại tiếp tục công việc ở Hội đồng chấm, cũng toàn là "lính mới bóc tem", chúng tôi hoàn toàn chưa có kinh nghiệm. Phân vân mãi rồi, như Kim Phi khẳng định: "Miễn mình không gian lận, không làm sai qui chế là được rồi!". Chậm mà chắc, chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, không sai sót.

Lâu lắm rồi, dễ đến hơn 20 năm, tôi chưa về thăm Lê Ngọc Hân, ngôi trường đã được "trả lại tên em"! Trừ một lần, cách đây mấy năm, tôi có đưa con trai của dì về thăm ngôi trường mẹ nó đã dạy khi xưa. Vì là ngày chủ nhật nên tôi chỉ gặp Tuyết (Văn) và chị Nị. Không có thời gian đi thăm hết khuôn viên trường. cái vườn sinh vật nhỏ xíu mà chị Hồng Ngân, Sương hết lòng chăm chút, chắc không còn? Phòng thực hành, không có anh Tấn, bây giờ ra sao? Chú Tư Sẵng chắc nghỉ hưu rồi? Cũng không còn văng vẳng tiếng hát "Nắng chiều" của một người đã...xa, rất xa.

Bây giờ, hay cho đến bao lâu nữa, với tôi, thời gian làm việc ở Lê Ngọc Hân vẫn còn trong ký ức. Vì nơi đây, tôi đã có nhiều trải nghiệm quý báu. Tôi chưa có nhiều kinh nghiệm quả lý mà trường lại là trường điểm, "quan trên trông xuống, người ta ngó vào", không dễ dàng cho tôi chút nào. Lại là một bà mẹ trẻ, một nách hai con, chồng thì đi học xa nên tôi đi trực hay hội họp, làm Hội đồng thi đều luôn có đủ ba mẹ con! Nhưng tôi tự hào vì con tôi đã lớn lên từ những lớp chuyên của Lê Ngọc Hân. Đã bao lần, con trai đứng kéo cờ trong sân trường này, khi tiếng quốc ca ngừng cũng là lúc cờ phải được kéo đến đỉnh cột. Tôi vẫn nhớ hình ảnh "anh" Liên đội trưởng ấy với áo trắng, quần xanh, khăn quàng đỏ tinh tươm, mắt sáng, dõi theo lá cờ. Nhớ chiếc xe đạp mini của tôi, con gái ngồi yên nhỏ đằng trước, con trai ngồi sau. Mỗi lần tôi bận hội họp thì các con lại tha hồ vào thư viện đọc Khăn quàng đỏ vì mẹ không có tiền mua! Thời gian làm việc ở đây, sức khỏe tôi rất kém, vào ra bệnh viện liên tục, nhưng chính bạn bè đã góp tình yêu thương cho tôi bước tiếp chặng đường dài mà tôi đã nhiều lần đuối sức. Tôi được các đồng nghiệp thật lòng yêu quý, không phải vì tôi là Hiệu phó. Tôi cũng yêu thương các bạn như vậy, sẵn sàng san sẻ mọi buồn vui. Tôi thấy mình hạnh phúc khi được những thành viên trong Ban giám hiệu chấp nhận những điều mà không phải ai cũng hiểu. Khi rời Lê Ngọc Hân để về Nguyễn Đình Chiểu, cách nhau có một con đường nhưng tôi nhớ là mình đã "bịn rịn" lắm lắm, vì tưởng chừng xa lắc!

Giờ đây, mỗi người một nơi, chúng tôi ít có dịp gặp nhau nhưng kỷ niệm vẫn là điều không thể xóa nhòa. Bất cứ chặng đường nào đã đi qua, dừng lại lâu hay mau, tôi cũng đã nhận biết bao ân tình. Chính những ân tình ấy đã khiến trái tim tôi luôn biết yêu thương và dạt dào cảm xúc.

Lê Ngọc Hân ơi, bạn bè thân thương ơi, xa rồi vẫn nhớ!

1/7/2012
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Những ngôi trường (1)

 Trường Bổ túc công nông

Tháng 10-1975, tôi từ Tp.HCM chuyển về Mỹ tho, được nghỉ thêm 2 tháng thai sản để chờ trường Bổ túc công nông của Mỹ Tho khai giảng.

Lúc đó, chúng tồi chỉ có khoảng 15 người, là những người có lý lịch tốt (đã tham gia cách mạng, là gia đình cách mạng) và một vài giáo viên từ miền Bắc vào.Cơ sở của trường là trường Tân Dân (một trường tiểu học dạy tiếng Hoa), ở phường 2, qua khỏi cầu Quay một đoạn. Hiệu trưởng lúc đó là cô Hai Nhiên. Việc gì chúng tôi cũng cùng nhau làm, không phân biệt giáo viên hay nhân viên. Trường bắt đầu chiêu sinh, các lớp cấp 1 nhiều học viên hơn nên học ở các phòng học phía sau sân bóng rổ. Các lớp cấp 2 thì học ở dãy phòng phía trên, nơi đây cũng là văn phòng làm việc của trường. Một số giáo viên, nhân viên ở tại trường, dãy nhà tập thể, phòng nào cũng nhỏ, nóng.

 Vậy mà, trong khuôn viên nhỏ bé ấy, nhiều học viên đã tốt nghiệp cấp 1 rồi cấp 2, cũng có những đôi đã thành duyên. Đa số học viên đa số đã có tuổi và với họ, việc cầm súng dễ hơn học chữ nhiều. Do đặc thù của chương trình Bổ túc, chúng tôi phải dạy một ngày 2 buổi: sáng là chương trình chính khóa và chiều là phụ đạo. Mỗi học viên, trong một niên khóa, có thể học tối đa 3 cấp lớp, họ học miệt mài, thì chúng tôi, cũng phải dạy liên tục, không dám kêu than.Vì chưa bao giờ tiếp xúc và giảng dạy đối tượng đặc biệt này nên chúng tôi có nhiều lúng túng, dễ dãi quá thì không được, nghiêm khắc một chút thì bị phê bình, góp ý ngay.
Tôi không sao quên được chú Mười H, đi học khi tuổi đã xấp xỉ 60, tiếp thu chậm hay quên nhưng lại thích những con điểm 8, điểm 10. Chú thường xuyên năn nỉ: "cho điểm cao, hăng, học mới nổi!". Thỉnh thoảng, tôi và vài đồng nghiệp khác bị Chi Bộ phê bình "tiểu tư sản", chúng tôi lại tỉ tê tâm sự rồi cùng nhau chia sẻ, động viên. Lúc đó, dường như không ai dám có ý nghĩ thay đổi công việc hay xin chuyển đi trường khác vì chúng tôi là thành phần được chọn lựa mà! Hơn nữa, ở cái thời mà người đi làm việc mới có các tiêu chuẩn: gạo, thịt, cá, vải vóc, đường, sữa...thì làm sao dám nghỉ việc?
Ôi, những năm 1975, 1976, 1977 sao mà khó khăn đến...thảm! Một số chị em trong chúng tôi đã có gia đình nên không tránh khỏi tình trạng bầu bì rồi nuôi con nhỏ, con cái đau ốm liên miên, mẹ cũng suy dinh dưỡng...! Trường trở thành nhà trẻ, các con bò lê la dưới đất cho mẹ dạy, đôi khi học viên còn gữi trẻ giùm cho cô. Lúc đầu, lớp được phân một diện tích đất nhỏ để trồng rau (gọi là có lao động!). Đó cũng là công việc của giáo viên chủ nhiệm lớp.Nhưng chủ nhiệm mà "tiểu thư". lại còn có con nhỏ như tôi thì chỉ đứng nhìn học viên cày xới rồi thu hoạch. Rau xà lách, cải xanh được chở xe đạp đi bán, thu được chút tiền cho quỹ lớp. Phải công nhận là các học viên của tôi rất xuất sắc trong "món" này. Có lần đi đào kênh, tôi cũng phải hướng dẫn học viên mà vô cùng ái ngại, vì tôi cầm cây cuốc không nổi thì hướng dẫn cái gì đây?! Gọi là "chịu trận" chứ không phải "đứng mũi chịu sào". Đến trưa, học viên "yêu cầu" tôi phải về vì em bé ở nhà, từ sáng, phải nhịn sữa! Đến năm 1977, có phong trào trồng cao lương, trường được cấp đất ở Tân Mỹ Chánh thì chúng tôi nhận một diện tích đất lớn hơn, công việc vất vả hơn, đường đi cũng dài hơn.

Mỗi tuần, ba buổi tối, tôi còn phải đến UBND Mỹ Tho dạy cho một lớp cán bộ cấp cao. Phòng học cũng là nơi làm việc, buổi tối, không có người giữ xe nên chiếc xe đạp của tôi phải mang lên phòng học. Tuy hết sức cố gắng, nhưng tôi không sao xê dịch nổi  xe lên các bậc thang cao. Tôi được trợ giúp và lớp thường không vắng học viên nào, chỉ vì: "thích giọng đọc thơ của cô giáo, mấy thầy người Bắc, nói gì, tụi tui nghe không kịp!".

Ngoài giờ dạy, chúng tôi làm đủ thứ nghề: trồng rau, nuôi heo, đan len cho tổ hợp xuất khẩu...Chị T ngày nào cũng chạy xe đạp về Bến Tre, xe của chị chất đầy những dừa, chuối..., chị vất vả lắm mà lúc nào cũng vui vẻ, sẵn lòng với bạn bè nên tôi yêu quý chị vô cùng. Chị T hay cho chúng tôi ăn chuối và hay rủ chúng tôi lên nhà chị chơi. Chị có đủ các loại chuối (chuối khô, chuối ép, chuối hồng..) mà loại nào chúng tôi cũng thích. Chị L thì không có gia đình nên luôn gồng gánh công việc cho những người có con mọn như tôi.

Tôi làm việc tại trường Bổ túc công nông hơn 3 năm. Thời gian tuy chưa dài lắm nhưng cũng đủ để tôi suy gẫm về sự khác biệt giữa những điều mà một tiểu thư từng sống trong tháp ngà hạnh phúc như tôi đã từng tuyệt đối tin tưởng với những thực tế của đời thường. Cái "Đời thường" mà mỗi chúng ta rồi cũng phải trải qua để từ đó, thêm giàu có về vốn sống để mạnh mẽ thêm, gan lì hơn.

Sau đó, tôi chuyển về Phòng Giáo dục rồi tiếp tục đến một số trường khác, cũng ở tại Mỹ Tho nhưng có lẽ vì mải lo cơm áo, gạo tiền nên chúng tôi... lạc mất nhau. Gần đây, chị L, hiện đang định cư ở Úc, thông qua blog của BS Đỗ Hồng Ngọc, nhờ cái tên đặc biệt của tôi mà chị nhận ra tôi và nhờ BS cho số đt của tôi. Khi chị gọi về, giọng nói quen thuộc, cách nói chậm rãi không khác xưa của chị đã khiến tôi nghẹn ngào. Nhất định chị em mình không lạc nhau nữa nghe chị. Chị có về Việt Nam một lần, lặn lội đi thăm chị T nhưng vì tôi đã về SG nên không gặp được tôi, không ai biết tin tức của tôi. Chị cho tôi số đt của chị T. Thật là hi hữu, người trong nước với nhau mà lại phải nhờ một người ở nước ngoài mới tìm được nhau.

Chủ nhật, 17-6-12, tôi đã về Tân Thạch (Bến Tre) để thăm anh chị T. Gần 28 năm chúng tôi mới gặp lại nhau, mặc dù chị và tôi chỉ cách nhau có cái cầu Rạch Miễu. Chị về ở hẳn trong ngôi nhà mà ngày xưa chị đã đi-về hằng ngày. Khi còn làm việc chung, thấy chị quá vất vả nuôi con, tôi hay nói: "Em bái phục chị". Chị luôn cười thật hiền: "Nuôi con mà em, rồi em cũng như chị thôi!". Giờ các con của chị đã thành danh, anh chị không còn dạy học nữa và đã chuyển sang nghề khác. Nhìn cơ ngơi của chị, thấy anh chị vẫn hạnh phúc, tôi nhẹ lòng. Trước đây, mỗi lần nhớ chị, tôi thường xót xa: không biết cuộc sống của chị giờ ra sao, có còn cơ cực như xưa không?
Bữa trưa, anh đãi tôi món cháo cá lóc mà anh đã chuẩn bị để hai chi em có thời gian tâm sự. Cá lóc ruộng sao mà ngọt ngon.
Mấy cây bưởi của chị sai trái thấy ham.

Tôi nhờ anh chụp hình để khoe với chị L, chúng tôi đã gặp nhau, vui vẻ như thế này...nhắc chuyện xưa, kể chuyện của mấy chục năm xa cách...và những câu chuyện cứ nối nhau không dứt.
Hơn 4g chiều tôi mới chịu về, anh lãnh nhiệm vụ làm tài xế đưa tôi về Mỹ tho. Đúng là, "được ăn, được nói, được gói đem về", chị cho tôi một cặp bưởi to, một chai nước màu dừa do chị làm, một gói chuối ép với lời giải thích: "Hôm chị L về đây chơi, chị cũng có tặng chuối này, đem qua Úc ăn, chắc thấy ngon nên chị L có đt về nhắc chị, khi nào gặp em thì phải cho em món này!". Mãi mãi em vẫn là đứa em nhỏ của các chị. Những người chị của tôi, tôi phải nói như thế nào về những gì mà các chị đã dành cho tôi?



Duyên may đã cho em gặp lại các chị và chúng ta chẳng bao giờ xa nhau nữa. Em sẽ về thăm chị T lần nữa với nhiều bạn khác. Hứa hẹn những cuộc họp mặt khác ấm áp, vui vẻ, râm ran những câu chuyện ngày xưa-bây giờ....


Đọc tiếp ...