Thứ Sáu, 6 tháng 7, 2012

Những ngôi trường (3)

Trường Nguyễn Đình Chiểu
 
Năm 1990, từ Lê Ngọc Hân, tôi chuyển về làm Hiệu phó trường Năng Khiếu của Mỹ Tho. Lúc đó, vì trường chỉ có một số lớp cấp 3 nên nói là "trường" nhưng thật ra, chúng tôi ở "ké" với trường Nguyễn Đình Chiểu và chỉ được sử dụng dãy "lầu dơi". Ai đã từng học ở Nguyễn Đình Chiểu thì sẽ quen thuộc với tên gọi này. Đây là những lớp học ít được sử dụng, hơi ẩm thấp, tối và có nhiều dơi trú ngụ! Học sinh là những học sinh giỏi được tuyển từ trường Nguyễn Đình Chiểu. Tôi bỗng dưng trở thành người "có lỗi" vì đã "cướp" những học sinh giỏi khiến cho thầy cô không còn hứng thú để dạy! Đó là lời "phán xét" của một người bạn thân mà tôi đã hết sức ngỡ ngàng khi nghe được! Cứ vậy, bạn bè trước đây, bỗng dưng thành người xa lạ vì sự "tranh hơn thua" không đáng có! Trong Ban Giám hiệu Thầy Hữu Thông và anh Cường. Cũng lại là những năm tháng không thể nào quên. Được làm việc với một lãnh đạo giỏi trong chuyên môn và trong quản lý, những cộng sự cũng lại là những giáo viên được chọn lọc để dạy học sinh giỏi, tôi trưởng thành hơn.
Công việc quản lý gọn hơn ở Lê Ngọc Hân, tôi học hỏi được cách làm việc khoa học, nề nếp của thầy Thông và nghĩ rằng, nếu cuộc đời cứ êm xuôi như thế này, cũng là quá tốt cho tôi.

Nhưng trường Năng khiếu ấy chỉ tồn tại đúng một năm học. Như cái vòng lẩn quẩn vốn có của ngành giáo dục...tách ra rồi lại nhập vào! Trường sáp nhập với trường Nguyễn Đình Chiểu, các lớp cấp 2 từ Lê Ngọc Hân cũng chuyển về đây. Ban Giám hiệu của trường Nguyễn Đình Chiểu đã có sẵn nên chỉ có thầy Thông được bố trí làm Hiệu phó, tôi và Cường kết thúc nhiệm vụ! Dĩ nhiên tôi rất buồn, không phải vì "mất chức" mà đau vì một cách xử sự không hợp lý.

Nhưng có lẽ ông trời đã sắp bày cho tôi thôi làm lãnh đạo, có điều kiên bôn ba làm những chuyện khác để nuôi con. Lúc đó, con trai học lớp 11, con gái học lớp 9. Từ lãnh đạo của một trường lớn, rồi về một trường Năng khiếu nhỏ hơn rồi...dạy lớp mà không hề thấy mình có khuyết điểm gì. Người ta tổ chức bỏ phiếu tín nhiệm và người nhận được sự tín nhiệm cao thì là rời bỏ...cuộc chơi để trở về dạy lớp như một giáo viên bình thường, sau hơn 13 năm làm lãnh đạo tại các trường nổi tiếng!

Tôi hiểu việc làm nào cũng có lý do nhưng tôi không thỏa và chính vì vậy, thay vì dạy cấp 3 thì tôi yêu cầu được dạy lớp 6 và năm đó, trường có 10 lớp 6 thì tôi xin làm chủ nhiệm lớp 6/10 là lớp mà học sinh có điểm thi tuyển vào thấp nhất. Tôi nghĩ: thôi thì, hãy đi lại những bước đầu tiên, xem như mình chưa biết dạy đi! Lớp của tôi ở cuối dãy lầu, thật ra, học trò rất ngoan và yêu quý cô chủ nhiệm. Lớp thường được tuyên dương mỗi sáng thứ hai và xem như tôi nghiễm nhiên trở thành một giáo viên chủ nhiệm giỏi. Không ai biết rằng, tôi đã ngậm ngùi, biết bao lần, để nước mắt chảy ngược, khi cũng tại sân cờ này, tại vị trí này, tôi là người điều khiển lễ chào cờ, hằng tuần, "giáo huấn" học sinh, chỉ đạo cho giáo viên mà giờ đây, tôi lại...

Làm sao không hụt hẫng, nhưng tính tôi dễ thích nghi và hòa nhập nên cuối cùng, tôi vẫn là một thành viên tích cực của tổ Văn, xung phong trong các hoạt động, kể cả thi hát Karaoke! Dần dần tôi được "lên lớp" 7, 8, 9 và tôi cũng có dạy lớp 10. Cũng trong thời gian này, tôi dạy thêm rất nhiều, ở nhà tôi rồi đến nhà học sinh và "leo" cả lên Saigon dạy trường Hoa Sen, lúc đó, chỉ là Trung tâm tin học và quản lý. Tôi cực nhưng tinh thần khá thoải mái, vì đi dạy có hứng thú và niềm vui riêng, không phải lo âu những vấn đề của người quản lý. Vì kết quả những tiết dạy của tôi thể hiện rõ ràng qua kết quả học tập của học sinh, chứ không phải muốn có thành tích của trường thì phải  ưu tư, dằn vặt vì không có một đội ngũ nào hoàn toàn "thuần khiết". Tôi ít lo âu vì kiếm được chút tiền để lo cho con.

Tôi thầm cám ơn ngành Giáo dục Tiền Giang đã giúp tôi được phát huy niềm đam mê, sở trường của tôi là năng khiếu giảng dạy. Hơn thế nữa, đời tôi thêm giàu có vì đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh.

Tổ Văn rất vui, lại còn kết hợp thêm với các bạn tổ Toán để mà "quậy" tới bến! Hầu như bạn nào cũng dạy thêm nhưng chúng tôi vẫn sắp xếp để đi hát Karaoke (lúc ấy, phong trào này rất thịnh hành) và tụ tập, ăn uống ở nhà bạn nào đó.
Dần dần, tôi thật sự quên thời gian dài đã làm lãnh đạo, tôi chẳng còn mặc cảm, hụt hẫng hay băn khoăn gì nữa. Giờ đây, tôi chỉ là một giáo viên Văn và tôi rất mê dạy., thật lòng yêu quý học trò mà mỗi biến chuyển của các em cũng đều khiến tôi tâm tư. Và nhớ lại, tôi tự hào "mình quả thật là một cô giáo biết yêu thương học trò". Những điều đó, tôi sẽ không quên viết lại trong hồi ký của mình.

Khi các con bắt đầu học đại học, tôi được trường Hoa Sen chính thức mời về làm việc. Cũng phải gần 2 năm đắn đo, tôi mới quyết định rời Mỹ Tho. Đối với tôi, quyết định này không dễ dàng chút nào. Tôi biết mình phải dấn thân để bắt đầu một chặng đường cam go mà tôi sẽ đi lại những bước đầu tiên. Ở cái tuổi xấp xỉ 50, tôi không còn trẻ trung nữa, bước đi sẽ chập chững hay vững vàng? Tôi không thể biết trước được. Ngẫm nghĩ và bình tĩnh thì tôi thấy, tôi đã cống hiến cho ngành giáo dục Mỹ Tho gần 25 năm, nhưng tôi đã được những ưu đãi gì? Hoàn toàn không có, uy tín mà tôi có được là do tôi tự tạo ra, không lẽ tôi dừng lại ở đây? Tôi hoàn toàn không nghĩ sẽ tiếp tục làm lãnh đạo nhưng quả thật, tôi thấy mình yếu kém về kiến thức, mà muốn đi học, không có con đường nào khác, phải "tiến về Saigon" thôi.

Tôi đã ở Nguyễn Đình Chiểu 10 năm, khoảng thời gian khá dài trong cuộc đời dạy học của tôi. Khi được chuyển về trường này, tôi rất hiểu trường có một bề dày lịch sử. Nơi đây, ba của tôi đã từng là học sinh đạt hạng nhất khi thi tuyển vào và là học sinh giỏi được Hiệu trưởng mến thương. Ba thường kể cho tôi nghe những kỷ niệm của ông khi học ở đây, kể không sót một chi tiết nhỏ.
Tôi chỉ là hạt cát trong sa mạc, cũng chẳng làm nên công trạng gì để góp phần cho thành tích vốn đã nổi bật của trường Nguyễn Đình Chiểu! Kể ra thì tôi cũng có chút kỷ niệm và có thể xem đó là "thành tích", vì tôi có học sinh giỏi đạt giải cấp quốc gia nên đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng.Tôi còn nhớ đã trả lời phỏng vấn của Truyền hình Tiền Giang: "Lan Khuê là viên ngọc mà các giáo viên đã dạy em những năm trước mài dũa, tôi chỉ làm cho viên ngọc đó sáng hơn thôi".

Bỏ lại tất cả, tôi lại tiếp tục rời thêm một ngôi trường nổi tiếng. Phải chăng:

"Đời tôi là những chuyến đi
Đời tôi là những chia ly u buồn!"

(Câu thơ của ai, tôi không nhớ tên tác giả).

Thỉnh thoảng, tôi vẫn về trường vào ngày 17-3 để dự lễ kỷ niệm và...tôi vẫn có cảm giác mình là người xa lạ trong đám đông quen thuộc!

Kỷ niệm 120 năm ngày thành lập trường, ngậm ngùi, tôi viết... Bài thơ này đã được đăng trong Tập san của trường:

Sao em bỏ trường

Sao em bỏ trường mà đi
Hàng cây thôi chờ đợi
Nắng chẳng còn lung linh
Mai này anh đến lớp
Chợt nhớ dáng mai gầy
Nghiêng vai bờ tóc rối
Nụ cười ai rất nhẹ
Xé lòng anh nỗi đau
Vô tình viên phấn vụn
Vỡ thành lời yêu thương
Em đi, không từ giã
Đường gần bỗng hóa xa
Ngậm ngùi, anh khẽ hát:
"Đưa người, ta không đưa sang sông
Mà sao có sóng ở trong lòng"....

5/7/2012

10 nhận xét:

  1. Em bây giờ nè Chị, em nói với lãnh đạo ngành là tôi chỉ muốn làm giáo viên của ngay ngôi trường này, tôi không muốn làm quản lý nữa. Người ta nói với em: Cô xuống làm giáo viên thì phải đi trường khác, cô ngồi ở đó, ai mà dám làm quản lý cô... hehe, cũng là nghịch lýhén Chị? Lãnh đạo hỏi em: Sau 2 nhiệm kỳ làm quản lý cô rút ra được kinh nghiệm gì? Em nói: trong đời tôi có nhiều điều ngu phạm phải, nhưng ngu nhất là đi làm quản lý... hehe!
    đọc entry này của Chị tuy bùi ngùi nhiều đọan, nhưng em đọc thấy niềm tự hào tràn trề mà sâu kín của Chị về nghề của mình. Và em nghĩ cái bằng tưởng lục lớn lao nhất là bằng tưởng lục ghi trong tim học trò Chị à...
    Em ôm Chị một cái...

    Trả lờiXóa
  2. Vì CM xuất sắc hơn họ và từng "có lỗi" vì đã "cướp" những học sinh giỏi khiến cho thầy cô không còn hứng thú để dạy.

    Biết làm gì đây CM nhỉ ;>)))

    Trả lờiXóa
  3. Ngay khi viết entry này, chị đã nghĩ em là sẽ một trong những người chia sẻ sâu sắc nhất với chị vì "cùng hội, cùng thuyền" và cùng...ngu như nhau mà! Chị em mình không hề xin làm lãnh đạo nhưng với từng ấy năm (như chị là hơn 13 năm) cũng dã dư để mình được nhìn thẳng, ngó nghiêng cuộc đời ở nhiều góc cạnh.
    Khi nào được dạy học trở lại, nhất định em cũng sẽ có cái bằng "tưởng lục" như chị nhé! Những chuyện giữa chị và học trò, có lẽ, chị kể không bao giờ hết!
    Chị cũng ôm cưng ù của chị một cái ôm...cuối tuần nhé!

    Trả lờiXóa
  4. Người từng nghĩ em "cướp" học trò giỏi của họ không nhiều, chuyện giờ cũng xa lắc rồi nhưng em không hiểu sao, khi sắp về trường cũ thì nôn nao nhưng đứng trong sân trường, dù bạn bè "bao vây" vẫn không khỏi...tủi thân, chạnh lòng!
    Em không xuất sắc hơn ai cả, huynh trưởng ạ!
    "Em vẫn là em của thuở nào..." thôi!

    Trả lờiXóa
  5. Người tài hoa thường lận đận, Cỏ May à!
    Dù sao, cái tình, cái chỗ đứng trong tim học trò vẫn là cái tình và chỗ đứng đậm đà bền vững nhất!
    Thờ gian mình làm quản lí không dài như bạn yêu, nhưng vẫn thấy có những ray rứt tbeo đuổi đến tận bây giờ.
    Nói gì đi nữa, nếu cho mình chọn lại nghề, mình vẫn thích được đi dạy!
    Bạn mình chắc cũng thế?

    Trả lờiXóa
  6. Đúng vậy, đi dạy là niềm đam mê cũng là...hạnh phúc ngọt ngào và cay đắng nên vẫn chọn nghề này, "trót mang lấy nghiệp vào thân" mà!

    Trả lờiXóa
  7. Mừng chị đi theo nghiệp cho đến bây giờ. Em chỉ có 11 năm đi dạy, nhìn các chị đến giờ vẫn còn miệt mài với nghề:cảm phục.

    Trả lờiXóa
  8. Chị đi dạy 39 năm rồi, nhớ lại giật mình: sao mình vẫn còn dạy được và chưa...ngán dạy!

    Trả lờiXóa
  9. CM khiêm nhường thôi. Với tính hòa nhã và tinh thần cầu tiến thì CM ngày nay hẳn bằng trăm bằng mười những năm mới ra trường. ;>)))

    Trả lờiXóa
  10. Đúng là khi mới ra trường em khờ lắm, vậy mà cũng làm được cô giáo của Yên Sơn!

    Trả lờiXóa