Thứ Hai, 3 tháng 9, 2012

Vĩnh viễn xa

Vậy là Ngọc mất đã hơn 49 ngày...
Những chậu hoa be bé, xinh xinh bằng đất sét mà em đã tặng tôi vẫn cứ rực rỡ trên bàn làm việc của tôi mỗi ngày. Tôi rất muốn tin, Ngọc đi xa đâu đó, rồi em sẽ về, nhất định là như vậy.
Nhưng trong ngần ấy thời gian làm việc với Ngọc, tôi biết rất rõ em đã từ chối tất cả những chuyến đi chơi xa, hạn chế việc dự tiệc tùng, đám cưới chỉ vì em phải về ăn cơm với mẹ, chăm sóc cho mẹ, vì mẹ luôn ở nhà có một mình.

Một buổi sáng thứ bảy...

Tôi đang trên đường đi Vũng Tàu cùng với gia đình thì Phi Ánh gọi điện thoại: "Cô ơi, anh Ngọc bị tai biến, hôn mê, đang cấp cứu ở BV Nhân dân Gia Định". Tôi có nghe lầm không? Tối thứ sáu em còn chào tôi ở trường. Tôi cấp tốc viết mail thông tin với toàn trường và kêu gọi hỗ trợ Ngọc. Viết vội vã như thế nhưng cũng rất may mắn là Thư kêu gọi này đã tác động lớn đến đội ngũ và chính sự hỗ trợ quý báu của những người đồng nghiệp thân thương đã giúp Ngọc kéo dài sự sống trong một thời gian khá dài.


Thứ hai và những ngày sau đó ở BV Nhân dân Gia Định:

Khi tôi đến thăm, Ngọc nằm co ro, ôm đầu, nhưng tỉnh táo: "Em nhức đầu lắm cô à..". Em cho biết, lúc gặp tôi hôm thứ sáu, em đã nhức đầu, em thường xuyên bị như vậy và: "Em tưởng tại nhà em chật, mẹ em ngủ ở trên lầu, còn em nằm trên ghế bố ở dưới đất, ót bị cấn nên mới nhức, em cứ uống Panadol là hết. Tối đó, em cũng uống rồi đi ngủ, sau đó, em đi... luôn!". Ngọc còn tếu táo như vậy. Tôi biết em đang bệnh rất nặng (liên quan đến mạch máu não) nhưng thấy em tỉnh táo nên tôi tạm yên tâm. Chúng tôi bắt đầu xếp lịch chăm sóc Ngọc, nhiệm vụ này của Huệ, rồi sau đó, là Tuyết Hồng. Cũng không giản đơn khi phải thường xuyên túc trực 2 người (đêm-ngày) và không thể tránh tình trạng, lúc thì quá đông, lúc khác, lại...không có ai. Cũng nhờ các tình nguyện viên và thân hữu luôn sẵn sàng "ứng chiến", bất kể đêm ngày nên phòng của Ngọc luôn nhộn nhịp, chắc Ngọc cũng ấm lòng. Em đâu biết, có những thời khắc chúng tôi "rối" lên vì không biết phải sắp xếp thế nào.Vậy mà, trong 3 tuần liền, Ngọc đã được chăm sóc chu đáo, có bạn đã lấy phép năm để nghỉ, có bạn hết sức thu vén gia đình thì mới đến với Ngọc được. Tôi vô cùng cảm kích, tôi đã làm việc ở nhiều nơi, lần đầu tiên, tại Hoa Sen, tôi hiểu thế nào là nghĩa tình.
Hải (Khoa ĐTCN) rất lo lắng vì tình trạng sức khỏe của Ngọc vì cùng với gia đình, Hải đã được các BS trao đổi cụ thể về bệnh trạng, hướng điều trị...Chúng tôi đứng trước thách thức: phẫu thuật hay chỉ điều trị ngoại khoa, khi nào ổn thì xuất viện và không cần biết điều gì sẽ xảy ra sau đó? Nhiều phương pháp điều trị của BS trong nước, nước ngoài từ nhiều bệnh viện liên tục được bàn bạc. Không phải là người trong nghề, chúng tôi cứ như là bị "dội" thông tin. Nhiều lần bộ ba: Thủy (BHG), Thúy (CĐ), Hải (Khoa) đã phải họp khẩn cấp, chúng tôi phải tự tìm hiểu về bệnh trạng của Ngọc, về các BS sẽ điều trị cho Ngọc. Và khó khăn lắm chúng tôi mới chấp nhận quyết định đặt stent cho Ngọc, tốn kém và cũng không BS nào dám cam kết sự an toàn tuyệt đối . Ngọc sẽ phải chuyển viện. Tôi được phân công trao đổi với Ngọc về việc này. Mãi đến bây giờ, bên tai tôi, vẫn văng vẳng lời từ chối thẳng thừng của Ngọc: "Em muốn được điều trị ngoại khoa, bữa nay em cũng đỡ nhiều rồi, từ từ em sẽ hết, mổ xẻ mà làm gì cô!". Tôi và vài bạn khác cùng với gia đình tiếp tục thuyết phục. Lúc ấy, chúng tôi chỉ muốn điều trị cho Ngọc nhanh chừng nào tốt chừng ấy vì các BS hối thúc mỗi ngày. Chúng tôi không dám nói với Ngọc những điều bi đát sẽ xảy ra nếu ngừng việc điều trị tại đây để cho Ngọc xuất viện.

Tại BV Đại học Y Dược...

Tôi đón em từ cổng, Ngọc có vẻ mệt và đau do di chuyển. Mặc dù đã được các cựu sinh viên giúp đỡ nhưng thủ tục nhiêu khê, không có giường nằm, vẫn phải chờ đợi đến chiều tối. Mặc dù vậy, sau khi gặp BS sẽ đặt stent cho Ngọc, được giải thích cặn kẽ, chúng tôi hy vọng, mọi việc rồi sẽ suôn sẻ. Tưởng rằng, đầu tuần sau, Ngọc sẽ được đặt stent và em sẽ xuất viện vài tuần sau đó.
Nào ngờ, mọi dự định thay đổi vào giờ chót: các BS quyết định mở hộp sọ...Chúng tôi bàng hoàng nhưng vẫn nghĩ đây là giải pháp tốt nhất cho Ngọc mà những người "ngoài chuyên môn" như chúng tôi thì làm sao can thiệp được? Tôi hoang mang lắm nhưng lại vô cùng phấn khởi khi nhận được tin tốt lành của các bạn báo từ phòng hậu phẫu. Các BS cũng tự hào về "thành công" này.

Vậy mà, những ngày sau đó, chúng tôi vô cùng lo âu vì thời gian nằm tại phòng hồi sức của Ngọc kéo dài một cách bất thường, diễn biến bệnh thì ngày càng phức tạp. Hai lần tôi đưa em ra khỏi phòng hồi sức thì cũng hai lần em trở lại phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Tình trạng như vậy cứ kéo dài hết ngày nọ đến ngày kia. Tôi vẫn nhớ như in giọng Hòa hốt hoảng báo tin: "Cô ơi, anh Ngọc ngưng thở rồi!". Cả trường xôn xao. Tôi vào BV, thấy người ta vừa đẩy em đi, vừa bóp bong bóng, mắt em nhắm nghiền, mặt không còn chút thần sắc. Tôi khóc đến nỗi những người xung quanh phải an ủi. Khi BGH và một số đồng nghiệp khác có mắt thì em đã được hồi sức. Buổi tối, tôi vào thăm, em đòi viết và khó khăn lắm, tôi mới đọc được dòng chữ: "Xong phim hả cô?". Tôi thấy rõ sự thất vọng trong mắt em, tôi biết làm gì ngoài việc tiếp tục động viên trong khi bản thân tôi, không dám tin và không chấp nhận sự thật.
Cứ vậy, Ngọc chết đi, sống lại nhiều lần và khoảng 3 tuần cuối, nói thật là tôi không có can đảm vào thăm Ngọc nữa vì tôi sợ ánh mắt em. Điều chúng tôi quyết định theo chỉ định của BS là đúng hay sai? Nhiều đêm, tôi thao thức, tự dằn vặt mình, rồi chia sẻ với Hồng, Hải, Hòa...mà lòng vẫn không thôi ray rứt.

Những ngày cuối đời...

Tại BV Chợ Rẫy, BS đã khẳng định với tôi: Ngọc không thể hồi phục vì em đã chết lâm sàng đến lần thứ năm rồi. Tôi hiểu điều đó nhưng vẫn không dám tin. Tôi nắm bàn tay buông thõng của em,Ngọc ơi, sao em không nắm chặt tay cô như mọi khi? Mắt em đã không còn mở được nữa rồi. Em không nhớ chị Hải đã nói với em: Phim còn nhiều tập, làm sao mà xong được hả em? Bạn bè đang ở quanh em, nhìn mọi người đi em, rồi nhếch miệng cười cho mọi người vui. "Em biết cô không Ngọc?". Tôi lặng người khi thấy giọt nước bé xíu từ khóe mắt em.
Tôi rời BV, trời mưa rả rích, xem như đó là lần sau cùng tôi còn được gặp em.

Vĩnh viễn không còn...

Những ngày tôi, Vy, Tuyết Hồng liên tục gọi cho nhau: Hồng ơi, hôm nay đã chi cho anh Ngọc bao nhiêu rồi em, khi nào thì phải thanh toán viện phí tiếp? Vy ơi, vận động thêm được bao nhiêu rồi em? Làm sao bây giờ cô, sắp hết tiền rồi...Cứ mỗi lần nghe tiếng Hồng ở đầu dây bên kia là tôi đã rối rít: sao em, hết tiền đóng viện phí hả...để cô hỏi Vy...Tôi có riêng 1 folder dành cho Ngọc, trong đó, tôi lưu lại từ Thư kêu gọi cho đến các báo cáo tiền hỗ trợ từ các Khoa, Phòng, cựu GV-NV được Vy (kế toán CĐ) tổng hợp, được Hồng (thủ quỹ) báo cáo các khoản chi, các Thư cám ơn và folder đã được khép lại với điếu văn tôi viết khi làm lễ truy điệu cho Ngọc.
Thủy, Thúy, Hải sẽ chẳng bao giờ còn phải họp khẩn cấp để bàn bạc và quyết định những vấn đề mà cả ba chúng tôi đêu chỉ mới nghe lần đầu tiên. Tôi cũng chẳng bao giờ còn phải nhắc lại với Hải câu: "Em gặp BS chưa? BS có nói gì không em? Hay là mình nhờ sinh viên xin giùm cái hẹn...". Cũng sẽ không còn lần nào, Thủy đi công tác có 1 tuần mà tôi đã băn khoăn: "Em đi lâu quá, rủi ở nhà, Ngọc có chuyện gì, chị biết tính làm sao?". Thủy đã an ủi tôi: "Không sao đâu chị, em tin anh Ngọc không chết đâu!" và tôi cũng hy vọng...
Mỗi buổi sáng, từ sảnh bước vào, tôi sẽ không còn dừng lại ở Trung tâm Đào tạo để nghe các em báo cáo: hôm nay anh Ngọc cười nè cô..., anh Ngọc viết cả trang giấy..., anh Ngọc cấp cứu nữa rồi...
Hoàng Anh, Hà Ni, Hòa, Hồng. Phi Ánh sẽ không còn nhận tin nhắn của tôi hỏi thăm Ngọc, không cần nhớ giờ giấc...

Khi tôi còn là Trưởng Khoa QLDV, tôi có thói quen gửi Thư cuối năm cho toàn thể GV-NV của Khoa và vô cùng cảm động khi Ngọc là người duy nhất trả lời tôi. Em chỉ viết đơn giản mà tôi còn nhớ mãi, bởi vì, với tôi, như vậy đã là chia sẻ: "Thưa cô, bây giờ là Giao thừa". Thói quen ấy của tôi kết thúc rồi.
Cũng chẳng khi nào tôi còn được gặp em trong nhà xe để nghe em nhẹ nhàng: "Cô để em dắt xe cho..". Sẽ không còn những cái bánh choux creme (em biết tôi rất thích bánh này) mà em thường mua cho tôi khi tôi có lớp dạy tối.

Ở Ngọc, tôi đã được em chia sẻ những điều tưởng chừng đơn giản như những lẽ thường tình nhưng lại vô cùng quý giá. Khi tôi giận sinh viên vì các em vô lễ thì Ngọc bình thản: "Cô giận tụi nó làm chi cho mệt. Em thì em cứ dạy, học là chuyện của sinh viên". Vậy mà Ngọc luôn có FB rất cao từ sinh viên. Những ưu ái mà sinh viên cũ-mới đã dành cho Ngọc trong suốt thời gian Ngọc nằm viện và trong tang lễ của em khiến tôi thêm tin tưởng "nghĩa thầy-trò".
Làm việc trong cùng một Khoa, Ngọc hay nhắc tôi: cô uống đường dành cho người tiểu đường nha cô, như vậy, chắc ăn hơn, cô lớn tuổi rồi. Tôi tưởng em quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, không phải cho mình mà cho người khác nữa. Tôi không ngờ em đã đồng hành cùng Panadol trong một thời gian dài mà vì mải mê công việc, bận bịu mưu sinh, đã không kiểm tra, kiểm soát, đến khi ngã bệnh thì vô phương cứu chữa.

Tất cả giờ đã vĩnh viễn xa. Lần đầu và cũng là lần cuối tôi viết về em, nhân sinh nhật lần thứ 45 của em.
Người bạn nhỏ, người đồng nghiệp thân thương của gia đình Hoa Sen, người "sẵn sàng chia sẻ với người khác nhưng lại âm thầm chịu đựng những nghiệt ngã đời thường của chính bản thân", ngủ yên em nhé, không nhức đầu, không vướng víu vì máy thở, ống ăn...và giấc ngủ sẽ bình thản như em vẫn bình thản đi trong cuộc đời.

Chỗ ngồi cạnh tài xế sẽ mãi mãi vắng em trong những chuyến đi từ Cao Thắng lên Quang Trung và các bạn hay trễ giờ, không còn ai gọi điện thoại nhắc các bạn nữa đâu!

Tôi chỉ muốn nhắc lại lời tôi nói với em tại Bình Hưng Hòa trước khi tôi chào vĩnh biệt em:
                                            "Ngọc ơi, cô xin lỗi em..."

14 nhận xét:

  1. Chị à , đọc xong em muốn khóc.
    Em tin Ngọc hiểu những điều chị muốn nói... Không có gì mà lìa xa vĩnh viễn nếu có tình yêu thương , chị nhỉ
    Cầu cho linh hồn Ngọc bình an ...! Sự bình an có khi Ngọc ko thấy ở cõi tạm này !

    Trả lờiXóa
  2. Có những chuyện ngoài tầm tay mình, bạn yêu ơi. Nhưng điều đáng nói lại là mình cứ nghĩ rằng bởi tại mình. Xót lòng là chỗ đó.
    Người xa đã xa. Chắc chắn rằng Ngọc sẽ không chút phiền hà nào đâu.
    Bạn yêu ơi, yên lòng đi.
    Nhân sinh tử hồ số, số hồ thiên mệnh mà.

    Trả lờiXóa
  3. Chị à, đầu sớm ngày vào trường em mới đọc được entry này của Chị. Giống như Gió, em rưng rưng ( em vốn là một đứa mít ướt).
    Đọc entry của Chị, ngỡ như được đọc một tường thuật về một câu chuyện buồn đã qua, nhưng nó không đơn giản vậy. Bởi vì nó chứa chan ray rứt, từng dòng kể như đè nặng trách nhiệm Chị à. Mà Chị đừng vậy. Chúng ta là người trần mắt thịt, chuyện nhân sinh tự cổ, đâu đến lượt chúng ta can thiệp hay xoay chuyển. Ông bà mình có nói "thêm một ngày không ở, dở một ngày không đi". Cứ đến lúc mớ gạo dầu Trời quy định hết là ta lên đường thôi Chị. Sớm hơn hay muộn hơn đều bất khả thể.
    Chị cứ biết là mình đã tận tình cùng Bạn, tận tâm cùng đồng nghiệp và tận lòng cho một đứa em, chứ ray rứt mãi là khổ tâm lắm Chị, mà Chị đi đường cứ lo ra là nguy lắm...

    Trả lờiXóa
  4. Sáng nay, em đọc bài này. Nghe như Ngọc mới đi xa, vừa mới...!

    Trả lờiXóa
  5. Đọc xong entry khiến Hà nhớ nhiều đến những ngày cách đây gần 8 năm... nhớ nỗi hồi hộp ánh mắt thất thần khi một người thân chắc rằng sẽ chẳng bao giờ còn kề cận bên mình. Nhớ những dùng dằng do dự khi quyết định một vấn đề to tát liên quan đến sinh mạng của anh. Nhưng rồi cũng phải một lần. Nhớ cái nắm tay sau cùng cùng những thều thào...

    Tử sinh là luật vô thường. Ngọc giờ đã an nghĩ nơi cõi vĩnh hằng... sẽ hiểu tấm lòng của CM cùng các đồng nghiệp. Chia sẻ cùng CM ở entry này với nỗi xúc động cùng ánh mắt mờ lệ khi mất đi một người mình yêu thương.

    Trả lờiXóa
  6. Ở nơi xa, Ngọc có hiểu hay không thì chị cũng đành chịu, nhưng viết được entry này, thì chị nhẹ lòng được một chút.
    Nghĩ về Ngọc là ray rứt nên chị đã phải tự nhắc nhở: "Hãy từ bi với chính mình"

    Trả lờiXóa
  7. Khi viết entry này, CM cũng nghĩ nhiều đến những người đã chịu đựng mất mát không thể bù đắp, trong đó, có Hà yêu.
    Người chết trẻ thì mình còn thương nhiều hơn, đúng không Hà, vì già thì đã thành qui luật nên mình không mong chờ sự thay đổi.

    Trả lờiXóa
  8. Cám ơn em đã chia sẻ, chuyện về Ngọc luôn ám ảnh chị nên với chị, tất cả vẫn còn mới lắm.
    Hôm nghe giới thiệu quyển sách của BS Đỗ Hồng Ngọc, rất rất tiếc đã không gặp được em.

    Trả lờiXóa
  9. Đúng là tận tình bao nhiêu thì mỗi con người cũng không thể vượt qua số phận.
    Chị biết chứ nhưng lòng vẫn đau lắm em à.

    Trả lờiXóa
  10. Đúng là người thì đã xa nhưng nỗi ray rứt vẫn còn đó...

    Trả lờiXóa
  11. Chị hiểu thêm nỗi ray rức của em về một cái chết trẻ. Mà viết ra, trãi lòng được như thế này cũng làm cho lòng em nhẹ bớt một phần phải không? Sống chết là số phận, đừng nghĩ là do quyết định của mình để rồi cứ băn khoăn không dứt, nhen em. Ngọc cũng hiểu lòng em đấy thôi.

    Trả lờiXóa
  12. Người ơi trong cõi vô thường ấy
    Đại hải dường như chỉ giọt sương...

    Thơ Hàn Thiên Lương

    Trả lờiXóa
  13. Vẫn biết sống chết là số phận nhưng chẳng thà mình không liên can chị ơi!
    Ngọc chết bỏ lại mẹ già đó chị, hiện trường đã phải gởi bà ở trại dưỡng lão của nhà thờ, đau lòng không? Bà đã lẫn, không còn biết ai ngoài Chúa nên cũng có thể hiểu rằng bà đang thanh thản.

    Trả lờiXóa
  14. Cám ơn em đã chuyển những câu thơ hay

    Trả lờiXóa