Thứ Ba, 21 tháng 8, 2012

Ngàn lần cám ơn

Ngơ ngác trong sân trường đại học

Năm 1970 tôi vào học Đại học Văn khoa (hiện nay là Đại học Khoa học xã hội&Nhân văn) như một người “sa cơ lỡ vận”. Tôi học Tú tài ban C (ban văn chương) nhưng lại muốn trúng tuyển vào Đại học Y, ước mơ thật…phi thực tế. Lý do tôi chọn trường Y là vì tôi ốm yếu, hay bệnh tật nên thường gặp bác sĩ để chữa bệnh, vì thế, tôi yêu chiếc áo blouse trắng và mơ đến một ngày tôi cũng được khoác chiếc áo này để mà chữa bệnh cho mọi người và cho... tôi nữa. Dĩ nhiên ước mơ không thể thành hiện thực với một học sinh chỉ giỏi ngoại ngữ, văn chương mà dốt Toán! Tôi rớt trường Y như một thất bại đầu tiên trong đời học sinh của tôi. Với ước mơ không có cơ sở để trở thành hiện thực như vậy mà tôi cũng nằm lì trong phòng  và…khóc cả một ngày khi biết kết quả thi! Sau này, nhớ lại, tôi tự cười cho bản thân! Thế là, sau đó, tôi đành ghi danh học đại học Văn Khoa, ban Văn chương, nơi chốn “dung thân” cho những học trò ban C như tôi.

Tôi bắt đầu những năm tháng sinh viên tại ngôi trường cổ xưa này và lạ lẫm với bao nhiêu thứ. Trường học theo học chế chứng chỉ (nay là tín chỉ), tôi không khó khăn lắm với việc học vì tôi vẫn rất mê văn chương, thích thú vì không phải học Toán, Lý, Hóa. Tôi học dự bị “Văn chương Việt Nam” và phải học một chứng chỉ bắt buộc là Văn chương Việt Hán. Tôi hơi “đuối” vì chữ Hán khó viết quá mà năm đầu, tôi không thể không học chứng chỉ này. Điều quan trọng là tôi cảm thấy rất bơ vơ, giảng đường sao mà rộng lớn, cứ đến học rồi về, hầu như tôi không quen biết ai. Tôi cảm thấy thời gian còn trống nhiều nên ghi danh học thêm tại trường Luật, bắt đầu làm quen với các bộ luật từ thời Hồng Đức. Giảng đường vẫn rộng lớn, mênh mông và tôi vẫn cứ…ngơ ngác như ở Văn Khoa!

Bắt đầu hiểu điều đúng-sai

Cuộc đời sinh viên của tôi có lẽ sẽ tiếp tục lặng thầm và tôi vẫn cứ tiếp tục “ngơ ngác” như thế, nếu không có một ngày, tôi đến xem triển lãm với những hình ảnh về tội ác của Mỹ được trưng bày tại Đại học Văn Khoa. Trước đó, tôi chưa từng hình dung có những cảnh tượng man rợ như vậy, tôi chưa biết những địa danh xa lạ: Mỹ Lai, Sơn Mỹ, tôi cũng chưa hề hình dung thân phận của những người Việt Nam trong giai đoạn mà cuộc chiến tranh đã phải đến lúc kết thúc. Sau khi xem triển lãm, được tiếp xúc với các anh chị trong phong trào đấu tranh của sinh viên- học sinh Sài Gòn-Gia Định, tôi băn khoăn trong nhiều ngày. Tôi là ai vậy? Công chúa ngủ trong rừng đợi một Hoàng tử đến đánh thức? Hay tôi chỉ là con mọt sách và vẫn bước đi trong cuộc đời mà không cần tìm hiểu bất cứ một điều gì ngoài sách vở? Thời gian sau đó, hiểu nỗi nhục mất nước, hiểu rằng mình không thể chỉ biết học, tôi tham gia phong trào. Với những lần “Hát cho dân tôi nghe” trong những đêm không ngủ,  những cuộc biểu tình, tuyệt thực đòi quyền tự trị đại học… tôi dần vỡ ra nhiều điều, thấm thía nhất vẫn là giá trị sống làm người. Tôi không còn “ngơ ngác” nữa, tôi cùng bè bạn tham gia nhiều hoạt động và bắt đầu thấy cuộc sống có ý nghĩa hơn. Nhiều bạn bè phải vào tù, tôi nhận ra: cái gì là chân lý thì để có được nó, người ta phải trả một giá quá đắt, có khi phải đánh đổi cả tuổi thanh xuân, cả tình yêu đôi lứa và cả sự tự do nữa.

Bước vào đời

Nhận Chứng chỉ tốt nghiệp Cử nhân từ Đại học Văn Khoa, tôi khởi nghiệp bằng việc dạy học tại một huyện nhỏ, cách thành phố không xa lắm. Tôi chỉ mới 22 tuổi, chưa hề qua trường lớp sư phạm và cũng không dạy cho học sinh những gì mà tôi đã được học. Sau đó, tôi lại tiếp tục dạy học ở một tỉnh khác. Từ những thành công của việc giảng dạy, tôi chuyển sang vị trí của người quản lý. Những kiến thức có được từ trường đại học lại càng lùi xa. Tôi không còn nhớ mình đã được học những gì. Chỉ biết rằng: muốn ‘làm” được thì phải tiếp tục “học”, học từ cuộc sống, từ người xung quanh với nền tảng kiến thức đã có. Tôi có cảm giác mình luôn là người thiếu thốn, nghèo nàn, bởi còn chưa hiểu nhiều điều, chưa có những trải nghiệm cần thiết. Vì vậy, ở mỗi vị trí công việc, tôi vẫn kiên trì học hỏi. và trên từng chặng đường đã đi qua, tôi thấy mình đã làm được nhiều việc dù những việc ấy, không có trong dự định của tôi. Liên tục thay đổi công việc nên tôi có nhiều điều kiện để thử thách, để làm quen với cái mới, để kiến thức ngày thêm phong phú và với tôi, vì cuộc sống “muôn màu, muôn vẻ” nên không có gì là dư thừa.

Hiện nay, được xếp vào những thầy cô đã “có tuổi”, đã có nhiều trải nghiệm quý báu, tôi muốn nói: xin ngàn lần cám ơn ngôi trường Văn Khoa yêu dấu, nơi tôi “miễn cưỡng” phải dừng lại nhưng chính tại đây, tôi đã thật sự trưởng thành. Xin tri ân những thầy cô đã giúp tôi hiểu được những giá trị trị sống, hiểu được sự cần thiết của kiến thức để từ những gì đã “biết” biến thành những điều “làm được”. Tôi cũng đã được học để biết làm người tử tế, biết quan tâm, chia sẻ với người khác. Sự “tử tế” đối với tôi còn có nghĩa là làm việc gì cũng phải có cái “tâm”, có trách nhiệm với việc làm, suy nghĩ của mình. Chính cái “tâm” ấy đã giúp tôi vượt qua nhiều gian nan, thử thách để đến bây giờ, vẫn say mê làm việc và sống hòa đồng cùng mọi người, không ân hận vì đã “sống hoài, sống phí”.

Đây là bài viết cho Bản tin Hoa Sen trong chuyên mục: "Một thời để nhớ", tìm mãi không được hình của Đại học Văn Khoa năm xưa nên,,,chưa xin phép chị Quế mà đã sử dụng hình chị chụp trong một chiều mưa những bậc thang quen thuộc của một thời. Trên những nấc thang ấy đã in dấu những bước ngập ngừng, xao xuyến...và giờ đây, vững chãi với đời.

3-8-2012



 

12 nhận xét:

  1. Theo Hà nghĩ thì Một thời để nhớ hay hơn là Một thời đã nhớ... hehhehe...
    Một ký ức thật sống động... và những đêm không ngủ Hát cho dân tôi nghe là một niềm tự hào để kể lại cho cháu chắt sau này. Bọn chúng sẽ hiểu thêm nhiều giá trị cuộc sống đó CM... Cái thời sinh viên và những đêm không ngủ cũng xuất hiện ở vài trang văn của ông xã Hà. Có dịp sẽ khoe với CM.

    Trả lờiXóa
  2. Sự việc ở đời muôn mặt và luôn thay đổi; do đó kiến thứ thu thập được từ đại học chỉ là những phân liệu cho cuộc sống, chúng cho ta chìa khóa để tùy trường hợp mà tìm ra đáp số, CM nhỉ.
    Chúng không chỉ đơn thuần là những gì thầy cô trao cho chúng ta mà còn những gì ta trực tiếp hấp thụ từ bằng hữu, từ những sinh hoạt chung với những người đã bắt đầu trưởng thành để ta rút tỉa kinh nghiệm cho chính mình trên đưòng đóng góp cho quê hương tùy theo sở trường và môi trường theo cái tâm kiên định.
    Rất vui khi được quen biết nhà giáo Cỏ May!

    Trả lờiXóa
  3. Hà ơi, chắc là lỗi gõ máy thôi, thật sự chuyên mục là: "MỘT THỞI ĐỂ NHỚ".
    Rất vui khi được Hà chia sẻ.

    Trả lờiXóa
  4. Đúng vậy anh à, với em, học là một chuyện, làm được hay không, là chuyện khác, em thấm thía điều này lắm!
    Em đang chuẩn bị viết loạt bài: "Tôi đi học" vì việc học hành của em cũng gian nan lắm nỗi, em sợ già rồi sẽ quên, con cháu không biết thì uổng!

    Trả lờiXóa
  5. Viết lúc nào được thì cứ viết chứ em còn lâu lắm lắm mới gìa !

    Trả lờiXóa
  6. Mỗi người có một bóng dáng ngôi trường đằng sau lưng nhân cách của mình, hén Chị? Trường học hay Trường đời đều như nhau. Em có cái may, thời đi học tuy nghịch ngợm ( Sân trường Trưng Vương của chúng ta, hông có cái cây nào mà em ...chưa leo lên, hihi!) nhưng lại lễ phép và...nhát, Thầy Cô cũng cưng Chị à... sau này ra đời, mới thấy người ta gọi con đường Trường mình là Khung Cửa Mùa Thu sao mà đúng... Nó cho tất cả những ai từng trú ngụ dưới khung cửa đó, một quá khứ neo đậu những trong lành...
    Quá khứ của mỗi người là cái mang theo suốt đời. em không hiểu sao có những người lại muốn rũ sạch quá khứ. Làm sao mà rũ. Ta còn đây thì quá khứ còn đấy...Đọc entry này của Chị và em quay lại biết trân trọng hơn... quá khứ của mình chút nữa...Dù nó tòan chuyện cực khổ, vất vả...
    Cảm ơn Chị!

    Trả lờiXóa
  7. Chạy về Mul đi xóm một chút, đọc được entry dễ thương này.

    Trả lờiXóa
  8. À, hôm nào chị sẽ mang về đây entry "Trưng Vương, tình yêu và nỗi nhớ" của chị đã post ở Đặc San Trưng Vương cho em, người bạn đồng môn của chị cho em xem nhé!
    Chị cũng như em, chẳng muốn rũ sạch một cái gì cả, dẫu cho đó là niềm vui hay nỗi buồn, bởi vậy, hành trang cuộc đời cứ đầy mãi lên và mình luôn là người giàu có, phải không em?

    Trả lờiXóa
  9. Chị viết khá nhanh em à, nhưng đến lúc tìm hình minh họa (vì đăng trên Bản tin in mà) thì quá...khổ.
    Trên mạng, không có hình Đại học Văn Khoa, còn hình ở gocnho thì bể quá, không in ra được.
    Chị nhớ...buổi chiều mưa, và "ăn cắp" của chị Q tấm hình này, vậy mà nhiều người khen...phù hợp với nội dung. Hú hồn!

    Trả lờiXóa
  10. Mừng vì được anh động viên đúng lúc!

    Trả lờiXóa
  11. Dạ, em chờ đọc đây Chị. Cảm ơn Chị...

    Trả lờiXóa
  12. Ngôi trường thân yêu của chúng ta...
    Ngôi trường chất chứa bao nhiêu là kỉ niệm...
    Nhớ và Thương, Cỏ May à.

    Trả lờiXóa