Chủ Nhật, 19 tháng 8, 2012

Gặp gỡ BS Đỗ Hồng Ngọc, tác giả: "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng"

Được Thanh Thúy (Hội quán các bà mẹ) mời tham dự buổi giao lưu, giới thiệu "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" của BS Đỗ Hồng Ngọc, tôi vui nhưng cũng có chút lo âu vì chưa tham dự sinh hoạt với Hội quán lần nào, anh Ngọc thì thân quen rồi. Nhưng liệu với vai trò là 'khách mời", tôi sẽ làm gì đây?

Sáng thứ bảy (18-8-2012) tôi đến địa chỉ trong Thư mời với một chút hồi hộp...Đây là nhà của GS Trần Văn Khê, cũng là lần đầu tôi được tiếp xúc với GS dù tôi vẫn biết ông là bạn của ba tôi.
Tôi không khó khăn để tìm ngôi biệt thự này, và bước vào cổng, tôi đã bị thu hút ngay với gian hàng sách:


Tôi đang mải mê chọn sách thì Thúy goi ĐT, và dĩ nhiên tôi được em mời vào trong.
Mọi người bắt đầu đến, hội trường được trang trí trang nhà, phù hợp với phòng khách nhà GS.


Anh Ngọc bắt đầu buổi chuyện trò nhẹ nhàng, tự nhiên như bản tính của anh. Và cứ thế, người dự nghe anh tâm tình về lý do anh viết quyển: "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng", mà mỗi câu chuyện kể của anh dường như ẩn chứa biết bao điều.

Là BS Trưởng Khoa Cấp cứu của BV Nhi đồng, nơi đây, anh đã từng thấy những nụ cười vô tư của trẻ, những thân thể nhỏ bé mà tím tái vì khó thở, và đau xót nhất là những cái chết bất ngờ, ngoài dự liệu của BS, còn với người thân là những mất mát không thể bù đắp. Thử hỏi, một BS trẻ, một trái tim nhân hậu như anh Ngọc làm sao không xót xa? Từ đó, anh nghĩ tại sao không hướng dẫn các bà mẹ cách nuôi con để con có thể khỏe mạnh, vượt qua những bệnh tật thông thường mà hầu như đứa trẻ nào cũng mắc phải?

Lúc ấy,BS Ngọc cũng đang là cha của 3 đứa trẻ thì ít nhiều, ngoài những kiến thức y học, anh còn có kinh nghiệm làm cha, thì tại sao không chia sẻ với các ông bố, bà mẹ, những người "đồng cảnh ngộ" với anh?

Hơn nữa, anh là người hiểu rất rõ sự khác biệt giữa kiến thức nhi khoa và kiến thức dưỡng nhi. BS Nhi khoa sẽ có đủ kiến thức nhi khoa để trị bệnh cho trẻ nhưng nuôi dưỡng trẻ để trẻ được khỏe mạnh thì không phải ai cũng am hiểu.


Sau phần giới thiệu "hoàn cảnh ra đời" của quyển sách, anh Ngọc tiếp tục cho người nghe biết về những lần tái bản của tác phẩm này, đến 18 lần với nhiều hình thức (sách, Phụ lục của báo Khoa học phổ thông), với nhiều tựa sách hơi khác nhau (mà mỗi sự thay đổi đều được gắn với một câu chuyện lý thú). Cứ vậy, quyển sách được lưu giữ và quảng bá từ 1974 cho đến nay


Nội dung tiếp theo của buổi chuyện trò là phần giao lưu với các khách mời, những độc giả "trung thành" với "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" và những độc giả đã từng mến mộ nhà văn, nhà thơ Đỗ Hồng Ngọc.

GS Trần Văn Khê, không chỉ nói về quyển sách mà nói về tác giả. Chúng tôi được nghe GS kể những chuyện về anh Ngọc, hiểu thêm nữa về sự dí dỏm, duyên dáng nhưng không kém phần sâu sắc của anh. Anh sống cùng mọi người, không phân biệt tuổi tác và GS nhấn mạnh nhiều lần về sự vui mừng khi quen biết rồi trở thành thân thiết với anh.


Cả hội trường thật sựđược thuyết phục với phần trình bày của chị Hoàng Anh, người mẹ trẻ đã đạt giải nhất trong Hội thi bà mẹ nuôi con khỏe được Sở Y Tế TP.HCM tổ chức 1987. Hội đồng Giám khảo thật sự ngạc nhiên vì chị đã vượt qua kỳ thi với nhiều kiến thức nuôi con mà một bà mẹ 26 tuổi như chi khó có được. Chị Hoàng Anh bộc bạch: chị là "fan" của BS Đỗ Hồng Ngọc từ khi còn học phổ thông ở Huế và khi lập gia đình, "Viết cho các bà mẹ sinh con đầu lòng" của BS chính là người bạn đồng hành cùng chị trong những tháng ngày nuôi con vất vả. Nội dung mà chị đã "nghiền ngẫm" đã giúp chị có những câu trả lời chính xác. Cậu bé 10 tháng tuổi năm xưa đi thi cùng mẹ, nay đã trở thành BS và cũng có mặt trong buổi giao lưu này.


Rất vui, khán giả còn được thưởng thức những câu hát ru với giọng Huế ngọt ngào của chị, những câu hát đã đưa các con vào giấc ngủ êm đềm và nay, hai con trai thành đạt..

Và...tôi, cũng là một trong những khách mời, tôi không tiếp tục giới thiệu quyển sách này mà nói về BS Đỗ Hồng Ngọc, ảnh hưởng của anh đối với tôi khi tôi nuôi con trong lúc nghèo khó và sau này, nuôi cháu ngoại với một vài bất đồng giữa bà ngoại (nuôi trẻ theo kinh nghiệm) và mẹ (nuôi trẻ theo khoa học hiện đại). Trò chuyện với anh Ngọc, tôi luôn cảm thấy yên tâm vì anh là một BS biết lắng nghe, không phải chỉ để "trị" bệnh cho trẻ bớt "đau" mà còn chia sẻ nỗi "khổ" của những người thân. Nỗi khổ ấy sẽ vơi đi nếu được ai đó nghe và thấu hiểu.



Cũng là một bà mẹ trẻ (sinh con đầu lòng khi 25 tuổi), chị Kim Chi đến từ Lâm Đồng đã khiến chúng tôi vô cùng xúc động khi nghe chị tâm sự: "Tôi sinh cháu thiếu tháng và cháu chỉ nặng 1k8, rời khỏi mẹ, cháu chỉ là một sinh linh nhỏ bé, đen thui, phòng sanh vắng lặng, tôi chờ đợi tiếng cháu khóc, cuối cùng, tôi cũng được nghe tiếng khóc ấy...Rồi những ngày gian khổ tiếp theo, không có phòng dưỡng nhi, cháu không được nằm lồng kinh và tôi nuôi cháu lớn với 2 chai nước sôi ấp hai bên..". Nhắc lại những kỷ niệm ấy, người mẹ mà nay đã là bà ngoại, mắt vẫn có nước, những giọt nước mắt, mấy chục năm rồi vẫn chưa chảy thành dòng....


Thời gian không còn nhiều, các bạn trẻ (nam và nữ) vẫn còn muốn chia sẻ, nêu thắc mắc, tựu trung, tôi nhận thấy các bạn đều quan tâm đến vấn đề mà anh Ngọc đã nêu ngay trong "Lời ngỏ" của quyển sách ngay từ lần đầu xuất bản: "Nuôi trẻ là một bản năng, một nghệ thuật hay một khoa học?". Nghe càng nhiều ý kiến của nhiều thế hệ, thì các bà mẹ càng thấm thía rằng: không thể bỏ qua yếu tố nào trong 3 yếu tố trên.

Các bạn chờ đợi những quyển sách khác của BS Đỗ Hồng Ngọc: viết cho các bà mẹ trẻ, các bà mẹ tuổi trung niên, các ông bố...

Hội quán các bà mẹ cũng đang chờ....
Thanh Thúy, thay mặt Ban tổ chức tổng kết và nói lời chia tay:


Chúng tôi chụp hình lưu niệm.  Buổi giao lưu đã kết thúc nhưng có lẽ chúng tôi tiếp tục suy nghĩ về những bà mẹ ở mọi lứa tuổi...Tất cả đều bao la tình mẹ với mong muốn nuôi con khỏe mạnh, dù cho thế giới có văn minh, hiện đại đến thế nào thì làm mẹ vẫn là một thiên chức. Khi thực hiện thiên chức ấy, chúng ta trân trọng những tấm lòng, những trái tim đã cùng chung nhịp đập yêu thương, lo lắng, sẻ chia...và BS Đỗ Hồng Ngọc là một trong những người ấy.




6 nhận xét:

  1. Buổi nói chuyện ấm cúng và bổ ích hén Chị. Thiệt là Chị em mình có duyên, chiều hôm 18/8, em đi dự 1 đám cưới cũng có Giáo sư Trần Văn Khê dự và chúc phúc. Ai cũng phục ông lão. Sáng suốt và chân thành xiết bao...

    Trả lờiXóa
  2. BS DHN cũng là bạn của ông xã Hà. Hồi ấy mỗi khi có sách mới đều được BS đề tặng. Đã lâu không gặp nhưng qua bạn bè Hà nghe vợ BS bị ung thư không biết điều trị kết quả thế nào rồi? Mong cả nhà BS thật luôn khoẻ mạnh..

    Trả lờiXóa
  3. Anh có nghe Thầy Nguyễn Hữu Ba nói về GS Khê và cũng được Mùi giới thiệu mấy bài thơ của BS Ngọc.

    Trả lờiXóa
  4. Chị em mình có duyên chia sẻ và được chia sẻ lâu rồi mà em!

    Trả lờiXóa
  5. CM không biết bệnh của vợ anh N, chỉ thường gặp anh thì thấy vẫn phong thái và nhân cách mà mình phải cả đời học tập.
    Khi nào gặp, CM sẽ nhắc anh Thế Vũ với anh Ngọc.

    Trả lờiXóa
  6. Em cũng lần đầu được diện kiến GS anh ạ, mạng chậm rì rì chứ nếu không, em đã post hình em chụp ở nhà bác để mọi người cùng ngắm. Chờ thêm chút!
    Thơ của anh Ngọc thì tuyệt vời lắm!

    Trả lờiXóa