Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2011

Những ngày không thể quên


Ngày tưởng nhớ ông nội....
Từ khi bắt đầu biết nhớ những năm tháng tuổi thơ của mình thì tôi đã không thể quên ngày 25-12 hằng năm.
Ba tôi kể rằng ông nội mất trong chiến tranh, không ai nhớ ngày chính xác ngày mà ba tôi cũng không thể về chịu tang ông nội, lúc đó, ông chưa đến 40 tuổi. Ông nội tôi là thầy thuốc Bắc, hiền đức, tận tụy, ông theo đạo Tin Lành. Chính vì vậy, hằng năm, gia đình tôi chọn ngày 25-12 để họp mặt tưởng nhớ đến ông nội. Năm nào cũng vậy, khoảng 1 tuần trước đó, tôi đã thấy bà nội chuẩn bị nhiều thứ, bánh trái, dọn dẹp nhà cửa. Và nhất định phải có món xôi vò ăn với gà quay (mà phải là gà lôi), và còn cơm rượu, bánh bò, thứ nào bà nội cũng tự làm. Nhà thì thể nào cũng phải có một ngôi sao to treo giữa phòng khách và chị em tôi rất nôn nao đón Noel. Có năm còn được ba mua cho cây thông, chị em lúi húi làm hang đá, mặc dù nhà tôi không theo đạo, không đến nhà thờ nhưng với tôi, lễ nửa đêm ở nhà thờ là một điều gì đó rất diệu kỳ và những ngày Noel là những ngày tôi chờ đợi.

Đến ngày 25-12-1974, tôi lấy chồng

Tối ngày 23-12, tôi có bữa tiệc nhẹ mời bạn bè trong phong trào. 37 năm đã trôi qua, tôi vẫn nhớ cái đèn ngôi sao màu vàng mà chị tôi đã chọn để thay cho cờ đỏ sao vàng. Rồi món quà là cặp gối thêu dòng chữ: "Tương lai tươi sáng" của chị Dung từ nhà tù Tân Hiệp gửi tặng, rồi bài thơ của anh .... Trong vòng tay yêu mến của bè bạn:
"Ngày mai, trong đám xuân xanh ấy
Có kẻ theo chồng bỏ cuộc chơi..."

Tối ngày 24, xếp áo quần vào valise, nước mắt ngắn dài, buổi sáng hôm đó đã đốt hết mấy quyển nhật ký và 3 lá thư của... Ba tôi không cho tôi lạy xuất giá vì biết tôi sẽ...không chịu đựng nổi! Bà nội cũng không dám nói gì nhiều, thỉnh thoảng, nhắc: con nhớ đem theo cái này, cái nọ. Tuyệt nhiên bà không dặn: "về nhà chồng con phải..". Gần tối, dì ba của tôi đến, tôi ôm dì khóc ròng, hai dì cháu không nói được thêm câu nào. Khoảnh khắc ấy, cảm giác ấy, đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ rõ, sao dì không phải là má của con??

Những ngày 25-12 sau 1975

Thỉnh thoảng tôi mới về dự lễ tưởng nhớ ông nội, không khí rộn ràng của những ngày Noel thơ dại không bao giờ còn nữa. Gia đình của tôi cũng mỗi người một phương...
Mỗi năm ,đến Noel, tôi chỉ còn nhớ và đếm: vậy là chúng tôi cưới nhau đã được...năm. Mặc dù nghèo, nhưng ngày cưới vẫn là ngày thiêng liêng vì chúng tôi đã chọn để gắn kết cuộc đời nên một món ăn ngon hơn bình thường một chút, một vòng dạo chơi vườn hoa với các con cũng đáng được gọi là kỷ niệm. Cứ vậy, chúng tôi vẫn "tổ chức" kỷ niệm ngày cưới hằng năm để nhắc nhớ cho mình, cho các con: hãy yêu thương nhau nhiều hơn. Khi đi đâu xa, chồng tôi vẫn gửi quà, gọi điện thoại cho tôi (dù những năm ấy, chỉ được gọi nhờ điện thoại của cơ quan!). Có khi ngày kỷ niệm không được tổ chức đúng vào ngày 25-12 nhưng chưa bao giờ chúng tôi bỏ quên!
Cho đến...một ngày, cách đây hơn 20 năm, tôi vô tình khám phá...một sự thật diễn ra đúng vào ngày 25-12. Điều ấy đã khiến tôi, từ đau khổ tưởng chừng không gượng dậy nổi đến chai sạn, lì lợm để nghĩ rằng: chẳng bao giờ còn có ngày kỷ niệm này nữa. Vết thương nếu không lành thì người bị thương sẽ chết, nếu nó lành thì (dù nhanh hay chậm) thì mình vẫn phải tiếp tục trả nợ đời. Đơn giản vậy thôi!
Cuộc sống chưa có phút giây nào ngừng lại và cứ thế, tôi tiếp tục...gồng mình! Nỗi đau rồi cũng qua đi, tôi sống và làm việc như điên nhưng vẫn vô cùng tỉnh táo. Và có lẽ chính vì tôi giỏi chịu đựng nên mọi sự thay đổi theo chiều hướng thuận lợi hơn. Tôi vẫn cứ lòng dặn lòng: hãy quên những điều không đáng nhớ! Và rồi...tôi đã quên để bắt người khác phải nhớ và biết đến lẽ phải.

Ngày 25-12-2007

Ba tôi bệnh ngặt nghèo, chắc chắn không qua khỏi nhưng dĩ nhiên, chúng tôi không cho ba biết. Gần đến ngày 25, ba dặn tôi: năm nay, tổ chức kỷ niệm cho ông nội ở nhà ba nghe con, con mời hết các cô chú, con cháu về đông đủ cho ba, vậy mới vui và đúng nguyện ước của ông nội. Và ngày hôm đó, ba tôi rất vui và tỉnh táo lạ thường, ăn uống cũng khá hơn mọi ngày. Chiều, ba đã nhắc tôi: con tắm cho ba, thay bộ pyjama mới để ba chuẩn bị đón cháu cố. Tôi làm đúng theo yêu cầu của ba mà nuốt nước mắt, tất cả chúng tôi đều biết đây là lần cuối cùng, ba có mặt trong lễ kỷ niệm của ông nội. Đầu năm 2008, ba tôi qua đời.

Ngày 25-12-2011
Sáng mai, cà nhà về BT, tổ chức kỷ niệm cho ông nội. Đủ mấy chị em của tôi và các cô chú. Tôi đã đặt bánh khúc củi ở Givral với dòng chữ "Thành kính tưởng nhớ", đúng theo truyền thống gia đình vì ngày xưa, ba tôi đã làm như vậy. Chúng tôi sẽ sum họp, thắp nhang cho ông nội. Tôi chỉ biết ông qua hình thờ nhưng ba tôi thường hay kể chuyện về ông nội bằng lòng biết ơn, sự nể phục. Ông không được đi học nhưng đã nuôi ba tôi và các chú ăn học trong hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ. Và với cả gia đình tôi, ông là tấm gương soi sáng cho nhiều thế hệ.

Ngày 25-12 cho riêng mình

Vậy là chúng tôi đã sống cùng nhau đúng 37 năm. Con cháu ngoan ngoãn, hiếu thảo, cuộc sống đầy đủ từ tinh thần đến vật chất. Có lẽ, tôi cũng không mong ước gì hơn. Những khúc quanh rồi sẽ dẫn về lối thẳng, từ nơi tăm tối, sẽ tìm ra đường sáng.
Tôi muốn nói lời cám ơn tất cả những gì tôi đã nếm trải.


Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 13 tháng 12, 2011

Trời trở lạnh cho...lòng mình...ấm!

Hai, ba ngày nay, SG hơi lạnh, đêm ngủ ngon, sáng sớm se lạnh, thấy thú vị hơn với những công việc quen thuộc hằng ngày...
Mọi công việc liên quan đến kỷ niệm 20 năm xem như kết thúc ngày hôm qua, với BTC và những thành viên có liên quan.

Không hiểu có ai "xót thương" mình không mà chỉ nghe toàn những lời khen. Kể cả phim mà với mình...là nỗi ám ảnh kinh hoàng. Kịch bản cũng sửa, dựng phim cả chục lần, sửa đến nỗi thuộc từng chi tiết. Quỹ thời gian của tôi chỉ có vậy, tư liệu tôi phải tự tìm kiếm, tôi chưa có chút kinh nghiệm làm đạo diễn...Chắc tại bài ca của mình dài quá, thê lương quá nên đâu ai dám góp ý gì nữa! Nghĩa là lên thớt nhưng không có bị...chém! Thời gian đâu còn mà cứ điều chỉnh hoài. Phim đã rút ngắn theo yêu cầu, có phụ đề tiếng Anh theo yêu cầu, điều chỉnh các chi tiết theo yêu cầu....gần như là đã thực hiện 90% các yêu cầu trong thời gian kỷ lục!
 
Có nhân viên "bình luận" rất dễ thương như thế này: "Cô thấy hông, suốt thời gian phim được chiếu, ai cũng chăm chú theo dõi, vừa dứt phim là người ta vỗ tay liền, không có đợi nhắc, vậy là phim ngon rồi, tối nay, cô về ngủ ngon đi!". Suy nghĩ đơn giản thì mọi việc sẽ giản đơn. Cám ơn em.

Bản tin thì khỏi nói là được khen lắm lắm nhưng không ai có nỗi xúc động như tôi: bây giờ mình có tiền, có phương tiện hiện đại thì Bản tin đẹp là đúng rồi. Năm 2004, tôi cũng đã từng là P.TBT của Lotus Info với giấy đen, quay roneo (khá hơn Văn Khoa một chút!) nên tôi cứ bàng hoàng khi nhìn 20 trang Bản tin này, sản phẩm mà với không đầy 2 tháng, tôi không nghĩ là sẽ có được.

Tôi nhớ những lời động viên, khích lệ của các anh chị cùng phòng, nhớ những sự chịu đựng của các nhân viên khi tôi "thịnh nộ", nhớ những ngậm ngùi của chúng tôi khi mong muốn thì nhiều mà thực hiện chẳng được bao nhiêu. Nhớ những giờ phút "đứng tim" khi NXB báo nếu không có giấy phép thì...không in mà thời gian xin giấy phép ở Sở là...2 tuần!

Tôi nhớ những đêm mất ngủ, nhớ những lúc đầu óc như...đặc quánh, không còn chữ nghĩa gì nữa, nhớ những lúng túng khi thấy phim chưa hay mà không biết phải sửa như thế nào, nhớ những khi nghe báo: hết chỗ, bài này ngắn quá! (cô viết thêm ngay bây giờ giùm em!) hay là: hết đất rồi! (cô ơi, cắt bớt giùm em...) Những tình huống này quen thuộc vì đã gặp khi làm báo ở Văn Khoa và lúc làm Lotus Info.

Rồi những lúc sức khỏe như là cạn kiệt, mình có còn là mình nữa không? Làm sao bây giờ...?!

Tất cả qua rồi, mọi lời cám ơn...như thành vô nghĩa. Mình cũng phải tự cám ơn những nỗ lực của chính mình nữa...

Trời trở lạnh cho...lòng mình...ấm.
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 7 tháng 12, 2011

Khi tôi biết...sảng khoái!

Không hiểu sao tối qua không ngủ được, những chuyện xưa và nay bỗng lũ lượt kéo về, đầy kín...và dĩ nhiên, có vui, có buồn.
Đến 24g, vẫn cứ...trắng mắt, đọc báo, mở TV, không có chút hứng thú, sao cái gì cũng vô duyên, nặng nề quá!
Thôi, đành tiếp tục nhắm mắt cho...lòng mở toang!
Chẳng biết đến khi nào...ngủ quên, 4g00 lại thức, thua rồi!
Cố gắng nằm lại giường chứ không mở laptop, đến 5g00, khó chịu quá, lại mở TV, thấy đang nói về bệnh thoái hóa khớp, bệnh của mình đây mà! Nghe những điều đã biết hết rồi, vấn đề là "bệnh trời đã cho" thì ráng mà"... "giữ lấy làm của"!

Rồi ngày mới cũng đến, ăn sáng, vào trường, chợt nhớ, phải duyệt maquette cuối cùng của Bản tin để chuyển nhà in.
Nhìn trên máy tính, từng trang báo lần lượt hiện ra, đẹp và đầu đủ hơn mong đợi. Sản phẩm đầu tay đây rồi! Lòng xôn xao, xúc động như khi cầm trên tay tờ báo Nữ sinh viên. Ai đã có "một thời làm báo" mới chia sẻ cảm xúc này.  Bao nhiêu thời gian và trí tuệ...không chịu trách nhiệm thiết kế nhưng người thiết kế hiểu được ý tưởng của Tổng biên tập nên giờ mới có sản phẩm này. Ôi, sao mà sung sướng! Tôi muốn ôm các em mà hét to lên: "Bản tin Hoa Sen số ra mắt đã quá!!!". Vậy là xong một nhiệm vụ. Các em còn nhận xét: "Bài của cô hơi bị nhiều, cô đổi tên tác giả đi cô!". Tên gì nhỉ!? Ngọc Trân, đây là bút hiệu một thời của tôi ở Văn Khoa, tôi chạnh lòng nhớ đến...và tim nhói đau!

Đến phim "Hành trình 20 năm", tôi xem lại lần nữa, điều chỉnh để chiều nay người ta giao phiên bản cuối cùng. Tổ Kỹ thuật sẽ chép USB làm quà tặng cho GV-NV và khách mời. Với khách mời thì còn phải phụ đề tiếng Anh nữa, tôi không dịch nhưng phải biết đưa phụ đề vào phút nào, giây nào của phim cho phù hợp...Chiều hôm qua, làm 3g mới xong công đoạn này! Thì cũng xem như xong thêm một công việc nữa đi. Thời lượng của phim 25p, mất 2 tháng để làm! "Đạo diễn" bất đắc dĩ này chưa mất chức! Lý do đơn giản là...cực quá nên chẳng ai thèm làm!

Còn  web "Nhật ký hành trình 20 năm" thì hơi "bèo" một chút, vẫn đang cập nhật...

Hôm nay, tôi sảng khoái, tôi cười, tôi vui bởi vì tôi đôi gánh trên vai đã bớt nặng oằn!
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 3 tháng 12, 2011

Nhớ anh Tri Chính

Hôm nay, ngày mồng 10 tháng 11 là ngày giỗ của anh Tri Chính, người anh Văn Khoa năm xưa của tôi.

Tôi mến mộ anh Tri Chính từ khi còn là độc giả của báo Tuổi Hoa và không ngờ, có một ngày được gặp, làm việc cùng với anh và anh chính là Nguyễn Tri Chính.
Anh hiền lành, ít nói, hay cặm cụi làm việc. Anh có đôi mắt sâu với đôi chân mày rậm đến phát...sợ nếu nhìn lâu.

Khi tôi bị bắt ở Cảnh sát Quận 1, vì tôi làm báo chung với anh nên đêm đó, tôi và chị Quế đều rất hồi hộp. Nghe tiếng xích sắt khua, một phòng giam nào đó vừa được mở cửa là chúng tôi lại hé mắt nhìn xem có phải anh Chính vào không? Và cứ vậy, chúng tôi thức đến sáng, tiếp tục lo lắng vì rất có thể anh đang ở trong một phòng giam đâu đó.

Tôi còn nhớ, lúc nhà anh còn ở Hàng Xanh, thỉnh thoảng, tôi và người yêu có ghé chơi, anh hay cười cười nhắc tôi: "Nè, em đừng có ăn hiếp thằng...nha, tội nghiệp nó!". "Trời, bộ em dữ lắm hả? Em chỉ lanh thôi, em có ăn hiếp ai đâu?!". Anh chị và cả hai bác tiếp chúng tôi rất chân tình. Trong ngày cưới tôi, chị Mai, cô gái Đà Lạt "chính hiệu", với chiếc áo dài màu tím đã say sưa hát...

Sau 1975, thỉnh thoảng tôi có gặp lại anh trong những lần họp mặt, vẫn rất vui vẻ, thân tình và anh cũng có về chơi nhà tôi tại Mỹ Tho. Những lần đám cưới con anh, tôi đi dự đầy đủ, thầm khen anh chị đã khéo nuôi dạy các cháu.

Vẫn tưởng, dòng đời cứ trôi, mặc dù, cuộc đời anh, không phải là không có sóng gió. Anh cũng đã đôi lần chia sẻ với tôi.
Nào ngờ, anh phát bệnh, thời gian đầu, anh vẫn lạc quan vì anh đâu biết anh bệnh ngặt nghèo. Chị Mai đã báo với chúng tôi. Nhưng nhìn anh vui vẻ như thế, chúng tôi chỉ biết nuốt nước mắt vào trong.

Những ngày cuối đời của anh rồi cũng phải đến. Chiều hôm ấy, chúng tôi hẹn nhau đến bệnh viện Chợ Rẫy, cái box... quen thuộc đây rồi! Anh không nói được, nhìn chúng tôi hết lượt (mỗi người vào thăm một chút) và...chảy nước mắt. Chúng tôi xót thương anh, chẳng biết làm gì, ngoài những cái nắm tay chặt hơn, những ánh mắt quay đi, che giấu. Anh bị phù khắp người, phải thở bằng máy, mắt vẫn nhìn mà không nói được. Có đau đớn nào hơn! Bạn bè vẫn đang ở quanh anh đây, anh Chính ơi!

Chúng tôi bàn bạc với chị Mai, dặn dò Tri Quang những việc cần làm để lo hậu sự cho anh. Ngày hôm sau, anh về nhà và ra đi mãi mãi. Lại thêm một bà mẹ già trong cảnh "tre khóc măng". Tôi rất sợ tình cảnh này, đặc biệt là sau khi má và dì của tôi mất, vậy mà, tôi cứ phải chứng kiến nhiều lần, ngay chính tại gia đình của những người bạn trong phong trào.

Hằng năm, ngày giỗ anh, bạn bè lại đến thắp cho anh nén hương, hỏi thăm mẹ đôi điều, và rồi, mỗi người lại mỗi nẻo.

Hôm nay, nhắc một chút kỷ niệm về anh, để bạn bè cùng nhớ thương anh, một người anh, một người bạn, đã một thời cùng chúng tôi san sẻ...

Ở cõi vĩnh hằng, anh hãy ngủ yên sau những năm tháng làm đẹp cuộc đời bằng những tác phẩm hay. Nơi ấy, không có đớn đau, bệnh tật, chỉ có hoa nở, chim hót, và những lòng thanh thản, không còn vướng víu bụi trần...

Mồng 10 tháng 11 năm Tân Mão
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

Vẫn còn đó, những tấm lòng

Hôm nay là ngày 20-11, ngày mà những năm còn dạy trường PT thì tôi có hoa đầy giỏ xe, nhà tấp nập phụ huynh, có những tâm tình khiến tôi phải xao lòng vì học trò chia sẻ tình thương dành cho cô với cha mẹ, rồi cha mẹ cũng "thần tượng" cô như học trò...nhưng cũng có những món quà "hàng hiệu" mà tôi vẫn muốn trả lại ngay sau khi nhận bởi phụ huynh tặng nhiều đến nỗi nhầm lẫn tên GV!
Rồi những ngày 20-11 ấy cũng trôi qua, tôi về một môi trường mới, không có ngày 20-11 nhưng không phải là không có những tấm lòng của học trò.
Các em tốt nghiệp cách đây 5-7 năm, hằng năm vẫn tặng hoa cho cô, loại hoa mà cô thích, có em tự mua hoa về cắm, nâng niu làm quà cho cô. Có em dùng tháng lương đầu tiên để mang đến cho cô chút kỷ niệm...Và còn nhiều, nhiều nữa...tôi đã từng chia sẻ với những số phận không may mắn mà học Đại học là một áp lực quá lớn với các em. Nhưng rồi tất cả đều thành đạt, có em, nay trở thành đồng nghiệp, vẫn yêu thương chúc mừng cô, những tấm lòng ấy, khiến tôi nhớ về những người thầy xa lắc của mình.
Một thầy Mã Tắc (tên thầy hơi lạ, dường như thầy gốc người Hoa) mà trang phục luôn là bộ kaki màu trắng. Thầy ân cần cầm tay tôi chỉ dẫn những nét bút đầu tiên và luôn nhẹ nhàng nhắc nhở: "Chữ viết là người", viết chữ h, chữ g, các con phải nhớ các "ngã tư" để uốn cho tròn, cho ngay ngắn, trò nào viết không thắng, thầy dùng thước khẽ lên bàn tay. Tôi chưa bị phạt lần nào nhưng chắc là đau lắm. Hồi đó, tôi không thấy ai lên án thầy, chúng tôi cũng răm rắp nghe theo, không đi học thêm mà chữ viết ai cũng đẹp. Tôi cũng có những ấn tượng đẹp về cô giáo lớp ba của tôi, hiền từ mà nghiêm khắc, ngay khi học với cô, tôi đã mơ ước: sau này cũng làm cô giáo như cô.
Rồi những năm học Trưng Vương, tôi mê cô Diệp dạy Văn, mê đến nỗi hằng ngày phải đi ngang qua nhà để...chẳng bao giờ được thấy cô!
Ở Đại học Văn Khoa, tôi có nhiều thầy cô, để lại ấn tượng thì ít mà tôi dè dặt thì nhiều hơn, vì tôi ở trong "thành phần bất hảo" mà lại hay theo thầy cô để xin bài quay cours phục vụ cho sinh viên. Tôi có ấn tượng sâu đậm với thầy Lý Chánh Trung vì thầy thuộc "phe ta" nên mọi giao dịch với thầy rất dễ dàng.
Sau 1975, tôi gặp lại thầy trong bệnh viện, thật là dở khóc, dở cười. Mừng vì thầy trò được gặp lại nhưng hoàn cảnh thầy và trò đều nghiệt ngã. Thầy đang nuôi con trai bị khối u trong não, còn tôi thì nuôi ba tôi bị nhồi máu cơ tim, cấp cứu nhiều lần. Tôi thấy thầy và cô đều tiều tụy, đau đớn lắm vì bệnh tình của anh rất nặng. Sau đó, anh qua đời. Thầy lại chịu đựng một tai họa khác là thêm một người con trai, bị tai nạn, nằm một chỗ. Tôi mang trọng tội là chưa một lần đến thăm thầy, thông qua một người cháu (gọi thầy bằng chú ruột), đã có thời gian làm việc chung với tôi, tôi biết một vài thông tin của thầy. Lễ mừng thọ cho thầy, tôi không hay nên cũng không có một lời chúc mừng.
Thầy Bửu Lịch, người đã hướng dẫn luận văn Cao học cho tôi với đề tài khá nhạy cảm: "Đời sống của sinh viên Saigon". Tôi nhớ thầy băn khoăn lắm, hẹn đến cả tuần mới trả lời cho tôi. Tôi không biết thầy có hiểu "thành phần" bị cho là "bất hảo" của tôi không, chỉ biết vì tôi đạt điểm khá cao nên mới được thầy đồng ý làm GS hướng dẫn. Có lẽ thầy cũng không biết tôi chọn đề tài này là để có thể tiếp cận sinh viên một cách danh chính ngôn thuận và vận động các bạn tham gia phong trào sinh viên. Dẫu sao, thầy cũng đã tận tụy hướng dẫn tôi cách tìm hiểu thông tin, lập phiếu điều tra để thực hiện nghiên cứu. Tôi biết ơn thầy và sau này, tôi đã sử dụng những kiến thức ấy để hướng dẫn sinh viên.
Những người thầy đã đi qua trong cuộc đời tôi, không cần có ngày 20-11, tôi cũng luôn nhớ và ghi ơn. Tôi không thích nhận những tin nhắn, email chúc mừng bằng tiếng Anh, tôi không thích gọi ngày 20-11 là teachers'day., bởi vì với tôi, tình nghĩa thầy trò là điều thiêng liêng, không phải là một văn hóa phải du nhập từ nước ngoài mới có.
Tôi đi dạy học đã gần 40 năm, vẫn thấy mình hạnh phúc khi chọn nghề giáo, dù "vinh, nhục" tôi cũng đã từng. Và trong hạnh phúc này, luôn có bóng dáng những người thầy, người cô mà tôi hằng yêu kính.
Đọc tiếp ...

Thứ Hai, 3 tháng 10, 2011

Có những ước mơ ... chưa chắp cánh




Photobucket

Bây giờ là mùa Thu (cứ tạm gọi như vậy, dù Sài Gòn chỉ có hai mùa mưa nắng), mưa thưa dần, sáng sớm đã bắt đầu có những cơn gió sang mùa gợi cho ta nhiều nhớ thương, tâm tư lắng đọng.

 Năm ấy…Huỳnh Ngọc Hội ra đi mãi mãi vào tháng 10. Hôm nay, tôi xin được nhắc lại những câu chuyện về người bạn vô cùng thân thương ấy.

 Trước 1975, tôi biết chứ không quen thân Hội vì Hội thuộc đoàn công tác xã hội mà tôi, chủ yếu, chỉ tham gia hoạt động báo chí. Nhưng tôi cũng hân hạnh được đi dự đám cưới của hai bạn Hải - Hội và cũng được nghe loáng thoáng đây là lễ tuyên bố. Lúc ấy, tôi thật sự không biết “tuyên bố” là gì hết nên lòng cũng nôn nao chờ đợi. Quả thật, đây là một đám cưới mà tôi được dự lần đầu, không tiệc tùng linh đình mà có cái gì đó lạ lắm, tôi ngây thơ nghĩ rằng: chắc như vậy là “tuyên bố”! Cô dâu mặc áo dài màu đỏ (đến bây giờ tôi vẫn còn nhớ), chú rể mặc áo sơ-mi trắng (không có áo veste) và hình như lúc đó, chúng tôi chỉ được ăn bánh, uống nước (không ăn tiệc mặn), hát nhạc phong trào, và, đúng như chị Quế “tổng kết”: rất vui. Tôi thì nhớ là lễ được tổ chức tại Thủ Đức, trong một gian nhà rộng, đủ để chúng tôi “quậy” và có những cảm nhận tốt, những điều không thể quên về 1 lễ “tuyên bố” mà thật sự, ở thời điểm đó, chúng tôi chưa hiểu hết ý nghĩa và cũng không dám hỏi ai để mà tìm hiểu thêm.

 Sau hòa bình, tôi ít có dịp gặp Hội. Trong một lần họp mặt ở nhà chị Quế (lúc chị còn ở đường Hoàng Sa), không biết ai đó hỏi thăm thì tôi nói con gái đang học tiếng Nhật ở ĐH KHXH&NV. Hội vui mừng cho biết đang cần 1 người phiên dịch tiếng Nhật cho Savimex vì công ty làm việc với đối tác Nhật. Thế là con gái tôi “nghiễm nhiên” trở thành người phiên dịch cho chú Hội. Công ty ở gần Hóc Môn, con gái tôi được chú ghé ngang đón để cùng đi làm với chú, trưa được về để chiều tiếp tục đi học. Lương trả bằng tiền đô, lúc đó, đối với mẹ con tôi là điều không dám mơ ước. Nhưng con gái tôi chỉ làm được vài tháng rồi xin nghỉ và giới thiệu một người bạn của nó vào làm thay. Mãi đến bây giờ tôi mới dám “công khai” lý do con gái ngưng làm việc ở Savimex. Con tôi nói: chú Hội hiền quá mà mấy ông người Nhật vốn rất nguyên tắc và xem trọng giá trị, chất lượng của sản phẩm nên họ nói nặng lời, rất khó nghe, con không dám dịch nguyên văn vì thấy tội nghiệp chú Hội. Mà khi họ đã nói, mình không sửa thì cũng không xong với họ, con khó xử quá nên con đã nói với chú con phải tập trung học, không có nhiều thời gian để đi làm. Tôi nhắc lại câu chuyện “bây giờ mới kể” này, không nhằm mục đích phê phán ai, cũng không kết luận ai đúng/sai, chỉ muốn nó rằng: quả thật, Hội rất hiền lành, như chị Quế và chắc chắn nhiều bạn khác cũng nhìn nhận.

 Tôi đã được dự kỷ niệm ngày cưới của hai bạn Hải-Hội được tổ chức tại một nhà hàng, trang trọng và ấm cúng. Trong chúng tôi, không phải chỉ có Hội mới trải qua mấy chục năm chung sống, nhưng quả thật, đây là lần đầu, chúng tôi dự kỷ niệm ngày cưới. Vui mừng chia sẻ cùng bạn. Trong tôi, chỉ còn đọng lại nhóm từ: “má của chúng tôi” trong những lời phát biểu của Hội. Tôi biết, với Hội, người mẹ cả đời vì con ấy, quan trọng biết chừng nào.

Chính Hội là người đã đưa ra ý kiến cùng nhau làm Kỷ yếu Văn Khoa để ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ. Tôi hăng hái hưởng ứng và năm đó, tôi đã khai bút ngay mồng 1 Tết với bài viết: “Hơn ba mươi năm vẫn nhớ”, nhưng rồi, lâu lâu sau gặp lại, hỏi thăm mới biết, Hội chỉ mới nhận được bài của Minh An, Thu Nhân và tôi (cũng có thể có những bài khác nữa mà tôi chưa biết). Và với số bài ít ỏi như vậy thì Kỷ yếu chưa thể ra mắt.

Ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, ước mơ ấy chưa thành hiện thực. Gặp nhau, đặc biệt là sau khi Hội đã đi xa, chúng tôi vẫn nhắc để mà thương, để mà quý một người bạn. Và mãi cho đến khi Góc nhỏ Văn Khoa ra đời, chúng tôi mới dám nghĩ mình đã làm một việc mà chắc chắn Hội sẽ rất vui.

 Trong một lần khác, họp mặt tại nhà chị Q khi chị đã dọn về đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, tôi mới biết Hội đang theo học chương trình sau đại học. Tôi cũng đang học, tuy khác ngành nhưng vẫn có những môn cơ sở giống nhau. Thỉnh thoảng, có hỏi thăm nhau tài liệu, động viên nhau vì ai cũng vừa đi làm vừa đi học nên lắm gay go. Tôi không khỏi ngạc nhiên khi được nghe Hội chia sẻ: đi học tiếp để chuyển nghề: thích đi dạy hơn là đi làm công ty, vì lúc ở trường Đoàn, Hội có dạy nhiều. Tôi vẫn nhớ Hội khẳng định: đi dạy vui và thích hơn nhiều, tưởng tượng một ngày nào đó, được vào lớp dạy, “sướng” gì đâu! Đi làm bon chen lắm!

Tôi viết những dòng này mà cay mắt, nhớ giọng nói chậm rãi, hiền lành của Hội, nhớ những gì con gái đã nhận xét về “chú Hội” (lúc ấy là Phó Giám đốc) trong thời gian ngắn ngủi được làm việc ở Savimex. Ước mơ ấy tầm thường và đơn giản như người bạn chân tình của tôi nhưng rồi…ước mơ cũng bay xa mãi với người…Bạn chưa được ôm tập sách và trở lại bục giảng như bạn mơ ước dù tấm bằng Thạc sĩ bạn đã có rồi. Ngày bảo vệ xong, bạn cũng có báo tin cho tôi.

 Sau đám cưới Hải Âu, chúng tôi hẹn nhau đến Trung tâm y tế Q.8 để thăm Tú Lộc, lúc ấy, Hội đã bắt đầu húng hắng ho. Tôi hơi ngạc nhiên khi thấy trời vừa tối là Hội kéo cổ áo cao, cài nút cẩn thận, tôi đã định trêu chọc, nhưng nghe bạn bệnh nên tôi không dám. Chuyện rồi cũng qua đi. Thời gian ngắn sau đó, Âu đến nhà giúp tôi  vì có trục trặc khi nối mạng, Âu nói ba con đang nằm BV Nguyễn Trãi vì bị tràn dịch màng phổi. Chúng tôi lại hẹn nhau đi thăm, còn đùa vui: sao nhõng nhẽo với vợ hoài vậy? Bạn vẫn tươi cười và chúng tôi không thể ngờ tai họa đang đến…Những ngày tiếp theo, bệnh diễn biến nhanh, vào ra bệnh viện liên tục, thuốc tây rồi ta…Hải đã chính thức thông tin với chúng tôi bệnh của Hội. Tôi nghĩ hiền lành, tốt bụng như Hội mà sao lại…Có một lần, nghe Hải nhắn Hội đang xuống tinh thần, chúng tôi vào ngay, nói cho bạn cười mà tim ai cũng thắt lại. Ngồi xung quanh nhau (dưới đất, chúng tôi đông quá, làm sao có đủ ghế ngồi), anh Kiệt “tổng kết”: hồi đó, gặp nhau bàn chuyện xuống đường, rải truyền đơn, mấy chục năm sau, gặp lại, toàn kể về bệnh tật, bày nhau cách chữa bệnh này, bệnh nọ…

 Sau đó, thỉnh thoảng, bạn vẫn liên tục vào-ra bệnh viện, có khi chúng tôi chưa kịp vào thăm...Cho đến một buổi chiều, chúng tôi hối hả đi đến phòng hồi sức, Hội vẫn nhìn chúng tôi nhưng mắt không còn thần sắc, với mỗi bạn, Hội nói một câu khác nhau, không còn sáng suốt nữa và chúng tôi hiểu, điều đau đớn sắp xảy ra. Lúc đó, đã hơn 22g, tại cái băng đá của BV, chúng tôi đã bàn tính mọi việc với Hải, tôi nhớ mà thương Hải xót xa: “Bây giờ em còn tỉnh nên dặn như vầy…”. Điều mà chúng tôi ái ngại nhất là cho đến lúc đó, bà mẹ vẫn không biết đứa con trai duy nhất của bà đang mang bệnh ngặt nghèo. Chúng tôi sợ bà không chịu đựng nổi, phải nói như thế nào đây…và ai sẽ là người nói…?

 Hội ở lại BV thêm 1 ngày nữa, vẫn còn tỉnh táo và nói với anh HTM: “Xin cho em về nhà”. Lúc này, ai cũng muốn làm theo ý của Hội. Chiều hôm đó, Hội về nhà như nguyện ước. Tôi đến nơi thì Hội vừa ra đi, chỉ còn kịp nghe Hải gọi: “Anh Hội, anh Hội…” nhưng Hội đã xuôi tay. Chị Hồng Diệp kể lại: trước đó mấy phút, Hội vẫn tỉnh táo, nói chuyện nhiều lắm rồi mới từ bỏ mọi người. Tôi nắm chặt hai bàn tay, lấy lại bình tĩnh rồi bước ra ngoài gọi điện thoại cho anh Kiệt, cho chồng tôi và Minh An. Anh Kiệt đang trên đường đến, Minh An nghẹn ngào…chồng tôi và con gái tất tả đi…Chúng tôi biết trước điều này rồi sẽ đến nhưng ai cũng sợ…Hải bảo vừa cho bà mẹ biết bệnh của Hội sáng hôm đó vì sợ khi mang Hội về, bà không đủ sức chịu đựng.

 Tại Nhà tang lễ Lê Quý Đôn, tôi nhìn đôi mắt buồn rười rượi của anh trên di ảnh, nhớ đến giọng ngâm thơ trong Nha Cảnh sát Đô thành năm 1972, nhớ những ước mơ chưa được chắp cánh của anh, nhớ tấm lòng của anh, nhớ những điều tôi đã nghe anh chia sẻ…Nước mắt chảy thành dòng, tôi ngậm ngùi thắp nhang tiễn anh. Bà mẹ ngồi lặng yên ở một góc, nhìn mọi người đi viếng tang, nghe anh Kiệt thay mặt phong trào đọc điếu văn, bà không còn sức lực để nói điều gì cả nhưng tôi thấm thía lắm nỗi đau “tre khóc măng”.

 Những ngày gần đây, nhận được thông tin của Hải Triều rồi Hải Âu trong hai lần khác nhau, tôi đều lặng người đi một chút vì xúc động. Vậy là, cuối cùng, các con cũng đã về nhà Văn Khoa. Nơi ấy, ba của các con vẫn luôn hiện diện cùng các cô chú.

 Tôi tưởng tượng đến những cánh diều, bay cao, bay xa. Những ước mơ, dẫu chưa kịp thành hiện thực nhưng vẫn rất sáng, rất trong, rất đẹp và…cho dẫu đến bao giờ, trong chúng tôi, Huỳnh Ngọc Hội vẫn là người bạn mà chúng tôi mãi trân quý, yêu thương.


Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 24 tháng 9, 2011

Tôi đã gồng người lên...



Photobucket

Hôm nay, là ngày cuối cùng tuổi của tôi còn được bắt đầu bằng số 5...
Trong từng ấy năm có mặt trong cuộc đời, đã biết bao lần tôi phải gồng mình lên...

Khi má tôi mất, 1 ngày trước khi tôi tròn 20 tuổi, một gia đình đang hạnh phúc bỗng vỡ tan, hình như tôi chưa thật sự trưởng thành mà vẫn phải gồng mình lên, chịu đựng nỗi đau, không chỉ là sự bất hạnh của đứa con mồ côi mẹ mà còn là biết bao điều khác nữa, trong đó, có cả những nỗi đau không thể gọi tên và dĩ nhiên cũng không thể diễn tả thành lời.

Rồi tôi có chồng, bỏ SG, mang thai khi tôi còn quá trẻ, tôi gồng mình lên để chịu đựng cơn đau chuyển dạ, tập trung hơi sức để được nghe tiếng khóc của con. Lúc ấy, bên tai, văng vẳng tiếng ba: "Con lớn rồi, con ưng ai thì ba gả cho người đó, nhưng con lấy chồng xa thì ba không có phụ con được...".

Trong suốt chặng đường nuôi hai con, không thể đếm hết những lần tôi gồng mình chịu đựng cái nghèo, cái cực mà cô gái SG chưa từng nếm trải và đúng là...không có ba để "lo phụ". Ba ơi, giờ con mới từ từ thấu hiểu.

Tôi gồng mình ngồi sàng, sẩy rồi nấu cám nuôi heo, đến nỗi, học trò, đến nhà, đứng ngoài cửa nhìn vào, phân vân: "Không biết phải cô mình hông?". Ông ngoại ghé thăm, bất ngờ, thấy tôi, ốm yếu ngồi với đống cám khổng lồ, ông ngoại khóc, tôi gồng mình lên và cười với ngoại: "Đâu có mệt, con làm chút xíu xong liền, trong khu nhà tập thể này, con là sướng nhất đó ngoại!". Ông ngoại đâu biết tôi đã gồng mình khi phải cầm trên tay con heo con (lần đầu nuôi heo đẻ), không biết phải làm sao, vừa ghê, gớm, lại cũng sợ, rủi nó chết thì tiền đâu mà trả nợ?

Tôi gồng mình để thức đến 2-3g sáng đan len cho tổ hợp, kiếm tiền nuôi con khi chồng đi học xa. Tôi gồng mình bưng bê từng ly cafe ( khi tôi "may mắn" được ở một căn nhà ngay trong chợ Mỹ Tho) mong sao con được uống sữa, uống nước chanh vì tôi phải làm để bán cho mấy chị bạn hàng ngoài chợ và tôi thì có thêm chút tiền để xoay sở. Tôi gồng mình khi nghe người ta xì xầm: "Cô giáo làm vậy, tội nghiệp quá, không dám mua!".

Tôi gồng mình dọn dẹp phân gà (bây giờ nhớ lại, vẫn còn ghê!), gồng mình chở từng giỏ trứng gà công nghiệp đi bán bằng chiếc xe PC (đã thành đồ cổ!) khi con trai bắt đầu học ĐH. 5 g sáng đã lục tục thức dậy cho gà ăn, lượm trứng rồi cũng áo dài "tha thướt" đến trường. 12g, từ trường hộc tốc về nhà, cơm nước, cho gà ăn, uống, lượm trứng, chưa kịp xong thì học trò đã gọi í ới để học thêm!

Tôi gồng mình để mỗi tuần 1 lần lên SG dạy, từ bến xe đi vào trường bằng xe đạp, thời điểm đó, cộng tất cả số giờ dạy của tôi hằng tuần (ở trường tại MT, trường ở SG, dạy ở nhà mình, nhà của học trò), hơn 40 tiết! Gồng mình để đi-về MT-SG/SG-MT như con thoi với ước nguyện các con chỉ tập trung học mà không cần làm thêm bất cứ việc gì. Gồng mình "siêu" đến nỗi hình như trong những năm tháng đó, tôi không có bệnh!

Tôi gồng mình để dứt khoát về lại SG sau đúng 25 năm từ bỏ quê hương, và lại tiếp tục gồng mình để đi học, để thay đổi môi trường làm việc, từ trường PT về trường ĐH, tôi gồng mình, trải qua biết bao cay đắng để được như ngày hôm nay. Gồng mình để nghe phiền trách về những điều mình chưa làm được, gồng mình để học vì mỗi ngày trôi qua, lại thấy sao mình lạc hậu, thiếu sót từ kiến thức đến kinh nghiệm...

Tôi cũng đã gồng mình để nuốt những giọt nước mắt, bắt nó phải chảy ngược vào lòng, đến nỗi tim như có ai bóp thắt, nhiều lần muốn ngừng thở, các đầu ngón tay bắt đầu tê (dấu hiệu của chứng hạ calci). Tôi gồng mình lên, chịu đựng những nỗi đau đời trong những đêm thức trắng mà tôi vẫn thường gọi là "trắng mắt, trắng lòng, trắng cả những niềm tin...". Gồng mình để không khóc cho đêm từng đêm lặng lẽ trôi qua và tự nhủ lòng: "không thể chỉ sống cho riêng mình!"

Tôi gồng mình khi mấy chục năm qua, tuy biết mà vẫn phải chấp nhận sự thật như nó vốn có, gồng mình để quen mà chấp nhận, không thắc mắc, không buồn phiền. Rộng lượng hơn để suy nghĩ rằng: "Trong cuộc chiến-tạm gọi như vậy-có khi người gây chiến còn khổ hơn người gánh nhận hậu quả không do mình gây ra...".

Tôi gồng mình để phủ nhận những tình cảm mà có người đã dành cho tôi bởi vì, nếu có một tình yêu khác, liệu tôi có phải gồng mình nữa không? Tất cả còn đang ở phía trước, tôi cũng không còn thời gian để bắt đầu những bước đầu tiên.

Tôi gồng mình để lần lượt, đảm đương những nhiệm vụ càng lúc càng khó khăn hơn nhưng vẫn thành công (ít ra là trong cái nhìn, có khi hơi chủ quan của tôi). Tôi gồng mình, chịu đựng những xúc phạm mà có khi, với người khác, là lẽ thường tình!

Và giờ đây, khi bước sang cái tuổi lục tuần, "ngẫm lại mình", hình như tôi đã có tất cả: nhà cửa, địa vị xã hội, con cháu đông đủ, hiếu thảo, bạn bè yêu quý...vậy tôi không cần phải gồng mình nữa!

Hãy thả lỏng người, bởi vì...tôi đã: "có đủ": Đủ mặt trời để soi sáng tâm trí. Đủ cơn mưa để mặt trời vẫn rực rỡ. Đủ niềm vui để tâm hồn không cằn cỗi. đủ nỗi đau để cảm nhận được ý nghĩa của hạnh phúc. Đủ nỗ lực để đạt được mong muốn. Đủ mất mát để tận hưởng tất cả sự tiến triển. Đủ những lời chào nhau trước khi phải nói lời tạm biệt cuối cùng". (Trích Sống đẹp, báo Phụ Nữ)

Sinh nhật lần thứ 59
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 9 tháng 9, 2011

Sinh nhật con trai

Dưới đây là entry đã viết cho con trai sinh nhật của con năm 2009.

Hôm nay, đọc lại, vẫn còn nguyên cảm xúc. Con sinh ngày 9-9, mẹ ngớ ngẩn, hôm nay là 10-9, vậy mà sáng nay còn cãi với ba: hôm nay mới là ngày 9-9! Thật ra, tối qua mẹ không online, bực mình vì Mul. "làm khó" mẹ, không commnet được cho ai nên online làm gì!?

Ba nói đã gọi ĐT cho con, năm nay, không hiểu sao, con có vẻ không vui lắm. Công việc thì không có gì khó khăn, vất vả thì con vẫn vất vả như trước nay, (vì con giống mẹ!), nhưng không hiểu sao con ít nói cười hơn. Kiểu như "tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn!". Mẹ đã thấy và nghe vợ con nói nhưng không dám hỏi gì hết vì con không bao giờ muốn mẹ phải lo lắng nên chưa bao giờ con nói về những khó khăn, băn khoăn, lo nghĩ của con cho mẹ nghe. Vì vậy, mẹ đành im lặng mà đêm nào cũng âu lo nghĩ về con.

Con trai à, con vẫn luôn là niềm tin yêu của ba mẹ, và đặc biệt là của mẹ.

Rồi con sẽ đọc những entries mẹ đã viết cho con để hiểu rằng, với mẹ, con quan trọng như thế nào thì với gia đình nhỏ của con, mẹ nghĩ, con càng quan trọng hơn nữa.

Con thêm tuổi mới, mẹ mong con luôn vững tay chèo, cho dù biển không phải lúc nào cũng thuận lợi cho người ra khơi!


Đối với một người mẹ, sự ra đời của con cái luôn là hạnh phúc vô giá và đó là những năm tháng không thể nào quên.

Ngày này, cách đây 34 năm, gần 9g sáng, một người phụ nữ 23 tuổi đã vượt cạn lần đầu để trở thành bà mẹ trẻ trong những ngày "vui, buồn, sướng, khổ" của năm 1975. Tên của con đánh dấu một cột mốc lịch sử, không phải chỉ của dân tộc mà còn của ba mẹ nữa. Lúc con bắt đầu quẫy đạp trong bụng mẹ, mẹ đã cùng với con đi vào dinh Thống Nhất để dự metting. Mẹ phấn khởi lắm, không chút e dè, sợ sệt. Bây giờ, nhớ lại mới giật mình, bụng đi trước, người thì như dòng thác, chen lấn, hò hét..

Khi mẹ sinh con xong, mẹ đọc được dòng chữ ba ghi nắn nót trong quyển sổ tay:"Hôm nay, NTT có mặt trên đời" và lúc đó, mẹ đã khóc.

Từng ấy năm trôi qua, con vẫn là niềm tự hào của ba mẹ, của cả gia đình nội/ngoại. Và gia đình nhỏ của con cũng luôn mang lại cho mọi người nhiều tiếng cười, niềm vui. Và mẹ đã có thêm hai "cục cưng, cục thương", lúc nào mẹ cũng nghĩ về gia đình của con với sự bình yên và mẹ luôn tin tưởng ở mọi quyết định, suy tính của con. Khi em có chồng, con cũng đã làm tròn trách nhiệm "anh hai", hơn cả những gì ba mẹ chờ đợi.

Hôm nay, con thêm một tuổi, mẹ ao ước con ngày càng thành đạt, luôn quan tâm và yêu quý mọi người, điều quan trọng là, tránh được những sai lầm có thể, đừng làm tổn thương vợ con, đừng làm cho người phụ nữ nào phải  gánh chịu như mẹ. Bởi vì, con biết không, nước mắt chảy ra là những giọt nước mắt có thể được chia sẻ, còn nước mắt nuốt vào trong là những ngậm ngùi không thể sẻ chia, là điều khủng khiếp của một đời người!

Mẹ luôn nghĩ về con bằng tất cả niềm tin và tự hào.

09-09-2009

Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 3 tháng 9, 2011

Trung Thu

Trung Thu gợi nhớ cho tôi biết bao kỷ niệm.
Khi tôi còn nhỏ, Trung Thu là thời điểm tôi rất thích.
Một trong những thú vui của tôi không phải là được rước đèn mà là được chơi đền cầy. Vì bình thường, không có đèn cầy để chơi.
Tôi hay nài nỉ chú của tôi mua cho đèn đủ màu sắc, tôi tỉ mỉ dùng móng tay để khắc trên thân đèn cầy những hoa văn khác nhau. Tôi có thể mất nhiều giờ đồng hồ để làm công việc này và dĩ nhiên ba má tôi không bao giờ thích những trò này của tôi, với ba má, chỉ có học và...học!
Tôi làm xong, sắp xếp trong hộp thuốc lá của ba rồi đem vào lớp khoe, các bạn khen, thể nào tôi cũng tặng rồi về nhà...làm tiếp cho đến hết mùa Trung Thu, khi không còn đèn cầy để mà khắc.
Món quà trẻ con ấy, tưởng đâu chỉ còn trong ký ức của tôi, không ngờ, hôm nọ, gặp Phương Hà, ở Úc về, cô bạn từ năm Đệ Thất (lớp 6) Trưng Vương vẫn nhớ và nhắc...
Tôi không thích (nói chính xác là...không biết) ăn bánh Trung Thu, nhất là bánh nhân thập cẩm (vốn là món khoái khẩu của ba tôi) mà chỉ thích được ba mua cho bánh con heo. Hồi tôi còn nhỏ lắm thì là một con heo, sau này, người ta làm cả bầy heo mà con nào cũng ủn ỉn, rất dễ thương nên tôi cứ mỗi ngày, mỗi ngắm nhìn chứ...không muốn ăn. Chìu tôi, năm nào ba cũng mua và vẫn thường "khuyên": bánh con heo là bánh dở nhất, con ăn bánh khác đi, hay là ăn bánh dẻo, ba mua cho...Ba thuyết phục hoài, tôi vẫn không thay đổi nên ba không nói nữa.
Khi tôi có chồng, không ai mua cho bánh con heo nữa, Trung Thu nhắc nhớ tôi những kỷ niệm ấu thơ mà trong những năm tháng ấy, ba và bà nội là những người chìu tôi nhất. Chìu đến mức, tôi có một thói quen rất xấu là hay...ăn từng muỗng, uống cũng từng muỗng. Vì vậy, một ly nước chanh, tôi uống rất lâu, cả nhà phải chờ khi đi ăn chung nên tôi hay bị má rầy. Ba thì không, ba hay nói: "Kệ nó, nó thích uống vậy mà. Con uống đi, ba chờ".
Sau này, tôi có kể chuyện cho một người nghe, nhân khi cùng đi uống nước, người ấy đã nhắc: "Sao em không uống từng muỗng?". "Thôi, mất công anh, chỉ có ba em chờ em chứ ai mà chờ?!" "Em uống đi, anh chờ!". Nói là nói vậy chứ trong cuộc đời, tôi và người ấy đã chẳng thể chờ được nhau!
Khi rước đèn, tôi thích đèn con cá mà không hiểu sao, tôi hay làm lồng đèn cháy mà cháy một góc nhỏ thôi, tôi cũng khóc và không chịu chơi lồng đèn bị rách bao giờ! Mỗi mùa Trung Thu tôi có đến mấy cái lồng đèn! Và ba tôi còn làm cho tôi đèn trống quân to nữa!
Đến khi các con tôi biết chơi đèn Trung Thu thì tôi quá nghèo, chờ cơ quan của chồng, trường của tôi mua tặng cái lồng đèn giây xếp. Tôi nhớ, Trung Thu năm nào ba tôi cũng gởi cho cháu nội lồng đèn bằng giấy kiếng, có khi chị tôi mua cho cháu. Lồng đèn giấy kiếng, lúc đó là "xa xí phẩm".
Vào ngày 16-8, má tôi vĩnh viễn đi xa, Trung Thu gợi cho tôi những kỷ niệm đau buồn. Năm nào, dọn bánh Trung Thu cúng ba má, tôi cũng chạnh lòng. Ba má đã cho tôi hưởng đầy đủ hương vị của nhiều mùa Trung Thu, vậy mà, đến khi tôi có thể lo cho ba má được thì tôi chỉ còn được thấy ba má qua khói hương thương nhớ thôi.
Giờ các cháu nội ngoại đầy đủ hơn lúc các con tôi còn nhỏ thì hình như các cháu không còn biết thưởng thức Trung Thu như tôi trước đây.
Không đứa nào đòi bánh con heo, không còn thấy ai khắc trên những cây đèn cầy đủ màu...
Đêm nay, MT tĩnh lặng, hồi còn sống ở đây, tôi rất sợ những tiếng chó "sủa ma", bởi vì, khi mất ngủ, những âm thanh đó, dội vào tai tôi, buốt nhức cho tôi chứ không phải cho những con chó sủa "ma". Người ta nói vậy, bởi vì...không có ai nó cũng sủa.
Sự tĩnh lặng khuya khoắt, xôn xao lòng tôi nỗi nhớ về những mùa Trung Thu....
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Những người mẹ (4)

Tôi vẫn còn cảm hứng để tiếp tục viết về những người mẹ.
Nhất là sau khi gặp lại LT (con của dì năm), xa VN đã 30 năm.
Đúng là tình ruột thịt nên chị em bạn dì ruột vẫn cứ quấn quít nhau, chuyện này nối chuyện kia, không thể nào ngưng được.
Tôi đưa em và gia đình đi du lịch sông nước Mỹ Tho, vợ chồng thì nói tiếng Việt không pha một tiếng Anh nào, con trai nghe-hiểu, trả lời lại tiếng Anh, con gái nói tiếng Việt chính xác nhưng ít nói.
Gặp lại em, tôi nhớ nhiều đến bà ngoại tôi và muốn kể đôi chút về ngoại.
Là vợ của ông đốc thời Tây không phải là đơn giản. Bà ngoại đẹp quý phái, là chị cả trong một gia đình khá giả ở Bến Tre. Ngoại rất hiền, ít nói nhưng sống nề nếp. Ngoại không học nhiều nhưng tôi nhớ ngoại viết chữ nắn nót, rất đẹp và ngoại có thói quen, đi chợ về là ghi chép lại những thứ đã mua trong một quyển tập. Tôi đã tập đọc với những trang ghi chép của ngoại.
Thỉnh thoảng má gởi tôi ở nhà ngoại, ăn cơm, ngoại chăm cho tôi từng chút, món nào tôi thích là ngoại đều biết. Ở với ngoại thì dứt khoát buổi trưa phải ngủ, thức dậy, đã có sẵn ly sữa (tôi không thích lăm), ly chè đậu xanh, có khi là chè khoai lang, pha chút bột cho nước sóng sánh và mấy lát gừng. Khi lớn, tôi nhiều lần nấu lại loại chè đó nhưng vẫn không thể ngon và có hương vị như chè của ngoại.
Tôi ít khi nghe ngoại nói mà hầu như ngoại chỉ nghe mọi người nói. Ngoại bị yếu một chân (sau khi sanh dì ba, tôi nghe kể lại như vậy) nhưng ông bà có đến 9 người con. Người con trai đầu lòng mà ông ngoại đã ưu ái đặt cho cái tên "Tri Kỷ" thì lại mất khi còn rất nhỏ. Sau đó thì tôi chỉ có dì chứ không có cậu nào nữa và tôi biết, đó là nỗi buồn ngoại giấu kín.
Khi tôi sanh con đầu lòng, ngoại đã già rồi nhưng ngoại vẫn đón tôi từ MT lên SG để chăm sóc, vì tôi không có mẹ. Mẹ con tôi được ngủ chung phòng với ngoại, trên giường của ông ngoại, ông ngoại phải "di tản". Đó là những ngày ngoại và các dì của tôi thay má tôi chăm sóc cho tôi. Tôi không thiếu một thứ gì, mặc dù ở thời điểm tháng 10,11/1975 mọi gia đình không thể còn sung túc như xưa. Ngày tôi còn nhỏ, ngoại đã biết ý thích của tôi trong ăn uống nhưng bây giờ tôi không còn nhỏ nữa, lại đang cho em bé bú nên ngoại không chìu tôi được. Và lúc nào ngoại cũng giải thích vì sao phải ăn món này, không được ăn món kia...Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi, sau khi lấy chồng, tôi hạnh phúc trong sự bảo bọc của gia đình. Bây giờ, khi đã có cháu ngoại, tôi hiểu lòng ngoại nhiều hơn.
Mấy năm sau đó, ngoại bệnh nhiều, không còn đi lại gì được nữa và trên cái ghế bố dành cho người nằm một chỗ, ngoại đã lặng lẽ ra đi mãi mãi. Vì ngoại không hay nói, không hay than thở, kêu rên nên đến giờ phút cuối, ngoại đã đi một mình....
Người phụ nữ ấy, một đời tần tảo vì chồng, vì con, vì cháu. Tôi chưa khi nào nghe ngoại rầy la con hay cháu mà chỉ kiên nhẫn giải thích: "Để ngoại nói cho con nghe...". Chỉ có ông ngoại tôi, vì là thầy giáo nên nói lớn tiếng và hay rầy la. Bà ngoại thì không, khi má tôi mất, tôi nhớ ngoại không khóc nhưng tôi biết mất người con gái đầu lòng như má tôi thì ngoại đau và đau lắm.
Ngoại lo cho mọi người rất nhiều (khi ba tôi ở tù, ngoại phụ với má chăm sóc chị em tôi), nhưng đến khi ngoại bệnh nằm một chỗ thì ngoại chỉ có một mình. Lâu lâu, tôi từ MT lên thăm, ngoại nắm tay, nhìn tôi nhiều hơn nói. Hỏi thăm các con tôi là chính, khi nghe tôi "báo cáo" xong, có lẽ đã hài lòng, ngoại lại nhắm mắt, tôi không biết ngoại ngủ hay thức nên cũng không dám nói gì thêm.
Với tôi, ngoại là hình ảnh một thân phận phụ nữ nông thôn, có chồng trí thức, và ngoại đã sống hết cuộc đời vì người khác. Những chịu đựng lặng lẽ, âm thầm của ngoại, ai người chia sẻ.....?!
 
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Miki tròn 1 tuổi

Hôm nay, Miki, Ngô Thái Nhật An tròn một tuổi, cái ngày mà ba mẹ con chờ đợi rồi cũng đến.
Từ sáng sớm, bà ngoại đã tất bật lo mọi việc. Cực nhưng vui. Cả nhà mình sum họp, vừa mừng cho con vừa mừng họp mặt, bởi vì, lâu lắm rồi, chưa gặp nhau. Lại có cả những người Miki chưa từng biết, nhưng hôm nay, con rất ngoan, thân thiện và đúng là "nhà ngoại giao giỏi" như bà Q đã khen!
Cả mâm gồm...đủ thứ đã được bày ra để con lựa chọn và Miki ngồi xuống, không chút do dự, chọn ngay quyển sách! Cả nhà vỗ tay, bà ngoại thì thầm nghĩ: "Lại theo nghiệp văn chương nữa rồi!". Món thứ hai, con cũng không do dự nhiều: cái nồi nhỏ mà mẹ con mới mua trong bộ đồ chơi nhà bếp. Con gái ngoan rồi, vừa chăm chỉ học hành lại còn lo bếp núc nữa!
Hôm nay con được mẹ diện cho áo đầm đỏ, ra dáng con gái, nhưng chỉ chụp hình với mọi người và ông ngoại còn bà ngoại thì lo nhiều việc khác.
Càng lớn, càng ngoan nha Miki yêu quý.
Con đang là niềm hạnh phúc của cả nhà.
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Những người mẹ (3)

Má mất, nhà trống vắng hẳn, dù trước đó, má cũng chỉ nằm bất động trên giường. Theo nguyện ước của má, má được thờ ở chùa, hằng tuần, cúng thất ở đó, cho đến 100 ngày. Có gia đình một người đã cùng tôi tụng niệm cho má trong suốt khoảng thời gian này. Hai bà mẹ là bạn thân của nhau, người ấy đã từng muốn hỏi cưới tôi nhưng tôi không có chút cảm tình, chưa hề bận lòng nhưng không thể quên sự thành tâm, tận tụy mà người ấy đã dành cho má mặc dù, đã bị tôi từ chối thẳng thắn.

Mỗi ngày, cúng cơm cho má, tôi đều khóc. Tôi ăn chay đúng 49 ngày để cúng má và tôi biết ăn chay kể từ đó.
Những ngày này, hầu như đêm nào tôi cũng chiêm bao thấy má, rồi kêu, rồi khóc, bà nội ở phòng cạnh bên, phải vội vã chạy qua với tôi, bà lại lo âu, sợ má không siêu thoát được. Cuối cùng, tôi "dọn"  qua phòng nội và ngủ với nội cho đến ngày lấy chồng.

Bàn thờ má lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Sáng chủ nhật, thay vì cả nhà cùng đi ăn sáng như trước đây thì mấy cha con đi thăm mộ má. Mỗi lần đặt bông, trái cây lên mộ má thì tôi lại ngậm ngùi với 2 câu đối do chính ba tôi viết:
"Lướt biển, qua non, bệnh ngặt đã đành không vượt thoát
Nuối tình, luyến nghĩa, sức mòn cam chịu mãi chia phôi"

Cũng mãi sau này, khi đã có một gia đình riêng, tôi mới hiểu sự thâm thúy của 2 câu này, quả là ba tôi đã chịu đựng quá sức vì phải vĩnh viễn xa người bạn đời khi đang hạnh phúc bời con cái sắp thành đạt, các cô chú cũng đã có gia đình và nhà không còn thiếu trước, hụt sau nữa.

Văn Khoa lúc ấy buồn hiu hắt mà tôi thì tưởng chừng không vượt qua nổi những đau thương dồn dập đến cùng lúc. Ở nhà thì mong đến trường cho bớt nhớ má nhưng ở trường lại vội vã trở về nhà để thắp nhang cho má. quẩn quanh kéo dài, thèm một cánh tay dang, một bờ vai để nương tựa.

Tôi nhớ những câu chuyện rời rạc đã nghe ba má kể, chắp nối để hiểu thêm về má, việc mà đáng lý tôi phải làm khi má còn ở cạnh tôi.
Má là con của ông "đốc" (Hiệu trưởng) trường tiểu học ở Mỏ Cày (Bến Tre), ba là học trò giỏi nhất trường nên rất được "ông đốc" cưng. Vậy mà, khi ba má cùng lớn lên, biết anh học trò nghèo có tình ý với cô con gái "rượu" thì ông "đốc" phản đối quyết liệt. Vì ba tôi chỉ là thầy giáo nghèo,gia đình đông em, lại còn tham gia kháng chiến, không biết sống chết thế nào...

Bị ngay chính ông Hiệu trưởng vô cùng thương quý từ chối, ba tôi buồn, xin về Rạch Giá dạy học để quên mối tình dang dở. Nhưng... lúc đó, ba tôi luôn kể với giọng tự hào: "Má con bệnh quá trời vì...tương tư ba. Ông ngoại kêu ba về làm đám cưới, ba nghèo, không có tiền mua nữ trang cho má, chỉ có đôi nhẫn, còn bông thì ông ngoại sắm sẵn!". Tôi nghe mà không hiểu "nữ trang" quan trọng như thế nào đối với đời một người con gái.

Về với ba, "cô gái khuê các" hoàn toàn thay đổi vì ba tôi là anh hai, ông nội mất sớm nên phải lo cho 4 cô chú. Các cô chú gọi má là "chị hai", thân thương trìu mến vì má đã cùng với ba lo cho các cô chú ăn học, có nghề nghiệp. Ba thì liên tục vào tù, ra khám. Lâu lâu, thấy có mấy người lạ xuất hiện, nói vài ba câu, ba vào ôm hôn chị em tôi rồi ra đi với họ. Chiều, mai rồi nhiều ngày nữa, không thấy ba về. Không khí trong nhà buồn bã hẳn, thỉnh thoảng, cuối tuần, bà nội và má bàn tính gì đó rồi má đi, mấy giờ đồng hồ sau mới về. Má hay nói ba đi dạy ở Đà Lạt, rồi má còn đưa thư ba gởi cho mấy chị em đọc và bắt chị em tôi trả lời cho ba, cho "ba mừng, ba nhớ tụi con lắm", má thường nói như vậy. Chữ của ba (thầy giáo) và chữ của má (thư ký) đều nắn nót và đẹp như nhau nên chị em tôi không thể phân biệt được. Cứ vậy, mỗi tháng, má tôi viết một thư, chúng tôi đọc đến thuộc lòng, không hề biết...nước mắt của người mẹ chảy ngược vào tâm can.

Về sau này, tôi mới hiểu thêm được những hy sinh, vất vả của má để giữ cho một gia đình đứng vững trong khi trụ cột là ba tôi thì...liên tục đi " dạy" xa. Ngoài ba tôi, có ai ghi công cho má?! Tôi, chẳng những không hiểu mà ngay khi má đang bệnh tật, lại còn làm má lo lắng thêm, nỗi lo lắng về sự "không an toàn của đứa con gái yếu đuối" ám ảnh má tôi cho đến khi má tôi về với cát bụi.

Nghĩ về những người phụ nữ như má, tôi luôn chạnh lòng, chỉ biết gọi đó là "Những người mẹ" và...lâu lắm rôi, nhớ má, tôi đã viết bài thơ:

Má ơi!
Khi con cần có má
Thì má đã xa con
Mênh mông một cõi chết
Rộng lớn một cuộc đời
Mà con thì nhỏ nhoi, côi cút
Làm sao con tránh nổi
Làm sao con biết hết
Những nhọc nhằn đời thường
Những đớn đau, vất vả
Má đã từng bước qua
Cho đời con mật ngọt
Và khi con biết làm mẹ
Giữa trăm nỗi đắng cay
Con cần có má, má ơi!

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Những người mẹ (2)

Những ngày tháng sau đó, má tôi thường xuyên ra vào BV, ngày đó, Grall cũng xạ trị, hóa trị...và má tôi cũng bị rụng tóc.

Sau lần phẫu thuật đầu tiên thì má tôi vẫn đi làm, có lẽ như vậy, sẽ quên cảm giác bệnh hoạn, nhưng đến lần phẫu thuật thứ ba thì má tôi nghỉ ở nhà. Và chính trong thời gian này, má gần gũi tôi nhiều hơn, hay dặn tôi chuyện này, chuyện nọ. Có lần, má nắm bàn tay tôi ve vuốt (điều này chưa bao giờ có từ khi tôi lớn, bởi má tôi vốn nghiêm khắc), rồi nói: "Con cái như vầy, biểu không lo lắng sao được?". Mãi đến khi được làm mẹ, tôi mới thấm thía điều âu lo của má.

Dường như trong lúc đau đớn, người ta cần có một đức tin, má tôi quy y với pháp danh Diệu Thọ và dặn, khi má chết thì thờ ở chùa.

Sức khỏe má ngày càng tồi tệ hơn, má ho nhiều, sau này tôi mới biết, vào giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn đến phổi. Nhân dịp ba tôi đi dạy ở Đại học Huế, má cùng đi với ba, như là một tuần trăng mật cuối cùng! Tôi vô tư, ở nhà với bà nội và nghĩ rằng, chắc ba má đi chơi vui lắm nên không bận lòng. Và tôi cũng không hiểu giá trị của những ngày hạnh phúc ấy. Thật ra, má không đi đâu nổi, chỉ quanh quẩn trong khách sạn, chờ ba đi dạy về, nhưng ba tôi không muốn xa má ngày nào nên má đi "dạy" cùng với ba.

Đang vào lúc tranh cử Ban đại diện Văn Khoa, tôi nhận thư hăm dọa không được ứng cử Ban đại diện. Tôi ngây thơ nghĩ rằng: "May quá, ba má không có ở nhà nên bí mật này không bị lộ!". Tôi cứ vậy mà lao vào công việc, quên cả bệnh tật của má.

Khi ba má từ Huế về thì má bắt đầu nhức đầu, ngày càng tiều tụy hơn. Ba tôi tin vào những liệu pháp tinh thần, kể cả mời "ông thầy nước lạnh" về nhà trị bệnh cho má tôi. Không khí gia đình vô cùng căng thẳng.

Và tối ngày 19-5-1972, nghe tiếng gọi: "Xét tờ khai gia đình", tôi biết sự chẳng lành đã đến. Bọn công an xét nhà, lục tung tủ sách, tủ áo quần của tôi để tìm 1 kháng thư...nhưng chúng không thấy, vì tôi ép kỹ vào một quyển sách, bọn chúng lật nhanh quá nên giấy dính vào...giấy, làm sao thấy được?!
Nhưng tôi cũng bị mời đi "thẩm vấn, sáng về", lúc đó khoảng 2,3g sáng.

Cả đời, tôi không thể nào quên được giọng má tôi thều thào: "Cho con tôi đem theo mấy bộ quần áo.." "Sáng về, đem theo làm chi"!
Bọn chúng kéo tôi ra khỏi nhà, lên xe Jeep, hụ còi...tôi vẫn kịp nhìn thấy má tôi nằm co quắp trên chiếc ghế dài ở phòng khách...tôi thoáng nghĩ: "biết đâu chẳng bao giờ tôi còn gặp má nữa..." và tôi cũng không hiểu tại sao, ngay thời khắc ấy, mắt tôi ráo hoảnh!

May mắn là khi tôi về, vẫn còn kịp chăm sóc má những ngày cuối đời. Mấy ngày đầu, thỉnh thoảng, má nói vài câu, thường nắm tay tôi, nhìn tôi yếu ớt. Dần dần, má không nói gì nữa hết, mắt không nhìn thấy và nằm bất động như vậy 25 ngày, thỉnh thoảng rên, bắt tôi và em trai để tay lên đầu má cho...bớt đau! Sao mà thương thắt ruột, thắt lòng, BS nói má đã bị di căn lên não và chỉ còn chờ chết nên không nhập viện nữa.

Lúc đó, dì Oanh (bạn thân của má tôi và cũng là y tá của BV Grall), mỗi chiều đều đến, nâng má tôi dậy, vỗ vào lưng để má thở dễ hơn. Dần dần, má không nuốt được, phải bơm vào ống, mỗi ngày 3 lần sữa, 2, 1 rồi đến buổi chiều (16-8, mùa Trung Thu), má vĩnh viễn đi xa.

Tôi vật vã trong suốt đám tang, hạ huyệt cũng là lúc phải cấp cứu tôi, 3 ngày sau, trở lại mở cửa mả, tôi không biết đường đi vào mộ má.

Tôi đeo tang má trở lại trường học, quay quần với anh chị em trong phong trào, ngày một thưa dần (kẻ vào tù, người vào chiến khu..). Cũng là lúc chia xa mối tình thơ dại...
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Những người mẹ (1)

Hôm nay là ngày Vu Lan.
Những năm má tôi mới mất, năm nào đến ngày này, tôi cũng nghe bài "Bông hồng cài áo" của Phạm Thế Mỹ và ngậm ngùi khóc cho mình, cho những ai không còn mẹ.
Ngày đầu tiên, về nhà chồng, gọi má chồng bằng "má", tôi đã lén ra vườn sau, khóc một mình. Đến bây giờ, khi tôi đã làm dâu mấy chục năm, cũng chưa ai biết những giọt nước mắt năm xưa của tôi.
Khi má tôi mất, tôi không còn được gọi tiếng "má" thân thương nữa, giờ đây, đứng trước người đàn bà này (dĩ nhiên là còn xa lạ), tôi "thưa má" mà nghe xót lòng, tủi thân.
Má tôi là một công chức, sống nề nếp, răn dạy con từng lời ăn, tiếng nói và tôi thường bị la rầy nhiều hơn là khen ngợi. Tôi sợ nhất mỗi lần đưa cho má ký tên Học bạ, bởi vì, lên hạng thì má chỉ cười mỉm, mà sụt hạng thì...ôi thôi! Buổi trưa, chị em tôi phải ngủ trưa đúng giờ giấc, nhưng với con nít thì...ngủ trưa là...cực hình. Nhiều lần, mấy chị em bị má đánh đòn.
Vì vậy, tôi gần gũi với ba hơn với má. Mãi đến khi, má tôi mắc bệnh nan y, biết không còn sống với chị em tôi được bao lâu nữa thì má tôi bỗng dễ tính và gần gũi tôi nhiều hơn.

Tôi không sao quên được buổi chiều, trong bệnh viện Đồn Đất (Grall), nay là BV Nhi đồng 2, tôi ngồi ngoài chờ má khám bệnh (lúc đó, tôi đang học Văn Khoa), chờ lâu lắm. Khi má trở ra, tôi thấy mắt má đỏ hoe nhưng tuyệt nhiên, má không nói với tôi điều gi, hai mẹ con lẳng lặng đi về.
Sau này, tôi mới biết, chiều hôm đó, kết quả xét nghiệm từ Pháp gửi về,BS cho biết má bị ung thư. Giờ tôi đã lớn khôn, đủ để hiểu, với một người phụ nữ, tuổi chưa đến 50, có 3 đứa con, chưa đứa nào thành đạt lại mắc bệnh này thì quả là khủng khiếp. Má tôi vốn là người can đảm nhưng đã không giấu được những giọt nước mắt.
Sau đó, má tôi phải qua 2-3 lần phẫu thuật, tôi vô tư vừa đi học, vừa vào BV nuôi má mà không hề biết má bệnh gì. Dạo đó, tôi không mặc áo dài, vì vào-ra BV liên tục. Thế là, một ngày, trong phòng của nhóm Việt Hán, có "anh lớn" nào đó đã rầy tôi: "Nữ sinh viên VK lúc này ăn mặc coi không được!". Tôi nhớ mình đã có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ, tôi đi nhanh xuống cầu thang gỗ rồi ra khỏi trường, đi bộ đến BV. Tôi đã vào nhà thờ trong BV, rồi quỳ xuống, không biết để làm gì nhưng tôi khóc và khóc rất nhiều.

Lần phải trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài từ lúc 8g đến 12g, ông BS ra khỏ phòng mổ mướt mồ hôi trên trán (lúc đó, có tiếng còi hụ từ Ba Son nên tôi biết chính xác là 12g). Khi tỉnh dậy, má tôi đã thều thào: "Má sanh ba đứa tụi con, cộng lại, cũng không đau bằng lần này...". Tôi nghe chỉ để mà nghe chứ cũng có hiểu sanh đẻ đau đớn như thế nào đâu mà biết cộng 3 lần nó ra làm sao?
Vô tình, khi má tôi đã ra khỏi phòng hồi sức, người nuôi má tôi dặn: "Cô đừng bỏ bà đi đâu lâu hết nghen, bà bệnh nặng lắm đó!". Tôi hơi bất ngờ, hỏi lại: "Dì ơi, má con bị bệnh gì vậy?". "Bà bị ung thư, cô không biết sao?".
Tôi không còn chịu nổi và tôi đã xỉu ngay trước hành lang phòng má tôi và BV đã cấp cứu tôi. Ba tôi vào, hết sức phiền trách người đã cho tôi biết tin nhưng dù sao chuyện cũng dĩ lỡ rồi. Lúc đó, chị Liên (bạn của chị tôi và cũng là người trực tiếp săn sóc má tôi) mới thú thật: "Bác căn dặn chị dữ lắm, là không được nói với em, em đang thi, em mà biết, thế nào cũng bỏ học mà em có bỏ học thì bác cũng đâu có hết bệnh, thương bác thì em ráng nghen". Tôi chỉ còn biết ôm chị mà khóc ròng, tôi chưa thể hình dung tai họa đang đổ xuống gia đình tôi, má tôi chỉ mới 44 tuổi. Thời điểm 1972, ung thư là bệnh không thể chữa trị.
(Còn tiếp) 
Đọc tiếp ...

Hôm nay, sinh nhật con gái

Hôm nay, sinh nhật lần thứ 34 của con gái.

Vừa đọc entry sinh nhật thứ 33, lúc con chuẩn bị làm mẹ.
Giờ thì con làm mẹ đã được gần 1 năm rồi, vui, buồn, sướng, khổ thế nào, con đã bắt đầu nếm trải.
Mẹ sinh con nghèo lúc nghèo khó lắm nhưng con lại rất được cưng chìu vì con suy dinh dưỡng nên ốm yếu từ nhỏ. Giống mẹ, cứ yếu ớt nên không ai tin tưởng để giao cho việc gì, bởi vậy, con đã chậm càng thêm..rề rà!

Vậy mà khi làm mẹ, con đã thay đổi rất nhiều, hầu cho con ăn, hầu cho con bú, thấy mà xót lòng. Chưa đêm nào con được ngủ liên tục 5-6g, kể từ khi sanh Miki đến nay. Ban ngày, khi Miki ngủ thì con soạn bài dạy,tối con đi ngủ sau 24g, mới loay hoay thì nó đã thức. Khi còn con gái, mẹ chẳng bao giờ đánh thức con, nếu con không có yêu cầu. Bây giờ, mẹ biết con thèm ngủ lắm nhưng hầu như lúc nào cũng bận bịu, chuẩn bị ăn, bú...nói chung là suốt cả ngày.

Mẹ cũng chỉ giúp con được đôi chút, khi không có oshin thì quả là khủng khiếp, nhìn con ngày càng ốm, ba mẹ đều xót xa nhưng không biết làm sao? Ba thì chăm chút từng bữa ăn, mẹ thì phụ giữ Miki đến nỗi Miki "ghiền" bà ngoại, "bệnh" ngày càng "nặng" hơn nhưng vẫn không thể làm thay con tất cả được.

Cũng có người từ chối việc chăm sóc cháu vì cho rằng "con ai thì người ấy lo", nhưng mẹ lại không nghĩ như vậy. Vì, trước hết, mẹ cảm thấy hạnh phúc, rất hạnh phúc khi được chăm sóc các cháu. Hơn nữa, với mẹ,vì bà ngoại mất sớm, mẹ đã phải một mình trong suốt chặng đường cơ cực, vất vả nuôi còn nên giờ đây, mẹ cứ muốn bù đắp cho con.
Mẹ con mình cứ sống như vậy cho đến khi nào...chán nhau thì thôi!
Vậy nhé, con gái yêu của mẹ.
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Những ngày ở thành phố mộng mơ

Chiều ngày 4-8-11
Đến sân bay Liên Khương lúc 14g45, thời tiết rất đẹp, hanh nắng buổi chiều tà, có chút lạnh để biết mình đã đến Đà Lạt.
Quan trọng là Miki khỏe, đưa mắt nhìn khắp xung quanh vì lạ, chị nhỏ đã ngủ suốt chặng đường bay.
Không khó khăn khi tìm nhà GM, vì taxi đưa đúng đến số 2A Hoàng Hoa Thám và chủ nhà đã chờ sẵn. Thấy hành lý...hơi mất vía vì túi to mà con dốc "hiền' đang chờ. Nhưng cuối cùng mọi người cùng đồ đạc đã nhanh chóng đến nơi an toàn. GM cả lo nên nhất định giành chở túi xách vì sợ con rể của CM không chở được! Người ta là dân miền núi chính hiệu nên sau đó thì mọi việc ổn.
Vào nhà rồi trời vẫn nắng đẹp, CM ở một phòng, phòng này năm xưa anh chị cả đã "tá túc", đôi vợ chồng trẻ và em bé ở một phòng, rộng rãi, nệm gối đầy đủ. Bây giờ mới phát hiện: có 1 va-li bị bỏ lại nhà và thế là hai vợ chồng phải dắt nhau đi tìm chỗ mua áo quần!
Hai bà ngoại ở nhà chăm và cho Miki ăn bữa chiều! Ôi, thật là "khủng khiếp", không có ghế ngồi ăn như ở nhà và cũng có túi đồ chơi gồm...đủ thứ nên hai bà ngoại đánh vật với Miki. Mẹ lại sợ nấu nướng không kịp nên cho Miki ăn thức ăn sẵn, chị nhỏ có vẻ không thích nên càng quậy! Bà ngoại đút, bà GM làm trò, đưa hết món này đến món khác, cứ cầm là quăng, lượm, quăng tiếp..Bỗng dưng, Đà Lạt hết lạnh rồi! Cuối cùng bà ngoại cho Miki...2 viên Panadol, cứ vậy, trở lại động tác cũ...có bà GM hỗ trợ nên cũng hoàn thành nhiệm vụ "cao cả" là "xử" hết chén cháo to.
Tối đầu tiên ở ĐL sao mà yên ắng, CM mệt quá nên nằm xem "Kinh thưa Oshin", chạnh nghĩ đến cảnh của mình, đúng là với oshin thời nay phải...kính thưa...nhiều tập. Hình như khuya lắm mới online cùng với GM nên chưa "học hỏi" được gì nhiều! Có nhận tin nhắn chúc vui của anh cả, phấn khởi vì còn được quan tâm. Tạm yên giấc.
Sáng ngày 5-8-11
Có lẽ đây là buổi sáng thú vị nhất trong những ngày ở ĐL. Trong khi đôi vợ chồng con cái nhà "người ta" còn ngủ thì hai bạn già mặc áo lạnh ra sân uống cafe ở băng đá. Cảnh vật vẫn như lần họp mặt trước, chỉ khác là nay GM đã làm hàng rào tinh tươm. CM còn nhớ chỗ này đã đứng thắt lại khăn quàng cổ cho anh N, đơn giản là anh không biết thắt nên...chẳng ra sao cả! Vậy mà GM cũng chớp được tấm hình, không dám phổ biến rộng vì sợ...có người buồn!

Cả nhà đi vườn hoa, trên đường đi, còn tranh thủ ghé xem chung cư vì giá quá rẻ! Con gái "kết" ĐL vì lần đầu từ khi có Miki, hai mẹ con cùng ngủ thẳng giấc đến hơn 7g00! Con rể thì không nhức đầu nên phấn khởi định bắt chước GM.
Vườn hoa không có gì đặc sắc, không có hoa lạ,nhưng cũng đủ để bà cháu và cả nhà có vài tấm hình đẹp.

Về nhà thì GM đã chuẩn bị sẵn bữa trưa, đói, ngon miệng nhưng xót xa vì mình mà bạn cực quá! Cứ vậy mà thời gian trôi qua vun vút, con gái đi phiên dịch nên hai bà ngoại lại tiếp tục nhiệm vụ bất đắc dĩ!

Rồi chị Q đến, mang theo nụ cười và...đủ thứ, từ bánh đến hai cái ghế nhỏ cho GM ngồi làm cỏ! Sao mà chị chu đáo quá, làm tụi em chỉ "hưởng" thôi!
Miki chào mừng bà Q bằng hai cái cúi đầu "ạ" thật to làm bà cũng bớt mệt. Bà nhận xét: "Sao con giống trên mạng quá!", bởi vì bà đã thường xuyên chiêm ngưỡng Miki trên blog của mẹ Thư.

Trời bắt đầu tối nên GM đưa chị Q đi dạo vườn và tâm sự một chút, bỏ bà ngoại CM một mình với Miki, chà, thật là khủng khiếp vì con quá hiếu động và liên tục đòi đồ chơi mới mà ở đây, làm sao đáp ứng yêu cầu "rất nhỏ" của con đây? Nhưng cuối cùng, khi mẹ về thì cũng xong.

Cả nhà ăn cơm và thưởng thức món bánh (mà CM đã đặt tên là bánh sum vầy) của chị Q. Trước khi ăn, GM không quên chớp một tấm hình, đưa lên blog cho mọi người...thèm chơi, nhất là TBT!

Xong bữa tối, giao được "cục vàng" cho "khổ chủ", ba bà bắt đầu họp chợ. Phải "tân trang" một chút để chụp hình chứ, trời không lạnh (vì đang ở trong nhà) nhưng cũng giả bộ như là lạnh cho ...lãng mạn! Dù gì đi nữa, cách đây 40 năm, chúng mình cũng đã từng là "đích ngắm" của biết bao...chàng trai, tại...xui nên có khi ngắm mà "bắn" vẫn không đúng!
Đang lúc họp chợ sôi nổi, có sự hỗ trợ của con rể trong việc chụp hình, thì...trời mưa! A, tối nay, "trời không mưa, em cũng lạy trời mưa" để chị Q ở lại, vì chị mà rời ngôi nhà này thì xem như...phiên chợ kết thúc! Chị Q nói đã trót hẹn với...chàng trai...honda ôm (hết hồn, tưởng đâu chị hẹn với ai chứ!!!) và mai chị đi Đức Trọng sớm. Thôi thế thì thôi...cũng đành!

Vào giường rồi, vẫn nhớ những câu chuyện "bây giờ mới biết" và thương quá ...những người "muôn năm cũ". Các con nghe chuyện của ba nữ sinh viên Văn Khoa mà ngạc nhiên, bởi sao mà có thể ngây thơ, vô tư đến như vậy, "đâu có ai nói cho mình biết, theo phong trào là có ngày bị bắt...". GM kể đã chuẩn bị sẵn bộ quần áo đem theo nếu bị bắt, CM thì ám ảnh bởi tiếng kêu: "Xét tờ khai gia đình", tiếng kêu ấy chỉ xuất hiện từ 22g trở đi, hòa bình rồi mà chúng mình vẫn còn nhớ để...giật mình! Con rể buông một câu" Mẹ yếu mà còn ra gió!". Buồn cười thật nhưng cũng quá đỗi dễ thương, mỗi người có thể có những nhận xét khác nhau về sự vô tư này nhưng với CM thì nó quá dễ thương, là một chặng đường không thể nào quên và vẫn muốn kể để nhắc nhớ cho chính mình và mong muốn nhiều người cùng chia sẻ.
Ngày 6-8-11
Buổi sáng con gái loay hoay chuẩn bị cho bài báo cáo trong hội thảo buổi chiều...thời gian qua rất nhanh. ĐL vẫn đẹp nhưng thỉnh thoảng có mưa rồi tạnh ngay nên CM mới nói mưa để làm duyên!
Ăn cơm trưa xong, con gái chuẩn bị đi, giao cục vàng lại cho bà ngoại. Tự nhiên, khoảng 13g00, buồn ngủ không chịu được (chuyện hiếm có đối với CM!), phải "chuyển giao công nghệ" cho con rể. Sau 30p ngon giấc với ĐL, bà ngoại tiếp tục làm nhiệm vụ, trong khi GM đang chà gạchbị đóng rong trong sân, tỉ mỉ, cẩn thận. Thèm ra "nhiều chiện" nên hai chị em, người thì vừa chà gạch vừa nói, người thì vừa nói vừa lắng nghe xem cháu có khóc không? Vậy mà chuyện nọ chưa dứt đã sang chuyện kia. Đúng là...nhiều chiện!!!

Con gái về, báo cáo thành công ngoài mong đợi. Chúc mừng con. Tối nay, chỉ có hai bà họp chợ nên không quậy được, trời buồn, thỉnh thoảng có mưa.

Sáng ngày 7-8-11
Chỉ còn một buổi sáng để chụp hình thôi, vậy mà trời lại mưa lất phất. Lãng mạn, thú vị thật nhưng không an toàn cho "diễn viên chính", nhưng thôi kệ, cứ "diễn", chắc trời thương, sẽ không sao đâu! Và một số hình đẹp đã có, nhìn hình sẽ nhớ và nhớ nhiều lắm. Vừa thương, vừa phục GM đã thật sự tìm được thú vui tao nhã: làm cỏ, trồng hoa ở một mảnh đất khá rộng mặc dù chưa có chút kinh nghiệm nào! CM còn "bon chen" lắm, chưa "thoát tục" được nên cứ mệt mỏi với công việc và lắm điều suy tư!

9g30, rời khỏi "biệt thự GM", tiếp tục lang thang chờ ra sân bay. GM cũng chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa để trở về SG. Một lần nữa, xót xa thương bạn vì hiếu khách mà cực khổ!

Buổi trưa, đến nhà Khoa, học trò cũ ở MT, thấy cơ ngơi của K, yên lòng, chúc mừng. K đưa đi nhà hàng Hoàng Lan ăn món lẩu "tả pín lù", ngon nhưng hơi căng thẳng vì giờ bay đã gần kề.

Cuối cùng vẫn kịp giờ, ngồi ở hàng ghế "danh dự" cuối cùng, cơ trưởng là người nước ngoài nên bay không êm ái chút nào....may là chỉ có 30p.

SG nóng, về nhà, bề bộn bao nhiêu công việc, 21g mới ăn cơm, cũng may mà Miki khỏe.

Nhớ...nhớ cái lạnh dễ thương của ĐL, nhớ con dốc hiền, nhớ cây Mimosa đang nở rộ, nhớ hàng hoa hiên, nhớ những câu chuyện "bây giờ mới kể...", ôi, sao mà nhớ...
 
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Tập ảnh

Cách đây hơn tuần, anh VVN có gọi cho tôi để báo, theo yêu cầu của BBT Góc Văn Khoa, anh sẽ nhờ con gái mang đến cho tôi những tấm ảnh (mà anh còn giữ, sau khi đã...chọn lọc) của người Văn Khoa để chúng tôi post trên blog. Và...chiều nay Khởi Phượng (con gái anh N) đã gặp tôi để trao tập ảnh.
Tập ảnh với khoảng mươi tấm ảnh được chụp cách đây khoảng 40 năm! Tôi hiểu giá trị của "màu thời gian".
Tôi nhìn từng bức ảnh, chỉ nhận được một số gương mặt thân quen: anh Chủ tịch nhóm Việt Hán (dĩ nhiên là không thể không nhận ra), anh Hoàng Nghĩa, chị Hoa, chị Sen, chị Hồ Ngọc Dung...và còn nhiều nhiều nữa, quả thật, tôi chưa nhận diện được hết vì ảnh chụp nhiều người. Ai cũng đẹp (cho phép tôi được nói như vậy) với ánh mắt sáng, khuôn mặt rạng ngời, hồn hậu.
Điều khiến tôi ngạc nhiên là bé Phượng chỉ tôi xem và đọc vanh vách tên từng người: cô Hoàng Hương nè cô, còn đây là cô Tuyến, trong hình này, ba con nói có chú Trương Quốc Khánh nữa, nhưng ba chỉ con mà lâu quá, con quên rồi! Quả thật, anh Khánh có trong hình, tôi không quên cặp kinh cận của anh nên chỉ lại cho Phượng xem...
Quá khứ lại hiện về...đây là phòng của nhóm Việt Hán, kia là triển lãm, buổi tưởng niệm thầy Đông Hồ, đi đưa tang mẹ của chị Hồ Minh Nguyệt...
Và chuyện này dẫn sang chuyện kia, tôi không ngò Phượng biết chuyện ở Văn Khoa của ba N hơi nhiều mà cô bé kể cứ y như người trong cuộc. "Tập thơ của ba con, con đọc hết, con tính gõ máy lại, để dành cho ba con với mấy cô chú coi nhưng con lu bu quá! Bây giờ, ba con nói, để ba con đọc lại...", chà, anh Chủ tịch cẩn thận quá nhỉ!
Tôi hỏi thăm chuyện học hành, làm việc của P rồi nghe P kể về anh N, tôi bàng hoàng, vì tôi chưa bao giờ hình dung hết những vất vả trong mưu sinh của anh. "Công tử" của Văn Khoa, đã từng là "người tình trong mộng" của một số nữ SV Văn Khoa thời ấy mà lại có thể "thoát xác" như vậy.
Tôi đã có dịp chuyện trò với vợ anh khi anh mổ mắt, tôi thấy chị quả là một người phụ nữ "chịu thương, chịu khó", nay nghe P líu lo: "Mẹ con nói sửa nhà xong sẽ tổ chức sinh nhật cho ba con, mời mấy cô, mấy chú lên chơi...", tôi xúc động. Chị chưa một ngày nào được sống cùng chúng tôi, vậy mà cũng gắn bó, gần gũi.
P vô tư kể tiếp: "Ba con không rành vi tính, con đi làm ở SG nên lâu lâu mới về, con chỉ xong, ba con lại quên, rồi ba con vô máy chỉ toàn chơi cờ tướng!" (Vương huynh dễ thương ghê!!!). Việc anh N khó làm quen với vi tính, tôi không ngạc nhiên vì chuyện đó là bình thường. "Cô TN chỉ con vô blog, con chép lại hết mấy bài viết cho ba con coi, mấy cô chú comment gì, ba con biết hết nhưng hơi chậm tại vì khoảng 2 tuần con mới về, máy tính ở nhà lại đang hư nữa. Con tính cuối năm, có tiền thưởng, con mua cho ba con cái máy tính khác".
P đã làm một việc mà tôi thầm cảm phục và muốn nói: "Cô, các cô chú cảm ơn con, miễn sao ba con đọc được là vui rồi!"
Lúc có ý tưởng tạo blog, tôi có nói với TN: "Tụi mình rồi cũng chết hết, mong sao con cháu còn gần gũi, để biết ngày xưa ba mẹ, ông bà của nó đã sống ra sao, làm những gì...".
Ước mơ chỉ để mà...mơ ước, nhưng hôm nay, Khỏi Phượng đã giúp tôi có niềm tin.
Bằng lòng yêu thương, cho cô được ôm hôn con, thay cho lời cảm ơn tầm thường, khách sáo và mong sao con tiếp tục là nhịp cầu "nối những bờ vui" để ba N, đi đâu rồi cũng về nhà...Văn Khoa.
Trân Thúy
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Những tình yêu Văn Khoa

Đọc entry của Nhã Thảo, tôi bỗng chạnh lòng, nhớ về những năm 72, 73, khi những chàng trai, cô gái Văn Khoa đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của đời người. Chúng tôi đã sống cùng nhau như anh em dưới một mái nhà, đã đấu tranh vì một lý tưởng, để rồi gần 40 năm sau, khi chúng tôi đã trở thành những ông nội, bà ngoại thì Nhã Thảo mới bộc bạch:

" Mà nói thật (bây giờ mới nói thật), lúc đó có lần (mà hình như là nhiều lần!), tôi đã nghĩ về các anh mình" "ai tôi cũng có thể yêu được" và sau này, "ai cũng có thể là người yêu của tôi được"! Hi...hi...híc...híc..

Những tiếng cười vui "hi...hi"...cho một thời trẻ tuổi hay những tiếng khóc nhỏ nhẹ "híc...híc"...cho những ngậm ngùi, tiếc nuối...đều khiến tôi nao lòng.
Tôi nghĩ về những tình cảm, những cảm tình...ở Văn Khoa thời ấy mà tôi xin được gọi là Tinh Yêu với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Có những ánh mắt nhìn tha thiết, những sáng, chiều đứng chờ nhau ở đâu đó, chỉ để...nhìn, cười, rồi đi..Cái cầu thang gỗ vô tri, cái phòng Việt Hán bừa bộn, cái nhà mái tôn Nhân Văn đã chứng kiến biết bao tình đến rồi đi.Vẫn là TÌNH YÊU, dù chưa một lần dám nói, vì mải nghĩ việc lớn mà tạm quên tình nhỏ!

Có người nữ sinh viên thăm nuôi trong tù suốt khoảng thời gian dài, tận tụy như vợ lo cho chồng, đủ để gọi là TÌNH YÊU dù không thể và không bao giờ có một kết cuộc sum vầy.

Có những câu nói, chẳng biết vô tình hay cố ý nhưng người nghe, bây giờ hay cho đến bao giờ vẫn nhớ: "Xa trường, người anh nhớ nhất là em..." Với người con gái được nghe lời nhớ thương mật ngọt là đã được đón nhận TÌNH YÊU cho dù người nói, có khi không còn nhớ nữa...

Có những bài thơ...không biết tác giả viết cho muôn người hay một người nhưng vì TÌNH YÊU, vẫn nghĩ đó là quà tặng "thay lời muốn nói", dành riêng cho mình. Và giờ đây, thơ không còn được lưu giữ, tình yêu liệu có còn nữa không?!

Có lời mời mọc: "Chủ nhật này em có rảnh không, vào trường, anh nói cái này, hay lắm..."TÌNH YÊU của chúng tôi đấy, giản đơn, nhẹ nhàng như tình cảm của những người cùng một nhà, gần đó nhưng cũng xa vời vợi bởi những điều trăn trở mà chưa thể nói. Làm sao dám nói yêu, khi đất nước chưa hòa bình...?

Có những lời khai trước Tòa án quân sự của kẻ thù: bài viết đó là của tôi để bảo vệ cho...Đó cũng là TÌNH YÊU của "người tù" dành cho người được ái mộ qua những bài viết trên báo Nữ Sinh viên và báo Văn Khoa

Có câu hỏi: chuyện tình cảm với...em tính sao? Em không biết...Cái "không biết" đó là chính là TÌNH YÊU để mấy chục năm sau, vẫn nằm yên trong góc nhỏ của mỗi người.

Có những người yêu nhau nhưng phải làm người xa lạ, phải lướt qua đời nhau để hy vọng sẽ có lúc thuộc về nhau mãi mãi. Đó là TÌNH YÊU, được nuôi lớn, bất chấp hiểm nguy, gian khổ.

Có những TÌNH YÊU mộng tưởng vì chẳng bao giờ có kết thúc, người yêu không nói và người được yêu chưa kịp biết để có thể chấp nhận hay không.

Có TÌNH YÊU đau đớn mà phải chấp nhận chia xa, để rồi mấy chục năm sau, mới "cởi tấc lòng" bằng lời xin lỗi muộn màng.

Một thoáng, chỉ một thoáng thôi, tôi nhớ lại những TÌNH YÊU trong sáng ngời ngời và càng sáng trong hơn bởi vì lúc đó, chúng tôi còn trẻ quá, xứng đáng được hưởng hạnh phúc của hương vị tình yêu, nhưng chúng tôi đã không than trách mà chấp nhận rồi "bây giờ mới nói thật" như Nhã Thảo.

Thật là dễ thương, tôi đọc lại nhiều lần cụm từ "các anh mình" mà nghe xúc động đến...nghẹn lời. Quả thật, lúc đó, chúng tôi hay gọi các anh "mình" thân thương, trìu mến như vậy đó. Thương quý các anh như vậy nên, tôi nghĩ, không phải chỉ có Nhã Thảo mà nhiều chị em trong chúng tôi đã nghĩ rằng:" ai tôi cũng có thể yêu được" và "ai cũng có thể là người yêu của tôi" nhưng suy nghĩ đơn giản ấy quả thật không giản đơn chút nào.

Năm 72, 73, các anh lần lượt vào tù rồi thoát ly, "bỏ trường mà đi", không dám từ giã, càng không thể hứa hẹn điều gì. Chúng tôi ngơ ngác, chống chọi vượt qua thử thách bằng một TÌNH YÊU lớn hơn. Thi thoảng, nhớ các anh để mà xót xa, ngậm ngùi, bởi vì, sống, chết khôn lường. Trước mắt, chúng tôi chỉ có một con đường.

Rồi hòa bình, tiếp tục lao vào công tác với TÌNH YÊU của người chiến thắng. Những năm sau đó, cũng có người lập gia đình, "các anh mình" không còn là "của mình" nữa...

Chúng tôi cũng "yên bề gia thất", vẫn gặp lại nhau trong một TÌNH YÊU lớn hơn. Nhưng rồi cũng không khỏi có những lúc nhớ về quá khứ, về những "năm tháng không thể nào quên" như chúng tôi vẫn thường nhắc nhau.

Ở đó, có những TÌNH YÊU VĂN KHOA là những tình cảm vô giá, dẫu đã nói hay chưa kịp nói, đã đang đi cùng nhau trong cuộc đời hay mãi mãi ở trong góc nhỏ thì TÌNH YÊU vẫn sống mãi ngàn năm.

Xin cho tôi được trân trọng, được viết về những TÌNH YÊU chưa có lúc bắt đầu và sẽ không bao giờ kết thúc ấy với tất cả chân tình. 

19-7-2011
Cỏ May
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Tôi thương...tôi

Những ngày gần đây, tôi siêng năng viết blog 360 và blog Mul.

Hơn 1 tháng trôi qua, "ngẫm mình, mình lại thương mình xót xa".

Tôi đi làm suốt ngày, thỉnh thoảng còn dạy lớp tối, đó là những công việc thường xuyên của tôi từ khi tôi trở về và dừng chân lại ở SG.

Tôi đã quen ngày qua ngày, xoay như chong chóng, ở trường mà muốn viết lách gì thì sau 19g, mọi người đã về hết và đã giải quyết xong những công việc cơ bản.

Ở nhà, muốn viết thì sau 21g, và đã viết thì không xem TV, phải xem báo vào giờ khác.

Nhìn chung là vẫn sắp xếp được, nếu vui mà viết, viết xong vẫn cảm thấy vui thì viết là hạnh phúc của tôi.

Nhưng những ngày gần đây, có khi tôi giật mình: nghĩ thương cho con mắt bệnh tật của mình. Nếu xuất huyết vùng hoàng điểm lần nữa thì chỉ có nước...nhìn đời bằng một con mắt!
Đôi chân sau hơn 10 năm liên tục đau đớn và được chẩn đoán là viêm khớp, thì 2 tháng gần đây, sau một số xét nghiệm thì BS lại kết luận là giãn tĩnh mạch. Tôi thấy chẩn đoán này có vẻ hợp lý hơn nên tôi nghiêm túc uống thuốc và mang vớ y khoa theo yêu cầu của BS. Vớ đúng là rất khó chịu nhưng nếu mang thì chân đỡ sưng hơn và có giảm đau đôi chút.

Với hai chứng bệnh hoàn toàn không thuận lợi cho "thợ viết", tôi đã phải ngồi viết trong một tư thế khá đặc biệt: có khi xếp bằng cả hai chân, có khi phải gác lên một cái ghế khác, nói chung là...rất ấn tượng mà nếu ai đó chụp hình đưa vào blog thì tôi sẽ bị...mất hình tượng. Tay gõ máy liên tục nhưng chai thuốc nhỏ mắt vẫn ở cạnh bên, vì thỉnh thoảng tôi phải nhỏ nước mắt nhân tạo để mắt không bị cay vì nhìn màn hình máy tính lâu.

Và hôm nay, tôi bỗng thương...tôi. Mai này nếu tôi không còn được viết nữa thì sao nhỉ!? Trái tim nếu còn đập và bộ não vẫn hoạt động thì tôi vẫn còn nhiều điều chưa kể, chưa nói mà tôi vốn là người muốn lắng nghe và thích được chia sẻ.
Cuộc sống sẽ vô vị biết chừng nào nếu tôi không còn được viết nữa. Bởi vì, hằng ngày, tôi vẫn muốn bằng văn thơ, ghi lại từng hơi thở của cuộc sống, từng cảm xúc vui-buồn của tôi, của nhiều người khác và với tôi, tôi cần chia sẻ và được chia sẻ như người ta cần hơi thở.

Tôi sẽ còn thương...tôi nhiều hơn nữa, điều độ trong sinh hoạt, biết uống thuốc đúng liều lượng, luyện tập đều đặn để tôi tiếp tục thương những điều tôi vẫn thương và muốn thương!

Và...mỗi ngày tôi vẫn cần viết những điều tôi nghĩ, tôi cảm nhận và tôi cần nó như cần hơi thở.
Hạnh phúc vẫn ở quanh ta.
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Những người văn Khoa ... xa lạ!



Photobucket

Có ai ngờ rằng những bạn bè thân thiết, đã từng cùng nhau xuống đường, hát trong những đêm không ngủ, cùng nhau làm báo, dán áp-phích, tuyệt thực…giờ bỗng chốc, trở thành những người…xa lạ!

Đó là khi…

Tôi bị bắt ở Quận nhất, đêm đó, tôi bị (được) giam chung với chị Q. Chúng tôi biết chỉ có thể nói với nhau trong vài phút thôi, lát nữa sẽ thẩm vấn riêng và mỗi đứa, không biết sẽ đi về đâu. Mọi lời lẽ cần cân nhắc, cẩn trọng từng cử chỉ bởi vì, ngoài song sắt, vẫn có những cặp mắt cú vọ đang theo dõi. Chúng tôi rất sợ trong đêm đó, sẽ có thêm những người bạn khác vào nữa nghe nên nghe tiếng xích sắt khua là hồi hộp nhưng rồi đêm cũng qua đi và buổi sáng hôm sau, quả là một ngày mới.

Chúng tôi không còn thấy nhau nữa. Xế chiều, bọn nó chuyển tôi sang Nha cảnh sát Đô Thành. Từ ngoài cửa vào, tôi được yêu cầu gởi tất cà tư trang, thay áo quần. Lúc đó, trên tay tôi, chỉ có cái đồng hồ và bộ đồ đang mặc. Vì chưa kịp bị bịt mắt nên tôi thấy 1 dáng người cao to, dĩ nhiên là cũng phải có người dìu đi, tôi biết chắc đó là TTN (nhóm thanh lao công). N không thấy  tôi, vì bị bịt mắt nhưng nếu có thấy thì cũng phải làm người xa lạ thôi. Chị Q đã dặn tôi: em không biết ai hết, nhớ chưa? Xem như đó là bài học lao tù đầu tiên mà tôi được dạy. Tên công an giải tôi đi còn hù dọa thêm: “Thấy chưa, trai tráng, cao to như thằng kia còn đi không nổi, huống gì tiểu thư như cô, liệu mà khai đặng về cho sớm!”

Vì mới vào nên tôi nằm hành lang, chờ thẩm vấn. Đêm đầu tiên, tôi không sao chợp mắt, lâu lâu lại có nghe có người bị kêu tên, rồi tiếng rên la, cứ đi thì bình thản, lúc về lại có người dìu. Tôi hiểu chẳng thà chịu đau chứ không khai, mặc dù có người một đêm bị gọi lên thẩm vấn nhiều lần. Cạnh bên tôi là một chị giao liên, còn rất trẻ, chị bán đậu phọng. Tôi chỉ biết có vậy, tôi nghe tên thẩm vấn nói: “Con nhỏ bán đậu phọng này lì thiệt!”. Tôi len lén nhìn chị cảm phục chứ không dám hỏi câu gì.

Sáng sớm hôm sau, có 1 phòng giam được mở cửa để tôi vào đi toilet. Toàn những người mặc áo đen (đồng phục tù mà), quả thật là tôi không dám nhìn ai, nhưng có ánh mắt nào đó, chợt sáng lên, a, chị Q, nhưng tôi vẫn lẳng lặng bước vào toilet. Chị chậm rãi bước theo tôi chỉ để dăn một câu: “Em với chị không biết nhau nha em”. Đã là “em” với “chị” mà lại “không biết nhau”. Quả là nghiệt ngã, tôi chỉ gật đầu nhẹ để đóng cho tròn vai của một người…xa lạ!

Tối hôm sau, tôi vẫn bơ vơ trên cái hành lang nhỏ hẹp đó, bỗng tôi nghe tiếng ai đó ngâm bài thơ: “Nghe em vào Đại học/Nửa tin, nửa ngờ tên lại trùng tên/Hôm nay nhận thư em/Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng/Anh ngồi đây mà thấy trời hửng nắng…

Chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, tôi rưng rưng, chưa kịp khóc thì thấy bóng ai đó, tôi chưa nhận diện được vì chỉ thấy có cặp mắt…nhưng giọng nói thì tôi không nhầm lẫn được, đó là LNE: “Chị vô hồi nào vậy, trong này có…nhưng mình không biết ai hết nha chị, nước chanh nè, chị uống đi cho khỏe…”.

Ca nước chanh được chuyền đến chỗ tôi và bóng người thụt mất. Tôi hình dung phải cõng lên nhau vì tường phòng giam rất cao nên không thể đứng lâu được và đã gọi là người xa lạ thì làm sao dám chuyện trò???

Mấy đêm sau, vẫn giọng ngâm thơ xé lòng đó, sau đó là những bài hát: “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí/Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí…”. Thỉnh thoảng, lại nghe tiếng la: “Ồn ào quá, ngủ giùm đi mấy ông nội”. Tiếng hát dứt, nhưng âm vang đọng lại mãi trong lòng những người tù.

Đó là khi…

Vào một buổi chiều, lang thang trên đường Đinh Tiên Hoàng, tôi thấy anh VVN. Tôi quên sao được cái áo sơ-mi trắng, cái lưng hơi còng và đôi giày tây mũi nhọn của anh. Ấy vậy mà anh đi lướt qua tôi, không nhìn lại, cứ y như là người xa lạ.

Mãi về sau này, tôi mới hiểu, ở thời điểm đó, vì sao CT nhóm Việt Hán phải làm mặt lạ với người em gái Văn Khoa vốn thân quen với anh.

Những người Văn Khoa…xa lạ của thời ấy, tôi đã gặp lại đầy đủ sau 1975, nhưng cũng chưa có lúc nào cùng ngồi với nhau để nhắc “chuyện đời xưa”.

Bây giờ thì anh HNH thì đã vĩnh viễn xa. Khi thắp hương cho anh ở nhà tang lễ LQĐ tôi đã bật khóc vì bỗng nghe đâu đó “Nghe em vào đại học…”.

Những bài hát, những câu thơ…trong tù đã cho tôi hiểu biết bao điều quý giá. Những cái nhìn thân thương như xuyên suốt tâm can mà phải vờ như xa lạ của anh em, bè bạn cho tôi thấm thía sự cao quý của tình bạn.

Và…năm tháng qua đi, chúng ta đang già đi, kẻ còn, người mất, nhưng đó là những năm tháng chẳng thể nào quên!

5-7-2011

Cỏ May
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Những giọt nước mắt...Văn Khoa

Hồi đó...tôi hay khóc, khóc vì nhiều lý do, chính đáng, không chính đáng, TN gọi tôi là "công chúa nhõng nhẽo" và tôi khá "nổi tiếng" với "danh hiệu" này.
Ừ, thì cứ cho là tôi nhõng nhẽo nên hay khóc nhưng cũng có nhiều lần...đâu có nhõng nhẽo mà nước mắt vẫn chảy tràn.
Ở Hội quán Văn Khoa
Cứ hễ nghe anh chị nào bị bắt là tôi chui vào cái phòng nhỏ xíu, chỗ có để mấy thùng nước đá và các vật dụng của Hội quán rồi khóc nức nở. Mà tôi có một cái bệnh là hễ khóc thì xỉu vì hạ calci! Đã rối, tôi còn làm cho người khác rối thêm vì phải lo cho tôi!
Có lần tôi "bị" (cũng có thể nói là "được") chị D nhắc nhở: "Phải làm cái gì đi chứ, khóc hoài vậy cưng?". Tôi sợ chị nên không dám trả lời: "Em đâu có biết làm cái gì nhưng anh em, bạn bè của mình, tụi nó có quyền gì mà bắt?".
Là tôi nghĩ vậy thôi chứ nào dám nói vì mình khóc giống "tiểu tư sản", bị la là đúng rồi, oan ức gì nữa mà thanh minh?!
Ở khám Chí Hòa
Tôi đi thăm anh NTK, nhưng nhìn thấy những anh khác, đi không nổi, phải có người dìu, vậy là tôi khóc, lâu lâu bị "thủ trưởng" nhắc: nãy giờ em có nghe anh nói gì không? Em nhớ anh dặn gì không? Dạ có, em nghe, em nhớ rồi....
Tôi không thể ngăn được những giọt nước mắt xót xa, tôi thật sự chưa hiểu nhiều về các anh, về lý tưởng mà các anh đang theo đuổi nhưng tôi mới gặp các anh đây thôi, đàng hoàng, chững chạc với những lời lẽ vô cùng thuyết phục thì giờ đây, anh nào cũng như "bơi" trong bộ quần áo đen của những người tù, đi xiêu vẹo mà mắt vẫn ngời sáng. Họ có tội gì mà phải chịu kiếp tù đày?
Không nhớ ai đã "phân công" tôi đi thăm nuôi anh VĐN, dường như các anh ở miền Trung, không có gia đình thăm nuôi là chúng tôi (nhóm nữ SV VK) đảm nhận việc này, vô tư như bản chất vốn có của việc thăm nuôi.
Anh N mới bị bắt nên khi tôi thăm, anh đứng trong lưới sắt, tôi đứng bên ngoài, không được vào phòng thăm nuôi như anh NTK. Chỉ vừa thấy bóng dáng anh là tôi khóc. Khóc vì cái lưới sắt, vì cái rào cản giữa tôi và anh, khóc vì cái dáng tiều tụy, gương mặt khắc khổ của anh..Tôi nghĩ anh cũng bị tra tấn nhiều như những anh chị khác. Nơi đó, mỗi người nói một câu, rất ồn ào, mà sao kẻ đứng trong lưới sắt, người ngoài lưới sắt? Tự nhiên sao bạn tôi phải ở tù??? Sao mà tủi cực vậy? Tôi không khóc sao được? Tôi chỉ đưa thức ăn cho anh thôi chứ có chuyện gì đâu mà nói...thật tình là như vậy. Nhưng 2, 3 lần sau đó, tôi vẫn khóc và anh N đã rụt rè nói: "Lần sau, đi thăm tui, đừng có khóc nữa nha, bị hiểu lầm đó.., tui bị chọc quá trời...". Người nói cũng thật thà mà người khóc còn thiệt thà hơn!
Trên đường về (lúc đó, để không bị Công an chú ý, tôi đi đến Chí Hòa bằng xe taxi), tôi suy nghĩ: mình và anh N hiểu nhau là được rồi, ai hiểu lầm nhỉ?! Thôi, chết rồi, lúc đó, VĐN là của...HN chứ nào phải của...tôi! Lại khóc, nhiệt tình bị..."xúc phạm"!
Gặp lại chị HD
Chị D đến nhà tôi sau khi ở tù ra. Vừa thấy chị là tôi khóc, không ngăn được đến nỗi ba tôi bước ra và có vẻ ngạc nhiên. Thật ra, chưa bao giờ ba tôi xuất hiện ở phòng khách khi tôi tiếp bạn bè nhưng tiếng khóc của tôi đã làm ba hốt hoảng vì không biết đã xảy ra chuyện gì, nhưng thấy chị D là ba tôi yên tâm và trở vào. Thật tình, tôi không nghĩ là được gặp lại chị sớm như vậy. Lúc đó, chị D là một phần của tôi, ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau, tôi có thể nói tất cả mọi chuyện với chị và chính chị cũng là người đã đến với tôi đầu tiên với tư cách là một người cách mạng. Trong thời gian chị ở tù, tôi không thăm được nhưng vẫn lén gửi thư cho chị bằng cách bỏ thư cuộn nhỏ, dán kín, bọc kỹ vào gói mắm ruốc, ống kem đánh răng... Và, có lần tôi đã bị má của chị "chất vấn": "Bác hỏi thiệt con, hôm bữa con gởi mắm ruốc cho con D, con có bỏ cái gì trong đó không mà bữa nay nó không cho thăm nuôi rồi!". Tôi tái mặt, chối quanh co và tôi nhớ gói mắm đó đã "trót lọt" rồi, sao bây giờ còn bị chất vấn?
Để cho tôi khóc một chút, chị D từ tốn nói: "Em nín đi, có gì thì kể chị nghe, em khóc hoài, đâu có nói được gì...". Và tôi đã kể với chị tất cả nỗi buổn khổ của tôi: má tôi mất, ba tôi theo dõi sát sao mọi việc làm, mối quan hệ của tôi vì tôi cũng mới ra tù...Chuyện nhà đã buồn mà chuyện trường còn buồn hơn chị ơi, bị bắt hết trơn, còn có mình em, em chèo chống sao đây, công an thì nó làm dữ quá, nó chụp hình em rồi méc ba em...
Cứ vậy, hai chị em chuyện trò không dứt, nước mắt dành cho ngày gặp mặt
Trong đám tang má của anh NTK
Tôi thường đến nhà anh K để nhận đồ đi thăm nuôi anh. Tôi biết cả hai bác, nên khi bác gái bệnh nằm ở nhà thương Nguyễn Văn Học (nay là BV Nhân dân Gia Định) tôi có vào thăm và cũng đoán rằng với hơi thở nặng nhọc, khó khăn như thế này thì chắc anh K không về kịp.
Rồi bác mất, chúng tôi đi dự đám tang như những người con. Tôi nhớ đã khóc rất nhiều bởi những câu chuyện giữa tôi và bác không đầu đuôi, bởi hình ảnh của bác với cái giường được quay lên cao cho bác dễ thở, bởi anh K vẫn còn xa, xa lắc. Và trong chúng tôi, tôi tự hỏi: sẽ còn bao nhiêu người phải khóc mẹ-cha trong hoàn cảnh nghiệt ngã này..?.
Những giọt nước mắt ấy dẫu đã xa, rất xa, nhưng khi tôi nhớ lại, mắt vẫn long lanh, má vẫn ấm, hơi ấm của tình người.
Cuộc sống hôm nay bộn bề, vất vả, sau khi đã sống hơn nửa đời người, dĩ nhiên tôi không còn là "công chúa nhõng nhẽo" nữa, tôi biết chịu đựng, có khi lì lợm một chút bởi đã chai sạn nhưng những giọt nước mắt của thuở nào, với tôi, là những kỷ niệm còn sống mãi.
Cho phép tôi được gọi đó là "Những giọt nước mắt Văn Khoa".
5-7-2011
Cỏ May
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Những chiếc áo...Văn Khoa

Tôi không biết gọi tên những chiếc áo ấy, những chiếc áo mà sau mấy chục năm, tôi vẩn nhớ "lịch sử" của nó, nên đành gọi là "những chiếc áo Văn Khoa".
Bởi vì những chiếc áo đó thắm đượm nghĩa tình của người Văn Khoa.
Chiếc áo dài gấm màu vàng....
Ngày ấy, hội Nữ Sinh viên VK qui ước với nhau: mỗi dịp lễ hội, các nữ sinh viên mặc áo dài gấm màu vàng, cài hoa hồng màu đỏ. Chúng tôi răm rắp thực hiện với niềm tự hào: mình là nữ sinh viên Văn Khoa và mặc sắc áo ấy, dường như ai cũng đẹp, cũng dễ thương.
Vào một dịp lễ nào đó...tôi không nhớ rõ, chỉ biết rằng có một cô gái Huế đẹp, đẹp lắm, khiến biết bao chàng trai VK đã xao xuyến, không có chiếc áo dài màu vàng nhưng lại rất thích mặc và cũng rất thích được làm nữ SV VK. Tôi không biết là tôi may mắn hay...rủi ro mà cô bạn ấy mặc vừa vặn áo của tôi, như là áo may cho cô ấy vậy. Nhưng hễ ...mặc thì tôi...mất áo! Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu và...một ngày "đẹp trời", tôi nói với..."trả áo lại nhé!". Cái áo của mình cũng có "cái giá" của nó và cái giá của người mặc nó nữa, tôi không muốn bị nhầm lẫn với người khác, nhất là nhầm lẫn với ...cô gái Huế xinh đẹp ấy. Sau này, nghe nhiều nghi vấn về cô gái ấy, tôi giật mình, mình tốt hay xấu bụng đây?!
Chiếc áo sơ-mi màu xanh:
Lại có một lần...công an (chìm-nổi) đứng đầy trường, đặc biệt là cổng trường để bắt anh VVN. Chúng tôi, những nữ sinh viên, cấp báo để anh đừng ra khỏi trường và "tổ chức" "giấu anh". Địa điểm là..".chuồng cu" trên lầu! Có vẻ cũng an toàn nhưng không lẽ anh ở hoài trên đó? Các em đã mua cho anh ổ bánh mì rồi nhưng vẫn không an tâm. Ngay lúc "dầu sôi, lửa bỏng" thì không biết bạn nào đã nghĩ ra việc "đổi áo" và anh VVN ra về an toàn. Nhưng tôi, khi biết sự việc thì lại cả quyết: coi chừng anh N bị bắt vì hết người đổi áo sao lại đổi cho tên công an chìm đó?! Tôi muốn nói đến nhà thơ Hồn Oan, đi học chỉ mặc áo sơ-mi xanh, quần nâu và anh N đã mặc chiếc áo xanh của Hồn Oan để ra khỏi trường. Tôi thì không chút nào tin tưởng ở anh chàng không thấy nụ cười, luôn vào Hội quán với cặp kính đen, giống hệt công an chìm! Cuối cùng, anh N an toàn mà người "không an toàn" là tôi, vì người bị tôi nghi ngờ là công an lại chính là người mang đến cho tôi tình yêu và giờ đây là "ba của sắp nhỏ"!!!
Chiếc áo lạnh
Tôi không nhớ ai đã nói (XH hay là MA), anh TQH sẽ bị đi đảo, ngoài đó, lạnh lắm mà anh H không có áo lạnh.
Chẳng chút ngần ngại, tôi đan ngay một cái áo màu xanh dương và gửi vào Chí Hòa cho anh H. Dạo đó, tôi rất thích đan nên lúc nào ở nhà cũng có chỉ, điều khó khăn cho tôi là tôi chưa từng đan áo của nam nên tôi không biết bỏ mũi chỗ tay áo. Tôi không dám hỏi những người trong nhà vì chắc chắn sẽ bị chất vấn: đan áo cho ai ?? Cuộn chỉ len có ở nhà không đủ nên tôi đi mua, và dịp may đã đến, tôi đánh liều, hỏi người bán chỉ, chị ta hướng dẫn tôi tận tình và còn trêu: "Đan áo cho bồ hả?". Dĩ nhiên, tôi thanh minh vội vã rồi về nhà đan áo cho kịp.
Mãi đến nhiều năm sau ngày hòa bình, gặp lại anh, tôi mới biết: khi xuống tàu, anh H không được mang theo thứ gì, kể cả áo của tôi và mắt kính của chị HD. Thật là uổng công!
Đọc tiếp ...