Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Những người mẹ (3)

Má mất, nhà trống vắng hẳn, dù trước đó, má cũng chỉ nằm bất động trên giường. Theo nguyện ước của má, má được thờ ở chùa, hằng tuần, cúng thất ở đó, cho đến 100 ngày. Có gia đình một người đã cùng tôi tụng niệm cho má trong suốt khoảng thời gian này. Hai bà mẹ là bạn thân của nhau, người ấy đã từng muốn hỏi cưới tôi nhưng tôi không có chút cảm tình, chưa hề bận lòng nhưng không thể quên sự thành tâm, tận tụy mà người ấy đã dành cho má mặc dù, đã bị tôi từ chối thẳng thắn.

Mỗi ngày, cúng cơm cho má, tôi đều khóc. Tôi ăn chay đúng 49 ngày để cúng má và tôi biết ăn chay kể từ đó.
Những ngày này, hầu như đêm nào tôi cũng chiêm bao thấy má, rồi kêu, rồi khóc, bà nội ở phòng cạnh bên, phải vội vã chạy qua với tôi, bà lại lo âu, sợ má không siêu thoát được. Cuối cùng, tôi "dọn"  qua phòng nội và ngủ với nội cho đến ngày lấy chồng.

Bàn thờ má lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Sáng chủ nhật, thay vì cả nhà cùng đi ăn sáng như trước đây thì mấy cha con đi thăm mộ má. Mỗi lần đặt bông, trái cây lên mộ má thì tôi lại ngậm ngùi với 2 câu đối do chính ba tôi viết:
"Lướt biển, qua non, bệnh ngặt đã đành không vượt thoát
Nuối tình, luyến nghĩa, sức mòn cam chịu mãi chia phôi"

Cũng mãi sau này, khi đã có một gia đình riêng, tôi mới hiểu sự thâm thúy của 2 câu này, quả là ba tôi đã chịu đựng quá sức vì phải vĩnh viễn xa người bạn đời khi đang hạnh phúc bời con cái sắp thành đạt, các cô chú cũng đã có gia đình và nhà không còn thiếu trước, hụt sau nữa.

Văn Khoa lúc ấy buồn hiu hắt mà tôi thì tưởng chừng không vượt qua nổi những đau thương dồn dập đến cùng lúc. Ở nhà thì mong đến trường cho bớt nhớ má nhưng ở trường lại vội vã trở về nhà để thắp nhang cho má. quẩn quanh kéo dài, thèm một cánh tay dang, một bờ vai để nương tựa.

Tôi nhớ những câu chuyện rời rạc đã nghe ba má kể, chắp nối để hiểu thêm về má, việc mà đáng lý tôi phải làm khi má còn ở cạnh tôi.
Má là con của ông "đốc" (Hiệu trưởng) trường tiểu học ở Mỏ Cày (Bến Tre), ba là học trò giỏi nhất trường nên rất được "ông đốc" cưng. Vậy mà, khi ba má cùng lớn lên, biết anh học trò nghèo có tình ý với cô con gái "rượu" thì ông "đốc" phản đối quyết liệt. Vì ba tôi chỉ là thầy giáo nghèo,gia đình đông em, lại còn tham gia kháng chiến, không biết sống chết thế nào...

Bị ngay chính ông Hiệu trưởng vô cùng thương quý từ chối, ba tôi buồn, xin về Rạch Giá dạy học để quên mối tình dang dở. Nhưng... lúc đó, ba tôi luôn kể với giọng tự hào: "Má con bệnh quá trời vì...tương tư ba. Ông ngoại kêu ba về làm đám cưới, ba nghèo, không có tiền mua nữ trang cho má, chỉ có đôi nhẫn, còn bông thì ông ngoại sắm sẵn!". Tôi nghe mà không hiểu "nữ trang" quan trọng như thế nào đối với đời một người con gái.

Về với ba, "cô gái khuê các" hoàn toàn thay đổi vì ba tôi là anh hai, ông nội mất sớm nên phải lo cho 4 cô chú. Các cô chú gọi má là "chị hai", thân thương trìu mến vì má đã cùng với ba lo cho các cô chú ăn học, có nghề nghiệp. Ba thì liên tục vào tù, ra khám. Lâu lâu, thấy có mấy người lạ xuất hiện, nói vài ba câu, ba vào ôm hôn chị em tôi rồi ra đi với họ. Chiều, mai rồi nhiều ngày nữa, không thấy ba về. Không khí trong nhà buồn bã hẳn, thỉnh thoảng, cuối tuần, bà nội và má bàn tính gì đó rồi má đi, mấy giờ đồng hồ sau mới về. Má hay nói ba đi dạy ở Đà Lạt, rồi má còn đưa thư ba gởi cho mấy chị em đọc và bắt chị em tôi trả lời cho ba, cho "ba mừng, ba nhớ tụi con lắm", má thường nói như vậy. Chữ của ba (thầy giáo) và chữ của má (thư ký) đều nắn nót và đẹp như nhau nên chị em tôi không thể phân biệt được. Cứ vậy, mỗi tháng, má tôi viết một thư, chúng tôi đọc đến thuộc lòng, không hề biết...nước mắt của người mẹ chảy ngược vào tâm can.

Về sau này, tôi mới hiểu thêm được những hy sinh, vất vả của má để giữ cho một gia đình đứng vững trong khi trụ cột là ba tôi thì...liên tục đi " dạy" xa. Ngoài ba tôi, có ai ghi công cho má?! Tôi, chẳng những không hiểu mà ngay khi má đang bệnh tật, lại còn làm má lo lắng thêm, nỗi lo lắng về sự "không an toàn của đứa con gái yếu đuối" ám ảnh má tôi cho đến khi má tôi về với cát bụi.

Nghĩ về những người phụ nữ như má, tôi luôn chạnh lòng, chỉ biết gọi đó là "Những người mẹ" và...lâu lắm rôi, nhớ má, tôi đã viết bài thơ:

Má ơi!
Khi con cần có má
Thì má đã xa con
Mênh mông một cõi chết
Rộng lớn một cuộc đời
Mà con thì nhỏ nhoi, côi cút
Làm sao con tránh nổi
Làm sao con biết hết
Những nhọc nhằn đời thường
Những đớn đau, vất vả
Má đã từng bước qua
Cho đời con mật ngọt
Và khi con biết làm mẹ
Giữa trăm nỗi đắng cay
Con cần có má, má ơi!

10 nhận xét:

  1. Chia sẻ với Cỏ Mây . Bài thơ hay và cảm động quá !

    Các bà mẹ chúng ta thật đảm đang và kiên trì quá, suốt đời hy sinh vì chồng con.

    Bố của CB làm cách mạng , kháng chiến văn hóa không tù đày ( chỉ 1 lần bị án tử hình khiếm diện năm 1950) nhưng cũng lắm gian truân , nhất là sau 1955 …. Mẹ CB đã phải bưởng chải để phụ nuôi 9 đứa con lúc đó còn quá nhỏ và đang theo học trường Tây .

    Bố CB đã ra đi cách nay 21 năm đúng ngày Rằm tháng Bảy nên cứ Vu Lan về là CB nhớ Bố day dứt, Cỏ Mây à.

    Mẹ CB mới ra đi 3 năm về trước vào ngày 27 tháng Một …. 4 tháng nữa nếu có cảm hứng CB sẽ có 1 entry về Mẹ …..

    Trả lờiXóa
  2. Entry như một câu chuyện kể, bài thơ như một dàn trải ngậm ngùi... nhưng em biết, bây giờ đâu đó trong cõi vĩnh hằng, hẳn các cụ đã rất thanh thản, hài lòng về con cháu...
    Nghĩ về sinh thành, ta biết giữ cho ta sống tốt là một đền trả đã vô cùng đẹp Chị à...

    Trả lờiXóa
  3. Một lần nữa, chân thành chia sẻ cùng anh CB.
    Chúng ta luôn có Những người mẹ và nói về những bà mẹ ấy là nguồn cảm hứng không vơi cạn, CM hy vọng như vậy và chờ đọc các entries viết về bố mẹ của anh CM.

    Trả lờiXóa
  4. Minh à, nghĩ về cha mẹ là một nhớ thương khôn nguôi đối với chị.
    Với ba, chị còn nợ một hồi ký đó em.
    Cám ơn em đã chia sẻ những suy nghĩ rất đời thường nhưng không phải ai cũng nghĩ được.

    Trả lờiXóa
  5. Những ký ức về mẹ thì tràn đầy nhưng thường thì không vui ... Có lẽ vì mẹ thường mang hình ảnh của cánh cò lặn lội đêm khuya ... Tất cả những đứa con không bao giờ lớn trong mắt mẹ, điều này hình như chỉ khi làm mẹ người ta mới nhận ra chị nhỉ .

    Chia sẻ với nỗi nhớ thương của chị

    Trả lờiXóa
  6. Chị cũng nghĩ như em, hình như người phụ nữ Việt Nam nào cũng "lặn lội thân cò", dù có khi họ đang sống trong nhung lụa.
    Suốt những năm được sống với mẹ, chị chưa bao giờ nghe bà than thở về bất cứ chuyện gì, sau này, chị tự suy luận từ những hồi tưởng và thầm ao ước: phải chi...chị có được chút cứng cỏi như má của chí

    Trả lờiXóa
  7. " Giữa trăm nỗi đắng cay
    Con cần có má, má ơi! "
    Thương quá những nỗi niềm của CM khi em gọi má. Chị cũng ước chi em còn có má để được má lau cho những giọt nước mắt buồn ...

    Trả lờiXóa
  8. Em cũng thương cho thân mình lắm chị à, vậy nên, em đã, đang và sẽ sống hết lòng với con cháu để tụi nó được hưởng những yêu thương trọn vẹn, không có cảm giác buồn tủi, côi cút như em!

    Trả lờiXóa
  9. Về Mẹ thì chưa viết nhưng có bài này về Bố,mà CB mong được CM điểm giáo http://caibang9.multiply.com/journal/item/124

    Trả lờiXóa
  10. Cỏ May à,
    Hồi mình còn nhỏ xíu, đã nghe má mình kể về câu chuyện của ba má CM. Câu chuyện cứ như là cổ tích của thời ấy. Thời cái học được trân trọng, thời mà những trò khó cần mẫn luôn được xem là tấm gương tuyệt vời để mọi người răn dạy con cái.
    Nhưng những chuyện buồn của bạn thì mình chỉ biết sau này. Bây giờ đọc lại entry này lại càng thấy ngậm ngùi với CM…
    Hạnh phúc là mình được tự hào về mẹ. CM hiểu mình chứ?

    Trả lờiXóa