Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Những người mẹ (2)

Những ngày tháng sau đó, má tôi thường xuyên ra vào BV, ngày đó, Grall cũng xạ trị, hóa trị...và má tôi cũng bị rụng tóc.

Sau lần phẫu thuật đầu tiên thì má tôi vẫn đi làm, có lẽ như vậy, sẽ quên cảm giác bệnh hoạn, nhưng đến lần phẫu thuật thứ ba thì má tôi nghỉ ở nhà. Và chính trong thời gian này, má gần gũi tôi nhiều hơn, hay dặn tôi chuyện này, chuyện nọ. Có lần, má nắm bàn tay tôi ve vuốt (điều này chưa bao giờ có từ khi tôi lớn, bởi má tôi vốn nghiêm khắc), rồi nói: "Con cái như vầy, biểu không lo lắng sao được?". Mãi đến khi được làm mẹ, tôi mới thấm thía điều âu lo của má.

Dường như trong lúc đau đớn, người ta cần có một đức tin, má tôi quy y với pháp danh Diệu Thọ và dặn, khi má chết thì thờ ở chùa.

Sức khỏe má ngày càng tồi tệ hơn, má ho nhiều, sau này tôi mới biết, vào giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn đến phổi. Nhân dịp ba tôi đi dạy ở Đại học Huế, má cùng đi với ba, như là một tuần trăng mật cuối cùng! Tôi vô tư, ở nhà với bà nội và nghĩ rằng, chắc ba má đi chơi vui lắm nên không bận lòng. Và tôi cũng không hiểu giá trị của những ngày hạnh phúc ấy. Thật ra, má không đi đâu nổi, chỉ quanh quẩn trong khách sạn, chờ ba đi dạy về, nhưng ba tôi không muốn xa má ngày nào nên má đi "dạy" cùng với ba.

Đang vào lúc tranh cử Ban đại diện Văn Khoa, tôi nhận thư hăm dọa không được ứng cử Ban đại diện. Tôi ngây thơ nghĩ rằng: "May quá, ba má không có ở nhà nên bí mật này không bị lộ!". Tôi cứ vậy mà lao vào công việc, quên cả bệnh tật của má.

Khi ba má từ Huế về thì má bắt đầu nhức đầu, ngày càng tiều tụy hơn. Ba tôi tin vào những liệu pháp tinh thần, kể cả mời "ông thầy nước lạnh" về nhà trị bệnh cho má tôi. Không khí gia đình vô cùng căng thẳng.

Và tối ngày 19-5-1972, nghe tiếng gọi: "Xét tờ khai gia đình", tôi biết sự chẳng lành đã đến. Bọn công an xét nhà, lục tung tủ sách, tủ áo quần của tôi để tìm 1 kháng thư...nhưng chúng không thấy, vì tôi ép kỹ vào một quyển sách, bọn chúng lật nhanh quá nên giấy dính vào...giấy, làm sao thấy được?!
Nhưng tôi cũng bị mời đi "thẩm vấn, sáng về", lúc đó khoảng 2,3g sáng.

Cả đời, tôi không thể nào quên được giọng má tôi thều thào: "Cho con tôi đem theo mấy bộ quần áo.." "Sáng về, đem theo làm chi"!
Bọn chúng kéo tôi ra khỏi nhà, lên xe Jeep, hụ còi...tôi vẫn kịp nhìn thấy má tôi nằm co quắp trên chiếc ghế dài ở phòng khách...tôi thoáng nghĩ: "biết đâu chẳng bao giờ tôi còn gặp má nữa..." và tôi cũng không hiểu tại sao, ngay thời khắc ấy, mắt tôi ráo hoảnh!

May mắn là khi tôi về, vẫn còn kịp chăm sóc má những ngày cuối đời. Mấy ngày đầu, thỉnh thoảng, má nói vài câu, thường nắm tay tôi, nhìn tôi yếu ớt. Dần dần, má không nói gì nữa hết, mắt không nhìn thấy và nằm bất động như vậy 25 ngày, thỉnh thoảng rên, bắt tôi và em trai để tay lên đầu má cho...bớt đau! Sao mà thương thắt ruột, thắt lòng, BS nói má đã bị di căn lên não và chỉ còn chờ chết nên không nhập viện nữa.

Lúc đó, dì Oanh (bạn thân của má tôi và cũng là y tá của BV Grall), mỗi chiều đều đến, nâng má tôi dậy, vỗ vào lưng để má thở dễ hơn. Dần dần, má không nuốt được, phải bơm vào ống, mỗi ngày 3 lần sữa, 2, 1 rồi đến buổi chiều (16-8, mùa Trung Thu), má vĩnh viễn đi xa.

Tôi vật vã trong suốt đám tang, hạ huyệt cũng là lúc phải cấp cứu tôi, 3 ngày sau, trở lại mở cửa mả, tôi không biết đường đi vào mộ má.

Tôi đeo tang má trở lại trường học, quay quần với anh chị em trong phong trào, ngày một thưa dần (kẻ vào tù, người vào chiến khu..). Cũng là lúc chia xa mối tình thơ dại...

10 nhận xét:

  1. Và nỗi đau mồ côi theo năm tháng cũng liền sẹo... như những vết đau tình cảm khác... nhưng vết đau mồ côi lành mà không lặn, nó rờ rỡ nơi nhân cách sống con người, từ những gì ta tiếp nhận nơi giáo dục của Cha Mẹ, phải không Chị!
    Đọc entry này, dù đã biết kết cuộc, vẫn nhận ra mình luôn phải nhắc nhở : Mình đang hạnh phúc là con cái!
    Cảm ơn Chị!

    Trả lờiXóa
  2. Khi viết entry này, chị mong muốn được chia sẻ với những ai đồng cảnh ngộ và cũng muốn để lại cho con cháu để hiểu về gia đình, nơi chúng đã được sinh ra và lớn lên. Nếu không ghi lại, có khi rồi chị cũng sẽ quên hoặc không còn cảm xúc để mà viết nữa!

    Trả lờiXóa
  3. Buồn ghê chị à ....
    Em có cảm giác nghèn nghẹn khi đọc entry ... Khi còn trẻ ta luôn nhìn vào phía trước mà ít ngoái đầu nhìn lại ..Còn cha mẹ thì lại luôn hướng về ta ..Để khi lớn hơn, khi đã làm cha làm mẹ, ta quay trở lại nơi chỉ còn lại chiếc bóng hom hem của đôi đầu bạc trắng ...hoặc chỉ còn là niềm thương nhớ khôn nguôi ..chị nhỉ ?
    Chia sẻ với chị một mùa trung thu đau đớn ...
    Và hình như cũng sắp trung thu ..!

    Trả lờiXóa
  4. Một đoạn đời thật buồn, CM à ...

    Trả lờiXóa
  5. Em có bà bác dâu mất lúc còn rất trẻ, đẹp và hiền. Bác mất năm 44 tuổi để lại 9 đứa con. Năm đó anh con trai áp út của Bác bằng tuổi em mới 4 tuổi, anh út mới 3 tuổi...chạy lũn chũn đeo tang ( hình còn lại). Mẹ em kể Bác đông con mà yêu cháu. Xuống nhà em chơi hôm nào, cũng gọi hết 5 đứa ra hôn hít, cắn, cù... tụi em đứa nào cũng yêu Bác...
    Nên nay đọc entry này của Chị, hình dung Chị cả của BÁc năm đó 17 tuổi, cũng ngất lên ngất xuống hôm chôn, nghĩa trang Bắc Việt...

    Trả lờiXóa
  6. Mot nguoi me nghi ve mot nguoi me!
    Ban yeu oi, ta hieu long nhau!

    Trả lờiXóa
  7. Khi làm mẹ rồi mình mới biết nghĩ về những người mẹ.
    Không thấy em đến nhà, nhớ em ghê, tối qua chị...thương mình, sáng mới gặp mọi người sớm đây!

    Trả lờiXóa
  8. Vẫn còn tiếp tục buồn chị ơi.

    Trả lờiXóa
  9. Sẽ còn tiếp tục viết về những người mẹ...để hiểu lòng nhau và để lại cho con cháu

    Trả lờiXóa
  10. Những ngày quá buồn ấy chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí chị mà mỗi lần nhớ lại. lòng vẫn quặn đau.
    Bởi vậy, lúc các con còn nhỏ, mỗi lần bệnh, chị lại nghĩ dại...và rất sợ con phải chịu cảnh mồ côi như mình!

    Trả lờiXóa