Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Những người mẹ (4)

Tôi vẫn còn cảm hứng để tiếp tục viết về những người mẹ.
Nhất là sau khi gặp lại LT (con của dì năm), xa VN đã 30 năm.
Đúng là tình ruột thịt nên chị em bạn dì ruột vẫn cứ quấn quít nhau, chuyện này nối chuyện kia, không thể nào ngưng được.
Tôi đưa em và gia đình đi du lịch sông nước Mỹ Tho, vợ chồng thì nói tiếng Việt không pha một tiếng Anh nào, con trai nghe-hiểu, trả lời lại tiếng Anh, con gái nói tiếng Việt chính xác nhưng ít nói.
Gặp lại em, tôi nhớ nhiều đến bà ngoại tôi và muốn kể đôi chút về ngoại.
Là vợ của ông đốc thời Tây không phải là đơn giản. Bà ngoại đẹp quý phái, là chị cả trong một gia đình khá giả ở Bến Tre. Ngoại rất hiền, ít nói nhưng sống nề nếp. Ngoại không học nhiều nhưng tôi nhớ ngoại viết chữ nắn nót, rất đẹp và ngoại có thói quen, đi chợ về là ghi chép lại những thứ đã mua trong một quyển tập. Tôi đã tập đọc với những trang ghi chép của ngoại.
Thỉnh thoảng má gởi tôi ở nhà ngoại, ăn cơm, ngoại chăm cho tôi từng chút, món nào tôi thích là ngoại đều biết. Ở với ngoại thì dứt khoát buổi trưa phải ngủ, thức dậy, đã có sẵn ly sữa (tôi không thích lăm), ly chè đậu xanh, có khi là chè khoai lang, pha chút bột cho nước sóng sánh và mấy lát gừng. Khi lớn, tôi nhiều lần nấu lại loại chè đó nhưng vẫn không thể ngon và có hương vị như chè của ngoại.
Tôi ít khi nghe ngoại nói mà hầu như ngoại chỉ nghe mọi người nói. Ngoại bị yếu một chân (sau khi sanh dì ba, tôi nghe kể lại như vậy) nhưng ông bà có đến 9 người con. Người con trai đầu lòng mà ông ngoại đã ưu ái đặt cho cái tên "Tri Kỷ" thì lại mất khi còn rất nhỏ. Sau đó thì tôi chỉ có dì chứ không có cậu nào nữa và tôi biết, đó là nỗi buồn ngoại giấu kín.
Khi tôi sanh con đầu lòng, ngoại đã già rồi nhưng ngoại vẫn đón tôi từ MT lên SG để chăm sóc, vì tôi không có mẹ. Mẹ con tôi được ngủ chung phòng với ngoại, trên giường của ông ngoại, ông ngoại phải "di tản". Đó là những ngày ngoại và các dì của tôi thay má tôi chăm sóc cho tôi. Tôi không thiếu một thứ gì, mặc dù ở thời điểm tháng 10,11/1975 mọi gia đình không thể còn sung túc như xưa. Ngày tôi còn nhỏ, ngoại đã biết ý thích của tôi trong ăn uống nhưng bây giờ tôi không còn nhỏ nữa, lại đang cho em bé bú nên ngoại không chìu tôi được. Và lúc nào ngoại cũng giải thích vì sao phải ăn món này, không được ăn món kia...Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi, sau khi lấy chồng, tôi hạnh phúc trong sự bảo bọc của gia đình. Bây giờ, khi đã có cháu ngoại, tôi hiểu lòng ngoại nhiều hơn.
Mấy năm sau đó, ngoại bệnh nhiều, không còn đi lại gì được nữa và trên cái ghế bố dành cho người nằm một chỗ, ngoại đã lặng lẽ ra đi mãi mãi. Vì ngoại không hay nói, không hay than thở, kêu rên nên đến giờ phút cuối, ngoại đã đi một mình....
Người phụ nữ ấy, một đời tần tảo vì chồng, vì con, vì cháu. Tôi chưa khi nào nghe ngoại rầy la con hay cháu mà chỉ kiên nhẫn giải thích: "Để ngoại nói cho con nghe...". Chỉ có ông ngoại tôi, vì là thầy giáo nên nói lớn tiếng và hay rầy la. Bà ngoại thì không, khi má tôi mất, tôi nhớ ngoại không khóc nhưng tôi biết mất người con gái đầu lòng như má tôi thì ngoại đau và đau lắm.
Ngoại lo cho mọi người rất nhiều (khi ba tôi ở tù, ngoại phụ với má chăm sóc chị em tôi), nhưng đến khi ngoại bệnh nằm một chỗ thì ngoại chỉ có một mình. Lâu lâu, tôi từ MT lên thăm, ngoại nắm tay, nhìn tôi nhiều hơn nói. Hỏi thăm các con tôi là chính, khi nghe tôi "báo cáo" xong, có lẽ đã hài lòng, ngoại lại nhắm mắt, tôi không biết ngoại ngủ hay thức nên cũng không dám nói gì thêm.
Với tôi, ngoại là hình ảnh một thân phận phụ nữ nông thôn, có chồng trí thức, và ngoại đã sống hết cuộc đời vì người khác. Những chịu đựng lặng lẽ, âm thầm của ngoại, ai người chia sẻ.....?!
 

12 nhận xét:

  1. Minh nghe ma minh ke nhieu ve Ngoai va ma cua CM! Nay ban monh khac hoa ro net hon, minh dong cam voi nhieu dieu ban ke.
    Mung ban da co nhung nguoi phu nu tuyet voi trong cuoc doi. Cho minh huong chung niem hanh phuc ay voi!

    Trả lờiXóa
  2. " ...giờ phút cuối, ngoại đã đi một mình....", " ... và ngoại đã sống hết cuộc đời vì người khác. Những chịu đựng lặng lẽ, âm thầm của ngoại, ai người chia sẻ.....?! "
    Những điều này làm mình thấy thương ngoại của CM quá. Lại nghĩ rằng những ký ức tốt đẹp này về ngoại đã làm nên một bà ngoại của Miki cũng tuyệt vời như vậy.

    Trả lờiXóa
  3. Ta dễ bắt gặp những người PN thế này ở những thế hệ đã qua chị nhỉ ?
    Mà suy cho củng thì người PN Việt nam giai đoạn nào cũng luôn nhọc nhằn vì gia đình như thế

    Trả lờiXóa
  4. Cụ Bà quả là nhà tâm lý uyên thâm
    ..... mưa nhẹ thấm đất !

    Trả lờiXóa
  5. Cụ Bà quả là nhà tâm lý uyên thâm
    ..... mưa nhẹ thấm đất !

    Trả lờiXóa

  6. btthuy saidTôi chưa khi nào nghe ngoại rầy la con hay cháu mà chỉ kiên nhẫn giải thích: "Để ngoại nói cho con nghe...".. Cụ Bà quả là nhà tâm lý uyên thâm
    ..... mưa nhẹ thấm đất !

    Trả lờiXóa
  7. Hổm rày dạo xóm nhấp nháy vì em bận quá, sáng nay đọc bài chị viết về bà ngoại. Nhớ bà ngoại em quá!

    Trả lờiXóa
  8. Chính vì em đã là bà ngoại nên em càng nhớ ngoại của em và mong rằng mình học hỏi được chút xíu sự lặng thầm để được yêu thương của ngoại.

    Trả lờiXóa
  9. Không có bài học nào đáng quý bằng sự trải nghiệm, khi đã làm bà ngoại, CM mới hiểu và càng thương bà ngoại của mình và ngẫm nghĩ về việc ngoại hiền lành, không mấy khi rầy la con cháu nhưng ở với ngoại thì vẫn biết nghĩ đúng và làm đúng

    Trả lờiXóa
  10. CM còn phải có entry về bà nội nữa vì CM sống với nội nhiều hơn.
    Khi làm "bà" rồi thì hay ngẫm nghĩ về những người bà.

    Trả lờiXóa
  11. Với chị, người phụ nữ VN rất tuyệt vời, vì vậy, chị cứ muốn viết về những người mẹ.

    Trả lờiXóa
  12. Nhớ ngoại thì viết cho ngoại đi em, mai mốt mình già cũng sẽ quên hết, uổng lắm em à.
    Chị cũng tối mắt tối mũi vì công việc nhưng cũng phải cố gắng cũng vì sợ...già rồi...lú lẫn!

    Trả lờiXóa