Thứ Ba, 30 tháng 8, 2011

Những người mẹ (4)

Tôi vẫn còn cảm hứng để tiếp tục viết về những người mẹ.
Nhất là sau khi gặp lại LT (con của dì năm), xa VN đã 30 năm.
Đúng là tình ruột thịt nên chị em bạn dì ruột vẫn cứ quấn quít nhau, chuyện này nối chuyện kia, không thể nào ngưng được.
Tôi đưa em và gia đình đi du lịch sông nước Mỹ Tho, vợ chồng thì nói tiếng Việt không pha một tiếng Anh nào, con trai nghe-hiểu, trả lời lại tiếng Anh, con gái nói tiếng Việt chính xác nhưng ít nói.
Gặp lại em, tôi nhớ nhiều đến bà ngoại tôi và muốn kể đôi chút về ngoại.
Là vợ của ông đốc thời Tây không phải là đơn giản. Bà ngoại đẹp quý phái, là chị cả trong một gia đình khá giả ở Bến Tre. Ngoại rất hiền, ít nói nhưng sống nề nếp. Ngoại không học nhiều nhưng tôi nhớ ngoại viết chữ nắn nót, rất đẹp và ngoại có thói quen, đi chợ về là ghi chép lại những thứ đã mua trong một quyển tập. Tôi đã tập đọc với những trang ghi chép của ngoại.
Thỉnh thoảng má gởi tôi ở nhà ngoại, ăn cơm, ngoại chăm cho tôi từng chút, món nào tôi thích là ngoại đều biết. Ở với ngoại thì dứt khoát buổi trưa phải ngủ, thức dậy, đã có sẵn ly sữa (tôi không thích lăm), ly chè đậu xanh, có khi là chè khoai lang, pha chút bột cho nước sóng sánh và mấy lát gừng. Khi lớn, tôi nhiều lần nấu lại loại chè đó nhưng vẫn không thể ngon và có hương vị như chè của ngoại.
Tôi ít khi nghe ngoại nói mà hầu như ngoại chỉ nghe mọi người nói. Ngoại bị yếu một chân (sau khi sanh dì ba, tôi nghe kể lại như vậy) nhưng ông bà có đến 9 người con. Người con trai đầu lòng mà ông ngoại đã ưu ái đặt cho cái tên "Tri Kỷ" thì lại mất khi còn rất nhỏ. Sau đó thì tôi chỉ có dì chứ không có cậu nào nữa và tôi biết, đó là nỗi buồn ngoại giấu kín.
Khi tôi sanh con đầu lòng, ngoại đã già rồi nhưng ngoại vẫn đón tôi từ MT lên SG để chăm sóc, vì tôi không có mẹ. Mẹ con tôi được ngủ chung phòng với ngoại, trên giường của ông ngoại, ông ngoại phải "di tản". Đó là những ngày ngoại và các dì của tôi thay má tôi chăm sóc cho tôi. Tôi không thiếu một thứ gì, mặc dù ở thời điểm tháng 10,11/1975 mọi gia đình không thể còn sung túc như xưa. Ngày tôi còn nhỏ, ngoại đã biết ý thích của tôi trong ăn uống nhưng bây giờ tôi không còn nhỏ nữa, lại đang cho em bé bú nên ngoại không chìu tôi được. Và lúc nào ngoại cũng giải thích vì sao phải ăn món này, không được ăn món kia...Đó là khoảng thời gian ngắn ngủi, sau khi lấy chồng, tôi hạnh phúc trong sự bảo bọc của gia đình. Bây giờ, khi đã có cháu ngoại, tôi hiểu lòng ngoại nhiều hơn.
Mấy năm sau đó, ngoại bệnh nhiều, không còn đi lại gì được nữa và trên cái ghế bố dành cho người nằm một chỗ, ngoại đã lặng lẽ ra đi mãi mãi. Vì ngoại không hay nói, không hay than thở, kêu rên nên đến giờ phút cuối, ngoại đã đi một mình....
Người phụ nữ ấy, một đời tần tảo vì chồng, vì con, vì cháu. Tôi chưa khi nào nghe ngoại rầy la con hay cháu mà chỉ kiên nhẫn giải thích: "Để ngoại nói cho con nghe...". Chỉ có ông ngoại tôi, vì là thầy giáo nên nói lớn tiếng và hay rầy la. Bà ngoại thì không, khi má tôi mất, tôi nhớ ngoại không khóc nhưng tôi biết mất người con gái đầu lòng như má tôi thì ngoại đau và đau lắm.
Ngoại lo cho mọi người rất nhiều (khi ba tôi ở tù, ngoại phụ với má chăm sóc chị em tôi), nhưng đến khi ngoại bệnh nằm một chỗ thì ngoại chỉ có một mình. Lâu lâu, tôi từ MT lên thăm, ngoại nắm tay, nhìn tôi nhiều hơn nói. Hỏi thăm các con tôi là chính, khi nghe tôi "báo cáo" xong, có lẽ đã hài lòng, ngoại lại nhắm mắt, tôi không biết ngoại ngủ hay thức nên cũng không dám nói gì thêm.
Với tôi, ngoại là hình ảnh một thân phận phụ nữ nông thôn, có chồng trí thức, và ngoại đã sống hết cuộc đời vì người khác. Những chịu đựng lặng lẽ, âm thầm của ngoại, ai người chia sẻ.....?!
 
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 25 tháng 8, 2011

Miki tròn 1 tuổi

Hôm nay, Miki, Ngô Thái Nhật An tròn một tuổi, cái ngày mà ba mẹ con chờ đợi rồi cũng đến.
Từ sáng sớm, bà ngoại đã tất bật lo mọi việc. Cực nhưng vui. Cả nhà mình sum họp, vừa mừng cho con vừa mừng họp mặt, bởi vì, lâu lắm rồi, chưa gặp nhau. Lại có cả những người Miki chưa từng biết, nhưng hôm nay, con rất ngoan, thân thiện và đúng là "nhà ngoại giao giỏi" như bà Q đã khen!
Cả mâm gồm...đủ thứ đã được bày ra để con lựa chọn và Miki ngồi xuống, không chút do dự, chọn ngay quyển sách! Cả nhà vỗ tay, bà ngoại thì thầm nghĩ: "Lại theo nghiệp văn chương nữa rồi!". Món thứ hai, con cũng không do dự nhiều: cái nồi nhỏ mà mẹ con mới mua trong bộ đồ chơi nhà bếp. Con gái ngoan rồi, vừa chăm chỉ học hành lại còn lo bếp núc nữa!
Hôm nay con được mẹ diện cho áo đầm đỏ, ra dáng con gái, nhưng chỉ chụp hình với mọi người và ông ngoại còn bà ngoại thì lo nhiều việc khác.
Càng lớn, càng ngoan nha Miki yêu quý.
Con đang là niềm hạnh phúc của cả nhà.
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 19 tháng 8, 2011

Những người mẹ (3)

Má mất, nhà trống vắng hẳn, dù trước đó, má cũng chỉ nằm bất động trên giường. Theo nguyện ước của má, má được thờ ở chùa, hằng tuần, cúng thất ở đó, cho đến 100 ngày. Có gia đình một người đã cùng tôi tụng niệm cho má trong suốt khoảng thời gian này. Hai bà mẹ là bạn thân của nhau, người ấy đã từng muốn hỏi cưới tôi nhưng tôi không có chút cảm tình, chưa hề bận lòng nhưng không thể quên sự thành tâm, tận tụy mà người ấy đã dành cho má mặc dù, đã bị tôi từ chối thẳng thắn.

Mỗi ngày, cúng cơm cho má, tôi đều khóc. Tôi ăn chay đúng 49 ngày để cúng má và tôi biết ăn chay kể từ đó.
Những ngày này, hầu như đêm nào tôi cũng chiêm bao thấy má, rồi kêu, rồi khóc, bà nội ở phòng cạnh bên, phải vội vã chạy qua với tôi, bà lại lo âu, sợ má không siêu thoát được. Cuối cùng, tôi "dọn"  qua phòng nội và ngủ với nội cho đến ngày lấy chồng.

Bàn thờ má lúc nào cũng nghi ngút khói hương. Sáng chủ nhật, thay vì cả nhà cùng đi ăn sáng như trước đây thì mấy cha con đi thăm mộ má. Mỗi lần đặt bông, trái cây lên mộ má thì tôi lại ngậm ngùi với 2 câu đối do chính ba tôi viết:
"Lướt biển, qua non, bệnh ngặt đã đành không vượt thoát
Nuối tình, luyến nghĩa, sức mòn cam chịu mãi chia phôi"

Cũng mãi sau này, khi đã có một gia đình riêng, tôi mới hiểu sự thâm thúy của 2 câu này, quả là ba tôi đã chịu đựng quá sức vì phải vĩnh viễn xa người bạn đời khi đang hạnh phúc bời con cái sắp thành đạt, các cô chú cũng đã có gia đình và nhà không còn thiếu trước, hụt sau nữa.

Văn Khoa lúc ấy buồn hiu hắt mà tôi thì tưởng chừng không vượt qua nổi những đau thương dồn dập đến cùng lúc. Ở nhà thì mong đến trường cho bớt nhớ má nhưng ở trường lại vội vã trở về nhà để thắp nhang cho má. quẩn quanh kéo dài, thèm một cánh tay dang, một bờ vai để nương tựa.

Tôi nhớ những câu chuyện rời rạc đã nghe ba má kể, chắp nối để hiểu thêm về má, việc mà đáng lý tôi phải làm khi má còn ở cạnh tôi.
Má là con của ông "đốc" (Hiệu trưởng) trường tiểu học ở Mỏ Cày (Bến Tre), ba là học trò giỏi nhất trường nên rất được "ông đốc" cưng. Vậy mà, khi ba má cùng lớn lên, biết anh học trò nghèo có tình ý với cô con gái "rượu" thì ông "đốc" phản đối quyết liệt. Vì ba tôi chỉ là thầy giáo nghèo,gia đình đông em, lại còn tham gia kháng chiến, không biết sống chết thế nào...

Bị ngay chính ông Hiệu trưởng vô cùng thương quý từ chối, ba tôi buồn, xin về Rạch Giá dạy học để quên mối tình dang dở. Nhưng... lúc đó, ba tôi luôn kể với giọng tự hào: "Má con bệnh quá trời vì...tương tư ba. Ông ngoại kêu ba về làm đám cưới, ba nghèo, không có tiền mua nữ trang cho má, chỉ có đôi nhẫn, còn bông thì ông ngoại sắm sẵn!". Tôi nghe mà không hiểu "nữ trang" quan trọng như thế nào đối với đời một người con gái.

Về với ba, "cô gái khuê các" hoàn toàn thay đổi vì ba tôi là anh hai, ông nội mất sớm nên phải lo cho 4 cô chú. Các cô chú gọi má là "chị hai", thân thương trìu mến vì má đã cùng với ba lo cho các cô chú ăn học, có nghề nghiệp. Ba thì liên tục vào tù, ra khám. Lâu lâu, thấy có mấy người lạ xuất hiện, nói vài ba câu, ba vào ôm hôn chị em tôi rồi ra đi với họ. Chiều, mai rồi nhiều ngày nữa, không thấy ba về. Không khí trong nhà buồn bã hẳn, thỉnh thoảng, cuối tuần, bà nội và má bàn tính gì đó rồi má đi, mấy giờ đồng hồ sau mới về. Má hay nói ba đi dạy ở Đà Lạt, rồi má còn đưa thư ba gởi cho mấy chị em đọc và bắt chị em tôi trả lời cho ba, cho "ba mừng, ba nhớ tụi con lắm", má thường nói như vậy. Chữ của ba (thầy giáo) và chữ của má (thư ký) đều nắn nót và đẹp như nhau nên chị em tôi không thể phân biệt được. Cứ vậy, mỗi tháng, má tôi viết một thư, chúng tôi đọc đến thuộc lòng, không hề biết...nước mắt của người mẹ chảy ngược vào tâm can.

Về sau này, tôi mới hiểu thêm được những hy sinh, vất vả của má để giữ cho một gia đình đứng vững trong khi trụ cột là ba tôi thì...liên tục đi " dạy" xa. Ngoài ba tôi, có ai ghi công cho má?! Tôi, chẳng những không hiểu mà ngay khi má đang bệnh tật, lại còn làm má lo lắng thêm, nỗi lo lắng về sự "không an toàn của đứa con gái yếu đuối" ám ảnh má tôi cho đến khi má tôi về với cát bụi.

Nghĩ về những người phụ nữ như má, tôi luôn chạnh lòng, chỉ biết gọi đó là "Những người mẹ" và...lâu lắm rôi, nhớ má, tôi đã viết bài thơ:

Má ơi!
Khi con cần có má
Thì má đã xa con
Mênh mông một cõi chết
Rộng lớn một cuộc đời
Mà con thì nhỏ nhoi, côi cút
Làm sao con tránh nổi
Làm sao con biết hết
Những nhọc nhằn đời thường
Những đớn đau, vất vả
Má đã từng bước qua
Cho đời con mật ngọt
Và khi con biết làm mẹ
Giữa trăm nỗi đắng cay
Con cần có má, má ơi!

Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 17 tháng 8, 2011

Những người mẹ (2)

Những ngày tháng sau đó, má tôi thường xuyên ra vào BV, ngày đó, Grall cũng xạ trị, hóa trị...và má tôi cũng bị rụng tóc.

Sau lần phẫu thuật đầu tiên thì má tôi vẫn đi làm, có lẽ như vậy, sẽ quên cảm giác bệnh hoạn, nhưng đến lần phẫu thuật thứ ba thì má tôi nghỉ ở nhà. Và chính trong thời gian này, má gần gũi tôi nhiều hơn, hay dặn tôi chuyện này, chuyện nọ. Có lần, má nắm bàn tay tôi ve vuốt (điều này chưa bao giờ có từ khi tôi lớn, bởi má tôi vốn nghiêm khắc), rồi nói: "Con cái như vầy, biểu không lo lắng sao được?". Mãi đến khi được làm mẹ, tôi mới thấm thía điều âu lo của má.

Dường như trong lúc đau đớn, người ta cần có một đức tin, má tôi quy y với pháp danh Diệu Thọ và dặn, khi má chết thì thờ ở chùa.

Sức khỏe má ngày càng tồi tệ hơn, má ho nhiều, sau này tôi mới biết, vào giai đoạn cuối, tế bào ung thư đã di căn đến phổi. Nhân dịp ba tôi đi dạy ở Đại học Huế, má cùng đi với ba, như là một tuần trăng mật cuối cùng! Tôi vô tư, ở nhà với bà nội và nghĩ rằng, chắc ba má đi chơi vui lắm nên không bận lòng. Và tôi cũng không hiểu giá trị của những ngày hạnh phúc ấy. Thật ra, má không đi đâu nổi, chỉ quanh quẩn trong khách sạn, chờ ba đi dạy về, nhưng ba tôi không muốn xa má ngày nào nên má đi "dạy" cùng với ba.

Đang vào lúc tranh cử Ban đại diện Văn Khoa, tôi nhận thư hăm dọa không được ứng cử Ban đại diện. Tôi ngây thơ nghĩ rằng: "May quá, ba má không có ở nhà nên bí mật này không bị lộ!". Tôi cứ vậy mà lao vào công việc, quên cả bệnh tật của má.

Khi ba má từ Huế về thì má bắt đầu nhức đầu, ngày càng tiều tụy hơn. Ba tôi tin vào những liệu pháp tinh thần, kể cả mời "ông thầy nước lạnh" về nhà trị bệnh cho má tôi. Không khí gia đình vô cùng căng thẳng.

Và tối ngày 19-5-1972, nghe tiếng gọi: "Xét tờ khai gia đình", tôi biết sự chẳng lành đã đến. Bọn công an xét nhà, lục tung tủ sách, tủ áo quần của tôi để tìm 1 kháng thư...nhưng chúng không thấy, vì tôi ép kỹ vào một quyển sách, bọn chúng lật nhanh quá nên giấy dính vào...giấy, làm sao thấy được?!
Nhưng tôi cũng bị mời đi "thẩm vấn, sáng về", lúc đó khoảng 2,3g sáng.

Cả đời, tôi không thể nào quên được giọng má tôi thều thào: "Cho con tôi đem theo mấy bộ quần áo.." "Sáng về, đem theo làm chi"!
Bọn chúng kéo tôi ra khỏi nhà, lên xe Jeep, hụ còi...tôi vẫn kịp nhìn thấy má tôi nằm co quắp trên chiếc ghế dài ở phòng khách...tôi thoáng nghĩ: "biết đâu chẳng bao giờ tôi còn gặp má nữa..." và tôi cũng không hiểu tại sao, ngay thời khắc ấy, mắt tôi ráo hoảnh!

May mắn là khi tôi về, vẫn còn kịp chăm sóc má những ngày cuối đời. Mấy ngày đầu, thỉnh thoảng, má nói vài câu, thường nắm tay tôi, nhìn tôi yếu ớt. Dần dần, má không nói gì nữa hết, mắt không nhìn thấy và nằm bất động như vậy 25 ngày, thỉnh thoảng rên, bắt tôi và em trai để tay lên đầu má cho...bớt đau! Sao mà thương thắt ruột, thắt lòng, BS nói má đã bị di căn lên não và chỉ còn chờ chết nên không nhập viện nữa.

Lúc đó, dì Oanh (bạn thân của má tôi và cũng là y tá của BV Grall), mỗi chiều đều đến, nâng má tôi dậy, vỗ vào lưng để má thở dễ hơn. Dần dần, má không nuốt được, phải bơm vào ống, mỗi ngày 3 lần sữa, 2, 1 rồi đến buổi chiều (16-8, mùa Trung Thu), má vĩnh viễn đi xa.

Tôi vật vã trong suốt đám tang, hạ huyệt cũng là lúc phải cấp cứu tôi, 3 ngày sau, trở lại mở cửa mả, tôi không biết đường đi vào mộ má.

Tôi đeo tang má trở lại trường học, quay quần với anh chị em trong phong trào, ngày một thưa dần (kẻ vào tù, người vào chiến khu..). Cũng là lúc chia xa mối tình thơ dại...
Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 14 tháng 8, 2011

Những người mẹ (1)

Hôm nay là ngày Vu Lan.
Những năm má tôi mới mất, năm nào đến ngày này, tôi cũng nghe bài "Bông hồng cài áo" của Phạm Thế Mỹ và ngậm ngùi khóc cho mình, cho những ai không còn mẹ.
Ngày đầu tiên, về nhà chồng, gọi má chồng bằng "má", tôi đã lén ra vườn sau, khóc một mình. Đến bây giờ, khi tôi đã làm dâu mấy chục năm, cũng chưa ai biết những giọt nước mắt năm xưa của tôi.
Khi má tôi mất, tôi không còn được gọi tiếng "má" thân thương nữa, giờ đây, đứng trước người đàn bà này (dĩ nhiên là còn xa lạ), tôi "thưa má" mà nghe xót lòng, tủi thân.
Má tôi là một công chức, sống nề nếp, răn dạy con từng lời ăn, tiếng nói và tôi thường bị la rầy nhiều hơn là khen ngợi. Tôi sợ nhất mỗi lần đưa cho má ký tên Học bạ, bởi vì, lên hạng thì má chỉ cười mỉm, mà sụt hạng thì...ôi thôi! Buổi trưa, chị em tôi phải ngủ trưa đúng giờ giấc, nhưng với con nít thì...ngủ trưa là...cực hình. Nhiều lần, mấy chị em bị má đánh đòn.
Vì vậy, tôi gần gũi với ba hơn với má. Mãi đến khi, má tôi mắc bệnh nan y, biết không còn sống với chị em tôi được bao lâu nữa thì má tôi bỗng dễ tính và gần gũi tôi nhiều hơn.

Tôi không sao quên được buổi chiều, trong bệnh viện Đồn Đất (Grall), nay là BV Nhi đồng 2, tôi ngồi ngoài chờ má khám bệnh (lúc đó, tôi đang học Văn Khoa), chờ lâu lắm. Khi má trở ra, tôi thấy mắt má đỏ hoe nhưng tuyệt nhiên, má không nói với tôi điều gi, hai mẹ con lẳng lặng đi về.
Sau này, tôi mới biết, chiều hôm đó, kết quả xét nghiệm từ Pháp gửi về,BS cho biết má bị ung thư. Giờ tôi đã lớn khôn, đủ để hiểu, với một người phụ nữ, tuổi chưa đến 50, có 3 đứa con, chưa đứa nào thành đạt lại mắc bệnh này thì quả là khủng khiếp. Má tôi vốn là người can đảm nhưng đã không giấu được những giọt nước mắt.
Sau đó, má tôi phải qua 2-3 lần phẫu thuật, tôi vô tư vừa đi học, vừa vào BV nuôi má mà không hề biết má bệnh gì. Dạo đó, tôi không mặc áo dài, vì vào-ra BV liên tục. Thế là, một ngày, trong phòng của nhóm Việt Hán, có "anh lớn" nào đó đã rầy tôi: "Nữ sinh viên VK lúc này ăn mặc coi không được!". Tôi nhớ mình đã có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ, tôi đi nhanh xuống cầu thang gỗ rồi ra khỏi trường, đi bộ đến BV. Tôi đã vào nhà thờ trong BV, rồi quỳ xuống, không biết để làm gì nhưng tôi khóc và khóc rất nhiều.

Lần phải trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài từ lúc 8g đến 12g, ông BS ra khỏ phòng mổ mướt mồ hôi trên trán (lúc đó, có tiếng còi hụ từ Ba Son nên tôi biết chính xác là 12g). Khi tỉnh dậy, má tôi đã thều thào: "Má sanh ba đứa tụi con, cộng lại, cũng không đau bằng lần này...". Tôi nghe chỉ để mà nghe chứ cũng có hiểu sanh đẻ đau đớn như thế nào đâu mà biết cộng 3 lần nó ra làm sao?
Vô tình, khi má tôi đã ra khỏi phòng hồi sức, người nuôi má tôi dặn: "Cô đừng bỏ bà đi đâu lâu hết nghen, bà bệnh nặng lắm đó!". Tôi hơi bất ngờ, hỏi lại: "Dì ơi, má con bị bệnh gì vậy?". "Bà bị ung thư, cô không biết sao?".
Tôi không còn chịu nổi và tôi đã xỉu ngay trước hành lang phòng má tôi và BV đã cấp cứu tôi. Ba tôi vào, hết sức phiền trách người đã cho tôi biết tin nhưng dù sao chuyện cũng dĩ lỡ rồi. Lúc đó, chị Liên (bạn của chị tôi và cũng là người trực tiếp săn sóc má tôi) mới thú thật: "Bác căn dặn chị dữ lắm, là không được nói với em, em đang thi, em mà biết, thế nào cũng bỏ học mà em có bỏ học thì bác cũng đâu có hết bệnh, thương bác thì em ráng nghen". Tôi chỉ còn biết ôm chị mà khóc ròng, tôi chưa thể hình dung tai họa đang đổ xuống gia đình tôi, má tôi chỉ mới 44 tuổi. Thời điểm 1972, ung thư là bệnh không thể chữa trị.
(Còn tiếp) 
Đọc tiếp ...

Hôm nay, sinh nhật con gái

Hôm nay, sinh nhật lần thứ 34 của con gái.

Vừa đọc entry sinh nhật thứ 33, lúc con chuẩn bị làm mẹ.
Giờ thì con làm mẹ đã được gần 1 năm rồi, vui, buồn, sướng, khổ thế nào, con đã bắt đầu nếm trải.
Mẹ sinh con nghèo lúc nghèo khó lắm nhưng con lại rất được cưng chìu vì con suy dinh dưỡng nên ốm yếu từ nhỏ. Giống mẹ, cứ yếu ớt nên không ai tin tưởng để giao cho việc gì, bởi vậy, con đã chậm càng thêm..rề rà!

Vậy mà khi làm mẹ, con đã thay đổi rất nhiều, hầu cho con ăn, hầu cho con bú, thấy mà xót lòng. Chưa đêm nào con được ngủ liên tục 5-6g, kể từ khi sanh Miki đến nay. Ban ngày, khi Miki ngủ thì con soạn bài dạy,tối con đi ngủ sau 24g, mới loay hoay thì nó đã thức. Khi còn con gái, mẹ chẳng bao giờ đánh thức con, nếu con không có yêu cầu. Bây giờ, mẹ biết con thèm ngủ lắm nhưng hầu như lúc nào cũng bận bịu, chuẩn bị ăn, bú...nói chung là suốt cả ngày.

Mẹ cũng chỉ giúp con được đôi chút, khi không có oshin thì quả là khủng khiếp, nhìn con ngày càng ốm, ba mẹ đều xót xa nhưng không biết làm sao? Ba thì chăm chút từng bữa ăn, mẹ thì phụ giữ Miki đến nỗi Miki "ghiền" bà ngoại, "bệnh" ngày càng "nặng" hơn nhưng vẫn không thể làm thay con tất cả được.

Cũng có người từ chối việc chăm sóc cháu vì cho rằng "con ai thì người ấy lo", nhưng mẹ lại không nghĩ như vậy. Vì, trước hết, mẹ cảm thấy hạnh phúc, rất hạnh phúc khi được chăm sóc các cháu. Hơn nữa, với mẹ,vì bà ngoại mất sớm, mẹ đã phải một mình trong suốt chặng đường cơ cực, vất vả nuôi còn nên giờ đây, mẹ cứ muốn bù đắp cho con.
Mẹ con mình cứ sống như vậy cho đến khi nào...chán nhau thì thôi!
Vậy nhé, con gái yêu của mẹ.
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

Những ngày ở thành phố mộng mơ

Chiều ngày 4-8-11
Đến sân bay Liên Khương lúc 14g45, thời tiết rất đẹp, hanh nắng buổi chiều tà, có chút lạnh để biết mình đã đến Đà Lạt.
Quan trọng là Miki khỏe, đưa mắt nhìn khắp xung quanh vì lạ, chị nhỏ đã ngủ suốt chặng đường bay.
Không khó khăn khi tìm nhà GM, vì taxi đưa đúng đến số 2A Hoàng Hoa Thám và chủ nhà đã chờ sẵn. Thấy hành lý...hơi mất vía vì túi to mà con dốc "hiền' đang chờ. Nhưng cuối cùng mọi người cùng đồ đạc đã nhanh chóng đến nơi an toàn. GM cả lo nên nhất định giành chở túi xách vì sợ con rể của CM không chở được! Người ta là dân miền núi chính hiệu nên sau đó thì mọi việc ổn.
Vào nhà rồi trời vẫn nắng đẹp, CM ở một phòng, phòng này năm xưa anh chị cả đã "tá túc", đôi vợ chồng trẻ và em bé ở một phòng, rộng rãi, nệm gối đầy đủ. Bây giờ mới phát hiện: có 1 va-li bị bỏ lại nhà và thế là hai vợ chồng phải dắt nhau đi tìm chỗ mua áo quần!
Hai bà ngoại ở nhà chăm và cho Miki ăn bữa chiều! Ôi, thật là "khủng khiếp", không có ghế ngồi ăn như ở nhà và cũng có túi đồ chơi gồm...đủ thứ nên hai bà ngoại đánh vật với Miki. Mẹ lại sợ nấu nướng không kịp nên cho Miki ăn thức ăn sẵn, chị nhỏ có vẻ không thích nên càng quậy! Bà ngoại đút, bà GM làm trò, đưa hết món này đến món khác, cứ cầm là quăng, lượm, quăng tiếp..Bỗng dưng, Đà Lạt hết lạnh rồi! Cuối cùng bà ngoại cho Miki...2 viên Panadol, cứ vậy, trở lại động tác cũ...có bà GM hỗ trợ nên cũng hoàn thành nhiệm vụ "cao cả" là "xử" hết chén cháo to.
Tối đầu tiên ở ĐL sao mà yên ắng, CM mệt quá nên nằm xem "Kinh thưa Oshin", chạnh nghĩ đến cảnh của mình, đúng là với oshin thời nay phải...kính thưa...nhiều tập. Hình như khuya lắm mới online cùng với GM nên chưa "học hỏi" được gì nhiều! Có nhận tin nhắn chúc vui của anh cả, phấn khởi vì còn được quan tâm. Tạm yên giấc.
Sáng ngày 5-8-11
Có lẽ đây là buổi sáng thú vị nhất trong những ngày ở ĐL. Trong khi đôi vợ chồng con cái nhà "người ta" còn ngủ thì hai bạn già mặc áo lạnh ra sân uống cafe ở băng đá. Cảnh vật vẫn như lần họp mặt trước, chỉ khác là nay GM đã làm hàng rào tinh tươm. CM còn nhớ chỗ này đã đứng thắt lại khăn quàng cổ cho anh N, đơn giản là anh không biết thắt nên...chẳng ra sao cả! Vậy mà GM cũng chớp được tấm hình, không dám phổ biến rộng vì sợ...có người buồn!

Cả nhà đi vườn hoa, trên đường đi, còn tranh thủ ghé xem chung cư vì giá quá rẻ! Con gái "kết" ĐL vì lần đầu từ khi có Miki, hai mẹ con cùng ngủ thẳng giấc đến hơn 7g00! Con rể thì không nhức đầu nên phấn khởi định bắt chước GM.
Vườn hoa không có gì đặc sắc, không có hoa lạ,nhưng cũng đủ để bà cháu và cả nhà có vài tấm hình đẹp.

Về nhà thì GM đã chuẩn bị sẵn bữa trưa, đói, ngon miệng nhưng xót xa vì mình mà bạn cực quá! Cứ vậy mà thời gian trôi qua vun vút, con gái đi phiên dịch nên hai bà ngoại lại tiếp tục nhiệm vụ bất đắc dĩ!

Rồi chị Q đến, mang theo nụ cười và...đủ thứ, từ bánh đến hai cái ghế nhỏ cho GM ngồi làm cỏ! Sao mà chị chu đáo quá, làm tụi em chỉ "hưởng" thôi!
Miki chào mừng bà Q bằng hai cái cúi đầu "ạ" thật to làm bà cũng bớt mệt. Bà nhận xét: "Sao con giống trên mạng quá!", bởi vì bà đã thường xuyên chiêm ngưỡng Miki trên blog của mẹ Thư.

Trời bắt đầu tối nên GM đưa chị Q đi dạo vườn và tâm sự một chút, bỏ bà ngoại CM một mình với Miki, chà, thật là khủng khiếp vì con quá hiếu động và liên tục đòi đồ chơi mới mà ở đây, làm sao đáp ứng yêu cầu "rất nhỏ" của con đây? Nhưng cuối cùng, khi mẹ về thì cũng xong.

Cả nhà ăn cơm và thưởng thức món bánh (mà CM đã đặt tên là bánh sum vầy) của chị Q. Trước khi ăn, GM không quên chớp một tấm hình, đưa lên blog cho mọi người...thèm chơi, nhất là TBT!

Xong bữa tối, giao được "cục vàng" cho "khổ chủ", ba bà bắt đầu họp chợ. Phải "tân trang" một chút để chụp hình chứ, trời không lạnh (vì đang ở trong nhà) nhưng cũng giả bộ như là lạnh cho ...lãng mạn! Dù gì đi nữa, cách đây 40 năm, chúng mình cũng đã từng là "đích ngắm" của biết bao...chàng trai, tại...xui nên có khi ngắm mà "bắn" vẫn không đúng!
Đang lúc họp chợ sôi nổi, có sự hỗ trợ của con rể trong việc chụp hình, thì...trời mưa! A, tối nay, "trời không mưa, em cũng lạy trời mưa" để chị Q ở lại, vì chị mà rời ngôi nhà này thì xem như...phiên chợ kết thúc! Chị Q nói đã trót hẹn với...chàng trai...honda ôm (hết hồn, tưởng đâu chị hẹn với ai chứ!!!) và mai chị đi Đức Trọng sớm. Thôi thế thì thôi...cũng đành!

Vào giường rồi, vẫn nhớ những câu chuyện "bây giờ mới biết" và thương quá ...những người "muôn năm cũ". Các con nghe chuyện của ba nữ sinh viên Văn Khoa mà ngạc nhiên, bởi sao mà có thể ngây thơ, vô tư đến như vậy, "đâu có ai nói cho mình biết, theo phong trào là có ngày bị bắt...". GM kể đã chuẩn bị sẵn bộ quần áo đem theo nếu bị bắt, CM thì ám ảnh bởi tiếng kêu: "Xét tờ khai gia đình", tiếng kêu ấy chỉ xuất hiện từ 22g trở đi, hòa bình rồi mà chúng mình vẫn còn nhớ để...giật mình! Con rể buông một câu" Mẹ yếu mà còn ra gió!". Buồn cười thật nhưng cũng quá đỗi dễ thương, mỗi người có thể có những nhận xét khác nhau về sự vô tư này nhưng với CM thì nó quá dễ thương, là một chặng đường không thể nào quên và vẫn muốn kể để nhắc nhớ cho chính mình và mong muốn nhiều người cùng chia sẻ.
Ngày 6-8-11
Buổi sáng con gái loay hoay chuẩn bị cho bài báo cáo trong hội thảo buổi chiều...thời gian qua rất nhanh. ĐL vẫn đẹp nhưng thỉnh thoảng có mưa rồi tạnh ngay nên CM mới nói mưa để làm duyên!
Ăn cơm trưa xong, con gái chuẩn bị đi, giao cục vàng lại cho bà ngoại. Tự nhiên, khoảng 13g00, buồn ngủ không chịu được (chuyện hiếm có đối với CM!), phải "chuyển giao công nghệ" cho con rể. Sau 30p ngon giấc với ĐL, bà ngoại tiếp tục làm nhiệm vụ, trong khi GM đang chà gạchbị đóng rong trong sân, tỉ mỉ, cẩn thận. Thèm ra "nhiều chiện" nên hai chị em, người thì vừa chà gạch vừa nói, người thì vừa nói vừa lắng nghe xem cháu có khóc không? Vậy mà chuyện nọ chưa dứt đã sang chuyện kia. Đúng là...nhiều chiện!!!

Con gái về, báo cáo thành công ngoài mong đợi. Chúc mừng con. Tối nay, chỉ có hai bà họp chợ nên không quậy được, trời buồn, thỉnh thoảng có mưa.

Sáng ngày 7-8-11
Chỉ còn một buổi sáng để chụp hình thôi, vậy mà trời lại mưa lất phất. Lãng mạn, thú vị thật nhưng không an toàn cho "diễn viên chính", nhưng thôi kệ, cứ "diễn", chắc trời thương, sẽ không sao đâu! Và một số hình đẹp đã có, nhìn hình sẽ nhớ và nhớ nhiều lắm. Vừa thương, vừa phục GM đã thật sự tìm được thú vui tao nhã: làm cỏ, trồng hoa ở một mảnh đất khá rộng mặc dù chưa có chút kinh nghiệm nào! CM còn "bon chen" lắm, chưa "thoát tục" được nên cứ mệt mỏi với công việc và lắm điều suy tư!

9g30, rời khỏi "biệt thự GM", tiếp tục lang thang chờ ra sân bay. GM cũng chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa để trở về SG. Một lần nữa, xót xa thương bạn vì hiếu khách mà cực khổ!

Buổi trưa, đến nhà Khoa, học trò cũ ở MT, thấy cơ ngơi của K, yên lòng, chúc mừng. K đưa đi nhà hàng Hoàng Lan ăn món lẩu "tả pín lù", ngon nhưng hơi căng thẳng vì giờ bay đã gần kề.

Cuối cùng vẫn kịp giờ, ngồi ở hàng ghế "danh dự" cuối cùng, cơ trưởng là người nước ngoài nên bay không êm ái chút nào....may là chỉ có 30p.

SG nóng, về nhà, bề bộn bao nhiêu công việc, 21g mới ăn cơm, cũng may mà Miki khỏe.

Nhớ...nhớ cái lạnh dễ thương của ĐL, nhớ con dốc hiền, nhớ cây Mimosa đang nở rộ, nhớ hàng hoa hiên, nhớ những câu chuyện "bây giờ mới kể...", ôi, sao mà nhớ...
 
Đọc tiếp ...