Thứ Hai, 18 tháng 6, 2012

Lễ tốt nghiệp

Ngày 17-6-12, khi dự lễ tốt nghiệp của sinh viên Hoa Sen, được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Hòa Bình, tôi bùi ngùi nhớ lại chuyện của những năm xưa...

Năm 1993, con trai đậu vào ĐH Bách Khoa ngành Xây dựng, tôi biết đây không chỉ là thử thách của con mà còn của cả gia đình tôi. Khi con đang học lớp 9, nhận giải nhất của kỳ thi HS giỏi môn Sinh, tôi đã tự tin chọn cho con ngành Y. Cô giáo dạy Sinh còn khẳng định: "Nó mổ mẫu vật rất khéo, làm BS được đó em"!. Tôi cố gắng thu xếp để gởi con học riêng môn Sinh với một thầy giáo khá nổi tiếng. Mọi việc tưởng chừng êm xuôi theo dự tính của tôi, nhưng hết năm lớp 10, con trai "dõng dạc" tuyên bố: "Mẹ, con không thi Y, con thi khối A, giờ con không học Sinh nữa mà phải dành thời gian học Lý".Tôi ù hết tai, cứ tưởng mình nghe nhầm, nhưng không, con đã diễn giải là thầy dạy Hóa khuyên nên chuyển sang thi ngành Xây dựng và chính thầy cũng đã gặp tôi.
Thế là, con học và thi 3 trường, cuối cùng chọn Bách Khoa (với số điểm không cao lắm), sau buổi thi Lý, về, con không tự tin lắm, tôi nhớ hoài lời con gái: "Chắc anh hai làm bài không được, con hỏi mà anh hai quay vô vách, không có trả lời!". Tôi không dám bình luận vì trước khi chuyển sang thi khối A, con đã kiên quyết: "Nếu con rớt, mẹ cho con thi lại lần nữa, nếu không đậu nữa thì con...đi nghĩa vụ!". Phương án ấy, tôi đã đưa ra cho con khi yêu cầu nó thi Y, nhưng con lại lập luận: "Thi Y khó lắm mẹ ơi, con học lâu quá, mẹ lấy tiền đâu mà nuôi em với con? Con ra trường cũng đâu có mở phòng mạch tư được ngay, làm sao phụ mẹ?". Tôi không có tiền nên không cho con đi SG học luyện thi, dù là HS giỏi của trường chuyên nhưng tôi làm sao dám tự tin ngưỡng cửa ĐH đang chờ con?
Khi con đã vào học, tôi kiên quyết không cho con đi làm thêm, chỉ vì sợ con ham tiền hơn ham học. Lúc đó, ĐH Bách Khoa mới áp dụng mô hình tín chỉ, tôi thì hoàn toàn "lơ ngơ" với ĐH "hiện đại" nên nhận Phiếu điểm của con mà...muốn xỉu vì điểm cao nhất cũng chỉ có hơn 3. Nghe giải thích mới yên lòng và con vẫn đi học bằng xe đạp, hoặc đi "ké" xe của bạn. Cuối tuần con về Mỹ Tho thăm ba mẹ và dạy em học thêm Toán, Lý, Hóa vì em chỉ giỏi Văn và Anh Văn thôi.

Mãi đến khi con đi thực tập, chuẩn bị tốt nghiệp, tôi đã phải vay mượn thêm để mua cho con chiếc Cup 81 với giá gần 4tr mà với tôi, lúc đó, là một tài sản khổng lồ!
Hôm nay, nhìn SV xênh xang áo, mũ, chụp hình đủ kiểu, tôi nhớ lại và thương con đến chảy nước mắt. Ngày bảo vệ Đồ án tốt nghiệp, con xin tôi mua một đôi giày, nói thật là tôi không có tiền cho, đôi giày của con đã cũ lắm rồi. Bảo vệ mà mang dép thì coi không được, chân con lại to, không mượn giày của bạn được. Kết quả bảo vệ tốt và con đã tìm được việc làm ngay sau khi tốt nghiệp và thành đạt như bây giờ. Tôi chỉ chúi mũi vào công việc, lo kiếm tiền nuôi con, không biết con khó khăn như thế nào khi một mình, bươn chải tại SG...Cuộc đời đã dạy con nhiều thứ để con được như ngày hôm nay: một công việc mà với nó, con có thể phát triển năng lực của bản thân, nhà cửa, xe cộ và quan trọng là, một gia đình hạnh phúc.

Hai năm sau khi con trai học ĐH thì con gái cũng nối bước anh. Một lần nữa, tôi hụt hẫng, tôi vẫn tưởng con sẽ thi ĐH Sư Phạm ngành tiếng Anh, không ngờ, hai anh em bàn bạc với nhau thế nào mà con lại thi vào ĐH KHXH&NV, Khoa Đông Phương học và học tiếng Nhật. Tôi lại...bất lực nữa rồi, vì hai anh em đưa ra những lập luận rất vững và mẹ đã...đuối lý. Thôi thì, tùy con.  Tôi băn khoăn vì thật sự, tôi chưa hiểu rõ về Khoa Đông Phương và cả dòng họ nội-ngoại của tôi, không ai biết tiếng Nhật.
Vậy mà kết quả học của con khiến tôi bất ngờ: hết năm thứ nhất, con được chọn đi giao lưu ở Nhật 6 tháng vì có điểm trung bình môn tiếng Nhật cao nhất lớp.
Tôi nghèo đến nỗi tiền lo dịch vụ Passport cho con cũng phải vay mượn, ngày con đi, tôi nhớ, tôi chỉ cho con $300. Tiễn con tại sân bay, tôi khóc vì nhiều lẽ...

Như một năng khiếu có sẵn, với nỗ lực của con, con tiếp tục thành công xuất sắc mà mẹ cũng chỉ có mặt trong ngày con bảo vệ Luận văn tốt nghiệp. Con đã giới thiệu tác phẩm "Xứ tuyết" của một nhà văn Nhật (tôi không còn nhớ tác giả) và con đã được thầy Nhật Chiêu (một GV khá nổi tiếng trong nghiên cứu văn học Nhật Bản) tặng cho điểm 10 với những nhận xét tuyệt vời. Tôi không nhớ nguyên văn, chỉ biết rằng, thầy đã thể hiện sự vui mừng vì tìm được một sinh viên "biết cảm thụ văn chương và truyền cảm xúc đến người khác".
Đến khi  con gái tốt nghiệp, may mắn cho con là tôi có dự và được nghe con thay mặt cho sinh viên toàn trường phát biểu. Tôi nghĩ: thời gian thật nhanh, mấy chục năm trước, tôi cũng đã trưởng thành từ ngôi trường này.

Sau đó, con đi Nhật học tiếp, tôi cũng chưa sang Nhật lần nào...
Cuộc đời cứ như dòng chảy.

Giờ các con đã thành đạt, lễ tốt nghiệp khiến tôi nhớ về những chặng đường mà các con đã trải qua để yêu  thương các con nhiều hơn.

Với tấm lòng của người mẹ, tôi ghi lại những suy nghĩ này, không phải để kể lể, khoe khoang, cũng không biết khi nào các con sẽ đọc...

Nhưng rồi các con sẽ có những khoảnh khắc trong cuộc đời, phải nhìn lại như mẹ...Từ trong gian khó, các con đã trưởng thành, đó là hạnh phúc lớn nhất của cả nhà.
 
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 15 tháng 6, 2012

Một năm đã trôi qua

Tôi nhận được PM của em gái Gia Minh nhắc: Góc nhỏ Văn Khoa thôi nôi vào ngày 9-6, mình có làm gì không chị?

Làm gì là làm gì nhỉ?! Tôi băn khoăn vài giây rồi trả lời em: chị chưa có cao kiến gì!

Bây giờ, đã hết giờ làm việc, một mình, dạo lại blog để nhớ từng ngày, từng giai đoạn và tôi có cảm xúc để viết.

Tôi là thành viên của blog Trưng Vương (1963-1970), một nơi chốn để gặp gỡ, giao lưu với bè bạn khắp nơi. Có những bạn tưởng chừng đã rất xa, nhưng rồi cũng tìm được nhau, cùng nhắc lại kỷ niệm thời đi học, chia sẻ thêm những buồn vui trong cuộc sống. Sau nhiều ngày suy nghĩ, tôi gửi mail cho Thu Nhân, mong ước quá, một “mái nhà Văn Khoa”… Nhưng điều băn khoăn lớn là tôi không biết tạo blog, mặc dù tôi có dạo chơi trên blog của mình và một vài bạn ở Yahoo360 cũng đã được mấy năm! Hy vọng Thu Nhân giỏi hơn tôi và cũng rảnh rang hơn, thêm nữa, bạn rất đam mê blog.
Bạn đã không để tôi phải thất vọng…

Đến ngày 12-6-2011, có buổi họp mặt tại nhà tôi để mừng sinh nhật những bạn có ngày sinh trong 6 tháng đầu năm, lúc đó, Gócnhỏvănkhoa đã có mặt. Thu Nhân hướng dẫn, mọi người có mặt hôm đó, đã nhìn thấy “nhà của mình”, không thể nói hết nỗi vui mừng, hạnh phúc của chúng tôi tối hôm đó. Những bạn đã “bị” làm Ban Biên tập thì có một chút lo âu nhưng chỉ là…thoáng qua, vì thật lòng, chúng tôi cũng đâu có biết mình sẽ phải làm những gì!?

Cứ nghĩ mọi việc vô cùng đơn giản, nhất là với tôi, dù gì thì mình cũng đã từng là 1 blogger, nhưng sự đời quả là không giản đơn chút nào! “Nghề chơi” nào cũng lắm công phu. Hôm sau, tôi mày mò toát cả mồ hôi vẫn không thấy nhà của ai hết! Ở Yahoo, tôi nhớ mình đã làm quen rất nhanh, nhưng với Multiply thì hoàn toàn khác. Thời điểm ấy, Thu Nhân là người vất vả nhất. Tôi với Gia Minh hỏi liên tục, bực mình vì mình “chậm tiêu, lâu thuộc, mau quên” và nhiều khi, vô tình, trút tất cả những bực dọc cho bạn của mình, nhất là tôi, vốn nóng nảy, ít chịu khó! Trong khi Thu Nhân vẫn miệt mài hướng dẫn cho chúng tôi đủ mọi thứ rồi còn “xây nhà” cho từng người. “Văn Khoa chi bảo” (danh hiệu mà Tổng thư ký tòa soạn Gia Minh đã đặt cho) là Gió cũng đã ủng hộ chúng tôi rất nhiệt tình. Dần dần, chúng tôi quen “đường đi” nhưng lại cũng đôi khi “mất lối về”, vào nhà rồi…bí lối, không biết làm sao, nửa đêm còn gọi nhau ơi ới! Thật là rộn ràng cả “làng trên, xóm dưới”. Chỉ việc “comment” thôi mà sao cũng quá nhiêu khê? Lúc đầu, cứ loạn lên, com. cho người này lại chạy sang nhà người kia, không biết chép lại để trích dẫn là mình đang com. cho ai…Thu Nhân lại có việc để làm, quên cả cái lưng…hay “đình công” của bạn.

Photobucket

Nhưng rồi đâu cũng vào đấy, trên “mảnh đất tình người” này, chúng tôi đã đến, ở lại cùng nhau để chia sẻ. Những ngày đầu, tôi viết rất hăng, như người được trở về nhà, tôi hào hứng lắm. Rồi một ngày, bỗng giật mình…sao mình…ham nói vậy? Các bạn khác cũng phải viết nữa chứ! Thế là, chúng tôi bắt đầu “gây dựng phong trào”, cũng khá là vất vả. Gọi điện thoại, gởi email…, có tin đi nhưng chẳng thấy entry nào cả! Vì mỗi người một hoàn cảnh, một điều kiện, có thời gian thì không có máy tính riêng hoặc ngược lại, có cả hai điều kiện này thì không quen (hay có khi chưa biết) sử dụng máy tính, mắt kém…Thích đọc chứ không thích viết…Thôi thì, trăm ngàn lý do mà nghĩ kỹ, lý do nào cũng có thể chấp nhận được. Chúng tôi an ủi, động viên nhau: từ từ các bạn sẽ quen…


Chúng tôi cứ kiên nhẫn thuyết phục và vài tháng sau, tuần tự, Ban biên tập nhận được bài của chị Thanh Quế, chị Hồng Diệp. Thu Nhân vẫn xuất sắc trong vai trò Tổng biên tập để gõ lại entry của chị Quan Thư, tìm hình minh họa cho tất cả các entries. Với sự hỗ trợ của Gió nữa thì tác giả nhận ra bài viết của mình sinh động, có “giá trị” hẳn với những hình ảnh có ý nghĩa thật sắc sảo. Anh nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt đã chuyển cho chúng tôi 5 bản nhạc, nghĩa là nhà có thêm lời ca tiếng hát. Lại “đụng chạm” với một vấn đề khác: thấy tên bản nhạc mà …hổng có nghe được! Khổ thân chưa? “La làng” lên, người nọ chỉ người kia…rồi thì vẫn thưởng thức được và bình luận được. Kho hình ảnh thì nhiều, lúc đầu, phải nhờ TBT, nhưng sau này, chúng tôi đều có “nghề” rồi trở thành…”chuyên nghiệp” nên tự lực post hình để…khoe với bạn bè. Chị Thúy Liễu còn giữ một số ảnh quý báu, chuyển cho Gia Minh và đã có hơn 100 comments cho những tấm hình “có một không hai” này.

BBT có thêm một “tài vặt” nữa là “chôm” entry từ “nhà riêng” của mọi người mang về “nhà chung”. Là nói vui vậy thôi, chúng tôi đều có xin phép, đôi khi vội quá thì “tiền trảm hậu tấu”, chưa bị bắt lỗi lần nào nên cũng tự tin lắm.

Photobucket

Cứ vậy mà Gócnhỏvănkhoa ngày càng đông vui hơn, thỉnh thoảng được Gió thay áo mới, cho nghe nhạc hay và…chúng tôi đã ở lại cùng nhau. Trước đây, còn “hăng” nên tối tối, mọi người online, chuyện trò liên hồi, xa cũng hóa gần. Nhưng dần dần, do tuổi không còn trẻ, sức khỏe không còn tốt (chứ không phải tuổi già sức yếu!) nên chúng tôi ít gặp nhau buổi tối. Anh nhạc sĩ Nguyễn Tuấn Kiệt thì nói là “cai nghiện blog” (buồn quá, hic…hic…) nên vắng bóng.


Gần đây, BBT vui mừng đón Huỳnh Như Phương về nhà, một cây bút siêng năng, trầm tĩnh, hứa hẹn nhiều entries mới lạ.

Từ những bước chân ngập ngừng của một năm qua, giờ đây, một số chúng tôi đã có “nhà riêng”, dù bận chăm chút cho nhà của mình nhưng vẫn không thể quên một nơi chốn mà chúng tôi đã dừng chân để ở lại.

Chị Thanh Quế, đầu bếp “trứ danh” luôn cung cấp những món ăn ngon, bổ, rẻ cho cả nhà. Trong bếp của chị, có ý thích của chúng tôi, có những sẻ chia khiến chúng tôi ấm lòng, không phải chỉ vì được “ăn” ngon!

Gia Minh có tài tổng kết, không hổ danh là một “nhà sử học”, những tổng kết đầy đủ, độc đáo của Gia Minh khiến chúng tôi an tâm vì không cần nhớ chi tiết, sự kiện nữa (khi memory đã full!!!) vì nay đã có người làm thay.

TBT Thu Nhân thì vẫn tận tụy, bạn đi du lịch mà chúng tôi trông chờ từng ngày, bởi vì, trong chúng tôi, không ai có sự kiên trì của bạn. Hướng dẫn và hướng dẫn, chỉ một lần chưa biết thì chỉ nhiều lần, gởi mail, làm slide, gọi điện thoại (cho cụ thể!). Cô giáo yêu quý của chúng tôi!

Nhà chúng ta, cũng có 2 “sư tỷ” là chị Hồng Diệp (Nhã Thảo) và chị Quan Thư (vợ liệt sĩ Lê Quang Lộc), chị Nhã Thảo tuy viết ít nhưng chúng ta cũng không thể quên những entries của chị.
Chị Quan Thư thì đã từng làm “sắp nhỏ” là những nàng “Văn Khoa trẻ” rơi nước mắt.

Hoàng Hương, Kim Diệp, Trúc Chi, Bích Trà thỉnh thoảng xuất hiện làm cả nhà…mừng hụt vì
sau đó, các bạn lại…biến nhưng hy vọng sẽ lại “tái xuất”.

Thúy Liễu rất độc đáo với một số comment mà người đọc không thể quên! BBT vẫn đang kiên nhẫn chờ entry của chị.

Photobucket

Cũng từ nơi dừng chân này, chúng ta đã có những thân hữu từ bốn phương trời: anh Cái Bang, Nguoigiaonline…Và đặc biệt, đã nối kết được với “những người bạn của những người bạn” mà từ những quen biết này, chúng ta thêm trân trọng tình người.


Đã có một Gió với những vần thơ, bài viết mà người đọc không thể nào để “gió cuốn đi”, nó đọng lại để chúng ta có thể khóc-cười, trăn trở…

Đã có một Minh Mập (cái nick mà em yêu hơn tên cúng cơm) luôn gắn bó với nhà Văn Khoa để lắng nghe và chia sẻ cùng cả nhà, với em, những nỗi “đau đời” luôn hiện diện song song cùng những táo tếu thường nhật của em. Mỗi entry là một suy tư của MM về cái “nghiệp”, về những vấn đề của giáo dục mà mỗi điều em chia sẻ, đôi khi làm ta mất ngủ.

Đã có một Chụt siêu quậy (cái nick nghe sao mà…quậy!) nhưng “ngoài đời” Chụt dễ thương lắm, thường chụp hình cho cả nhà và khi chúng tôi “gọi” thì em “đến”, em đã chính thức trở thành “người nhà”.

Đã có một Haphan, cũng vui vẻ “vào hội” để trở thành bạn tốt của chúng tôi.

Đã có một Nguyễn Văn Ngoãn (Thanh lao công) lâu lâu về nhà, đọc, cảm xúc, ngợi khen nhưng không comment…

Một năm cũng đã trôi qua…có biết bao buồn-vui…Chúng tôi đã có một nơi để thông tin cho nhau, mỗi lần đọc lại các notes thì từng sự việc lại hiện ra: khi thì nhắc nhau đến thắp hương trong ngày giỗ của bạn, rủ nhau đi chơi để thư giãn, báo cho nhau một tin buồn khi có người đi xa…Đọc các entries để nhớ một thời đã qua, cái thời tuổi trẻ mà không phải chuyện gì chúng tôi cũng dám nói và được chia sẻ.

Đường đời muôn nẻo nhưng chúng ta đã về đây và đã ở lại, đó là điều quý giá hơn mọi thứ. 102 entries đã xuất hiện cùng biết bao hình ảnh của những khuôn mặt bạn bè thân thương. Chúng tôi gọi đó là “Những người muôn năm cũ”…Với những lo toan, bộn bề của đời thường nhưng chúng ta vẫn còn thời gian để chăm chút cho góc nhỏ này, có lẽ, điều đó, giúp BBT tin rằng ước mơ dường như là điều không tưởng nay đã thành hiện thực.

Photobucket

Xin mời gọi những thân hữu gần xa hãy đến và ở lại đây, cùng chúng tôi vun đắp Gócnhỏvănkhoa để ngôi nhà này mãi trường tồn với thời gian, ấm áp tình người….


Bùi Trân Thúy
Tháng 6-2012
Đọc tiếp ...