Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Tập ảnh

Cách đây hơn tuần, anh VVN có gọi cho tôi để báo, theo yêu cầu của BBT Góc Văn Khoa, anh sẽ nhờ con gái mang đến cho tôi những tấm ảnh (mà anh còn giữ, sau khi đã...chọn lọc) của người Văn Khoa để chúng tôi post trên blog. Và...chiều nay Khởi Phượng (con gái anh N) đã gặp tôi để trao tập ảnh.
Tập ảnh với khoảng mươi tấm ảnh được chụp cách đây khoảng 40 năm! Tôi hiểu giá trị của "màu thời gian".
Tôi nhìn từng bức ảnh, chỉ nhận được một số gương mặt thân quen: anh Chủ tịch nhóm Việt Hán (dĩ nhiên là không thể không nhận ra), anh Hoàng Nghĩa, chị Hoa, chị Sen, chị Hồ Ngọc Dung...và còn nhiều nhiều nữa, quả thật, tôi chưa nhận diện được hết vì ảnh chụp nhiều người. Ai cũng đẹp (cho phép tôi được nói như vậy) với ánh mắt sáng, khuôn mặt rạng ngời, hồn hậu.
Điều khiến tôi ngạc nhiên là bé Phượng chỉ tôi xem và đọc vanh vách tên từng người: cô Hoàng Hương nè cô, còn đây là cô Tuyến, trong hình này, ba con nói có chú Trương Quốc Khánh nữa, nhưng ba chỉ con mà lâu quá, con quên rồi! Quả thật, anh Khánh có trong hình, tôi không quên cặp kinh cận của anh nên chỉ lại cho Phượng xem...
Quá khứ lại hiện về...đây là phòng của nhóm Việt Hán, kia là triển lãm, buổi tưởng niệm thầy Đông Hồ, đi đưa tang mẹ của chị Hồ Minh Nguyệt...
Và chuyện này dẫn sang chuyện kia, tôi không ngò Phượng biết chuyện ở Văn Khoa của ba N hơi nhiều mà cô bé kể cứ y như người trong cuộc. "Tập thơ của ba con, con đọc hết, con tính gõ máy lại, để dành cho ba con với mấy cô chú coi nhưng con lu bu quá! Bây giờ, ba con nói, để ba con đọc lại...", chà, anh Chủ tịch cẩn thận quá nhỉ!
Tôi hỏi thăm chuyện học hành, làm việc của P rồi nghe P kể về anh N, tôi bàng hoàng, vì tôi chưa bao giờ hình dung hết những vất vả trong mưu sinh của anh. "Công tử" của Văn Khoa, đã từng là "người tình trong mộng" của một số nữ SV Văn Khoa thời ấy mà lại có thể "thoát xác" như vậy.
Tôi đã có dịp chuyện trò với vợ anh khi anh mổ mắt, tôi thấy chị quả là một người phụ nữ "chịu thương, chịu khó", nay nghe P líu lo: "Mẹ con nói sửa nhà xong sẽ tổ chức sinh nhật cho ba con, mời mấy cô, mấy chú lên chơi...", tôi xúc động. Chị chưa một ngày nào được sống cùng chúng tôi, vậy mà cũng gắn bó, gần gũi.
P vô tư kể tiếp: "Ba con không rành vi tính, con đi làm ở SG nên lâu lâu mới về, con chỉ xong, ba con lại quên, rồi ba con vô máy chỉ toàn chơi cờ tướng!" (Vương huynh dễ thương ghê!!!). Việc anh N khó làm quen với vi tính, tôi không ngạc nhiên vì chuyện đó là bình thường. "Cô TN chỉ con vô blog, con chép lại hết mấy bài viết cho ba con coi, mấy cô chú comment gì, ba con biết hết nhưng hơi chậm tại vì khoảng 2 tuần con mới về, máy tính ở nhà lại đang hư nữa. Con tính cuối năm, có tiền thưởng, con mua cho ba con cái máy tính khác".
P đã làm một việc mà tôi thầm cảm phục và muốn nói: "Cô, các cô chú cảm ơn con, miễn sao ba con đọc được là vui rồi!"
Lúc có ý tưởng tạo blog, tôi có nói với TN: "Tụi mình rồi cũng chết hết, mong sao con cháu còn gần gũi, để biết ngày xưa ba mẹ, ông bà của nó đã sống ra sao, làm những gì...".
Ước mơ chỉ để mà...mơ ước, nhưng hôm nay, Khỏi Phượng đã giúp tôi có niềm tin.
Bằng lòng yêu thương, cho cô được ôm hôn con, thay cho lời cảm ơn tầm thường, khách sáo và mong sao con tiếp tục là nhịp cầu "nối những bờ vui" để ba N, đi đâu rồi cũng về nhà...Văn Khoa.
Trân Thúy
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 19 tháng 7, 2011

Những tình yêu Văn Khoa

Đọc entry của Nhã Thảo, tôi bỗng chạnh lòng, nhớ về những năm 72, 73, khi những chàng trai, cô gái Văn Khoa đang ở vào độ tuổi đẹp nhất của đời người. Chúng tôi đã sống cùng nhau như anh em dưới một mái nhà, đã đấu tranh vì một lý tưởng, để rồi gần 40 năm sau, khi chúng tôi đã trở thành những ông nội, bà ngoại thì Nhã Thảo mới bộc bạch:

" Mà nói thật (bây giờ mới nói thật), lúc đó có lần (mà hình như là nhiều lần!), tôi đã nghĩ về các anh mình" "ai tôi cũng có thể yêu được" và sau này, "ai cũng có thể là người yêu của tôi được"! Hi...hi...híc...híc..

Những tiếng cười vui "hi...hi"...cho một thời trẻ tuổi hay những tiếng khóc nhỏ nhẹ "híc...híc"...cho những ngậm ngùi, tiếc nuối...đều khiến tôi nao lòng.
Tôi nghĩ về những tình cảm, những cảm tình...ở Văn Khoa thời ấy mà tôi xin được gọi là Tinh Yêu với đầy đủ ý nghĩa của nó.

Có những ánh mắt nhìn tha thiết, những sáng, chiều đứng chờ nhau ở đâu đó, chỉ để...nhìn, cười, rồi đi..Cái cầu thang gỗ vô tri, cái phòng Việt Hán bừa bộn, cái nhà mái tôn Nhân Văn đã chứng kiến biết bao tình đến rồi đi.Vẫn là TÌNH YÊU, dù chưa một lần dám nói, vì mải nghĩ việc lớn mà tạm quên tình nhỏ!

Có người nữ sinh viên thăm nuôi trong tù suốt khoảng thời gian dài, tận tụy như vợ lo cho chồng, đủ để gọi là TÌNH YÊU dù không thể và không bao giờ có một kết cuộc sum vầy.

Có những câu nói, chẳng biết vô tình hay cố ý nhưng người nghe, bây giờ hay cho đến bao giờ vẫn nhớ: "Xa trường, người anh nhớ nhất là em..." Với người con gái được nghe lời nhớ thương mật ngọt là đã được đón nhận TÌNH YÊU cho dù người nói, có khi không còn nhớ nữa...

Có những bài thơ...không biết tác giả viết cho muôn người hay một người nhưng vì TÌNH YÊU, vẫn nghĩ đó là quà tặng "thay lời muốn nói", dành riêng cho mình. Và giờ đây, thơ không còn được lưu giữ, tình yêu liệu có còn nữa không?!

Có lời mời mọc: "Chủ nhật này em có rảnh không, vào trường, anh nói cái này, hay lắm..."TÌNH YÊU của chúng tôi đấy, giản đơn, nhẹ nhàng như tình cảm của những người cùng một nhà, gần đó nhưng cũng xa vời vợi bởi những điều trăn trở mà chưa thể nói. Làm sao dám nói yêu, khi đất nước chưa hòa bình...?

Có những lời khai trước Tòa án quân sự của kẻ thù: bài viết đó là của tôi để bảo vệ cho...Đó cũng là TÌNH YÊU của "người tù" dành cho người được ái mộ qua những bài viết trên báo Nữ Sinh viên và báo Văn Khoa

Có câu hỏi: chuyện tình cảm với...em tính sao? Em không biết...Cái "không biết" đó là chính là TÌNH YÊU để mấy chục năm sau, vẫn nằm yên trong góc nhỏ của mỗi người.

Có những người yêu nhau nhưng phải làm người xa lạ, phải lướt qua đời nhau để hy vọng sẽ có lúc thuộc về nhau mãi mãi. Đó là TÌNH YÊU, được nuôi lớn, bất chấp hiểm nguy, gian khổ.

Có những TÌNH YÊU mộng tưởng vì chẳng bao giờ có kết thúc, người yêu không nói và người được yêu chưa kịp biết để có thể chấp nhận hay không.

Có TÌNH YÊU đau đớn mà phải chấp nhận chia xa, để rồi mấy chục năm sau, mới "cởi tấc lòng" bằng lời xin lỗi muộn màng.

Một thoáng, chỉ một thoáng thôi, tôi nhớ lại những TÌNH YÊU trong sáng ngời ngời và càng sáng trong hơn bởi vì lúc đó, chúng tôi còn trẻ quá, xứng đáng được hưởng hạnh phúc của hương vị tình yêu, nhưng chúng tôi đã không than trách mà chấp nhận rồi "bây giờ mới nói thật" như Nhã Thảo.

Thật là dễ thương, tôi đọc lại nhiều lần cụm từ "các anh mình" mà nghe xúc động đến...nghẹn lời. Quả thật, lúc đó, chúng tôi hay gọi các anh "mình" thân thương, trìu mến như vậy đó. Thương quý các anh như vậy nên, tôi nghĩ, không phải chỉ có Nhã Thảo mà nhiều chị em trong chúng tôi đã nghĩ rằng:" ai tôi cũng có thể yêu được" và "ai cũng có thể là người yêu của tôi" nhưng suy nghĩ đơn giản ấy quả thật không giản đơn chút nào.

Năm 72, 73, các anh lần lượt vào tù rồi thoát ly, "bỏ trường mà đi", không dám từ giã, càng không thể hứa hẹn điều gì. Chúng tôi ngơ ngác, chống chọi vượt qua thử thách bằng một TÌNH YÊU lớn hơn. Thi thoảng, nhớ các anh để mà xót xa, ngậm ngùi, bởi vì, sống, chết khôn lường. Trước mắt, chúng tôi chỉ có một con đường.

Rồi hòa bình, tiếp tục lao vào công tác với TÌNH YÊU của người chiến thắng. Những năm sau đó, cũng có người lập gia đình, "các anh mình" không còn là "của mình" nữa...

Chúng tôi cũng "yên bề gia thất", vẫn gặp lại nhau trong một TÌNH YÊU lớn hơn. Nhưng rồi cũng không khỏi có những lúc nhớ về quá khứ, về những "năm tháng không thể nào quên" như chúng tôi vẫn thường nhắc nhau.

Ở đó, có những TÌNH YÊU VĂN KHOA là những tình cảm vô giá, dẫu đã nói hay chưa kịp nói, đã đang đi cùng nhau trong cuộc đời hay mãi mãi ở trong góc nhỏ thì TÌNH YÊU vẫn sống mãi ngàn năm.

Xin cho tôi được trân trọng, được viết về những TÌNH YÊU chưa có lúc bắt đầu và sẽ không bao giờ kết thúc ấy với tất cả chân tình. 

19-7-2011
Cỏ May
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 16 tháng 7, 2011

Tôi thương...tôi

Những ngày gần đây, tôi siêng năng viết blog 360 và blog Mul.

Hơn 1 tháng trôi qua, "ngẫm mình, mình lại thương mình xót xa".

Tôi đi làm suốt ngày, thỉnh thoảng còn dạy lớp tối, đó là những công việc thường xuyên của tôi từ khi tôi trở về và dừng chân lại ở SG.

Tôi đã quen ngày qua ngày, xoay như chong chóng, ở trường mà muốn viết lách gì thì sau 19g, mọi người đã về hết và đã giải quyết xong những công việc cơ bản.

Ở nhà, muốn viết thì sau 21g, và đã viết thì không xem TV, phải xem báo vào giờ khác.

Nhìn chung là vẫn sắp xếp được, nếu vui mà viết, viết xong vẫn cảm thấy vui thì viết là hạnh phúc của tôi.

Nhưng những ngày gần đây, có khi tôi giật mình: nghĩ thương cho con mắt bệnh tật của mình. Nếu xuất huyết vùng hoàng điểm lần nữa thì chỉ có nước...nhìn đời bằng một con mắt!
Đôi chân sau hơn 10 năm liên tục đau đớn và được chẩn đoán là viêm khớp, thì 2 tháng gần đây, sau một số xét nghiệm thì BS lại kết luận là giãn tĩnh mạch. Tôi thấy chẩn đoán này có vẻ hợp lý hơn nên tôi nghiêm túc uống thuốc và mang vớ y khoa theo yêu cầu của BS. Vớ đúng là rất khó chịu nhưng nếu mang thì chân đỡ sưng hơn và có giảm đau đôi chút.

Với hai chứng bệnh hoàn toàn không thuận lợi cho "thợ viết", tôi đã phải ngồi viết trong một tư thế khá đặc biệt: có khi xếp bằng cả hai chân, có khi phải gác lên một cái ghế khác, nói chung là...rất ấn tượng mà nếu ai đó chụp hình đưa vào blog thì tôi sẽ bị...mất hình tượng. Tay gõ máy liên tục nhưng chai thuốc nhỏ mắt vẫn ở cạnh bên, vì thỉnh thoảng tôi phải nhỏ nước mắt nhân tạo để mắt không bị cay vì nhìn màn hình máy tính lâu.

Và hôm nay, tôi bỗng thương...tôi. Mai này nếu tôi không còn được viết nữa thì sao nhỉ!? Trái tim nếu còn đập và bộ não vẫn hoạt động thì tôi vẫn còn nhiều điều chưa kể, chưa nói mà tôi vốn là người muốn lắng nghe và thích được chia sẻ.
Cuộc sống sẽ vô vị biết chừng nào nếu tôi không còn được viết nữa. Bởi vì, hằng ngày, tôi vẫn muốn bằng văn thơ, ghi lại từng hơi thở của cuộc sống, từng cảm xúc vui-buồn của tôi, của nhiều người khác và với tôi, tôi cần chia sẻ và được chia sẻ như người ta cần hơi thở.

Tôi sẽ còn thương...tôi nhiều hơn nữa, điều độ trong sinh hoạt, biết uống thuốc đúng liều lượng, luyện tập đều đặn để tôi tiếp tục thương những điều tôi vẫn thương và muốn thương!

Và...mỗi ngày tôi vẫn cần viết những điều tôi nghĩ, tôi cảm nhận và tôi cần nó như cần hơi thở.
Hạnh phúc vẫn ở quanh ta.
Đọc tiếp ...

Thứ Năm, 7 tháng 7, 2011

Những người văn Khoa ... xa lạ!



Photobucket

Có ai ngờ rằng những bạn bè thân thiết, đã từng cùng nhau xuống đường, hát trong những đêm không ngủ, cùng nhau làm báo, dán áp-phích, tuyệt thực…giờ bỗng chốc, trở thành những người…xa lạ!

Đó là khi…

Tôi bị bắt ở Quận nhất, đêm đó, tôi bị (được) giam chung với chị Q. Chúng tôi biết chỉ có thể nói với nhau trong vài phút thôi, lát nữa sẽ thẩm vấn riêng và mỗi đứa, không biết sẽ đi về đâu. Mọi lời lẽ cần cân nhắc, cẩn trọng từng cử chỉ bởi vì, ngoài song sắt, vẫn có những cặp mắt cú vọ đang theo dõi. Chúng tôi rất sợ trong đêm đó, sẽ có thêm những người bạn khác vào nữa nghe nên nghe tiếng xích sắt khua là hồi hộp nhưng rồi đêm cũng qua đi và buổi sáng hôm sau, quả là một ngày mới.

Chúng tôi không còn thấy nhau nữa. Xế chiều, bọn nó chuyển tôi sang Nha cảnh sát Đô Thành. Từ ngoài cửa vào, tôi được yêu cầu gởi tất cà tư trang, thay áo quần. Lúc đó, trên tay tôi, chỉ có cái đồng hồ và bộ đồ đang mặc. Vì chưa kịp bị bịt mắt nên tôi thấy 1 dáng người cao to, dĩ nhiên là cũng phải có người dìu đi, tôi biết chắc đó là TTN (nhóm thanh lao công). N không thấy  tôi, vì bị bịt mắt nhưng nếu có thấy thì cũng phải làm người xa lạ thôi. Chị Q đã dặn tôi: em không biết ai hết, nhớ chưa? Xem như đó là bài học lao tù đầu tiên mà tôi được dạy. Tên công an giải tôi đi còn hù dọa thêm: “Thấy chưa, trai tráng, cao to như thằng kia còn đi không nổi, huống gì tiểu thư như cô, liệu mà khai đặng về cho sớm!”

Vì mới vào nên tôi nằm hành lang, chờ thẩm vấn. Đêm đầu tiên, tôi không sao chợp mắt, lâu lâu lại có nghe có người bị kêu tên, rồi tiếng rên la, cứ đi thì bình thản, lúc về lại có người dìu. Tôi hiểu chẳng thà chịu đau chứ không khai, mặc dù có người một đêm bị gọi lên thẩm vấn nhiều lần. Cạnh bên tôi là một chị giao liên, còn rất trẻ, chị bán đậu phọng. Tôi chỉ biết có vậy, tôi nghe tên thẩm vấn nói: “Con nhỏ bán đậu phọng này lì thiệt!”. Tôi len lén nhìn chị cảm phục chứ không dám hỏi câu gì.

Sáng sớm hôm sau, có 1 phòng giam được mở cửa để tôi vào đi toilet. Toàn những người mặc áo đen (đồng phục tù mà), quả thật là tôi không dám nhìn ai, nhưng có ánh mắt nào đó, chợt sáng lên, a, chị Q, nhưng tôi vẫn lẳng lặng bước vào toilet. Chị chậm rãi bước theo tôi chỉ để dăn một câu: “Em với chị không biết nhau nha em”. Đã là “em” với “chị” mà lại “không biết nhau”. Quả là nghiệt ngã, tôi chỉ gật đầu nhẹ để đóng cho tròn vai của một người…xa lạ!

Tối hôm sau, tôi vẫn bơ vơ trên cái hành lang nhỏ hẹp đó, bỗng tôi nghe tiếng ai đó ngâm bài thơ: “Nghe em vào Đại học/Nửa tin, nửa ngờ tên lại trùng tên/Hôm nay nhận thư em/Nét chữ nghiêng nghiêng cười trên giấy trắng/Anh ngồi đây mà thấy trời hửng nắng…

Chất giọng nhẹ nhàng, truyền cảm, tôi rưng rưng, chưa kịp khóc thì thấy bóng ai đó, tôi chưa nhận diện được vì chỉ thấy có cặp mắt…nhưng giọng nói thì tôi không nhầm lẫn được, đó là LNE: “Chị vô hồi nào vậy, trong này có…nhưng mình không biết ai hết nha chị, nước chanh nè, chị uống đi cho khỏe…”.

Ca nước chanh được chuyền đến chỗ tôi và bóng người thụt mất. Tôi hình dung phải cõng lên nhau vì tường phòng giam rất cao nên không thể đứng lâu được và đã gọi là người xa lạ thì làm sao dám chuyện trò???

Mấy đêm sau, vẫn giọng ngâm thơ xé lòng đó, sau đó là những bài hát: “Chốn lao tù là nơi ta rèn tâm trí/Đây cũng là chiến trường mà ta không cần vũ khí…”. Thỉnh thoảng, lại nghe tiếng la: “Ồn ào quá, ngủ giùm đi mấy ông nội”. Tiếng hát dứt, nhưng âm vang đọng lại mãi trong lòng những người tù.

Đó là khi…

Vào một buổi chiều, lang thang trên đường Đinh Tiên Hoàng, tôi thấy anh VVN. Tôi quên sao được cái áo sơ-mi trắng, cái lưng hơi còng và đôi giày tây mũi nhọn của anh. Ấy vậy mà anh đi lướt qua tôi, không nhìn lại, cứ y như là người xa lạ.

Mãi về sau này, tôi mới hiểu, ở thời điểm đó, vì sao CT nhóm Việt Hán phải làm mặt lạ với người em gái Văn Khoa vốn thân quen với anh.

Những người Văn Khoa…xa lạ của thời ấy, tôi đã gặp lại đầy đủ sau 1975, nhưng cũng chưa có lúc nào cùng ngồi với nhau để nhắc “chuyện đời xưa”.

Bây giờ thì anh HNH thì đã vĩnh viễn xa. Khi thắp hương cho anh ở nhà tang lễ LQĐ tôi đã bật khóc vì bỗng nghe đâu đó “Nghe em vào đại học…”.

Những bài hát, những câu thơ…trong tù đã cho tôi hiểu biết bao điều quý giá. Những cái nhìn thân thương như xuyên suốt tâm can mà phải vờ như xa lạ của anh em, bè bạn cho tôi thấm thía sự cao quý của tình bạn.

Và…năm tháng qua đi, chúng ta đang già đi, kẻ còn, người mất, nhưng đó là những năm tháng chẳng thể nào quên!

5-7-2011

Cỏ May
Đọc tiếp ...

Thứ Ba, 5 tháng 7, 2011

Những giọt nước mắt...Văn Khoa

Hồi đó...tôi hay khóc, khóc vì nhiều lý do, chính đáng, không chính đáng, TN gọi tôi là "công chúa nhõng nhẽo" và tôi khá "nổi tiếng" với "danh hiệu" này.
Ừ, thì cứ cho là tôi nhõng nhẽo nên hay khóc nhưng cũng có nhiều lần...đâu có nhõng nhẽo mà nước mắt vẫn chảy tràn.
Ở Hội quán Văn Khoa
Cứ hễ nghe anh chị nào bị bắt là tôi chui vào cái phòng nhỏ xíu, chỗ có để mấy thùng nước đá và các vật dụng của Hội quán rồi khóc nức nở. Mà tôi có một cái bệnh là hễ khóc thì xỉu vì hạ calci! Đã rối, tôi còn làm cho người khác rối thêm vì phải lo cho tôi!
Có lần tôi "bị" (cũng có thể nói là "được") chị D nhắc nhở: "Phải làm cái gì đi chứ, khóc hoài vậy cưng?". Tôi sợ chị nên không dám trả lời: "Em đâu có biết làm cái gì nhưng anh em, bạn bè của mình, tụi nó có quyền gì mà bắt?".
Là tôi nghĩ vậy thôi chứ nào dám nói vì mình khóc giống "tiểu tư sản", bị la là đúng rồi, oan ức gì nữa mà thanh minh?!
Ở khám Chí Hòa
Tôi đi thăm anh NTK, nhưng nhìn thấy những anh khác, đi không nổi, phải có người dìu, vậy là tôi khóc, lâu lâu bị "thủ trưởng" nhắc: nãy giờ em có nghe anh nói gì không? Em nhớ anh dặn gì không? Dạ có, em nghe, em nhớ rồi....
Tôi không thể ngăn được những giọt nước mắt xót xa, tôi thật sự chưa hiểu nhiều về các anh, về lý tưởng mà các anh đang theo đuổi nhưng tôi mới gặp các anh đây thôi, đàng hoàng, chững chạc với những lời lẽ vô cùng thuyết phục thì giờ đây, anh nào cũng như "bơi" trong bộ quần áo đen của những người tù, đi xiêu vẹo mà mắt vẫn ngời sáng. Họ có tội gì mà phải chịu kiếp tù đày?
Không nhớ ai đã "phân công" tôi đi thăm nuôi anh VĐN, dường như các anh ở miền Trung, không có gia đình thăm nuôi là chúng tôi (nhóm nữ SV VK) đảm nhận việc này, vô tư như bản chất vốn có của việc thăm nuôi.
Anh N mới bị bắt nên khi tôi thăm, anh đứng trong lưới sắt, tôi đứng bên ngoài, không được vào phòng thăm nuôi như anh NTK. Chỉ vừa thấy bóng dáng anh là tôi khóc. Khóc vì cái lưới sắt, vì cái rào cản giữa tôi và anh, khóc vì cái dáng tiều tụy, gương mặt khắc khổ của anh..Tôi nghĩ anh cũng bị tra tấn nhiều như những anh chị khác. Nơi đó, mỗi người nói một câu, rất ồn ào, mà sao kẻ đứng trong lưới sắt, người ngoài lưới sắt? Tự nhiên sao bạn tôi phải ở tù??? Sao mà tủi cực vậy? Tôi không khóc sao được? Tôi chỉ đưa thức ăn cho anh thôi chứ có chuyện gì đâu mà nói...thật tình là như vậy. Nhưng 2, 3 lần sau đó, tôi vẫn khóc và anh N đã rụt rè nói: "Lần sau, đi thăm tui, đừng có khóc nữa nha, bị hiểu lầm đó.., tui bị chọc quá trời...". Người nói cũng thật thà mà người khóc còn thiệt thà hơn!
Trên đường về (lúc đó, để không bị Công an chú ý, tôi đi đến Chí Hòa bằng xe taxi), tôi suy nghĩ: mình và anh N hiểu nhau là được rồi, ai hiểu lầm nhỉ?! Thôi, chết rồi, lúc đó, VĐN là của...HN chứ nào phải của...tôi! Lại khóc, nhiệt tình bị..."xúc phạm"!
Gặp lại chị HD
Chị D đến nhà tôi sau khi ở tù ra. Vừa thấy chị là tôi khóc, không ngăn được đến nỗi ba tôi bước ra và có vẻ ngạc nhiên. Thật ra, chưa bao giờ ba tôi xuất hiện ở phòng khách khi tôi tiếp bạn bè nhưng tiếng khóc của tôi đã làm ba hốt hoảng vì không biết đã xảy ra chuyện gì, nhưng thấy chị D là ba tôi yên tâm và trở vào. Thật tình, tôi không nghĩ là được gặp lại chị sớm như vậy. Lúc đó, chị D là một phần của tôi, ngày nào chúng tôi cũng gặp nhau, tôi có thể nói tất cả mọi chuyện với chị và chính chị cũng là người đã đến với tôi đầu tiên với tư cách là một người cách mạng. Trong thời gian chị ở tù, tôi không thăm được nhưng vẫn lén gửi thư cho chị bằng cách bỏ thư cuộn nhỏ, dán kín, bọc kỹ vào gói mắm ruốc, ống kem đánh răng... Và, có lần tôi đã bị má của chị "chất vấn": "Bác hỏi thiệt con, hôm bữa con gởi mắm ruốc cho con D, con có bỏ cái gì trong đó không mà bữa nay nó không cho thăm nuôi rồi!". Tôi tái mặt, chối quanh co và tôi nhớ gói mắm đó đã "trót lọt" rồi, sao bây giờ còn bị chất vấn?
Để cho tôi khóc một chút, chị D từ tốn nói: "Em nín đi, có gì thì kể chị nghe, em khóc hoài, đâu có nói được gì...". Và tôi đã kể với chị tất cả nỗi buổn khổ của tôi: má tôi mất, ba tôi theo dõi sát sao mọi việc làm, mối quan hệ của tôi vì tôi cũng mới ra tù...Chuyện nhà đã buồn mà chuyện trường còn buồn hơn chị ơi, bị bắt hết trơn, còn có mình em, em chèo chống sao đây, công an thì nó làm dữ quá, nó chụp hình em rồi méc ba em...
Cứ vậy, hai chị em chuyện trò không dứt, nước mắt dành cho ngày gặp mặt
Trong đám tang má của anh NTK
Tôi thường đến nhà anh K để nhận đồ đi thăm nuôi anh. Tôi biết cả hai bác, nên khi bác gái bệnh nằm ở nhà thương Nguyễn Văn Học (nay là BV Nhân dân Gia Định) tôi có vào thăm và cũng đoán rằng với hơi thở nặng nhọc, khó khăn như thế này thì chắc anh K không về kịp.
Rồi bác mất, chúng tôi đi dự đám tang như những người con. Tôi nhớ đã khóc rất nhiều bởi những câu chuyện giữa tôi và bác không đầu đuôi, bởi hình ảnh của bác với cái giường được quay lên cao cho bác dễ thở, bởi anh K vẫn còn xa, xa lắc. Và trong chúng tôi, tôi tự hỏi: sẽ còn bao nhiêu người phải khóc mẹ-cha trong hoàn cảnh nghiệt ngã này..?.
Những giọt nước mắt ấy dẫu đã xa, rất xa, nhưng khi tôi nhớ lại, mắt vẫn long lanh, má vẫn ấm, hơi ấm của tình người.
Cuộc sống hôm nay bộn bề, vất vả, sau khi đã sống hơn nửa đời người, dĩ nhiên tôi không còn là "công chúa nhõng nhẽo" nữa, tôi biết chịu đựng, có khi lì lợm một chút bởi đã chai sạn nhưng những giọt nước mắt của thuở nào, với tôi, là những kỷ niệm còn sống mãi.
Cho phép tôi được gọi đó là "Những giọt nước mắt Văn Khoa".
5-7-2011
Cỏ May
Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 2 tháng 7, 2011

Những chiếc áo...Văn Khoa

Tôi không biết gọi tên những chiếc áo ấy, những chiếc áo mà sau mấy chục năm, tôi vẩn nhớ "lịch sử" của nó, nên đành gọi là "những chiếc áo Văn Khoa".
Bởi vì những chiếc áo đó thắm đượm nghĩa tình của người Văn Khoa.
Chiếc áo dài gấm màu vàng....
Ngày ấy, hội Nữ Sinh viên VK qui ước với nhau: mỗi dịp lễ hội, các nữ sinh viên mặc áo dài gấm màu vàng, cài hoa hồng màu đỏ. Chúng tôi răm rắp thực hiện với niềm tự hào: mình là nữ sinh viên Văn Khoa và mặc sắc áo ấy, dường như ai cũng đẹp, cũng dễ thương.
Vào một dịp lễ nào đó...tôi không nhớ rõ, chỉ biết rằng có một cô gái Huế đẹp, đẹp lắm, khiến biết bao chàng trai VK đã xao xuyến, không có chiếc áo dài màu vàng nhưng lại rất thích mặc và cũng rất thích được làm nữ SV VK. Tôi không biết là tôi may mắn hay...rủi ro mà cô bạn ấy mặc vừa vặn áo của tôi, như là áo may cho cô ấy vậy. Nhưng hễ ...mặc thì tôi...mất áo! Tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu và...một ngày "đẹp trời", tôi nói với..."trả áo lại nhé!". Cái áo của mình cũng có "cái giá" của nó và cái giá của người mặc nó nữa, tôi không muốn bị nhầm lẫn với người khác, nhất là nhầm lẫn với ...cô gái Huế xinh đẹp ấy. Sau này, nghe nhiều nghi vấn về cô gái ấy, tôi giật mình, mình tốt hay xấu bụng đây?!
Chiếc áo sơ-mi màu xanh:
Lại có một lần...công an (chìm-nổi) đứng đầy trường, đặc biệt là cổng trường để bắt anh VVN. Chúng tôi, những nữ sinh viên, cấp báo để anh đừng ra khỏi trường và "tổ chức" "giấu anh". Địa điểm là..".chuồng cu" trên lầu! Có vẻ cũng an toàn nhưng không lẽ anh ở hoài trên đó? Các em đã mua cho anh ổ bánh mì rồi nhưng vẫn không an tâm. Ngay lúc "dầu sôi, lửa bỏng" thì không biết bạn nào đã nghĩ ra việc "đổi áo" và anh VVN ra về an toàn. Nhưng tôi, khi biết sự việc thì lại cả quyết: coi chừng anh N bị bắt vì hết người đổi áo sao lại đổi cho tên công an chìm đó?! Tôi muốn nói đến nhà thơ Hồn Oan, đi học chỉ mặc áo sơ-mi xanh, quần nâu và anh N đã mặc chiếc áo xanh của Hồn Oan để ra khỏi trường. Tôi thì không chút nào tin tưởng ở anh chàng không thấy nụ cười, luôn vào Hội quán với cặp kính đen, giống hệt công an chìm! Cuối cùng, anh N an toàn mà người "không an toàn" là tôi, vì người bị tôi nghi ngờ là công an lại chính là người mang đến cho tôi tình yêu và giờ đây là "ba của sắp nhỏ"!!!
Chiếc áo lạnh
Tôi không nhớ ai đã nói (XH hay là MA), anh TQH sẽ bị đi đảo, ngoài đó, lạnh lắm mà anh H không có áo lạnh.
Chẳng chút ngần ngại, tôi đan ngay một cái áo màu xanh dương và gửi vào Chí Hòa cho anh H. Dạo đó, tôi rất thích đan nên lúc nào ở nhà cũng có chỉ, điều khó khăn cho tôi là tôi chưa từng đan áo của nam nên tôi không biết bỏ mũi chỗ tay áo. Tôi không dám hỏi những người trong nhà vì chắc chắn sẽ bị chất vấn: đan áo cho ai ?? Cuộn chỉ len có ở nhà không đủ nên tôi đi mua, và dịp may đã đến, tôi đánh liều, hỏi người bán chỉ, chị ta hướng dẫn tôi tận tình và còn trêu: "Đan áo cho bồ hả?". Dĩ nhiên, tôi thanh minh vội vã rồi về nhà đan áo cho kịp.
Mãi đến nhiều năm sau ngày hòa bình, gặp lại anh, tôi mới biết: khi xuống tàu, anh H không được mang theo thứ gì, kể cả áo của tôi và mắt kính của chị HD. Thật là uổng công!
Đọc tiếp ...