Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Nước mắt tháng Tư....

 

Những ngày tháng tư năm 1975,

dẫu đã gần 40 năm trôi qua nhưng khi hồi tưởng,

trong tôi,

vẫn còn những cảm xúc khó quên.



 

Photobucket


Ngày 25-4-1975, tôi về Mỹ tho chơi cuối tuần, như thói quen vốn có. Lần này, bỗng dưng chồng chuyển chỗ ở đến trường Phục Hưng (thay vì ở nhà trọ gần chợ Vòng Nhỏ như trước đây). Tầng trên của ngôi trường tư này là nơi cư ngụ của thầy Hữu, tôi không được phép biết mối quan hệ của thầy với chồng tôi. Nhưng thầy cô tiếp chúng tôi như những người khách rất thân tình. Tôi đang mang thai đến tháng thứ năm nhưng vẫn gọn gàng vì trước kia, tôi vốn ốm yếu.Mặc dù vậy, tôi vẫn được hưởng mọi ưu tiên như một bà bầu! Các con của thầy, gồm 4 người, trong đó, có một cặp song sinh (1 trai, 1 gái), Bảo Thư là cô gái út, rất dễ thương, luôn nũng nịu bên tôi để thỉnh thoảng được đưa tay lên bụng tôi, "thăm" em bé. Tôi nhớ mãi hình ảnh Thư, dẫn vợ chồng tôi đến quyết định: nhiều năm sau đó, đặt con gái của chúng tôi tên là "Thư". Tôi chỉ có việc ăn, ngủ và chơi, trong khi thầy, chồng tôi và chú Ba Ân cứ bàn tán chuyện gì chừng như bí mật nhưng cũng sôi nổi lắm. Vài ngày sau, khi cô bắt đầu may cờ thì tôi hay tin Đài phát thanh bị phong tỏa. Nhà tôi ở gần Đài phát thanh nên tôi có thể hình dung được dễ dàng cuộc chiến đang diễn ra tại đây mà tôi đã từng chứng kiến năm Mậu Thân. Không thể trở lại Saigon vào lúc này, cô "tiểu thư" nhớ nội, nhớ ba, nhớ nhà, nhớ bè bạn..., thắc mắc không biết mọi người đang làm gì mà mình thì lại an nhàn nơi đây?

Rồi ngày 30-4 lịch sử cũng đến, "nội các" ở trường Phục Hưng tự động giải tán, vợ chồng tôi trở về căn nhà trọ quen thuộc. Dõi mắt hướng về Saigon, thấp thỏm, nước mắt ngắn dài. Bà chủ nhà im thin thít, dò xét, khi thấy chồng và em trai ra khỏi nhà với súng và băng đỏ trên tay áo. Bà cũng chẳng chuyện trò líu lo với tôi như trước đây. Nhà không có thức ăn vì mấy ngày trước, tôi ở nhà thầy cô. Trước khi đi, chồng dặn: "Em ra quán mua 2 cái hột vịt, ăn đỡ, anh đi, chút về!".. Tôi biết mình không nên hỏi gì thêm, thôi thì, tôi và đứa con bé bỏng trong bụng, ở nhà vậy!

Khi thật sự chỉ có một mình, tôi suy nghĩ lan man, hết chuyện nọ đến chuyện kia...rồi chiến tranh cũng kết thúc, như một giấc mơ, như lời hát: "người đợi người trong ngày hội trùng tu..." mà chúng tôi vẫn cùng nhau hát trong những buổi sinh hoạt. Nhưng khi giờ phút mong chờ ấy đến thì cũng có biết bao kẻ khóc, người cười. Lính bại trận nháo nhác, người qua lại trong con hẽm nhỏ tấp nập. Tôi không rõ họ đi đâu, nhưng cứ kéo nhau đi, hình như họ đi về quê để trốn chạy một điều gì đó. Bà chủ nhà càng lúc càng dè dặt với tôi hơn, tôi nghe bà thì thầm với hàng xóm: "Việt cộng ở ngay trong nhà tui mà tui đâu có biết!". Không gọi điện thoại để liên lạc với gia đình ở Saigon được, tôi không biết làm gì để giết thời gian nên may áo, may tã cho con. Hạnh phúc đang ở bên tôi, tôi chẳng còn phải băn khoăn vì cái giấy hoãn dịch sắp hết hạn của chồng. Mẹ con tôi rồi đây không phải vò võ ngóng trông trong lo âu, sợ hãi. Buổi trưa, em chồng về, cũng vội vã như lúc ra đi: "Chiều, chị ba đừng chờ cơm em, chị ba đóng cửa rồi ngủ đi cho khỏe, em với anh ba không có sao đâu!". Sao hôm nay, thằng em bé bỏng, là học sinh lớp 10 của mình, oai phong vậy? Bỗng thấy nó lớn hẳn, chững chạc hẳn. Ở chung một nhà, nhưng mãi đến hôm nay, tôi mới biết em là ai...



Photobucket



Đúng một tuần sau, tôi được trở lại Saigon thì thành phố đã thật sự thay đổi. Tôi nhận công việc tiếp quản trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). bạn bè mỗi người một việc, chúng ta chưa có thời gian gặp lại nhau để mừng vui cho thỏa. Chỉ nghe nói rằng: bạn này thì..., bạn kia thì...Rất vui vì trong nhóm thân hữu nhỏ của chúng tôi vẫn trở về đông đủ, một vài người đang từ miền Bắc đang vào. Tôi rất muốn và đã hỏi thăm một người. Nhưng vì tôi không hỏi bằng bí danh (tôi làm sao biết!) mà hỏi tên "cúng cơm" nên được trả lời "không biết!". Có điều, tôi tin chắc là anh không chết, sớm hay muộn, tôi cũng sẽ được gặp lại anh.

Và...một ngày tháng năm nắng đẹp, có một anh mặc áo quần bộ đội đến tìm tôi tại trụ sở Hội Nhà giáo yêu nước (đường Mạc Đỉnh Chi). Chú bảo vệ báo tin, tôi nói ngay, không do dự: "Chú hỏi kỹ xem người ta tìm ai, con không có quen với ai là bộ đội hết!". Vào, ra hai, ba lượt, chú bảo vệ vẫn khẳng định người khách ấy tìm tôi. Tôi ra cổng, dáo dác nhìn và dừng lại ở nụ cười thân quen, ánh mắt nhìn tha thiết sau cặp kính cận. Bàng hoàng, xúc động đến tưởng chừng hàng cây trước mắt tôi đang chao đảo. Cuộc chiến khốc liệt đã lùi lại, tôi còn may mắn được gặp lại bao đồng đội thân thương và nhất là hôm nay, được gặp lại anh.

Tôi của ngày tháng 4 năm ấy và tôi của những năm 1970, 1972 không còn giống nhau nhưng cái dáng vẻ, giọng nói, nụ cười, ánh mắt mà tôi đang đối diện, một thời, đã cùng tôi đi vào giấc ngủ êm đềm, thì dường như, không có gì thay đổi. Chúng tôi đi bộ cùng nhau một quãng đường từ Mạc Đỉnh Chi, qua Nguyễn Đình Chiểu rồi về Nguyễn Bỉnh Khiêm...Tôi nhớ là không nói với nhau nhiều lắm, bởi vì, với tôi, gặp lại, là niềm vui nhưng cũng đồng nghĩa với một chút bẽ bàng, chua xót.

Năm 1972, bạn bè tan tác, kẻ ở tù, người ra đi, không lời từ biệt, nợ nhau một lời hẹn ước, trong đó, có anh. Văn Khoa ngày càng vắng. Hành lang cũ, lớp học xưa, giảng đường buồn hiu...Thật sự, chúng tôi không biết khi nào hết chiến tranh để gặp lại bạn bè, rồi thì...sinh, ly, tử, biệt, làm sao tránh khỏi..Chông chênh quá, đôi khi chân bước đi mà nước mắt tuôn trào. Văng vẳng bên tai, có tiếng ai nhỏ nhẹ: "Đừng khóc, em, nước mắt dành cho ngày gặp lại...".

Và hôm nay, trong cuộc hội ngộ này, tôi nhắc lại với anh: "Nước mắt dành cho ngày gặp lại, phải không anh?". Rồi chúng tôi chia tay, như bất cứ cuộc chia tay nào của hai người bạn.

Tưởng chừng có một hòn sỏi nào đó đã rơi xuống đáy hồ, chìm sâu, mất hút, chỉ còn những gợn sóng lăn tăn....



Photobucket

27-4-2012
Đọc tiếp ...

Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Nhật ký rời

Cuộc đời cứ như con sóng...
Sóng xô bờ, sóng lạ ra khơi
Sáng ngày 28-3-12...tại Medic, đưa ba chồng đi xét nghiệm tổng quát, chạy trong Trung tâm như con thoi, hết chỗ nọ đến chỗ kia, mong sao sớm nhận đươc đầy đủ các kết quả để BS khám lại. T là bạn của con trai, lại là học trò cũ, nên mọi việc thuận lợi. BS dừng lại hơi lâu, nét mặt căng thẳng khi xem phim phổi và đề nghị làm CT. Lúc đó, đã hơn 11g. Medic vẫn như chợ Tết (!). Linh cảm điều chẳng lành, một khối u, lành hay ác, không ai có thể biết vì chưa sinh thiết và cũng không thể sinh thiết. Năm nay ba 88 tuổi, cũng đã gọi là thọ. Ba hiền lành, không hay nói, cứ như là có thể chấp nhận mọi điều. Cái gì rồi sẽ đến? Đưa ba ra về, lòng nặng trĩu.

Sáng thứ bảy, 31-3-12: đi Đồng Tháp với BCH Công đoàn, chuyến đi mơ ước từ hai năm trước, giờ mới thực hiện được. Liên tiếp nhiều nhiệm kỳ, cùng làm việc với nhau nhưng chưa lần nào được đi chơi chung để giảm stress, để hiểu nhau hơn...
Nhiều lần bàn chuyện cùng đi du lịch nhưng đều thất bại, lần này, nhất định không đi "miền núi", cũng không "miền biển", chỉ là "miền quê" thôi. Một bạn trong BCH rủ chúng tôi về nhà bạn ở Cao Lãnh. Chúng tôi đi 3 xe, tài xế đều là thành viên của BCH, xuất phát ở 3 điểm khác nhau và chúng tôi đã gặp ở trạm thu phí đường cao tốc. 12g30 vào đến nhà bạn, căn nhà có vuông sân phơi lúa rộng đến nỗi tôi không đoán được diện tích. Tôi xắn tay vào bếp ngay để trộn gỏi gà, bạn ngạc nhiên: "Sao chị vào bếp vậy, em thì không, em đưa bạn bè về nhà nhiều lần, chỉ có ăn chơi thôi, các cháu làm...". Tôi thì không có thói quen chờ lên mâm...

Cháo gà ngon, lại còn thêm món cơm trộn, không phải là cơm chiên như vẫn thường ăn. Nguyên vật liệu giống nhau, nhưng không chiên nên lạ miệng. chúng tôi "chè chén no nê"! Tôi có cảm giác như đang ở quê nhà của tôi trong những dịp giỗ chạp.
Xong bữa trưa là đến tiết mục gói bánh tét của các bạn nữ và màn câu cá của các bạn nam. Đúng là nghề nào cũng lắm công phu, từ nhỏ tôi đã mê gói bánh tét nhưng lần nào cũng vừa "vào trận " là đã bị bà nội la té tát: "làm cái gì cũng không xong!" nên cho đến bây giờ, công việc này vẫn hoàn toàn xa lạ với tôi. Hôm nay, "thầy" của tôi là một cô bé học lớp 9, chỉ dẫn rất tận tình, rất "sư phạm". Tôi đã hiểu cách để hai miếng chuối vào giữa như thế nào, cuốn bánh lại, buộc sao cho chặt, cho khéo, không được thắt dây lại nhưng vẫn phải tạo được cái nút tròn xoe, dễ thương. Quan trọng nhất là hai đầu bánh, mãi đến cái bánh thứ tư, tôi vẫn không sao làm thành hình vuông được! Nhưng tôi được chấm điểm cao nhất vì buộc bánh khéo, cắn sợi dây vào miệng, giữ chặt, rồi quấn, rồi tạo mối, tỉ mỉ từng công đoạn...Ngồi trên bộ ván nhà bạn mà cứ tưởng đang ở trong gian bếp năm xưa với bóng dáng, tiếng rầy rà, cằn nhằn của nội...Bởi vậy, có khi các em nói gì tôi không nghe, không trả lời, đến nỗi các em phải "khen": "Cô tập trung chuyên môn quá!".
Cuối cùng bánh cũng xong, ngon hay không là do người làm nhân chứ không phải người gói! Ai cũng mãn nguyện và làm dấu riêng sản phẩm của mình để còn khoe! Lâng lâng trong lòng (mặc dù cái lưng đau cứng!), vì chưa bao giờ dám nghĩ mình gói được một đòn bánh tét hoàn hảo như thế này!

Buổi chiều, buffet nướng với món chuột đồng! Các bạn nam háo hức bởi mùi thơm phưng phức và bếp lửa rực than. Dĩ nhiên tôi chào thua món này. Tôi bày món khác, thịt kho cuốn bánh tráng, rau sống, không hiểu sao mọi người chưa biết món này và gọi là "món cô Thúy" rồi hưởng ứng hết sức nhiệt tình, không quên chừa một khoản cho món bún mắm.
Khoảng sân rộng được thắp sáng bằng 2 bóng đèn, lưới giăng lên để các bạn đánh cầu, rồi sau đó, đánh bài, canh bánh tét và...thưởng thức ngay. Dưỡng sức để ngày mai vui chơi tiếp nên tôi không tham gia, đi nằm sớm. Lắng nghe "hương đồng gió nội" rồi ngủ ngon giấc đến 4g00.

Thức dậy để nấu cháo đậu đen, ăn với dưa mắm, lại có thêm bánh tầm bì nước cốt dừa nữa, dân Saigon mê tít!

Thu dọn từ từ để tham quan Gáo Giồng, vườn nguyên sinh, có chim làm tổ, có bạt ngàn tràm. Đi xuồng trên sông hơn 2g, mát, sảng khoái và cũng chứng kiến những "mảnh đời trôi nổi" trên sông. Trời không nắng do ảnh hưởng bão nhưng mọi người ham vui, ham du ngoạn trên sông nên không nhớ đến cơn bão rớt! Muốn thấy rõ tổ chim thì phải lên đài quan sát, thương đôi chân nên không trèo, nằm võng đu đưa chờ các bạn. Chặng đường về thật cam go, vì đường thì chưa được 4m chiều ngang mà có đến hai chiếc xe ngược-xuôi, phải lách nhau mà đi, lại cũng không có dấu hiệu báo đường đang tắc! Sau chuyến du lịch này, tay nghề của các tài xế được cải thiện đáng kể!

Bữa trưa, ăn cháo rắn đậu xanh, nước cốt dừa cùng với cơm canh chua nấu với cá mới câu hôm qua. Không khí ấm cúng, thân thiết như bữa cơm của gia đình nông thôn miền Nam.
Thu xếp để rút binh thôi, sau khi nhận một gói quà to từ chủ nhà (xoài chín cây, mấy trái dưa leo ở nhà trồng, lại còn một khúc cá câu được nữa!)

Sáng ngày 3-4-12, vào trường lại với 4 tiết dạy. Giữa buổi nghe tin dữ: Ngọc không ổn từ hôm chủ nhật, vì vậy BV báo: có 2 hướng: tiếp tục mổ lần thứ hai hoặc là trả về nhà. Lựa chọn nào cũng đau lòng quá! Cả tháng nay, tôi không có một bài viết nào hoàn chỉnh về Ngọc, cứ sợ đó là điềm chẳng lành. Thư kêu gọi để vận động hỗ trợ N thì tôi viết. Nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ, đã khóc vì thư này, sự hỗ trợ rất nhiều từ GV, NV, SV và cựu SV khiến tôi vô cùng cảm kích. Đến nay, N vẫn không ổn, dù tỉnh táo nhưng đã đột ngột ngưng thở và phải cấp cứu nhiều lần. Điều đó, khiến nhiều người, trong đó, có tôi, vô cùng băn khoăn. Hồi còn ở BV NDGĐ, tuy xuất huyết não nhưng N vẫn tỉnh táo, cử động và tri giác đều tốt, nhưng BS đã nhiều lần giải thích: nếu không giải quyết thì nguy cơ tái phát rất cao và nguy hiểm đến tính mạng. Quyết định chuyển viện để giải phẫu không phải là quyết định của riêng ai nhưng N của hiện tại (thở máy, ăn qua ống, khai khí quản, sốt liên tục...) và nằm ở Hồi sức cấp cứu hơn 2 tuần nay không phải là N của 2 tuần trước. Liệu chúng tôi có sai lầm? BS vẫn khẳng định ca mổ thành công, tính mạng được bảo toàn nhưng...tôi xót xa quá. lần nào thăm N, tôi cũng lặng lẽ khóc...N ơi, cô biết nói sao với em...

Sáng ngày 4-4-12, được mời dự lễ Kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Bây giờ mới biết tổ chức tiền thân của Công đoàn là Nghiệp đoàn giáo chức rồi sau này là Hội Nhà Giáo yêu nước. Nghe ôn lại truyền thống, ngồi cạnh chị Hồng Diệp, tôi nhớ những ngày gần giải phóng, bất chợt, chị T xuất hiện trước của nhà tôi, cứ như là giấc mơ... Sau đó, ba tôi và tôi đều là "người của chị" nhưng hai cha con không biết nhau. Và đến bây giờ, tôi mới biết, ba chính là người đã đọc lời kêu gọi giáo chức trên đài phát thanh Saigon những ngày ấy. Và cũng may là người ta còn nhớ để nhắc đến ba tôi. Ao ước nghe được lời kêu gọi được chính ba (một trí thức yêu nước đã suốt đời sống vì lý tưởng) đọc, để rồi... những năm cuối đờicũng chỉ như một nỗi buồn tàn thu!

Cũng có nhắc đến đội ngũ Trưởng ban điều hành đã tiếp quản các trường phổ thông, trong đó, có chị Diệp và tôi. Tôi còn nhớ, tôi được phân công về trường Nguyễn Bỉnh Khiêm vì lúc đó, tôi đang mang thai mà trường này gần nhà tôi. Ngày hai buổi, tôi đi bộ đến trường, thỉnh thoảng, lại vác bụng bầu, cuốc bộ lên Mạc Đỉnh Chi, trụ sở Hội Nhà giáo yêu nước để họp. Chẳng thể nào kể lại hết những lo âu của tôi khi tôi chỉ mới 23 tuổi, tốt nghiệp ĐH cách đó 1 năm, chưa hề có kinh nghiệm mà phải quản lý một đội ngũ thầy cô giáo, đa phần là những người lớn tuổi. Trong các buổi họp và học chính trị mà tôi là người điều khiển, thỉnh thoảng, tôi nghe có tiếng xì xầm: "Cô Việt Cộng này trẻ quá!". Ấy vậy mà tôi cũng làm tròn nhiệm vụ cho đến khi tôi về Mỹ Tho nghỉ hộ sản.

Chỉ mới mấy ngày thôi, chưa đầy một tuần, tôi đã có niềm vui như trẻ thơ khi thả hồn trên sông nước, chú tâm vào nồi bánh tét nghi ngút khói...rồi ray rứt buồn cả trong giấc ngủ bởi những dằn vặt của sống-chết đời thường...rồi nhớ lại một thời, tạm gọi là "thời xa vắng" với những ngậm ngùi...

Những con sóng đời sao cứ mãi lao xao...

Đọc tiếp ...