Thứ Sáu, 6 tháng 4, 2012

Nhật ký rời

Cuộc đời cứ như con sóng...
Sóng xô bờ, sóng lạ ra khơi
Sáng ngày 28-3-12...tại Medic, đưa ba chồng đi xét nghiệm tổng quát, chạy trong Trung tâm như con thoi, hết chỗ nọ đến chỗ kia, mong sao sớm nhận đươc đầy đủ các kết quả để BS khám lại. T là bạn của con trai, lại là học trò cũ, nên mọi việc thuận lợi. BS dừng lại hơi lâu, nét mặt căng thẳng khi xem phim phổi và đề nghị làm CT. Lúc đó, đã hơn 11g. Medic vẫn như chợ Tết (!). Linh cảm điều chẳng lành, một khối u, lành hay ác, không ai có thể biết vì chưa sinh thiết và cũng không thể sinh thiết. Năm nay ba 88 tuổi, cũng đã gọi là thọ. Ba hiền lành, không hay nói, cứ như là có thể chấp nhận mọi điều. Cái gì rồi sẽ đến? Đưa ba ra về, lòng nặng trĩu.

Sáng thứ bảy, 31-3-12: đi Đồng Tháp với BCH Công đoàn, chuyến đi mơ ước từ hai năm trước, giờ mới thực hiện được. Liên tiếp nhiều nhiệm kỳ, cùng làm việc với nhau nhưng chưa lần nào được đi chơi chung để giảm stress, để hiểu nhau hơn...
Nhiều lần bàn chuyện cùng đi du lịch nhưng đều thất bại, lần này, nhất định không đi "miền núi", cũng không "miền biển", chỉ là "miền quê" thôi. Một bạn trong BCH rủ chúng tôi về nhà bạn ở Cao Lãnh. Chúng tôi đi 3 xe, tài xế đều là thành viên của BCH, xuất phát ở 3 điểm khác nhau và chúng tôi đã gặp ở trạm thu phí đường cao tốc. 12g30 vào đến nhà bạn, căn nhà có vuông sân phơi lúa rộng đến nỗi tôi không đoán được diện tích. Tôi xắn tay vào bếp ngay để trộn gỏi gà, bạn ngạc nhiên: "Sao chị vào bếp vậy, em thì không, em đưa bạn bè về nhà nhiều lần, chỉ có ăn chơi thôi, các cháu làm...". Tôi thì không có thói quen chờ lên mâm...

Cháo gà ngon, lại còn thêm món cơm trộn, không phải là cơm chiên như vẫn thường ăn. Nguyên vật liệu giống nhau, nhưng không chiên nên lạ miệng. chúng tôi "chè chén no nê"! Tôi có cảm giác như đang ở quê nhà của tôi trong những dịp giỗ chạp.
Xong bữa trưa là đến tiết mục gói bánh tét của các bạn nữ và màn câu cá của các bạn nam. Đúng là nghề nào cũng lắm công phu, từ nhỏ tôi đã mê gói bánh tét nhưng lần nào cũng vừa "vào trận " là đã bị bà nội la té tát: "làm cái gì cũng không xong!" nên cho đến bây giờ, công việc này vẫn hoàn toàn xa lạ với tôi. Hôm nay, "thầy" của tôi là một cô bé học lớp 9, chỉ dẫn rất tận tình, rất "sư phạm". Tôi đã hiểu cách để hai miếng chuối vào giữa như thế nào, cuốn bánh lại, buộc sao cho chặt, cho khéo, không được thắt dây lại nhưng vẫn phải tạo được cái nút tròn xoe, dễ thương. Quan trọng nhất là hai đầu bánh, mãi đến cái bánh thứ tư, tôi vẫn không sao làm thành hình vuông được! Nhưng tôi được chấm điểm cao nhất vì buộc bánh khéo, cắn sợi dây vào miệng, giữ chặt, rồi quấn, rồi tạo mối, tỉ mỉ từng công đoạn...Ngồi trên bộ ván nhà bạn mà cứ tưởng đang ở trong gian bếp năm xưa với bóng dáng, tiếng rầy rà, cằn nhằn của nội...Bởi vậy, có khi các em nói gì tôi không nghe, không trả lời, đến nỗi các em phải "khen": "Cô tập trung chuyên môn quá!".
Cuối cùng bánh cũng xong, ngon hay không là do người làm nhân chứ không phải người gói! Ai cũng mãn nguyện và làm dấu riêng sản phẩm của mình để còn khoe! Lâng lâng trong lòng (mặc dù cái lưng đau cứng!), vì chưa bao giờ dám nghĩ mình gói được một đòn bánh tét hoàn hảo như thế này!

Buổi chiều, buffet nướng với món chuột đồng! Các bạn nam háo hức bởi mùi thơm phưng phức và bếp lửa rực than. Dĩ nhiên tôi chào thua món này. Tôi bày món khác, thịt kho cuốn bánh tráng, rau sống, không hiểu sao mọi người chưa biết món này và gọi là "món cô Thúy" rồi hưởng ứng hết sức nhiệt tình, không quên chừa một khoản cho món bún mắm.
Khoảng sân rộng được thắp sáng bằng 2 bóng đèn, lưới giăng lên để các bạn đánh cầu, rồi sau đó, đánh bài, canh bánh tét và...thưởng thức ngay. Dưỡng sức để ngày mai vui chơi tiếp nên tôi không tham gia, đi nằm sớm. Lắng nghe "hương đồng gió nội" rồi ngủ ngon giấc đến 4g00.

Thức dậy để nấu cháo đậu đen, ăn với dưa mắm, lại có thêm bánh tầm bì nước cốt dừa nữa, dân Saigon mê tít!

Thu dọn từ từ để tham quan Gáo Giồng, vườn nguyên sinh, có chim làm tổ, có bạt ngàn tràm. Đi xuồng trên sông hơn 2g, mát, sảng khoái và cũng chứng kiến những "mảnh đời trôi nổi" trên sông. Trời không nắng do ảnh hưởng bão nhưng mọi người ham vui, ham du ngoạn trên sông nên không nhớ đến cơn bão rớt! Muốn thấy rõ tổ chim thì phải lên đài quan sát, thương đôi chân nên không trèo, nằm võng đu đưa chờ các bạn. Chặng đường về thật cam go, vì đường thì chưa được 4m chiều ngang mà có đến hai chiếc xe ngược-xuôi, phải lách nhau mà đi, lại cũng không có dấu hiệu báo đường đang tắc! Sau chuyến du lịch này, tay nghề của các tài xế được cải thiện đáng kể!

Bữa trưa, ăn cháo rắn đậu xanh, nước cốt dừa cùng với cơm canh chua nấu với cá mới câu hôm qua. Không khí ấm cúng, thân thiết như bữa cơm của gia đình nông thôn miền Nam.
Thu xếp để rút binh thôi, sau khi nhận một gói quà to từ chủ nhà (xoài chín cây, mấy trái dưa leo ở nhà trồng, lại còn một khúc cá câu được nữa!)

Sáng ngày 3-4-12, vào trường lại với 4 tiết dạy. Giữa buổi nghe tin dữ: Ngọc không ổn từ hôm chủ nhật, vì vậy BV báo: có 2 hướng: tiếp tục mổ lần thứ hai hoặc là trả về nhà. Lựa chọn nào cũng đau lòng quá! Cả tháng nay, tôi không có một bài viết nào hoàn chỉnh về Ngọc, cứ sợ đó là điềm chẳng lành. Thư kêu gọi để vận động hỗ trợ N thì tôi viết. Nhiều đồng nghiệp, đặc biệt là các bạn trẻ, đã khóc vì thư này, sự hỗ trợ rất nhiều từ GV, NV, SV và cựu SV khiến tôi vô cùng cảm kích. Đến nay, N vẫn không ổn, dù tỉnh táo nhưng đã đột ngột ngưng thở và phải cấp cứu nhiều lần. Điều đó, khiến nhiều người, trong đó, có tôi, vô cùng băn khoăn. Hồi còn ở BV NDGĐ, tuy xuất huyết não nhưng N vẫn tỉnh táo, cử động và tri giác đều tốt, nhưng BS đã nhiều lần giải thích: nếu không giải quyết thì nguy cơ tái phát rất cao và nguy hiểm đến tính mạng. Quyết định chuyển viện để giải phẫu không phải là quyết định của riêng ai nhưng N của hiện tại (thở máy, ăn qua ống, khai khí quản, sốt liên tục...) và nằm ở Hồi sức cấp cứu hơn 2 tuần nay không phải là N của 2 tuần trước. Liệu chúng tôi có sai lầm? BS vẫn khẳng định ca mổ thành công, tính mạng được bảo toàn nhưng...tôi xót xa quá. lần nào thăm N, tôi cũng lặng lẽ khóc...N ơi, cô biết nói sao với em...

Sáng ngày 4-4-12, được mời dự lễ Kỷ niệm ngày thành lập Công đoàn Giáo dục Việt Nam. Bây giờ mới biết tổ chức tiền thân của Công đoàn là Nghiệp đoàn giáo chức rồi sau này là Hội Nhà Giáo yêu nước. Nghe ôn lại truyền thống, ngồi cạnh chị Hồng Diệp, tôi nhớ những ngày gần giải phóng, bất chợt, chị T xuất hiện trước của nhà tôi, cứ như là giấc mơ... Sau đó, ba tôi và tôi đều là "người của chị" nhưng hai cha con không biết nhau. Và đến bây giờ, tôi mới biết, ba chính là người đã đọc lời kêu gọi giáo chức trên đài phát thanh Saigon những ngày ấy. Và cũng may là người ta còn nhớ để nhắc đến ba tôi. Ao ước nghe được lời kêu gọi được chính ba (một trí thức yêu nước đã suốt đời sống vì lý tưởng) đọc, để rồi... những năm cuối đờicũng chỉ như một nỗi buồn tàn thu!

Cũng có nhắc đến đội ngũ Trưởng ban điều hành đã tiếp quản các trường phổ thông, trong đó, có chị Diệp và tôi. Tôi còn nhớ, tôi được phân công về trường Nguyễn Bỉnh Khiêm vì lúc đó, tôi đang mang thai mà trường này gần nhà tôi. Ngày hai buổi, tôi đi bộ đến trường, thỉnh thoảng, lại vác bụng bầu, cuốc bộ lên Mạc Đỉnh Chi, trụ sở Hội Nhà giáo yêu nước để họp. Chẳng thể nào kể lại hết những lo âu của tôi khi tôi chỉ mới 23 tuổi, tốt nghiệp ĐH cách đó 1 năm, chưa hề có kinh nghiệm mà phải quản lý một đội ngũ thầy cô giáo, đa phần là những người lớn tuổi. Trong các buổi họp và học chính trị mà tôi là người điều khiển, thỉnh thoảng, tôi nghe có tiếng xì xầm: "Cô Việt Cộng này trẻ quá!". Ấy vậy mà tôi cũng làm tròn nhiệm vụ cho đến khi tôi về Mỹ Tho nghỉ hộ sản.

Chỉ mới mấy ngày thôi, chưa đầy một tuần, tôi đã có niềm vui như trẻ thơ khi thả hồn trên sông nước, chú tâm vào nồi bánh tét nghi ngút khói...rồi ray rứt buồn cả trong giấc ngủ bởi những dằn vặt của sống-chết đời thường...rồi nhớ lại một thời, tạm gọi là "thời xa vắng" với những ngậm ngùi...

Những con sóng đời sao cứ mãi lao xao...

16 nhận xét:

  1. xin trăn trở cùng với chị, tháng tư lại gần về...

    Trả lờiXóa
  2. lắng nghe sóng đời lao xao nhưng bình yên chị nhé...

    Trả lờiXóa
  3. Chị ơi niềm vui thì tràn trề vẫn cứ rưng rưng đau xót trong những trang nhật ký viết như rút ruột của chị .
    Chia sẻ với chị ...

    Trả lờiXóa
  4. Có những cơn sóng đời cứ mãi lao xao... Bao nhiêu là chuyện, vui buồn, hỉ nộ ái ố... cuôc đời vốn thế. Chia sẻ với nhiều nỗi rưng rưng của CM. Dừng lại ở chỗ Ngọc thật lâu.. với nỗi sợ. Đến giai đoạn thở máy, ăn qua ống, khai khí quản, sốt liên tục... thì cũng đành CM ơi...

    Trả lờiXóa
  5. Entry này Em đọc trong một buổi tối mệt lử và giờ này vẫn còn ở Trường với mê mê công việc cho buổi Lễ ngày mai. hình dung Chị, vừa trăn trở với bổn phận, vừa đau đáu việc gia đình, vừa lại mang nỗi lo với người đồng sự trẻ... mà thấy thương Chị, thương em...
    Hic, chiều đến giờ em xoay công việc như chong chóng, làm hư cũng nhei62u, mà hư nhất là em buột miệng "hello Văn Khoa" mấy lần luôn Chị...Em thiệt hư!

    Trả lờiXóa
  6. Chia sẻ cùng em, có khoảnh khắc vui, nhưng những nỗi niềm trăn trở cũng không thể dứt ...

    Trả lờiXóa
  7. Nỗi niềm luôn có bên đời như những giọt nước mưa bên của kính, rồi sẽ khô đi và rồi lại có những cơn mưa, những giọt nước lại bên cửa kính... Hy vọng ánh nắng cuộc đời chị ơi!

    Trả lờiXóa
  8. Hy vọng mọi thứ rồi sẽ "khô đi" như giọt nước mua bên khung cửa nhà em, chỉ sợ người cũng...khô luôn đó em!

    Trả lờiXóa
  9. Đừng "hello", em cưng, chỉ biết, sóng đời đang lai xao ben chị, bên em.
    Cố lên em nhé!

    Trả lờiXóa
  10. Dạ, em đang lo nghĩ nhiều chị à, em đang về MT với cháu nội đây.
    Hôm nào em ghé chị để xả stress nha!

    Trả lờiXóa
  11. Khi nào sóng lặng thì mình sẽ bình yên, hy vọng vậy như vẫn hằng sống và mong uớc.

    Trả lờiXóa
  12. Cám ơn em, những buồn vui đời thường mà, biết khi nào...dứt?!

    Trả lờiXóa
  13. CM cũng sợ sự thật lắm, tối thứ sáu, có vào thăm N, vẫn tỉnh táo nhưng vẫn thở máy, khỏang 5p, đi ra và...nặng lòng!

    Trả lờiXóa
  14. "Co nhung niem rieng lam sao noi het..."
    Chuyen buon nao cung khong the bay di...
    Chuyen vui cung khong o lai mai ...
    Chi con moi minh ban yeu voi nhung tran tro nang long...

    Trả lờiXóa
  15. Viết được cũng là một cách chia sẻ và chờ đợi được chia sẻ...

    Trả lờiXóa