Thứ Sáu, 27 tháng 4, 2012

Nước mắt tháng Tư....

 

Những ngày tháng tư năm 1975,

dẫu đã gần 40 năm trôi qua nhưng khi hồi tưởng,

trong tôi,

vẫn còn những cảm xúc khó quên.



 

Photobucket


Ngày 25-4-1975, tôi về Mỹ tho chơi cuối tuần, như thói quen vốn có. Lần này, bỗng dưng chồng chuyển chỗ ở đến trường Phục Hưng (thay vì ở nhà trọ gần chợ Vòng Nhỏ như trước đây). Tầng trên của ngôi trường tư này là nơi cư ngụ của thầy Hữu, tôi không được phép biết mối quan hệ của thầy với chồng tôi. Nhưng thầy cô tiếp chúng tôi như những người khách rất thân tình. Tôi đang mang thai đến tháng thứ năm nhưng vẫn gọn gàng vì trước kia, tôi vốn ốm yếu.Mặc dù vậy, tôi vẫn được hưởng mọi ưu tiên như một bà bầu! Các con của thầy, gồm 4 người, trong đó, có một cặp song sinh (1 trai, 1 gái), Bảo Thư là cô gái út, rất dễ thương, luôn nũng nịu bên tôi để thỉnh thoảng được đưa tay lên bụng tôi, "thăm" em bé. Tôi nhớ mãi hình ảnh Thư, dẫn vợ chồng tôi đến quyết định: nhiều năm sau đó, đặt con gái của chúng tôi tên là "Thư". Tôi chỉ có việc ăn, ngủ và chơi, trong khi thầy, chồng tôi và chú Ba Ân cứ bàn tán chuyện gì chừng như bí mật nhưng cũng sôi nổi lắm. Vài ngày sau, khi cô bắt đầu may cờ thì tôi hay tin Đài phát thanh bị phong tỏa. Nhà tôi ở gần Đài phát thanh nên tôi có thể hình dung được dễ dàng cuộc chiến đang diễn ra tại đây mà tôi đã từng chứng kiến năm Mậu Thân. Không thể trở lại Saigon vào lúc này, cô "tiểu thư" nhớ nội, nhớ ba, nhớ nhà, nhớ bè bạn..., thắc mắc không biết mọi người đang làm gì mà mình thì lại an nhàn nơi đây?

Rồi ngày 30-4 lịch sử cũng đến, "nội các" ở trường Phục Hưng tự động giải tán, vợ chồng tôi trở về căn nhà trọ quen thuộc. Dõi mắt hướng về Saigon, thấp thỏm, nước mắt ngắn dài. Bà chủ nhà im thin thít, dò xét, khi thấy chồng và em trai ra khỏi nhà với súng và băng đỏ trên tay áo. Bà cũng chẳng chuyện trò líu lo với tôi như trước đây. Nhà không có thức ăn vì mấy ngày trước, tôi ở nhà thầy cô. Trước khi đi, chồng dặn: "Em ra quán mua 2 cái hột vịt, ăn đỡ, anh đi, chút về!".. Tôi biết mình không nên hỏi gì thêm, thôi thì, tôi và đứa con bé bỏng trong bụng, ở nhà vậy!

Khi thật sự chỉ có một mình, tôi suy nghĩ lan man, hết chuyện nọ đến chuyện kia...rồi chiến tranh cũng kết thúc, như một giấc mơ, như lời hát: "người đợi người trong ngày hội trùng tu..." mà chúng tôi vẫn cùng nhau hát trong những buổi sinh hoạt. Nhưng khi giờ phút mong chờ ấy đến thì cũng có biết bao kẻ khóc, người cười. Lính bại trận nháo nhác, người qua lại trong con hẽm nhỏ tấp nập. Tôi không rõ họ đi đâu, nhưng cứ kéo nhau đi, hình như họ đi về quê để trốn chạy một điều gì đó. Bà chủ nhà càng lúc càng dè dặt với tôi hơn, tôi nghe bà thì thầm với hàng xóm: "Việt cộng ở ngay trong nhà tui mà tui đâu có biết!". Không gọi điện thoại để liên lạc với gia đình ở Saigon được, tôi không biết làm gì để giết thời gian nên may áo, may tã cho con. Hạnh phúc đang ở bên tôi, tôi chẳng còn phải băn khoăn vì cái giấy hoãn dịch sắp hết hạn của chồng. Mẹ con tôi rồi đây không phải vò võ ngóng trông trong lo âu, sợ hãi. Buổi trưa, em chồng về, cũng vội vã như lúc ra đi: "Chiều, chị ba đừng chờ cơm em, chị ba đóng cửa rồi ngủ đi cho khỏe, em với anh ba không có sao đâu!". Sao hôm nay, thằng em bé bỏng, là học sinh lớp 10 của mình, oai phong vậy? Bỗng thấy nó lớn hẳn, chững chạc hẳn. Ở chung một nhà, nhưng mãi đến hôm nay, tôi mới biết em là ai...



Photobucket



Đúng một tuần sau, tôi được trở lại Saigon thì thành phố đã thật sự thay đổi. Tôi nhận công việc tiếp quản trường Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1). bạn bè mỗi người một việc, chúng ta chưa có thời gian gặp lại nhau để mừng vui cho thỏa. Chỉ nghe nói rằng: bạn này thì..., bạn kia thì...Rất vui vì trong nhóm thân hữu nhỏ của chúng tôi vẫn trở về đông đủ, một vài người đang từ miền Bắc đang vào. Tôi rất muốn và đã hỏi thăm một người. Nhưng vì tôi không hỏi bằng bí danh (tôi làm sao biết!) mà hỏi tên "cúng cơm" nên được trả lời "không biết!". Có điều, tôi tin chắc là anh không chết, sớm hay muộn, tôi cũng sẽ được gặp lại anh.

Và...một ngày tháng năm nắng đẹp, có một anh mặc áo quần bộ đội đến tìm tôi tại trụ sở Hội Nhà giáo yêu nước (đường Mạc Đỉnh Chi). Chú bảo vệ báo tin, tôi nói ngay, không do dự: "Chú hỏi kỹ xem người ta tìm ai, con không có quen với ai là bộ đội hết!". Vào, ra hai, ba lượt, chú bảo vệ vẫn khẳng định người khách ấy tìm tôi. Tôi ra cổng, dáo dác nhìn và dừng lại ở nụ cười thân quen, ánh mắt nhìn tha thiết sau cặp kính cận. Bàng hoàng, xúc động đến tưởng chừng hàng cây trước mắt tôi đang chao đảo. Cuộc chiến khốc liệt đã lùi lại, tôi còn may mắn được gặp lại bao đồng đội thân thương và nhất là hôm nay, được gặp lại anh.

Tôi của ngày tháng 4 năm ấy và tôi của những năm 1970, 1972 không còn giống nhau nhưng cái dáng vẻ, giọng nói, nụ cười, ánh mắt mà tôi đang đối diện, một thời, đã cùng tôi đi vào giấc ngủ êm đềm, thì dường như, không có gì thay đổi. Chúng tôi đi bộ cùng nhau một quãng đường từ Mạc Đỉnh Chi, qua Nguyễn Đình Chiểu rồi về Nguyễn Bỉnh Khiêm...Tôi nhớ là không nói với nhau nhiều lắm, bởi vì, với tôi, gặp lại, là niềm vui nhưng cũng đồng nghĩa với một chút bẽ bàng, chua xót.

Năm 1972, bạn bè tan tác, kẻ ở tù, người ra đi, không lời từ biệt, nợ nhau một lời hẹn ước, trong đó, có anh. Văn Khoa ngày càng vắng. Hành lang cũ, lớp học xưa, giảng đường buồn hiu...Thật sự, chúng tôi không biết khi nào hết chiến tranh để gặp lại bạn bè, rồi thì...sinh, ly, tử, biệt, làm sao tránh khỏi..Chông chênh quá, đôi khi chân bước đi mà nước mắt tuôn trào. Văng vẳng bên tai, có tiếng ai nhỏ nhẹ: "Đừng khóc, em, nước mắt dành cho ngày gặp lại...".

Và hôm nay, trong cuộc hội ngộ này, tôi nhắc lại với anh: "Nước mắt dành cho ngày gặp lại, phải không anh?". Rồi chúng tôi chia tay, như bất cứ cuộc chia tay nào của hai người bạn.

Tưởng chừng có một hòn sỏi nào đó đã rơi xuống đáy hồ, chìm sâu, mất hút, chỉ còn những gợn sóng lăn tăn....



Photobucket

27-4-2012

35 nhận xét:

  1. Em học văn không đến nỗi tệ, vậy mà giờ đây đọc bài viết của cô, em mới hiểu được câu nói xưa lơ xưa lắc "Ăn cơm quốc gia thờ ma cộng sản".
    Cám ơn cô!

    Trả lờiXóa
  2. Chia sẻ với CM giọt nước mắt tháng tư, vừa dành cho ngày gặp lại, cũng là dành cho cuộc chia tay ...

    Trả lờiXóa
  3. ek ek,.. tưởng tượng YS khoanh tay chào cô giáo CM... thấy thương quá, cái tếu táo lâu nay đâu rồi ta.. hehhee

    Trả lờiXóa
  4. Mỗi người trong chúng ta đều có hồi ức tháng 4... và những giọt nước mắt. CM còn có ngày hội ngộ để nhắc lại một lời nói, còn Hà thì người ấy đã bặt tăm.. mãi mãi cũng chả bao giờ gặp nhau nữa.

    Trả lờiXóa
  5. Em đã được nghe chị kể chuyện này ờ ĐL một đêm có trăng :)

    Trả lờiXóa
  6. Em đã được nghe chị kể chuyện này ờ ĐL một đêm có trăng :)

    Trả lờiXóa
  7. Em đã được nghe chị kể chuyện này ờ ĐL một đêm có trăng :)

    Trả lờiXóa
  8. hú hú ...sao nó ra tới 3 cái com ?

    Trả lờiXóa
  9. Nước mắt tháng Tư ấy là giọt nước mắt trong veo nhưng ... mặn lắm. Nên xót lòng cho mãi đến hôm nay!

    Trả lờiXóa
  10. " Nó " đã xa lắc, xa lơ thì ta cũng nên cho " nó " vào văn khố Yên Sơn ơi.

    http://caibang9.multiply.com/photos/album/75/75

    Trả lờiXóa
  11. Chị ganh tị đó. Gió còm 1 thành 3. Chị còm ở "Bài học tháng tư" thì biến mất, mới trở vô còm lại thì ko vô đc.

    Trả lờiXóa
  12. hí hí hí Mul đang khùng đó chị ...Ai cũng rên . Có lúc ko vào được nhà :((

    Trả lờiXóa
  13. Cô thật sự không thích cái còm của em, vì nó...không văn học tí nào cả, dù mỗi người có thể và có quyền có những cảm xúc, cảm nhận khác nhau nhưng cô hơi thất vọng về một tâm hồn văn chương!

    Trả lờiXóa
  14. Đến giờ nghĩ lại, cộng với những thực tế đã trải nghiệm trong cuộc đời, em càng thấm thía về cuộc chia tay của...hai người bạn! Dù sao, vẫn còn chút gì để nhớ là hay rồi, phải không chị?

    Trả lờiXóa
  15. Không gặp lại, cũng có cái hay Hà ạ. Cứ vậy đi để giữ mãi những hình ảnh đẹp, những kỷ niệm.

    Trả lờiXóa
  16. Câu chuyện ấy vẫn mãi ở trong ký ức của chị với những điều có thể sẻ chia và những ngậm ngùi giữ mãi cho riêng mình!

    Trả lờiXóa
  17. Bởi vì nó "mặn" nên...xót, và có những thực tế còn làm mình...xót hơn!

    Trả lờiXóa
  18. Cám ơn anh đã chia sẻ để người viết thấy lòng mình ấm áp hơn.

    Trả lờiXóa
  19. Em thích quá đọan entry mà em lấy lại này Chị ơi... câu văn nhẹ bỗng, nhưng em hiểu, như từ chính mình mà ra: không có cuộc chia tay nào của hai người bạn mà nhẹ... và nước mắt chỉ dành cho ngày gặp lại giờ phải nuốt ngược vào trong nó xót lắm Chị à...
    Hòn sỏi lăn xuống hồ, chìm khuất nhưng không mất hút... em tin là nó nằm đâu đó vẫn ngoan trong ký ức ta, để khi trỗi dậy... thì sóng đời lăn tăn...

    Trả lờiXóa
  20. Quá khứ đã qua, thiết nghĩ chúng ta chỉ nên giữ lại những kỷ niệm đẹp ...và chuyển Nỗi Buồn thành ... Ý Chí Xây Dựng Hài Hòa

    http://caibang9.multiply.com/photos/album/75/75
    http://caibang9.multiply.com/journal/item/189/189

    Trả lờiXóa
  21. Một chút nhớ thôi, đôi khi cũng cần, cũng đủ như là dưỡng khí của tâm hồn. Có một thời gian dài lắm, chị sống bằng nỗi nhớ, trong lòng luôn nhủ rằng, có một ai đó, ở đâu đó, để mình và người ấy nghĩ đến nhau, nhớ đến nhau, là được rồi, đủ để sống rồi, khi mà không thể nào hơn.
    Nhưng đến bây giờ thì chị nghĩ khác. Một mình, cũng đủ rồi. Bởi vậy, những "cái hẹn kiếp sau" đều đã hủy.

    Trả lờiXóa
  22. Q thật sự rất thích ý tưởng này của anh đấy, huynh trưởng ơi!

    Trả lờiXóa
  23. Vui khi Thanh Quế đồng cảm.
    Buồn, bực không những chỉ làm ta khó chịu, bị cao máu mà chỉ kéo dài sự bất hòa phải không Thanh Quế? ;>)))

    Trả lờiXóa
  24. Đã buồn và bực thì ai cũng vậy phải không huynh trưởng? Nó khiến ta thân tâm khó bề an lạc...
    Nhưng, để thân tâm anlạc, thời lại khó... hic!

    Trả lờiXóa
  25. Dạ, Q bắt chước anh CB, sống vui, khỏe, hài hòa ...

    Trả lờiXóa
  26. Cũng không khó lắm đâu Minh à.
    Mỗi lần buồn bực thì anh dừng lại và thở theo Thiền Khí Công để lấy lại sự bình tâm.

    Minh thử dùng bài Khí Công Chưởng Tâm Pháp dướoi đây xem có hiệu quả không nha.

    http://caibang9.multiply.com/video/item/16

    TABTT

    Trả lờiXóa
  27. Úi ! Nói gì vậy! Dân Văn Khoa mà bắt chước dân võ biền ?

    Trả lờiXóa
  28. Em cám ơn Huynh Trưởng...
    Khí công này có giống... công phu hông Anh? Em đang cần cái đó lắm... hihi!

    Trả lờiXóa
  29. Công phu ? Công phu gì chứ ?

    Khí công = công phu thở

    Trả lờiXóa
  30. Nhanh thật, như vừa chớp mắt một cái vậy mà đã gần 40 năm. Cỏ May thì vẫn như ngày xưa, những giọt nước mắt....

    Trả lờiXóa
  31. Em nói vậy là cũng chỉ an ủi chị Cỏ của em thôi, bi giờ làm sao "vẫn như ngày xưa" được?
    Vật đổi sao dời rồi, chỉ có tình cảm thì "y vậy", em nhỉ?

    Trả lờiXóa
  32. Là Kungfu giống như ...của Thành Long- Jacky Chan đó Huynh Trưởng, em đang cần cái đó lắm... hihi!

    Trả lờiXóa
  33. Em cưng ù à, nói "mất hút" nghe cho...có màu sắc văn chương vậy thôi em, nếu "mất hút" thì làm sao viết được entry khá hoàn chỉnh hả em? Nó vẫn còn "lăn tăn" mãi đó thôi!
    Chị cũng ưng ý nhất đoạn cuối thì lại được em chia sẻ, cám ơn em.

    Trả lờiXóa
  34. Em đọc mấy lượt rồi, đến hôm nay mới comment cho chị. Em hiểu, chị đã hủy những "cái hẹn kiếp sau" như chị đã từng chia sẻ và em cảm ohu5c chị bởi vì chị đã dứt khoát trong suy nghĩ để an nhiên mà sống "một mình, cũng đủ rồi".

    Trả lờiXóa
  35. Qua đọc lại bài cũ - CM viết thật cảm xúc. Nhớ lưu lại tất cả vào máy của mình nha CM để muti nuốt hết thì uổng lắm.

    Trả lờiXóa