Thứ Tư, 4 tháng 7, 2012

Những ngôi trường (1)

 Trường Bổ túc công nông

Tháng 10-1975, tôi từ Tp.HCM chuyển về Mỹ tho, được nghỉ thêm 2 tháng thai sản để chờ trường Bổ túc công nông của Mỹ Tho khai giảng.

Lúc đó, chúng tồi chỉ có khoảng 15 người, là những người có lý lịch tốt (đã tham gia cách mạng, là gia đình cách mạng) và một vài giáo viên từ miền Bắc vào.Cơ sở của trường là trường Tân Dân (một trường tiểu học dạy tiếng Hoa), ở phường 2, qua khỏi cầu Quay một đoạn. Hiệu trưởng lúc đó là cô Hai Nhiên. Việc gì chúng tôi cũng cùng nhau làm, không phân biệt giáo viên hay nhân viên. Trường bắt đầu chiêu sinh, các lớp cấp 1 nhiều học viên hơn nên học ở các phòng học phía sau sân bóng rổ. Các lớp cấp 2 thì học ở dãy phòng phía trên, nơi đây cũng là văn phòng làm việc của trường. Một số giáo viên, nhân viên ở tại trường, dãy nhà tập thể, phòng nào cũng nhỏ, nóng.

 Vậy mà, trong khuôn viên nhỏ bé ấy, nhiều học viên đã tốt nghiệp cấp 1 rồi cấp 2, cũng có những đôi đã thành duyên. Đa số học viên đa số đã có tuổi và với họ, việc cầm súng dễ hơn học chữ nhiều. Do đặc thù của chương trình Bổ túc, chúng tôi phải dạy một ngày 2 buổi: sáng là chương trình chính khóa và chiều là phụ đạo. Mỗi học viên, trong một niên khóa, có thể học tối đa 3 cấp lớp, họ học miệt mài, thì chúng tôi, cũng phải dạy liên tục, không dám kêu than.Vì chưa bao giờ tiếp xúc và giảng dạy đối tượng đặc biệt này nên chúng tôi có nhiều lúng túng, dễ dãi quá thì không được, nghiêm khắc một chút thì bị phê bình, góp ý ngay.
Tôi không sao quên được chú Mười H, đi học khi tuổi đã xấp xỉ 60, tiếp thu chậm hay quên nhưng lại thích những con điểm 8, điểm 10. Chú thường xuyên năn nỉ: "cho điểm cao, hăng, học mới nổi!". Thỉnh thoảng, tôi và vài đồng nghiệp khác bị Chi Bộ phê bình "tiểu tư sản", chúng tôi lại tỉ tê tâm sự rồi cùng nhau chia sẻ, động viên. Lúc đó, dường như không ai dám có ý nghĩ thay đổi công việc hay xin chuyển đi trường khác vì chúng tôi là thành phần được chọn lựa mà! Hơn nữa, ở cái thời mà người đi làm việc mới có các tiêu chuẩn: gạo, thịt, cá, vải vóc, đường, sữa...thì làm sao dám nghỉ việc?
Ôi, những năm 1975, 1976, 1977 sao mà khó khăn đến...thảm! Một số chị em trong chúng tôi đã có gia đình nên không tránh khỏi tình trạng bầu bì rồi nuôi con nhỏ, con cái đau ốm liên miên, mẹ cũng suy dinh dưỡng...! Trường trở thành nhà trẻ, các con bò lê la dưới đất cho mẹ dạy, đôi khi học viên còn gữi trẻ giùm cho cô. Lúc đầu, lớp được phân một diện tích đất nhỏ để trồng rau (gọi là có lao động!). Đó cũng là công việc của giáo viên chủ nhiệm lớp.Nhưng chủ nhiệm mà "tiểu thư". lại còn có con nhỏ như tôi thì chỉ đứng nhìn học viên cày xới rồi thu hoạch. Rau xà lách, cải xanh được chở xe đạp đi bán, thu được chút tiền cho quỹ lớp. Phải công nhận là các học viên của tôi rất xuất sắc trong "món" này. Có lần đi đào kênh, tôi cũng phải hướng dẫn học viên mà vô cùng ái ngại, vì tôi cầm cây cuốc không nổi thì hướng dẫn cái gì đây?! Gọi là "chịu trận" chứ không phải "đứng mũi chịu sào". Đến trưa, học viên "yêu cầu" tôi phải về vì em bé ở nhà, từ sáng, phải nhịn sữa! Đến năm 1977, có phong trào trồng cao lương, trường được cấp đất ở Tân Mỹ Chánh thì chúng tôi nhận một diện tích đất lớn hơn, công việc vất vả hơn, đường đi cũng dài hơn.

Mỗi tuần, ba buổi tối, tôi còn phải đến UBND Mỹ Tho dạy cho một lớp cán bộ cấp cao. Phòng học cũng là nơi làm việc, buổi tối, không có người giữ xe nên chiếc xe đạp của tôi phải mang lên phòng học. Tuy hết sức cố gắng, nhưng tôi không sao xê dịch nổi  xe lên các bậc thang cao. Tôi được trợ giúp và lớp thường không vắng học viên nào, chỉ vì: "thích giọng đọc thơ của cô giáo, mấy thầy người Bắc, nói gì, tụi tui nghe không kịp!".

Ngoài giờ dạy, chúng tôi làm đủ thứ nghề: trồng rau, nuôi heo, đan len cho tổ hợp xuất khẩu...Chị T ngày nào cũng chạy xe đạp về Bến Tre, xe của chị chất đầy những dừa, chuối..., chị vất vả lắm mà lúc nào cũng vui vẻ, sẵn lòng với bạn bè nên tôi yêu quý chị vô cùng. Chị T hay cho chúng tôi ăn chuối và hay rủ chúng tôi lên nhà chị chơi. Chị có đủ các loại chuối (chuối khô, chuối ép, chuối hồng..) mà loại nào chúng tôi cũng thích. Chị L thì không có gia đình nên luôn gồng gánh công việc cho những người có con mọn như tôi.

Tôi làm việc tại trường Bổ túc công nông hơn 3 năm. Thời gian tuy chưa dài lắm nhưng cũng đủ để tôi suy gẫm về sự khác biệt giữa những điều mà một tiểu thư từng sống trong tháp ngà hạnh phúc như tôi đã từng tuyệt đối tin tưởng với những thực tế của đời thường. Cái "Đời thường" mà mỗi chúng ta rồi cũng phải trải qua để từ đó, thêm giàu có về vốn sống để mạnh mẽ thêm, gan lì hơn.

Sau đó, tôi chuyển về Phòng Giáo dục rồi tiếp tục đến một số trường khác, cũng ở tại Mỹ Tho nhưng có lẽ vì mải lo cơm áo, gạo tiền nên chúng tôi... lạc mất nhau. Gần đây, chị L, hiện đang định cư ở Úc, thông qua blog của BS Đỗ Hồng Ngọc, nhờ cái tên đặc biệt của tôi mà chị nhận ra tôi và nhờ BS cho số đt của tôi. Khi chị gọi về, giọng nói quen thuộc, cách nói chậm rãi không khác xưa của chị đã khiến tôi nghẹn ngào. Nhất định chị em mình không lạc nhau nữa nghe chị. Chị có về Việt Nam một lần, lặn lội đi thăm chị T nhưng vì tôi đã về SG nên không gặp được tôi, không ai biết tin tức của tôi. Chị cho tôi số đt của chị T. Thật là hi hữu, người trong nước với nhau mà lại phải nhờ một người ở nước ngoài mới tìm được nhau.

Chủ nhật, 17-6-12, tôi đã về Tân Thạch (Bến Tre) để thăm anh chị T. Gần 28 năm chúng tôi mới gặp lại nhau, mặc dù chị và tôi chỉ cách nhau có cái cầu Rạch Miễu. Chị về ở hẳn trong ngôi nhà mà ngày xưa chị đã đi-về hằng ngày. Khi còn làm việc chung, thấy chị quá vất vả nuôi con, tôi hay nói: "Em bái phục chị". Chị luôn cười thật hiền: "Nuôi con mà em, rồi em cũng như chị thôi!". Giờ các con của chị đã thành danh, anh chị không còn dạy học nữa và đã chuyển sang nghề khác. Nhìn cơ ngơi của chị, thấy anh chị vẫn hạnh phúc, tôi nhẹ lòng. Trước đây, mỗi lần nhớ chị, tôi thường xót xa: không biết cuộc sống của chị giờ ra sao, có còn cơ cực như xưa không?
Bữa trưa, anh đãi tôi món cháo cá lóc mà anh đã chuẩn bị để hai chi em có thời gian tâm sự. Cá lóc ruộng sao mà ngọt ngon.
Mấy cây bưởi của chị sai trái thấy ham.

Tôi nhờ anh chụp hình để khoe với chị L, chúng tôi đã gặp nhau, vui vẻ như thế này...nhắc chuyện xưa, kể chuyện của mấy chục năm xa cách...và những câu chuyện cứ nối nhau không dứt.
Hơn 4g chiều tôi mới chịu về, anh lãnh nhiệm vụ làm tài xế đưa tôi về Mỹ tho. Đúng là, "được ăn, được nói, được gói đem về", chị cho tôi một cặp bưởi to, một chai nước màu dừa do chị làm, một gói chuối ép với lời giải thích: "Hôm chị L về đây chơi, chị cũng có tặng chuối này, đem qua Úc ăn, chắc thấy ngon nên chị L có đt về nhắc chị, khi nào gặp em thì phải cho em món này!". Mãi mãi em vẫn là đứa em nhỏ của các chị. Những người chị của tôi, tôi phải nói như thế nào về những gì mà các chị đã dành cho tôi?



Duyên may đã cho em gặp lại các chị và chúng ta chẳng bao giờ xa nhau nữa. Em sẽ về thăm chị T lần nữa với nhiều bạn khác. Hứa hẹn những cuộc họp mặt khác ấm áp, vui vẻ, râm ran những câu chuyện ngày xưa-bây giờ....


12 nhận xét:

  1. Hạnh phúc luôn ở bên ta, miễn có lòng với nhau, hén bạn yêu!
    Mình cũng vừa về sau một ngày vui như thế với những anh chị đồng môn, đồng hương! Bữa cơm nhà vườn tuy không sang trọng nhưng chất ngất nghĩa tình!
    Mong bạn mình luôn thêm nhiều cuộc gặp gỡ đẹp vậy.

    Trả lờiXóa
  2. Nhắc thời gian khổ ấy sao mà ngậm ngùi!!!

    Trả lờiXóa
  3. Bạn hiền biết không, chị T mà mình nhắc đến chính là dì ruột của chị Hồ Thị Minh Nguyệt đó, bởi vậy, hai chị em mới có những ân tình đặc biệt...

    Trả lờiXóa
  4. Còn biết bao nhiêu điều chưa nói và có lẽ cũng...không thể nói!

    Trả lờiXóa
  5. Chúc mừng CM !
    Khi ta dư gỉa thì nhiều bè .... có gian lao mới biết ai thực sự là bạn phải không em?

    Trả lờiXóa
  6. Đời là vậy CM ơi. Khi trẻ ta theo đuổi lý tưởng ... đôi khi những gì được tuyên truyền thật hay ho, thật cao quý lại không phải là vậy ... để rồi có những cái ta chỉ có thể mang xuống tuyền đài! Nhưng đó cũng là những bài học vô cùng quí gía giúp chúng ta có cái nhìn rõ ràng hơn, trưởng thành hơn để thực sự đóng góp cho nhân quần xã hội!

    Trả lờiXóa
  7. "Nhất khóai ngộ cố tri" hén Chị, hơn nữa, mình lại ngộ cố tri ngày trên quê hương chớ không cần tha hương... em hồi 75-77 cũng còn nhỏ, nhưng vẫn nhớ hết những này tận khổ đó... để kể cho tụi nhỏ nhà em nghe... tụi nónghe, cười bò lăn, vì cứ tưởng em đang...tấu hài, thiệt tình...

    Trả lờiXóa
  8. Gặp lại bạn xưa, duyên may thiệt chị hả. Đọc nghe ngậm ngùi những ngày cũ nhưng vui cho bây giờ.

    Trả lờiXóa
  9. Ai bảo lúc nào em cũng toe toét ... hihihi

    Trả lờiXóa
  10. Tại em kể nên mới bị...cười do em thiếu nghiêm túc!!!!

    Trả lờiXóa
  11. Không thể nói nhưng vẫn nhớ hoài và thấy vui vì mình đã biết nhiều điều và tất cả đều là thứ quý giá!

    Trả lờiXóa
  12. Thật là duyên kỳ ngộ đó em, hôm đó, chị cũng có hỏi thăm chị Nguyệt và nhận được một số thông tin vui

    Trả lờiXóa