Thứ Sáu, 24 tháng 6, 2011

Từ thứ ba đến thứ sáu

 

Thứ ba, con dâu nuôi, dọn dẹp toalet, phòng dịch vụ mà ghê quá, không có chút nào hài lòng nhưng cá năm trên thớt rồi, biết làm sao đây? Gội đầu khô cho mẹ, tay con nhẹ nhàng massage, mẹ thấy dễ chịu đôi chút, "tóc mẹ còn đep quá", đúng rồi, không lẽ mẹ nói với con mái tóc này đã là nguồn thi hứng cho...người!

Hai mẹ con nói chuyện suốt, cũng vui, nhưng kể cho con nghe xong những bức xúc ở trường khiến mình bị shock thì huyết áp lên 14 rồi 15. Thôi, tạm ngưng, không suy nghĩ nữa, thiệt cho thân!

Huyết áp không ổn nên gọi cho L, nó vào cho thêm 1 liều Coversyl nữa và kể về bệnh của mình...nghe mới hiểu. Đúng là ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu, đó là...đương sự! Mình không thể ngờ sự nguy hiểm cua bệnh suy hô hấp. Nói chung, số mình chưa chết nên bệnh thì nặng mà khả năng tiếp thu thuốc lại tốt nên mới nhanh chóng hồi phục như vậy. L nói có mấy bệnh nhân của nó, trẻ hơn, khoẻ hơn nhưng điều trị có 1 ngày là bó tay...Thảo nào, đêm đầu tiên, nó không cho con trai ngủ, cứ bắt, bằng mọi giá phải canh chừng xem mình thở bằng oxy hay thở máy vì thở máy là nguy rồi! Mình không biết gì nên "con nhỏ giường số 9" vẫn vô tư, cứ nhìn 1 lúc 3 cái đồng hồ xem có cái nào chạy nhanh hơn cho đêm mau qua, ngày mau đến không? Và miên man suy nghĩ chuyện đời mà không màng tưởng đến việc mình đang cận kề với cái chết! Người vô tư là người hạnh phúc mà!

Chiều tối, con về, đường xa, vất vả, thương con quá! Cháu nội hỏi: "Mẹ về rồi bà nội ở với ai?". Sau đó, tự viết đơn: "Cô ơi, cô cho con nghỉ học để con đi Xài gòn để con thăm bà nôi con". Viết hay ghê mà còn sai chính tả nữa chứ, (Xài gòn) quên bỏ dấu nặng chữ "nội", nhưng rất có ý thức, cắt tờ giấy ngay ngắn rồi xin ba bao thư bỏ vô để mai đưa cho cô! Khi bà nội nói trong BV này, người ta không cho con nít vô thì...mất hứng! Không chừng mai mốt nối nghiệp bà nội, dạy môn Soạn thảo văn bản. Mình có dặn giữ lại tờ đơn này để làm kỷ niệm. Nằm trong Hồi sức, nhớ nhiều nhất là hai đứa cháu nội.

Tối thứ ba, chồng ngủ tiếp, mình vẫn dùng thuốc ngủ, anh có vẻ yên giấc hơn, thỉnh thoảng mình có nghe tiếng ngáy quen thuộc, sáng vẫn về sớm, làm điểm tâm cho con rể mang vào rồi đi làm luôn. Mình bắt đầu ăn được nên cũng đỡ áy náy.

Những ngày tiếp theo, cứ cặp nhiệt, đo huyết áp, nhận thuốc, ăn rồi ngủ, nghe nhạc, đọc báo, thỉnh thoảng tiếp khách...sướng như tiên! Chỉ mong đến giờ BS khám để hỏi xem diễn biến bệnh thế nào rồi, BS nói tuần sau mới xuất viện, thì cứ nằm, không cãi được thì đành vậy! Phổi chưa ổn lắm, không cần nghe BS giải thích mình cũng hiều vì vẫn chưa thể hít sâu, thở mạnh thì làm sao mà ổn được!

Con gái vẫn đem thức ăn trưa cho mẹ, thấy tất bật, đúng là con không quen cực khổ. Khi bằng tuổi con, mẹ đã một nách hai con, nghèo khổ, thiếu thốn, các con bệnh liên tục, mẹ mòn mỏi với BV, nhưng rồi cũng xong. Nhiều khi nghĩ lại, thấy mình dũng cảm thật! Và nói chung, ai cũng dũng cảm!

Tối thứ tư, con rể vào, đòi ngủ lại với mẹ nhưng mình không cho vì không còn truyền dịch nữa nên mình "dư sức qua cầu" mà, tội nghiệp con, sáng còn đi làm, vất vả cả ngày.  

Chiều thứ năm là một buổi chiều "khủng khiếp" đối với mình. Nhóm VK vào thăm, dĩ nhiên, lúc đầu mình vui vì có cảm giác còn được bạn bè quan tâm. Mình cũng đã từng thăm bệnh nhiều lần như vậy rồi mà. Nhưng không hiểu hôm nay, các bạn vui chuyện thế nào mà nói liên tục, nói không ngừng nghỉ, chưa hết chuyện nọ đã bắt sang chuyện kia. Mình bắt đầu mệt vì thiếu không khí để thở, lại thêm ái ngại với giường cạnh bên vì ồn ào quá. Mình nhắc khéo nhiều lần nhưng mọi người không ngừng, chưa có ý định đi về thì mình biết làm sao đây? Đầu bắt đầu ong ong, tay chân lạnh rồi, may sao, con gái đem cơm vào! Mình đặt hàng món canh chua cá lóc nhưng đúng là ăn không nổi, huyết áp lên 14 nữa rồi!

Mình chợt giật mình, không biết những lần trước, thăm bạn bè bệnh nặng, mình có làm phiền họ như vậy không? Nhất là khi thăm anh Tri Chính lần cuối cùng, phòng thì chật hẹp, cũng không có chỗ ngồi như phòng mình, mình có ở lâu không? Có nói huyên thuyên không? Từ nay về sau phải dè dặt hơn thôi!

19-11-2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét